23/12/2024

“Viêm màng túi”, chữa sao đây?

Sử dụng tiền thế nào để không rơi vào tình trạng “đầu tháng ăn chơi xả láng, cuối tháng lảng vảng mì tôm” hay nghiêm trọng hơn nữa “túng quá hoá liều”… là bài toán khó đối với nhiều sinh viên.

“Viêm màng túi”, chữa sao đây?

Mỗi tháng gia đình gửi cho Nguyễn Văn Hiếu – SV Trường CĐ Công thương TP.HCM – 3 triệu đồng. Nhưng Hiếu kêu khổ: “Không biết mình tiêu đi đâu mà nhoắng cái hai, ba tuần đã hết veo…”.

Tiền bạc ít ỏi, các bạn sinh viên phải tính toán chi li để tiết kiệm – Ảnh: V.Anh 

Sử dụng tiền thế nào để không rơi vào tình trạng “đầu tháng ăn chơi xả láng, cuối tháng lảng vảng mì tôm” hay nghiêm trọng hơn nữa “túng quá hoá liều”… là bài toán khó đối với nhiều sinh viên.

Bao nhiêu cũng thiếu

Đa số sinh viên đi học xa gia đình đều được nhận khoản “viện trợ không hoàn lại” từ gia đình. Không biết cách chi tiêu khiến nhiều bạn rơi vào tình trạng “viêm màng túi” kinh niên và lắm lúc rơi vào túng quẫn. Như Hiếu, những ngày cạn tiền phải cầm cự bằng mì gói, đến cả giấy tờ tùy thân và điện thoại cũng cầm cố tuốt luốt!

Còn với T.Thúy (ĐH Kinh tế – luật, ĐH Quốc Gia TP.HCM), mỗi tháng gia đình chu cấp 5-6 triệu đồng nhưng vì ghiền mua sắm nên tháng nào cũng thiếu. “Lúc đó phải ngửa tay xin các anh chị trong nhà nhưng thường phải nói dối là… đóng tiền học thêm”.

Nhiều sinh viên khác cũng vậy, chi tiêu không có kế hoạch và vung tay quá trán nên thiếu trước hụt sau. Quanh khu làng đại học Quốc gia ở Thủ Đức, bên cạnh nhiều hàng quán là… tiệm cầm đồ. Dĩ nhiên khách hàng chỉ là sinh viên!

Nhiều bạn vì tình hình tài chính phập phù như thế đâm ra học hành chểnh mảng, sa sút.

Học cách chi tiêu thông minh

Cáp Thanh Thảo, sinh viên năm 3 Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM, nói về cách chi tiêu tài chính của mình: “Mỗi tháng gia đình chu cấp cho mình khoảng 1,8 triệu đồng. Mình lập kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng tuần, từng ngày. Cái gì thật cần thiết mới mua và tự nấu ăn sẽ tiết kiệm hơn. Hằng tháng trích ra một khoản nhỏ nếu có việc đột xuất thì dùng tới”.

“Khéo léo săn hàng trên mạng cũng tiết kiệm được phần nào. Ngoài ra mình sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để gửi tiết kiệm”, Tiến Đạt, sinh viên ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Tài – giám đốc dịch vụ khách hàng Premier, quản lý sản phẩm đầu tư Ngân hàng HSBC – tư vấn: phải tránh tâm lý “hôm nay xài nhiều ngày mai xài ít lại” bởi như thế khó tránh khỏi việc chi tiêu vỡ kế hoạch.

Theo ông, nên chia tiền trong tháng thành ba khoản: cần xài cố định, khoản dự phòng và khoản tiết kiệm. Nên giữ lại khoản dự phòng 10-15% hoặc có thể ít hơn, nhưng nhất thiết phải giữ lại khoản này. “Hãy để tiền tiết kiệm càng sớm càng tốt và “tạm quên” nó vì “tích tiểu thành đại” sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong chi tiêu”, ông nói. Và dĩ nhiên, cần cái gì mới mua cái đó, nếu mượn được thì tốt và nhất là không mua cái chưa cần.

Cuối cùng ông khuyên: nếu có thể, hãy đi làm thêm vì đó là cách để bạn biết trân trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chính mình.

VÂN ANH