23/01/2025

Thôi học bán trú vì khó khăn

Nếu như trước đây, những đơn thư xin được chuyển từ lớp học một buổi sang học bán trú luôn đầy ắp trên bàn hiệu trưởng nhiều trường tiểu học ở TP.HCM, thì nay một hiện tượng lạ đã xuất hiện: nhiều học sinh tiểu học lại xin chuyển từ bán trú trở về với một buổi.

Thôi học bán trú vì khó khăn

Nếu như trước đây, những đơn thư xin được chuyển từ lớp học một buổi sang học bán trú luôn đầy ắp trên bàn hiệu trưởng nhiều trường tiểu học ở TP.HCM, thì nay một hiện tượng lạ đã xuất hiện: nhiều học sinh tiểu học lại xin chuyển từ bán trú trở về với một buổi.

Em Phạm Văn Khuê, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11), giờ chỉ còn học một buổi/ngày. Sau buổi học, em ở nhà trông em nhỏ – Ảnh: Mỹ Dung 

Không phải học sinh thiếu mặn mà với việc được học hai buổi/ngày mà nguyên nhân đến từ phía công việc bấp bênh của các bậc phụ huynh.

Không rút bán trú thì cắt ăn trưa

Vừa chuyển từ hệ bán trú sang học một buổi chỉ khoảng 3, 4 ngày nay, ngày 1-11, khi trò chuyện với chúng tôi, bé Phạm Thị Thùy Trang, học sinh lớp 3/3 Trường tiểu học Phú Thọ Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM vẫn còn bỡ ngỡ với lớp mới, bạn mới, cô giáo mới… Thùy Trang nói bé rất buồn vì sang đây học còn rất ít bạn quen, giờ chỉ còn học buổi chiều nên “không còn được ăn cơm trưa ngon ở trường nữa”.

Phạm Thị Thùy Trang chỉ là một trong số gần 20 học sinh của Trường tiểu học Phú Thọ Hòa gần đây được gia đình xin chuyển từ học hai buổi/ngày (bán trú) về học lớp một buổi/ngày vì kinh tế khó khăn, ba mẹ mất việc hoặc công việc không ổn định.

Mẹ của bé, chị Nguyễn Thị Lan, cho biết vợ chồng chị đều là công nhân may, hiện nay nhận may đồ tại nhà nhưng đợt này do quá ế ẩm nên những mối quen không còn đặt hàng nữa. “Con bé thích đi học hai buổi lắm. Vợ chồng tôi cũng biết con rất buồn khi ở nhà. Năm ngoái, tình hình kinh tế đã khó khăn rồi nhưng biết con thích học hai buổi, tôi cũng ráng. Giờ thì ráng hổng nổi nữa nên mới xin nhà trường chuyển giữa chừng như vầy” – chị Lan nói thêm. Từ chỗ học hai buổi/ngày, giờ buổi sáng Thùy Trang ở nhà phụ mẹ trông em nghỉ học mầm non, ăn trưa tại nhà xong tự xách cặp đi học.

Cạnh khu nhà thuê của Thùy Trang, một số học sinh tiểu học ở một vài trường lân cận cũng đã “xin nghỉ” bán trú. Chị Mai Chi, phụ huynh có hai con – một là học sinh tiểu học, một học sinh THPT, cho biết chị đã cho đứa con trai học tiểu học nghỉ bán trú, còn cô con gái đang học THPT thì phải “cắt suất ăn trưa ở ngoài”. Chị Mai Chi tính đi tính lại và thấy phương án đó rất thích hợp với hoàn cảnh công việc thất thường hiện nay của vợ chồng chị vì nó giúp gia đình tiết kiệm được tiền ăn của một bé. Chi phí ăn uống của hai học sinh ở nhà chỉ bằng chi phí một bữa ăn ở ngoài.

Đã đến lớp cuối cấp rồi nhưng gia đình em Văn Ngọc Hân, lớp 5/1 Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM), vẫn không ráng nổi một năm bán trú nữa. Ngọc Hân nằm trong số hơn 30 học sinh của trường này xin chuyển từ hệ bán trú sang học một buổi. Bốn năm liền học bán trú, đã quen với các chương trình học và biết nếu không cho con học hai buổi/ngày sẽ lỡ dở một số chương trình học nhưng mẹ của Ngọc Hân, chị Đỗ Thị Thu Thủy, cho biết gia đình không còn cách nào khác. Chị thì mất việc hơn nửa năm nay, còn anh Văn Tuấn Phúc, ba của Ngọc Hân, đang làm công nhân hàn nhưng công việc lúc có lúc không. Chị Thủy cho biết nếu “ráng” thêm một năm bán trú nữa, gia đình phải đóng khoảng 8,9 triệu đồng nữa mà giờ thì không thể ráng vì “ngay cả tiền bảo hiểm y tế của các con, vợ chồng tôi cũng phải làm đơn không đóng rồi”.

Kinh tế gia đình sa sút theo công việc của ba mẹ nhưng không nỡ “cắt suất” học hai buổi/ngày của con, một phụ huynh có con học lớp 4 của Trường tiểu học Phú Thọ, kể chị bị mất việc từ tháng 8, sẵn có “chính sách” của trường về việc không nhất thiết phải ăn bữa ăn bán trú ở trường nên trưa con chị tự đi bộ về nhà ăn cơm rồi trở lại lớp học. “Không ăn bán trú ở trường, nhà tôi đỡ được khoảng 600.000 đồng/tháng.” Khi không ăn bán trú ở trường, ngoài việc học sinh không phải đóng tiền ăn, còn đỡ được cả tiền quản lý bán trú nữa nên nhiều ông bố, bà mẹ bị mất việc đã chọn giải pháp này.

Áp lực lên lớp một buổi

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Phú Thọ Hòa (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) đúng thời điểm ban giám hiệu trường vừa giải quyết cho hai học sinh khối lớp 3 hệ bán trú chuyển sang học một buổi/ngày. Trong đơn gửi đến hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh các học sinh này đều cho biết kinh tế gia đình khó khăn do công việc của họ không ổn định hoặc mất việc nên mới xin “cắt giảm” việc học bán trú của con. Thầy Phan Hoàng Thái, hiệu trưởng nhà trường, cho biết đó không phải là một, hai trường hợp cá biệt mà theo thống kê sơ bộ, gần đây khoảng 20 học sinh xin rút bán trú, thôi học hai buổi/ngày.

Thông hiểu địa bàn đang đóng của trường, P.10, Q.Tân Bình là địa bàn có nhiều dân lao động phổ thông, hoàn cảnh gia đình phần lớn học sinh không khá giả nhưng thầy Thái vẫn thấy bất ngờ khi số lượng học sinh xin rút bán trú tăng trong thời gian gần đây. Vì dịp đầu năm học, nhà trường đã cho phụ huynh học sinh cân nhắc để đăng ký lại việc học bán trú cho con và một số lượng học sinh bán trú đã “rơi rụng” trước đó.

Hiện nay, số lượng học sinh bán trú của trường chỉ là 380 học sinh trên tổng số hơn 1.195 học sinh. Giải thích vì sao lại cho học sinh rút bán trú vào giữa năm học, thầy Thái cho rằng đăng ký học bán trú là nguyện vọng của phụ huynh, mà giờ do điều kiện gia đình khó khăn, họ không muốn cho con học bán trú nữa thì nhà trường giải quyết theo nguyện vọng, không đưa ra điều kiện nào hay ép buộc phụ huynh.

Thầy Văn Nhật Phương, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ, cho biết việc học sinh xin rút bán trú nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy học của giáo viên một buổi, tăng áp lực sĩ số lên lớp một buổi nhưng đó là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh nên nhà trường giải quyết. Ông cho biết kinh tế khó khăn đã khiến các lớp một buổi của trường tăng lên. Năm học 2013-2014, nhà trường dự kiến có năm lớp bán trú, ba lớp một buổi nhưng do nhu cầu của phụ huynh, lớp một buổi phải tăng sĩ số lên cao. “Có lớp đến 50 học sinh. Chỗ ngồi thì giải quyết được nhưng giáo viên dạy sẽ vất vả hơn nhiều” – thầy Phương nói. Ở tất cả các khối từ 1-5, trong khi lớp bán trú chỉ khoảng 38, 39 học sinh thì trung bình các lớp một buổi đều từ 47-50 học sinh/lớp. “Điều này không thuận lợi cho nhà trường, nên tôi đang cân nhắc sẽ tách lớp một buổi cho sĩ số bớt đông” – ông Phương cho biết.

Tại Trường tiểu học Phú Thọ Hòa cũng tương tự. Ban đầu trường này tính chuyển một học sinh lớp 3 từ bán trú xuống một buổi vào lớp 3/2 nhưng sĩ số lớp này đã quá cao nên phải chuyển học sinh này về lớp 3/5.

 

 

Mô hình học 2 buổi/ngày không “ép” ăn bán trú

Cô Nguyễn Lê Thu, phó Phòng GD-ĐT Q.11, cho biết kinh tế khó khăn có thể sẽ khiến một số địa bàn “đặc biệt” bị ảnh hưởng. Nhưng qua khảo sát một số trường tiểu học ở quận 11 thì chưa nơi nào đột biến về việc học sinh thôi học hai buổi/ngày, chỉ có một số trường hợp học sinh xin “cắt” bữa ăn bán trú tại trường. Trong chủ trương học hai buổi/ngày của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng như chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận 11, mô hình học hai buổi/ngày không ép buộc học sinh ăn bán trú tại trường. Vì thế, điều kiện gia đình không cho phép thì học sinh có thể ăn cơm ngoài hoặc ở nhà.

Tại quận 11, tiền bữa ăn bán trú bậc tiểu học, THCS từ tháng 10-2013 tăng lên 28.000 đồng/ngày (trước đó 25.000 đồng), mầm non vẫn giữ mức 25.000 đồng/ngày, phí quản lý bán trú 80.000 đồng/tháng. Tại quận Tân Bình, bữa ăn bán trú (trưa, xế) mà nhiều trường tiểu học đang thu là 27.000 đồng/ngày, tiền tổ chức, thực hiện bán trú 120.000 đồng/tháng.

 

MỸ DUNG