23/01/2025

Than ôi, vở sạch chữ đẹp!

Phong trào thi viết vở sạch chữ đẹp đang là định hướng tiên phong của nhà trường, tất cả các em bắt buộc phải tham gia, phải giữ vở sạch chữ đẹp. Để đảm bảo “quyền lợi” và “nghĩa vụ” của mỗi học sinh, trường thiết kế cho mỗi lớp học một tủ sách. Sau ngày học, tất cả vở viết đều phải bỏ vào đó, không đem về nhà.

Than ôi, vở sạch chữ đẹp!

Chủ Nhật tuần vừa rồi, tôi đi họp phụ huynh cho con học lớp 3 Trường tiểu học Gò Vấp (TP.HCM). Cuộc họp đánh giá tình hình sơ bộ việc học tập của các cháu trong tháng đầu năm, nhưng cuối cùng mấu chốt của nội dung cuộc họp là: phụ huynh đóng quỹ tự nguyện cho trường, và cuộc tranh luận là tại sao giáo viên không cho học sinh đem vở về nhà. 


 

Sau khi tan họp, đa số phụ huynh tỏ vẻ bức xúc với hai vấn đề này. Cô giáo chủ nhiệm từ tốn giải thích. Cô nói việc đóng quỹ tự nguyện là do hội trưởng hội phụ huynh đề xuất thông qua nhà trường như: gắn máy lạnh trong phòng, sửa bàn ghế hư… Còn phong trào thi viết vở sạch chữ đẹp đang là định hướng tiên phong của nhà trường, tất cả các em bắt buộc phải tham gia, phải giữ vở sạch chữ đẹp. Để đảm bảo “quyền lợi” và “nghĩa vụ” của mỗi học sinh, trường thiết kế cho mỗi lớp học một tủ sách. Sau ngày học, tất cả vở viết đều phải bỏ vào đó, không đem về nhà.

Mỗi tháng một lần, học sinh mới mang về nhà cho phụ huynh xem, nhưng phải trả ngay vào hôm sau. Giải thích điều này, cô nói vì đem về nhà các em thường làm dơ bẩn hoặc thất lạc thì khổ. Bên cạnh đó, phụ huynh các cháu làm nghề khác nhau (công nhân, lái xe ba gác) xem vở làm vấy bẩn thì mệt cho con và mệt cho giáo viên.

Nghe vậy, nhiều phụ huynh bức xúc vì đa số là dân lao động, chỉ một số ít là công chức nhà nước. Thấy phụ huynh không đồng tình với ý kiến của mình, cô nói mấy năm trước trường cho học sinh mang vở về nhà các cháu làm dơ vở, đến lúc thi vở sạch chữ đẹp, trường kiểm tra, cô bị kiểm điểm. Thế là cô phải mua tất cả vở để về viết nắn nót, sạch đẹp những vở bẩn, có khi cô phải thức suốt đêm để làm những việc ấy. Không khí phòng họp trầm xuống hẳn.

Kết thúc, cô khẳng định không cho học sinh đem vở về nhà bởi đây là chủ trương đúng đắn của trường hướng đến tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Có như vậy, phụ huynh rất tự hào và vinh dự vì con mình học ở đây.

Thú thật chúng tôi có vinh dự không? Học sinh có em viết chữ đẹp, có em viết chữ xấu. Việc đáng làm là rèn luyện cho các em ngày càng hoàn thiện chữ viết và thói quen giữ gìn vở sạch, rồi phát sinh tình trạng học thêm, dạy thêm (rèn luyện chữ viết), rồi tình hình kinh tế đang ngặt nghèo, đồng lương công nhân phụ huynh quá đuối.

DIỆP BẢO THÀNH (TP.HCM)

 

 

* Ông LÊ HOÀNG GIANG (nghiên cứu sinh ngành lý luận ngôn ngữ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Buồn cho sự hiểu sai

Tôi nhớ ở thời của chúng tôi, cả lớp chỉ có một số bạn được chọn đi chấm vở sạch chữ đẹp. Những bạn không được chọn nhìn các bạn đó với ánh mắt ngưỡng mộ và cứ thế phấn đấu hơn. Rõ ràng đây không phải là một phong trào chỉ để rèn chữ đẹp mà mục đích sâu xa là giúp học sinh học tính kỷ luật, biết nâng niu những sản phẩm từ chính bàn tay, khối óc của mình “sáng tạo” nên. Vì thế, tôi rất buồn khi biết rằng một số giáo viên vì thành tích cần đạt được trong phong trào này đã không cho học sinh mang vở về nhà sau giờ tan học. Buồn cho sự “hiểu sai” một cách nghiêm trọng (thậm chí có thể gọi là biến tướng) của một phong trào đẹp.

Bởi thực tế phong trào “vở sạch chữ đẹp” rèn tính kỷ luật, cẩn thận nên gắn với các em mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ mỗi ở trường. Để giữ được vở sạch chữ đẹp, ngay khi mang cặp từ nhà đến trường (và ngược lại) các em cũng phải biết giữ gìn cẩn thận. Khi làm bài tập, các em cũng phải biết “cái nào nên, cái nào không” mới có những dòng chữ ngay ngắn thẳng hàng. Rồi các em không được bạ đâu vứt đấy sẽ làm cho sách vở quăn góc… Như vậy, nếu cất các cuốn vở của học sinh sau giờ học vào chiếc tủ ở lớp vô hình trung đã phá hủy mục đích giáo dục tính kỷ luật, cẩn thận cho học sinh của phong trào. Đồng thời nhà trường (cụ thể là giáo viên) đã tước đoạt quyền tham gia giáo dục con cái của gia đình khi không cho học sinh mang “cầu nối” (vở ghi chép, vở bài tập…, sản phẩm giáo dục) về nhà.

Vả lại nếu giáo viên cứ “chạy theo thành tích” như vậy thì từng ngày, từng ngày sẽ ngấm dần, ảnh hưởng đến sự hình thành tâm lý, nhân cách của các em. Tôi mong từng trường, từng giáo viên phải biết mục đích cao nhất của giáo dục là giáo dục làm người, nên phải hành xử đúng với cả những phong trào nhỏ. Đừng để cái sai trong những việc nhỏ ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh.

MỸ DUNG ghi

 

 

 

* Ông NGUYỄN QUANG VINH (trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):

Những năm trước đây, sở có phát động phong trào “Vở sạch – chữ đẹp” trong các trường tiểu học với mục đích tạo thói quen về việc rèn chữ của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên. Tuy nhiên, một số nơi đã thực hiện theo kiểu đối phó, hình thức (có trường đã xếp tất cả học sinh viết chữ đẹp học chung một lớp để lớp này đi thi cấp quận, cấp thành phố).

Vì vậy cách đây hai năm, Sở GD-ĐT đã không tổ chức hội thi “Vở sạch – chữ đẹp” nữa. Thay vào đó là ngày hội “Viết đúng – viết đẹp” với mục tiêu nhấn mạnh yếu tố “viết đúng” là quan trọng hàng đầu. Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn của sở vào đầu năm học 2013-2014, chúng tôi cũng có khẳng định: Tiếp tục tổ chức ngày hội “Viết đúng – viết đẹp” nhưng phải thiết thực, hiệu quả, nhẹ nhàng, tạo sự hứng thú nơi học sinh. Tất cả học sinh đều được tham gia bằng cách tổ chức ngày hội này đến từng lớp. Mỗi em sẽ viết một bài ở lớp của mình. Nếu bài viết đạt yêu cầu sẽ được tham gia ngày hội “Viết đúng – viết đẹp” cấp trường, cấp quận, cấp thành phố. Đây là một ngày hội thật sự: các bài viết đúng – viết đẹp được chọn lựa từ các trường sẽ được triển lãm trong ngày hội; học sinh đến đây để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, tham gia những hoạt động tập thể… chứ không phải để thi. Tất cả các em tham gia đều được tuyên dương, khen thưởng chứ chúng tôi không trao giải nhất, nhì, ba như ngày xưa.

Về việc giáo viên không cho học sinh mang tập về nhà: lâu nay sở vẫn khuyến khích học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày thì để tập ở lại lớp bởi các em đã hoàn thành các bài học, bài tập ngay tại trường rồi. Không mang tập về nhà để tránh cho các em tình trạng mang vác cặp quá nặng. Sở khuyến khích học sinh mỗi tuần chỉ nên mang tập về một lần cho ba mẹ xem để biết tình hình học tập của con em. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh, các bậc cha mẹ nên trao đổi trực tiếp với giáo viên để có cách giải quyết thỏa đáng nếu thấy cần thiết phải mang tập về mỗi ngày. Thế nhưng, việc giáo viên không cho học sinh mang tập về nhà chỉ vì giữ thành tích thì không thể chấp nhận được.

H.HG. ghi