23/01/2025

Thầy – trò ngày càng cách xa?

Không ít sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ kể lại chuyện suốt 4 năm học vẫn không biết tên giảng viên (GV) bộ môn, GV chủ nhiệm, hiệu trưởng. Từ đó dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài: chen lấn, cãi vã với GV ở nơi gửi xe; tranh giành thang máy ở trường… Phải chăng mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng xa cách như nhận định của nhiều người?

 

Thầy – trò ngày càng cách xa?

Phải chăng mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng xa cách như nhận định của nhiều người? 

 

Thầy - trò ngày càng cách xa?
Thầy – trò mãi là tình cảm đặc biệt mà mỗi người học trò luôn khắc sâu ghi nhớ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Có khoảng cách vô hình?

Không ít sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ kể lại chuyện suốt 4 năm học vẫn không biết tên giảng viên (GV) bộ môn, GV chủ nhiệm, hiệu trưởng. Từ đó dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài: chen lấn, cãi vã với GV ở nơi gửi xe; tranh giành thang máy ở trường…

Trâm Dương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, nhận xét: “Đúng là có thực tế như vậy, thời buổi bây giờ học sinh và thầy cô không còn thân thiết nữa”.

Thậm chí có sinh viên Trường ĐH Văn Lang phản ánh khi làm đồ án, luận văn, GV không cần gặp SV mà chỉ hướng dẫn trao đổi qua điện thoại, email. Hay hiện trạng nhiều GV vì vật chất mà không ngại hạ, bớt điểm của sinh viên để buôn bán điểm nhận tiền. Cả thói vị kỷ, thực dụng trong xã hội đã len lỏi vào nhà trường… Theo họ, những điều này vô tình trở thành nguyên nhân nới rộng mối quan hệ thầy trò.

Tưởng chừng chỉ SV học trong những giảng đường quy mô lớn, ít có cơ hội tâm sự với GV mới có những nhận định này. Nhưng nhiều học sinh cũng xác nhận. “Thực sự là có khoảng cách đó. Nhiều GV cố gắng tạo cho mình những vỏ bọc nghiêm khắc. Cả tiết dạy chẳng nở một nụ cười nên học sinh phải học trong trạng thái sợ sệt, không thoải mái” – Đức Nghiêm, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai), nói.

Nhiều học sinh, SV đưa ra khá nhiều vụ việc suốt thời gian qua: học sinh hỗn xược với giáo viên vì bất mãn; thầy cô ngược đãi học trò, học trò hăm dọa thầy cô… Không ít ý kiến của thầy cô giáo cũng có chung suy nghĩ: “Đúng là ngày càng có khoảng cách giữa GV với SV. Mối quan hệ ân tình không còn được như xưa” – ông Nguyễn Thành Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm sự. 

Để xích lại gần nhau

Tuy vậy vẫn có những cách nhìn khác, như Uyên Phương, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng tùy mỗi người suy nghĩ khác nhau nên đôi khi có những cái nhìn phiến diện, chứ không hẳn mối quan hệ thầy trò xa cách.

Ông Huỳnh Lưu Đức Toàn, GV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và ông Võ Đăng Khoa, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) cùng nhận định: tình cảm, quan hệ thầy trò ngày càng gần hơn chứ không hề có khoảng cách. Bởi thông tin liên lạc phát triển, qua nhiều kênh mà giáo viên biết được tâm tư của học trò…

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – GV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khoảng cách giữa thầy trò ngày nay gần hơn và cũng xa hơn so với ngày xưa rất nhiều. “Gần là vì họ có thể kết nối với nhau bằng mạng xã hội, có cơ hội để “tám” qua email hay điện thoại. Nhưng vì ngày nay học sinh vận động quá nhanh, nên một số giáo viên nếu không vận động sẽ không theo kịp. Từ đó, khoảng cách giữa thầy trò ngày càng xa nhau ra, có một bờ vực ở giữa hai bên”, ông Hiếu giải thích.

Cũng theo ông, nguyên nhân của sự xa cách này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: sự kết nối của giáo viên và học sinh mờ nhạt do giáo viên phải tất bật với cuộc sống, học sinh phải tất bật với học hành. Ngoài ra, vị thế của người thầy ít nhiều bị lung lay do hàng loạt tiêu cực nảy sinh trong nhà trường liên quan đến đạo đức của giáo viên, và giáo viên cũng ít nhiều cảnh giác hơn khi đứng trước đông đảo học sinh…

“Học trò hãy hiểu và thông cảm cho vị trí của người thầy vì đôi lúc cũng phải nghiêm nghị để giữ gìn nguyên tắc và kỷ luật. Đừng làm tổn thương người thầy mà hãy thể hiện tình cảm chân thành đến tất cả thầy cô, dù là trẻ hay lớn tuổi. Cho đi điều gì sẽ nhận lại được điều tương tự. Còn giáo viên hãy hiểu tâm lý của học trò, trẻ trung trong phong cách dạy và giao tiếp, để dù tuổi tác có bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng “chạm” được vào tâm hồn của học trò, khiến họ cảm thấy thân thiết hơn”, ông Hiếu hiến kế để có thể xích lại khoảng cách này.

Trong khi đó học sinh, SV cho rằng phần lớn họ đều tham gia các mạng xã hội. Vì thế, thầy cô nên chăng cũng tham gia để qua những kênh này có thể trò chuyện, chia sẻ nhiều vấn đề, không chỉ là học tập nhằm giúp người trẻ có cảm giác thầy cô thân thiện và gần gũi nhiều hơn.

 

Bình luận

 Trần Anh Quân

“Bản thân tôi thì nghĩ khoảng cách giữa thầy cô và sinh viên xa hay gần là do chính bản thân những người trong cuộc tạo nên, nên không thể có nhận định chung được. Riêng tôi, vẫn mãi ghi nhớ công ơn của những thầy cô đã từng dạy dỗ, giúp đỡ, mãi mãi là như vậy”.

Trần Anh Quân 
(sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

 

Hồ Ngọc Đoan Khương 

“Để rút ngắn khoảng cách không có nghĩa là thân thiết như những người bạn đồng trang lứa, trò chuyện ngang hàng với nhau. Khoảng cách là để tạo sự phù hợp về mặt ứng xử xã hội chứ không phải tạo sự xa cách”.

 

Hồ Ngọc Đoan Khương
 (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) 

 

Phan Kim Yến  

“Tình thầy trò vẫn thân thiết và gần gũi. Học sinh chúng mình vẫn thường xuyên nói chuyện, tâm sự, chia sẻ mọi điều với thầy cô”.

 

Phan Kim Yến 
(học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, Vũng Tàu)

Xuân Phương – Ngọc Thiện
(ghi)

 

Nguyễn Thanh Nam