23/01/2025

Giáo dục không đi theo khuôn mẫu

Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho rằng một trong những bí quyết mà Thụy Điển có được nhiều giải thưởng Nobel vì trong giáo dục chúng tôi luôn khuyến khích sự sáng tạo, không bao giờ theo đi theo khuôn mẫu và lối mòn.

 

Giáo dục không đi theo khuôn mẫu

Bà Camilla Mellander (ảnh), Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, chia sẻ với Thanh Niên về cơ hội cho người Việt Nam được học tập ở đất nước này.

 

 

Theo bà đâu là điểm mạnh của giáo dục Thụy Điển?

Thụy Điển có nền giáo dục tiên tiến, đứng thứ hai thế giới về giáo dục sau ĐH. Sinh viên bản xứ khá hòa đồng. Các du học sinh được nhà trường cung cấp đầy đủ các thiết bị học tập, cũng như có sự trao đổi đánh giá về chất lượng học tập, giảng dạy một cách công khai và dân chủ. Bên cạnh đó, Thụy Điển nổi tiếng về sự đổi mới trong hợp tác giữa ngành công nghiệp và các trường ĐH. Các trường luôn luôn cải tiến và đầu tư vào nghiên cứu cũng như các ý tưởng độc đáo.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, chính phủ Thụy Điển đã đẩy mạnh việc quốc tế hóa giáo dục ĐH, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh là chủ đạo, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên quốc tế đến du học. Hiện chúng tôi có khoảng 38.000 sinh viên quốc tế đang học tập tại đây. Đặc biệt hơn cả, học bổng của chính phủ Thụy Điển cũng ưu tiên chọn Việt Nam. Đây là một trong 10 nước được cấp học bổng cho nhiều khóa học tại các trường ĐH hàng đầu của Thụy Điển như: trường Lund, KTH, Uppsala, Viện Karolinska…

Vì sao Thụy Điển lại ưu tiên cấp học bổng cho Việt Nam? Trong thời gian tới Thụy Điển sẽ có những chương trình học bổng nào dành cho Việt Nam?

Chúng tôi rất quan tâm đến Việt Nam vì 2 nước đã có truyền thống hợp tác lâu đời và có những kết quả tốt đẹp. Các chương trình trao đổi sinh viên giữa 2 nước luôn đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao trình độ của sinh viên Việt Nam. Các bạn đã có những đóng góp nhất định cho giáo dục của Thụy Điển, giúp chúng tôi cạnh tranh và thăng tiến. Theo thông tin từ các trường ĐH của Thụy Điển thì năm nay sẽ có hàng trăm suất học bổng sau ĐH dành cho các nước châu Á. Đối với Việt Nam, dự kiến sẽ có khoảng 20 suất học bổng toàn phần đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Chúng tôi không giới hạn ngành học và có nhiều ngành để sinh viên lựa chọn trong đó các ngành thế mạnh là y khoa, công nghệ sinh học, công nghệ nano, năng lượng nguyên tử và truyền thông…


Sinh viên quốc tế học tập tại Thụy Điển - Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cung cấp 

Các sinh viên muốn nhận học bổng vẫn phải tham gia xét tuyển cạnh tranh để chọn được những người giỏi nhất. Tại Đại sứ quán Thụy Điển, chúng tôi sẽ làm hết sức để đảm bảo thủ tục thuận lợi cho các sinh viên Việt Nam đã được các trường Thụy Điển tiếp nhận.

Học tập tại Thụy Điển có gì khác biệt hơn so với các nước khác, thưa bà?

Thụy Điển là quốc gia có năng lực sáng tạo cao, đứng đầu trong các nước sáng tạo nhất, theo Innovation Union Scoreboard 2013. Điều ấn tượng nhất trong giáo dục Thụy Điển là sự linh hoạt ở mức tối đa của chương trình học, sinh viên được rèn luyện phong cách để chuẩn bị trở thành người lao động trong nền kinh tế toàn cầu theo 4 chỉ tiêu: làm việc theo nhóm, kỹ năng – kỹ thuật thực dụng, giải quyết vấn đề, tinh thần dám nghĩ dám làm trong doanh nghiệp.

Việc giảng dạy là cá nhân hóa. Mỗi sinh viên được yêu cầu triển khai và dạy một bài học trong một tuần cho sinh viên trong lớp mà không phụ thuộc vào bài in sẵn trong sách giáo khoa. Sau mỗi bài học, sinh viên phải viết ra một vài suy nghĩ về những điều được cho là đúng và những gì chúng sẽ phải thay đổi.

Tôi cho rằng một trong những bí quyết mà Thụy Điển có được nhiều giải thưởng Nobel vì trong giáo dục chúng tôi luôn khuyến khích sự sáng tạo, không bao giờ theo đi theo khuôn mẫu và lối mòn.

Vũ Thơ