Một lần lỡ lời
Trong cuộc đời cầm phấn, tôi không sao quên được chuyện một lần lỡ lời, vô tình xúc phạm một học trò của mình.
Một lần lỡ lời
Chuyện là thế này, cách đây sáu năm, thứ ba hằng tuần tôi có tiết dạy lịch sử tại lớp 12A2. Biết các em ban tự nhiên không thích học môn xã hội nên tôi cố gắng đưa vào bài giảng những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất đang diễn ra để tạo hứng thú. Nhưng trong lúc tôi cố gắng giảng bài thì thấy một trò nữ ăn xôi rất tự nhiên. Tôi đã thấy khó chịu về hình ảnh xấu xí đó. Tôi nhắc nhở qua loa thì trò ấy vội giấu đùm xôi đang ăn dở xuống gầm bàn rồi lí nhí xin lỗi. Tôi bảo: “Lần sau để thầy bắt gặp ăn quà trong lớp là thầy sẽ phạt trò đấy”.
Đến thứ ba tuần sau, trong khi cả lớp đang im lặng thì tôi lại nhìn thấy trò ấy thậm thụt cúi xuống gầm bàn để hút nước dừa lại còn thi thoảng nhoài người sang bạn bên cạnh nói chuyện gì đó gây mất trật tự lớp. Tôi đi xuống gần chỗ ngồi của trò ấy thì thấy cả quả dừa đã cắm ống hút sẵn đang để dưới ngăn bàn. Không kiềm chế được sự tức giận, lần này tôi chẳng nhắc nhở như lần trước nữa mà yêu cầu trò ấy đứng dậy.
Đang lúc ức chế vì bị trò “phá bĩnh” tiết học, tôi thuận miệng đọc luôn câu: “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con – Những người béo trục béo tròn/ Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày”.
Thật lòng là khi đó tôi thấy trò ấy có hơi mập mạp, lại đang tức tối sẵn trong người vì nhìn thái độ học tập của trò thiếu nghiêm túc nên đọc chơi thôi. Gương mặt trò ấy đỏ ửng và tỏ ra rất xấu hổ trước lớp. Bỗng nhiên trò khóc òa rồi chạy ra ngoài. Tôi chưa kịp định thần thì trong lớp im phăng phắc chuyển sang xì xào bàn tán. Ba tiết học sau của tôi không thấy trò nữ ấy đến lớp. Tuy có thấy áy náy trong lòng nhưng khi ấy tôi tự trọng, không xuống nước hỏi về tình hình của trò nữ ấy. Phải đến tiết học thứ tư thì trò ấy mới đến lớp. Tôi để ý thấy trò trầm hẳn, tuyệt nhiên không bao giờ ngước nhìn vào mắt thầy. Tôi cũng phớt lờ, không gọi trò ấy lên bảng trả bài để lấy điểm miệng nữa.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy cái tôi của mình đã đặt không đúng chỗ. Nếu khi ấy tôi xin lỗi trò ấy một câu có lẽ đã nhẹ lòng hơn, để rồi đến bây giờ tôi đâu phải băn khoăn, áy náy thế này! Có lẽ những người làm thầy, làm cô như chúng tôi quen được nghe và nhận lời xin lỗi từ phía học trò (trong mỗi lúc trò mắc sai lầm) hơn là đối mặt với cái sai của mình (dù ít dù nhiều). Một lần lỡ lời mà bao nhiêu năm qua người đứng trên bục giảng như tôi vẫn chưa tìm được sự thanh thản trong lòng.
LONG BÌNH