27/01/2025

Gia vị siêu tốc, muốn gì cũng có

Đủ loại phụ gia thực phẩm không rõ xuất xứ, nhãn mác, hạn dùng, công dụng có tác dụng chế biến thức ăn ‘siêu tốc’ có mặt trên thị trường.

 

Gia vị siêu tốc, muốn gì cũng có

Đủ loại phụ gia thực phẩm không rõ xuất xứ, nhãn mác, hạn dùng, công dụng có tác dụng chế biến thức ăn ‘siêu tốc’ có mặt trên thị trường.


Bà Xuân giới thiệu phụ gia làm chua không nhãn mác của Trung Quốc thay thế me để nấu lẩu – Ảnh: Hoàng Việt

Lẩu Thái không cần me

Trong vai chủ quán “sáng bán bún bò, hủ tiếu, chiều bán món nhậu”, tôi ngỏ ý tìm mua loại gia vị làm chua để bán lẩu Thái, vì nấu nước me tốn công, giá đắt. Bà Xuân (chủ một sạp gia vị ở chợ Phước Long B, Q.9, TP.HCM) cười rồi lấy ra bịch ni lông, bên trong chứa chất màu trắng mịn, bóng, y hệt đường cát, giá bán lẻ 40.000 đồng/kg. Bà Xuân nói: “Loại này rất chua, có vị giấm, mỗi nồi lẩu chỉ bỏ 1 muỗng nhỏ đã chua lắm rồi. Để khách không thắc mắc, anh nên bỏ thêm xác me trong nồi lẩu”. Tôi dò hỏi: “Sao giống đường cát quá?”. Bà Xuân liền mở bịch ni lông ra, kêu tôi nếm thử. Tôi thử nếm vài hạt, vị chua lè, mùi như phân u rê, rất khó chịu, cảm giác buồn nôn, sau đó hơi chóng mặt. Tôi hỏi: “Sao không thấy nhãn mác, hướng dẫn sử dụng gì hết, biết còn hạn dùng hay không?”. Bà Xuân ghé tai nói nhỏ: “Loại này của Trung Quốc, đóng gói bao xá, không nhãn mác gì hết. Nhưng anh yên tâm đi, loại này đảm bảo chua lắm”.

Phụ gia
Loại phụ gia không nhãn mác của Trung Quốc

Sạp của bà Xuân nhỏ xíu, chỉ chừng 4 m2 chất hàng hóa lỉnh kỉnh, nhưng hỏi mua thứ gì cũng có. Tôi thử hỏi tìm gia vị để nấu bún bò, hủ tiếu mà không phải hầm xương. Bà Xuân liền giới thiệu viên gia vị cô đặc. “Nấu nồi bún bò, nồi hủ tiếu chỉ cần bỏ 1 cục này vào là ngọt nước, có mùi vị thay xương, thơm ngát, muốn ngon thì thêm mắm ruốc Huế, muốn ngon cho thêm đường, bột ngọt”, bà Xuân nói. Tôi lại hỏi loại gia vị tẩm ướp để thịt cá để lâu ngày vẫn có mùi thơm. Bà Xuân lại lôi ra chai nước đen như hắc xì dầu, và cho biết chỉ cần tẩm ướp loại này thịt cá bốc mùi thơm ngay. “Ướp thứ này vừa thơm vừa ngon. Tôi bỏ cho quán ăn rất nhiều, có quán một tuần dùng 7 – 8 chai. Mấy quán khu vực quận 9, Thủ Đức tôi bỏ mối hết”, bà Xuân khoe. Bà Xuân còn giới thiệu đủ loại gia vị, từ bột ngọt Trung Quốc dạng xá, không nhãn mác hàng Việt Nam, Thái Lan, Malaysia…

 

 
 
Loại này rất chua, có vị giấm, mỗi nồi lẩu chỉ bỏ 1 muỗng nhỏ đã chua lắm rồi. Để khách không thắc mắc, anh nên bỏ thêm xác me trong nồi lẩu
 

Bà Xuân, chủ một sạp gia vị

 

 

1 lạng cốt pha được 10 lít nước mắm

Tìm đến hàng gia vị các chợ Tân Định (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)…, tiểu thương giới thiệu đủ loại gia vị tẩm ướp, ngâm tẩy, trong đó nhiều loại nhãn mác, xuất xứ rất mù mờ. Tôi cũng theo chân anh Bảy (một người kinh doanh thực phẩm ở H.Bình Chánh, TP.HCM) đến khu vực chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) mua hương liệu pha chế nước mắm. Anh Bảy nói trước đây muốn làm nước mắm phải muối cá, lọc nước, chưng cất…, nay chỉ cần mua nước cốt này về pha với nước, muối có ngay nước mắm bán quán ăn, bỏ mối cho hàng quán, dễ kiếm lời. Đó là chất lỏng sền sệt có mùi nước mắm, giá bán lẻ 50.000 – 60.000 đồng/100 gr. Theo anh Bảy, để pha chế cần nấu nước sôi pha muối, cho chất này vào có ngay nước mắm. “Liều lượng pha chế thì tùy. Muốn ngon pha đậm, bán giá cao, pha nhạt bán giá thấp, muốn ngon hơn nữa cho ít bột ngọt Trung Quốc, bột nêm cho mùi vị dịu, thơm, thành hàng ngon. Mua 1 lạng cốt pha chế được hơn 10 lít nước mắm, chi phí khoảng 60.000 – 70.000 đồng, bán ra giá 15.000 – 20.000 đồng/lít”, anh Bảy nói. Cũng theo anh Bảy, thị trường có đủ các loại phụ gia, gia vị kiểu này nhưng “phải quen mới mua được”.

Có thể bị ung thư

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, nhận định: “Đã là hóa chất thì có độc tính. Độc gan, độc thận, độc phổi, độc tim đủ loại”. Phó viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP.HCM Hoàng Thị Kim Dung cho biết đa số các chất tạo màu, mùi, vị mua bán trôi nổi là hóa chất tổng hợp, thường có hại cho sức khỏe. Nếu sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ gây ngộ độc hoặc tích lũy trong cơ thể, về lâu dài gây tổn hại sức khỏe. Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Sử dụng gia vị không rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc do chứa các chất phụ gia chưa được kiểm soát hoặc có thể đã bị cấm sử dụng, như hàn the, phẩm màu công nghiệp, kim loại nặng… Việc ngộ độc có thể cấp tính gây nôn ói tiêu chảy cấp, nhưng cũng có thể mãn tính, dần dần tích lũy trong cơ thể gây ra bệnh lý, rối loạn chuyển hóa hay ung thư”.

Hoàng Việt