11/01/2025

Hoa mắt với tên đường

TP.HCM hiện có hơn 3.000 tuyến đường nhưng có đến khoảng 60% chưa được đặt tên. Để “chữa cháy” cho tình trạng này, mỗi quận, huyện lại đặt tên đường theo mỗi kiểu càng khiến cho tên đường trên địa bàn TP thêm rối rắm.

 

Hoa mắt với tên đường

TP.HCM hiện có hơn 3.000 tuyến đường nhưng có đến khoảng 60% chưa được đặt tên. Để “chữa cháy” cho tình trạng này, mỗi quận, huyện lại đặt tên đường theo mỗi kiểu càng khiến cho tên đường trên địa bàn TP thêm rối rắm.


Ảnh: Ngọc Thủy – Đình Phú - Giang Phương

Từ năm 1995, TP.HCM đã thành lập hội đồng đặt đổi tên đường với nhiệm vụ đặt tên cho những con đường mới mở, chỉnh sửa những đường trùng tên hoặc đã có tên nhưng tên đường không có ý nghĩa… Thế nhưng cho đến nay, sau 18 năm vẫn còn nhiều bất cập.

Qua thống kê sơ bộ, ở các quận, huyện có khoảng 100 đường có tên gọi trùng nhau. Điển hình là đường Cao Thắng có tại Q.3 và Q.Phú Nhuận; đường Quang Trung có tại Q.9, Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn, H.Củ Chi; đường Lê Lợi có tại 5 quận: 1, 9, Tân Bình, Gò Vấp và Thủ Đức… Trong khi đó, công tác đặt tên đường được thực hiện khá nhỏ giọt ở các khu đô thị mới nên mỗi nơi có một cách đặt tên đường riêng khiến người dân phải… hoa mắt.

Mỗi nơi một kiểu

 

 
 

Phải quy ra được một người chịu trách nhiệm để họ ngày đêm lo nghĩ chuyện này mới mong có thể sớm khắc phục, chứ kéo dài đã hàng chục năm rồi mà không phê bình ai được

 

 TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

 

 

Tại Q.2, một khu dân cư rộng lớn hình thành gần 10 năm nay thuộc địa bàn nhiều phường (An Phú, An Khánh, Bình An…) nhưng chỉ có vài đường được đặt tên như Trần Não, Nguyễn Hoàng, Lương Định Của… Nằm giữa các tuyến đường này là Khu đô thị mới An Phú – An Khánh có đến hơn 50 tuyến đường nhưng cũng chỉ có vài tuyến được đặt tên. Xen kẽ giữa các đường có tên này là các đường mang ký hiệu số từ 1 – 31 và ký hiệu chữ A, B, C, D, E. Cũng tại khu vực này có đến 2 đường số 17, một đường nằm gần góc đường song hành Xa lộ Hà Nội và Nguyễn Hoàng, một đường nằm gần góc đường Nguyễn Hoàng – Lương Định Của…

Khu dân cư Thảo Điền, P.Thảo Điền (Q.2) cũng hình thành hàng chục năm nay, hầu hết biệt thự, nhà phố đã được xây dựng hoàn chỉnh, ổn định nhưng vẫn còn nhiều tuyến đường chưa có tên khiến việc giao dịch của người dân gặp không ít khó khăn.

Tại địa bàn Q.Bình Tân cũng còn rất nhiều tuyến đường mang ký hiệu số nhùng nhằng. Khu dân cư nằm giữa các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ Tân Quý, Bình Long, Lê Văn Quới hầu hết mang ký hiệu số, đặc biệt có nhiều đường vừa số vừa chữ như đường số 5, 5A, 5B, 5C, 5D, 5F… Trong khi đó, tại Q.8, nhiều tuyến đường kết hợp giữa số và tên danh nhân, như đường 152 Cao Lỗ, 198 Cao Lỗ, 130 Cao Lỗ, 783 Tạ Quang Bửu, 817A Tạ Quang Bửu; 2 Phạm Hùng, 3 Phạm Hùng, 6 Phạm Hùng…

Cách đặt tên đường ở địa bàn Q.12 cũng rất đặc biệt. Ngoài một số tuyến đường lớn như Nguyễn Ảnh Thủ, Lê Văn Khương, Hà Huy Giáp, Tô Ký…, rất nhiều tuyến đường được đặt tên theo tên phường kèm ký hiệu số và chữ, như: Hiệp Thành 13, Hiệp Thành 44, Tân Chánh Hiệp 13, Tân Chánh Hiệp 26, Thới An 5, Thới An 27, Tha5nh Xuân 14, Thạnh Xuân 25, Thạnh Lộc 16, Thạnh Lộc 31, Trung Mỹ Tây 2A, Trung Mỹ Tây B… Các tên đường tại quận này có nơi còn ghi tắt HT, TA, TMT 01, TMT 02 hay TMT 2A, TMT 14A… khiến nhiều người không biết đâu mà lần.

Nhiều tên đường tại P.Tây Thạnh (Q.Tân Phú) cũng có cách kết hợp rất khó hiểu CN11, CN13, DC6, DC9, CC3, CC4, CC5…

Khi chúng tôi đến Phú Mỹ Hưng – một khu đô thị kiểu mẫu ở Q.7, việc đặt tên đường cũng không có sự thống nhất. Tại đây, tên đường mang ký hiệu số, ký hiệu chữ xen kẽ với tên đường mang tên nhân vật lịch sử, địa danh của Việt Nam và cả tên nhân vật nước ngoài.

Không ai chịu trách nhiệm ?

 

 
 

Thêm 213 tên đường mới

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL cũng thừa nhận thực trạng tên đường trên địa bàn TP “rất bất hợp lý, còn nhiều tên đường bị trùng nhau, thậm chí có những tên đường phản cảm”. “Thay đổi tên đường là vấn đề không đơn giản vì phải thay đổi hàng loạt giấy tờ của người dân”, ông Rum nói, và cho biết: “Trước mắt thì tạm thời chấp nhận hiện trạng. Về lâu dài thì từng bước chỉnh sửa, đặt tên những con đường mới khi có điều kiện thuận lợi”.

Theo ông Rum, Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng TP vừa thống nhất danh sách 213 tên đường mới và sẽ trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp sắp tới. Quỹ tên đường cũng sẽ được bổ sung tên của gần 2.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều người dân than phiền họ rất khổ sở trước thực tế tên đường như “ma trận”. Chị Hoa, nhà ở đường 31E, Khu đô thị An Phú – An Khánh (Q.2), bức xúc: “Mỗi khi có khách đến nhà thì việc tìm địa chỉ vô cùng khó khăn vì mặc dù ở khu đô thị mới, hạ tầng đồng bộ nhưng tên đường còn lẫn lộn ký hiệu số, ký hiệu chữ. Có trường hợp tôi gọi điện hướng dẫn 3 – 4 lần vẫn không tự tìm đến được, phải hẹn khách đứng chỗ nào đó rồi người nhà ra dẫn vào”.

Anh Vinh ở đường 232 Cao Lỗ, P.4 (Q.8) than thở: “Lần nào khai giấy tờ thì đều bị hỏi tên đường vì sao lại vừa số vừa tên danh nhân, người ta thấy lạ quá không hiểu được”.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng về đặt tên đường và gắn liền với nó là số nhà là một vấn đề rất bức xúc, nhiều lần phản ảnh trên báo chí nhưng hầu như không có chuyển biến “vì hình như ở TP không có cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc này”. “Rõ ràng đây là một vấn đề nguy hiểm, phải quy ra được một người chịu trách nhiệm để họ ngày đêm lo nghĩ chuyện này mới mong có thể sớm khắc phục, chứ kéo dài đã hàng chục năm rồi mà không phê bình ai được”, TS Cương nói.

Bà Lê Thị Hồng Nga, Phó chủ tịch UBND Q.12, cho biết hầu hết các tuyến đường trên địa bàn quận chưa được đặt tên thống nhất. Quận đã đề nghị đặt tên 26 tuyến và hiện đang chờ ý kiến của TP.

Nhìn nhận công tác đặt đổi tên đường không theo kịp tốc độ đô thị hóa, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho biết, HĐND TP sẽ có ý kiến để đẩy mạnh công tác đặt đổi tên đường nhằm đảm bảo sự ổn định cuộc sống người dân về lâu dài.

 

Chọn tên đường ngay khi duyệt quy hoạch dự án

 

Theo TS Võ Kim Cương, việc đặt tên đường cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Hiện nay cách đặt tên đường trong các dự án không thống nhất, mỗi nơi đặt một cách theo sáng kiến của chủ dự án. Để không phải thay đổi nhiều lần dẫn đến tạo áp lực nặng nề cho cơ quan quản lý nhà nước và gây phiền hà cho người dân, TS Cương đề xuất đối với các khu đô thị mới có thể chọn tên đường (không nhất thiết là tên danh nhân, nhân vật lịch sử…) ngay khi duyệt quy hoạch của dự án; bên cạnh đó phải chấm dứt tình trạng đặt tên đường mỗi nơi một kiểu.

Đồng tình với quan điểm này, PGS- TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, đặt tên đường là vấn đề kỹ thuật nhưng cần phải được chuẩn hóa; ở những khu đô thị mới có thể định vị theo số hoặc chữ để đặt thống nhất và “không phải lo nghĩ sẽ chọn tên ai để đặt vì thực tế có quá nhiều đường thì lấy đâu ra nhiều tên để đặt”. TS Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nói thêm: “Tên đường không nhất thiết phải là tên nhân vật lịch sử, nhất là những đường nhỏ hay đường nội bộ khu đô thị, khu dân cư. Nếu tên đường là một loài hoa, một loài cây thì sẽ là một sự khuyến khích cư dân trồng loại hoa hoặc loại cây đó, tạo vẻ đẹp mang tính đặc thù riêng, làm cho cảnh quan TP sinh động, đa dạng”.

 

ĐÌnh Phú