23/01/2025

Quy định rõ về thu hồi đất để tránh gây bất bình xã hội

Thảo luận tại nghị trường sáng qua về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi đại diện cho dân quản lý quyền sở hữu đất đai.

 

Quy định rõ về thu hồi đất để tránh gây bất bình xã hội

Thảo luận tại nghị trường sáng qua về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi đại diện cho dân quản lý quyền sở hữu đất đai.

Quy định rõ về thu hồi đất để tránh gây bất bình xã hội

ĐB Trần Ngọc Vinh phát biểu thảo luận về dự luật đất đai (sửa đổi) – Ảnh: Ngọc Thắng

Còn rất nhiều bức xúc

 

 
 

Chỉ những dự án do nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì nhà nước mới thu hồi đất. Với dự án mà cơ quan nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất, phải trưng mua quyền sử dụng đất

 

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

 

 

Theo đại biểu (ĐB) Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), điều 4 của dự luật về chế độ sở hữu đất đai quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là “chưa phù hợp so với thực tế”. Bà Hương chỉ ra quy định này trái với điều 200 của bộ luật Dân sự hiện hành (quy định tài sản thuộc sở hữu nhà nước bao gồm đất đai), chưa kể khái niệm về sở hữu toàn dân là quá chung, tính pháp lý chưa cao, chưa thật đúng thực tế. “Quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước sẽ có cơ sở pháp lý hơn và như vậy cũng không làm mất đi bản chất của chế độ. Bởi vì bản chất của nhà nước là của dân, do dân và vì dân”, bà Hương đề nghị.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thì cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân có nghĩa “dân phải được thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua quy định của pháp luật, nhưng thực tế chưa thể hiện và diễn ra như vậy”. Bà nhấn mạnh: “Quy định của pháp luật và thực tế nhiều năm qua đã tạo cơ hội cho không ít cá nhân và tổ chức giàu lên nhanh chóng từ đất đai, trong đó có cả tham nhũng, trong khi dự thảo luật lại đưa ra khá nhiều giải pháp cho các bức xúc, vướng mắc hiện nay dưới dạng nguyên tắc và giao cho Chính phủ hướng dẫn. Còn rất nhiều bức xúc vẫn chưa được giải quyết trong luật sửa đổi lần này”.

Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhận xét: “Cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý đất đai chưa rõ vai trò, trách nhiệm của QH và các cơ quan khác ở đâu, đến đâu, khi chỉ quy định quyền và cơ chế quản lý cao nhất là Chính phủ và chưa rõ khuôn khổ chế tài cụ thể cho quản lý đất đai của Chính phủ thế nào”. Vì vậy, bà Hà đề nghị cần bổ sung và quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của QH và các cơ quan khác trong cơ chế đại diện và quản lý đất đai ở dự luật sửa đổi.

Dự án nhà nước làm chủ đầu tư mới thu hồi đất

 

 
 

Giảm độ tuổi được kết hôn, không thừa nhận hôn nhân đồng giới

 

Theo tờ trình dự luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) trình QH chiều qua, độ tuổi kết hôn của nam đã được hạ từ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi, để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Dự luật bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” như trong luật hiện hành nhưng khẳng định: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng tính” và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con…

Dự luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

TUỆ NGUYỄN

 

 

Liên quan đến nội dung thu hồi đất, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định nếu luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội (KTXH), quy định tại điều 62 thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lối ra. Ông Vinh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “thu hồi đất phục vụ mục đích  KTXH” vì đây là một khái niệm không thật rõ ràng, dễ bị lạm dụng.

“Phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển KTXH cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển KTXH trong chính sách thu hồi đất này, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội”, ông Vinh nhấn mạnh và đề nghị: “Chỉ những dự án do nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì nhà nước mới thu hồi đất. Với dự án mà cơ quan nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất, phải trưng mua quyền sử dụng đất”.

ĐB Vinh cũng đề nghị cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm và thẩm quyền thu hồi đất, nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất, dẫn đến hậu quả nhiều nơi quy hoạch treo, lãng phí đất đai trong khi dân không có sử dụng, ngân sách thất thu.

Nhiều ĐB cũng đề nghị tách bạch việc thu hồi đất vì lợi ích chung với việc phát triển KTXH thuần túy lợi nhuận của các nhà đầu tư, như ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Ngô Văn Minh (Quảng Nam)… Theo ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), nhà nước chỉ thu hồi đất để phục vụ, thực hiện các dự án phát triển hạ tầng KTXH, an ninh quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. “Đối với các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư thì nhà nước không áp dụng thu hồi đất mà phải áp dụng cơ chế góp đất, điều chỉnh lại đất đai. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đây là một phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính trong phát triển đô thị đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện nay đã được áp dụng ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia”, ĐB Hoàng nói.

Theo kế hoạch, luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua vào ngày 29.11 tới đây.

Bảo Cầm