23/01/2025

Vụ Hào Dương: phải xử thật nghiêm

Câu chuyện Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) bị phạt đến chín lần mà vẫn tái phạm gây ô nhiễm môi trường, theo phân tích của nhiều bạn đọc, là từ việc xử chưa nghiêm.

Vụ Hào Dương: phải xử thật nghiêm

Câu chuyện Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) bị phạt đến chín lần mà vẫn tái phạm gây ô nhiễm môi trường, theo phân tích của nhiều bạn đọc, là từ việc xử chưa nghiêm.

Ngư dân hoạt động trong vùng xả thải của Công ty Hào Dương lo lắng nguồn cá đang bị giảm – Ảnh: T.T.D. 

Hầu hết pháp luật các nước đều có quy định xử lý hình sự về hành vi xâm hại môi trường. Tại Mỹ, “Đạo luật về nước sạch” của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) quy định trách nhiệm hình sự: “Phạt tiền hoặc phạt tù có thể lên đến 15 năm; hoặc cả hai hình thức. Trường hợp tái phạm: gấp đôi hình phạt đối với phạt tiền lẫn phạt tù”.

Bộ luật hình sự nước ta tại điều 183 về “tội gây ô nhiễm nguồn nước” có quy định: “Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hóa chất độc hại… hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 2-7 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 5-10 năm”. Luật môi trường điều 127 cũng quy định: “Người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Vấn đề là chúng ta đã có luật để xử lý hình sự các vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng nhưng tại sao những người có trách nhiệm hầu như không xử lý hình sự các vi phạm pháp luật về môi trường dù biết rằng theo luật họ có thể chịu trách nhiệm về điều này? Khoản 2 điều 127 Luật môi trường có quy định: “Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng, quyền hạn…bảo vệ cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Câu trả lời nếu không phải có việc bao che cho doanh nghiệp vi phạm như đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề, thì cũng vì lý do những người có thẩm quyền vẫn còn tư duy theo hướng: xem những vi phạm pháp luật về môi trường không phải là tội phạm mà chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm hành chính.

Qua vụ việc Vedan trước đây và nay là Hào Dương, có thể thấy hành vi của họ hoàn toàn cố ý, xem thường luật pháp và thách thức công luận. Dường như cơ quan chức năng đã khiến nhiều doanh nghiệp vi phạm có cùng cách nghĩ: cứ gây ô nhiễm môi trường, nếu chẳng may bị phát hiện và công luận phản ứng dữ dội, người dân kêu la thì cùng lắm chỉ trả tiền bồi thường là xong! Thực tế cho thấy hầu hết vụ việc gây ô nhiễm môi trường thì hướng xử lý của cơ quan chức năng cũng chỉ dừng ở mức phạt vi phạm hành chính. Việc cơ quan chức năng không xử lý hình sự loại tội phạm này khiến một bộ phận doanh nghiệp xâm hại môi trường có tâm lý khi chưa bị phát hiện thì vẫn “yên tâm” vi phạm, doanh nghiệp bị phát hiện và bị xử phạt nhiều lần vẫn tái phạm, thậm chí tái phạm nghiêm trọng hơn.

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP. HCM)

 

 

Có bao che không?

Đó là câu hỏi của nhiều bạn đọc trước câu chuyện thật như đùa xảy ra ở Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương.

Sẽ mất nhiều

Người dân đang theo dõi và trông chờ cách xử lý của các cơ quan có thẩm quyền trong vụ Hào Dương. Đã có những nghi ngờ là có sự bao che, dung túng để cho một công ty vi phạm pháp luật một cách có hệ thống và kéo dài như vậy và lợi ích đang rơi vào một nhóm cá nhân nào đó. Nếu sự việc không được giải quyết rốt ráo như trông đợi của người dân thì rõ ràng chúng ta sẽ mất rất nhiều. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, con người bị đầu độc và hơn thế nữa là niềm tin của nhân dân vào kỷ cương phép nước sẽ không còn. Khi niềm tin đã không còn thì nhiều hệ lụy đáng tiếc sẽ xảy ra.

BÙI ĐỨC THÀNH

Cần mạnh tay hơn

Tôi cho rằng việc sai phạm mà đến lần thứ mười như đã nêu là việc hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đây là việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của không chỉ doanh nghiệp mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng quản lý liên quan. Dư luận có quyền nghi ngờ là đã có sự bao che, dung túng, lo lót trong thời gian qua, vì vậy mới có chuyện một doanh nghiệp xem thường pháp luật đến vậy. Đề nghị kiểm tra và làm rõ có hay không sự bao che, nếu có thì cần đình chỉ công tác của cán bộ quản lý môi trường và những người có liên quan đó ngay. Đã đến lúc cần mạnh tay hơn và triệt để hơn với các vi phạm về môi trường và cả những người tiếp tay cho vi phạm.

TRẦN VỸ CHÂU

Tạo tiền lệ xấu

Một hai nhà máy, công ty bị đóng cửa không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Nhưng những công ty, nhà máy vi phạm pháp luật nhiều lần mà vẫn hiên ngang hoạt động tiếp thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của đất nước, của hệ thống pháp luật chúng ta. Điều này cũng sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp khác vi phạm theo, vì đã tạo suy nghĩ là cứ vi phạm, nếu bị phát hiện chỉ cần bỏ ra một số tiền không đáng kể để nộp phạt.

MINH NGA