23/01/2025

Miền Trung chìm trong lũ dữ

Mưa lũ bất ngờ dồn dập xuống Quảng Bình trong ngày 16-10. Lốc ở huyện Quảng Trạch, lũ quét ở huyện Minh Hóa, nước dâng ào ạt ở các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa…

 

Miền Trung chìm trong lũ dữ

 
 

Mưa lũ bất ngờ dồn dập xuống Quảng Bình trong ngày 16-10. Lốc ở huyện Quảng Trạch, lũ quét ở huyện Minh Hóa, nước dâng ào ạt ở các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa…

Lốc quét qua bốn xã lúc nửa đêm

 

Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình cho biết đã có 4 người chết, 1 người mất tích và 27 người bị thương; 208 nhà bị sập đổ và cuốn trôi, 418 nhà bị tốc mái và hư hỏng, 11.083 nhà bị ngập lụt.

 

1g sáng 16-10, trong khi xóm làng ở xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch) đang chìm dưới cơn mưa thì một cơn lốc đã quét qua thôn Dài và Hạ Sơn. Hơn 200 căn nhà bị tốc mái và nhiều nhà sập đổ hoàn toàn.

Ba người chết là ông Phạm Xuân Sơn (48 tuổi), ông Mai Xuân Thụ (43 tuổi), bà Hoàng Thị Tý (55 tuổi) và 22 người bị thương.

Sau cơn lốc, lũ trên sông Hà Giang thuộc hệ thống sông Rào Nan lại dâng cao làm ngập sâu toàn bộ hai làng Dài và Hạ Sơn.

 

Người thân đau đớn khi tìm thấy thi thể cô giáo Nguyễn Thị Lộc bị lũ cuốn ở thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình – Ảnh : Quốc Nam

 

Người dân phải bỏ nhà bồng bế nhau chạy lũ. Khi chúng tôi đến, xóm làng đổ nát và hoang vắng như chốn không người. Đến chiều tối 16-10, ông Đậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết chưa thể biết được cụ thể thiệt hại do vùng này đang bị lũ chia cắt.

Cơn lốc còn quét qua ba xã khác, làm hư hỏng và tốc mái 100 ngôi nhà ở xã Quảng Minh, tốc mái 60 nhà xã Quảng Thủy và xã Quảng Văn 14 nhà.

 

Chợ Hóa Tiến tan hoang sau lũ quét

Cũng trong rạng sáng 16-10, một cơn lũ quét qua huyện miền núi Minh Hóa, cuốn trôi hai nhà dân ở xã Xuân Hóa, sập cầu treo ở xã Hóa Thanh, gây ngập 350 nhà dân xã Hóa Tiến.

Thiệt hại nặng nhất là chợ Hóa Tiến tan hoang sau cơn lũ quét. Sau cơn lũ, chúng tôi đã có mặt tại đây và chứng kiến cảnh tượng hàng chục lều quán, hàng hóa bị lũ cuốn trôi, nhiều tiểu thương không cầm được nước mắt vì trắng tay.

 

Một ngôi nhà ở thôn Thanh Sen, xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bị lũ ngập đến mái – Ảnh: Quốc Nam

 

Các tiểu thương cho biết từ đầu đêm 15 đến rạng sáng 16-10, họ đã có mặt ở chợ để phòng chống lũ. Đến khoảng 12g đêm thì trời ngớt mưa, nước dưới suối bắt đầu rút nên họ yên tâm đóng cửa chợ và về nhà ngủ. Nhưng khoảng 4g sáng thì trời đổ mưa rất to, kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ khiến nước lên nhanh ào ạt, phút chốc chợ đã ngập sâu đến 2m.

Các tiểu thương ở phía bên kia suối bị cô lập không thể đến chợ được, nhưng một số đến được thì cũng bất lực vì lúc này dòng nước lũ đang đổ ào ạt.

Họ chỉ biết đứng nhìn dòng lũ nhấn chìm toàn bộ khu vực chợ, hàng rào xung quanh bị lũ đánh sập, nhiều quầy hàng bị cuốn trôi hoàn toàn…

Anh Trần Văn Tý, chủ quầy tạp hóa, xót xa nói: “Hết cả rồi, hàng hóa của tôi cái thì lũ cuốn trôi, cái thì hư hại”. Cạnh đó, quầy hàng rau của bà Đinh Thị Luyện cũng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Gia đình bà Luyện thuộc diện hộ nghèo trong xã, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào quầy hàng trong chợ. Thế mà chỉ sau trận lũ quét kéo dài hai giờ đã cuốn trôi tất cả. Bà Luyện khóc ràn rụa: “Trắng tay rồi, lấy gì mà nuôi con cái đây?”.

LAM GIANG – MINH ĐẠT

 

 

Đường sắt Bắc Nam ách tắc

Tối 16-10, từ hiện trường khắc phục sự cố đường sắt Bắc Nam qua miền Trung, ông Nguyễn Văn Bính – phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội – cho biết mưa lũ đã làm nhiều đoạn đường sắt qua Hà Tĩnh – Quảng Bình ngập nặng, có đoạn 1,5-1,7m. Nước lũ nhấn chìm nhiều đoạn đường sắt giữa các ga Minh Lệ, Lệ Sơn, Kim Lũ, Đồng Lê, Ngọc Lâm trên địa phận Quảng Bình. Do nước lũ dâng cao và nhiều đoạn đường sắt bị sạt lở nên ngày 16-10 đã phải bãi bỏ tàu SE 20 từ Đà Nẵng đi Hà Nội.

* Các hãng hàng không cho biết trong ngày 16-10 thời tiết tại sân bay Vinh vô cùng xấu nên nhiều chuyến bay từ TP.HCM đều không thể hạ cánh xuống sân bay Vinh. Hàng trăm hành khách phải ngồi chờ ở nhà ga sân bay Vinh và Tân Sơn Nhất.

T.PHÙNG – L.N