Bền tâm cầu nguyện

Kinh nguyện phải là cách biểu lộ đức tin, nếu không, thì đó không phải là một lời kinh đích thực. Nếu ai không tin vào Thiên Chúa tốt lành, thì người ấy cũng không thể cầu nguyện một cách đúng đắn được. Đức tin thiết yếu là nền tảng cho thái độ cầu nguyện

 Bền tâm cầu nguyện

Thánh lễ phong Thánh tại Nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng cho các Chân phước – Stanislaw Kazimierczyk soltys (1433 – 1489)Anrê (Alfred) Bessette (1845 – 1937) Candida Maria de Jesus(Juana – Josefa) CIPITRIA y BARRIOLA (1845 – 1912)Maria Thánh giá (Mary Helen) Mac killop (1842 – 1909)Giulia Salzano (1846 – 1929)Battista Camilla Da Varano(1458 – 1524) – Quảng trường Thánh Phêrô  - Chúa Nhật XXIX TN, 17/10/2010

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta lại tham dự ngày lễ của sự thánh thiện. Trong niềm vui mừng, tôi thân ái chào mừng anh chị em đến đây, thậm chí từ những nơi rất xa, để tham dự ngày lễ này. Tôi xin được gửi những lời chào đặc biệt đến các Đức Hồng y, Giám mục và các Bề trên của những Hội dòng được các vị tân Thánh sáng lập, cũng như các phái đoàn chính thức và toàn bộ các cấp chính quyền dân sự. Chúng ta hãy cùng nhau đón nhận điều Chúa đã nói với chúng ta qua những bài đọc Sách Thánh vừa mới được công bố. Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một giáo huấn nền tảng: cần phải luôn cầu nguyện không bao giờ biết mỏi. Đôi khi chúng ta cảm thấy mỏi mệt không còn muốn cầu nguyện nữa, chúng ta có cảm tưởng rằng cầu nguyện không có ích gì cho cuộc sống, rằng cầu nguyện chẳng hữu hiệu là bao. Chính vì thế, chúng ta bị cám dỗ muốn dành thời giờ và sức lực để hoạt động, bị cám dỗ muốn dùng mọi phương tiện của con người để đạt được mục tiêu ta đang đeo đuổi, và chúng ta không còn chạy đến cùng Chúa nữa. Còn trái lại, Đức Giêsu lại khẳng định rằng phải luôn cầu nguyện, và Người đã khẳng định qua một bài dụ ngôn đặc biệt (x. Lc 18,1-8).

Dụ ngôn nói về một quan toà không hề kính sợ Thiên Chúa và chẳng kiêng nể một ai, một quan toà không có lấy một thái độ tích cực, mà chỉ tìm kiếm tư lợi. Ông không hề sợ Thiên Chúa xét xử, và không hề tôn trọng người khác. Nhân vật thứ hai là một bà goá, một con người ở trong một tình trạng yếu đuối. Trong Kinh Thánh, thì goá phụ và người mồ côi là những hạng người quẫn bách nhất, bởi vì họ không có gì để tự vệ và chẳng có lấy một phương tiện. Bà goá đi gặp vị quan toà để xin ông phân xử cho mình. Hầu chắc bà chẳng có chút hy vọng được quan toà lắng nghe, và bà chẳng gây được áp lực gì trên ông. Bà cũng chẳng có thể nại đến những nguyên tắc tôn giáo, bởi vì quan toà này chẳng hề kính sợ Thiên Chúa. Như thế, bà goá này dường như chẳng còn chút hy vọng nào cả. Nhưng bà nài nỉ, bà kêu xin mà không hề mỏi mệt. Bà quấy rầy, và như thế, bà đã được quan toà chấp thuận. Chính vào lúc này, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một suy nghĩ, khi Người sử dụng luận cứ a fortiori – tiên thiên  - : nếu một ông quan toà bất nhân mà cuối cùng rồi cũng phải để cho lời van xin của một bà goá khuất phục, thì phương chi, Thiên Chúa tốt lành, lại càng nhậm lời kẻ kêu xin Ngài hơn nữa. Quả thực, Thiên Chúa hiện thân là quảng đại, Ngài giàu lòng từ ái và Ngài luôn sẵn lòng lắng nghe mọi lời kêu xin. Do đó, chúng ta không bao giờ được ngã lòng bỏ cuộc, nhưng phải luôn bền tâm cầu nguyện.

Phần kết của trích đoạn Tin Mừng nói về đức tin: «Khi Con Người đến, liệu Người còn tìm thấy đức tin trên trần gian này nữa không?» (Lc 18,8). Đây là một câu hỏi giúp chúng ta lớn lên trong đức tin. Thực thế, kinh nguyện phải là cách biểu lộ đức tin, nếu không, thì đó không phải là một lời kinh đích thực. Nếu ai không tin vào Thiên Chúa tốt lành, thì người ấy cũng không thể cầu nguyện một cách đúng đắn được. Đức tin thiết yếu là nền tảng cho thái độ cầu nguyện. Đó là điều mà sáu vị tân Thánh đã làm, và hôm nay được đề nghị cho Giáo Hội toàn cầu tôn kính: Stanisław Sołtys, Anrê Bessette, Candida Maria de Jesus Cipitria y Barriola, Maria Thánh giá MacKillop, Giulia Salzano và Battista Camilla Da Varano.

Thánh Stanisław Kazimierczyk, là tu sĩ sống vào thế kỷ XV, đối với chúng ta, người là một mẫu gương và là một người bầu cử. Cả cuộc đời của người đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể. Trước tiên là tại nhà thờ Corpus Domini – Mình Thánh Chúa – ở Kazimierz, hiện nay là ở Cracovie, là nơi mà bên cạnh thân mẫu và phụ mẫu, người đã học biết đức tin và lòng đạo hạnh; cũng là nơi mà người đã tuyên khấn làm Kinh sĩ Dòng; là nơi mà người đã làm việc với tư cách là linh mục và nhà giáo dục, luôn để tâm chăm sóc những người sống trong cơn quẫn bách. Tuy nhiên, người lại đặc biệt liên kết với Thánh Thể qua tình yêu nồng cháy dành cho Đức Kitô hiện diện trong hình bánh hình rượu; khi sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, một mầu nhiệm không hề đổ máu được thể hiện qua Thánh lễ; xuyên qua việc thực thi bác ái đối với tha nhân, mà sự Hiệp lễ là nguồn mạch và là dấu chỉ.

Tu huynh Anrê Bessette, người gốc Québec, Canađa, và là tu sĩ của Hội dòng Thánh Giá, đã sống thời thơ ấu trong đau khổ và nghèo túng. Đau khổ và nghèo túng đã làm cho người chạy đến với Thiên Chúa qua kinh nguyện và một đời sống nội tâm mãnh liệt. Là người gác cổng của học viện Đức Bà tại Montréal, người biểu lộ một lòng mến vô biên và nỗ lực xoa dịu những cảnh khốn cùng của những ai chạy đến tâm sự với người. Trình độ học vấn không là bao, thế nhưng, người hiểu được điều thiết yếu của đức tin nằm ở đâu. Đối với người, tin có nghĩa là phục tùng Thánh ý Chúa một cách tự do và với cả tình yêu. Mầu nhiệm Đức Giêsu bao phủ lấy người, nên người đã sống mối phúc của những tâm hồn trong sạch, mối phúc của một cuộc đời ngay thẳng. Chính nhờ sự đơn sơ này mà người đã giúp cho nhiều người thấy được Thiên Chúa. Người đã cho xây dựng Nguyện đường Thánh Giuse Mont – Royal, và người đã làm người gác cổng trung thành của Nguyện đường này cho đến ngày qua đời năm 1937. Ở nơi đây, người đã chứng kiến biết bao vụ chữa lành và hoán cải. Người thường nói. «Anh chị em đừng tìm cách cất đi những thử thách, nhưng đúng hơn, hãy xin Chúa ban cho ơn chịu đựng cách tốt đẹp». Đối với người, tất cả đều nói về Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Ước gì chúng ta có thể theo bước chân người mà tìm kiếm Thiên Chúa với lòng đơn sơ, hầu khám phá ra Ngài luôn hiện diện ở giữa cuộc đời chúng ta! Ước gì gương sáng của Tu huynh Anrê gợi cảm hứng cho cuộc đời Kitô hữu Canađa!

Khi Con Người đến ân thưởng cho những người được tuyển chọn, liệu Người có còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất này nữa không? (x. Lc 18,8). Ngày hôm nay, chúng ta có thể nói rằng có, với niềm khuây khoả và lòng quả quyết, khi chúng ta chiêm ngưỡng những dung mạo như dung mạo của Mẹ Candida Maria de Jesús Cipitria y Barriola. Là một thiếu nữ có nguồn gốc tầm thường, với một tâm hồn được Chúa đóng ấn, và nhờ sự giúp đỡ của những linh phụ dòng Tên, Chúa đã nhanh chóng giúp người cương quyết chọn cuộc sống «hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa». Một quyết định mà người sẽ trung thành duy trì, như chính người đã nhớ lại trước giờ phút lâm chung. Người sống cho Thiên Chúa và cho những gì Thiên Chúa muốn nhất: đi đến với tất cả mọi người, mang lại cho mọi người niềm hy vọng không bao giờ chao đảo, đặc biệt cho những ai đang cần niềm hy vọng đó nhất. «Nơi đâu không có chỗ cho người nghèo, thì cũng chẳng có chỗ cho tôi» vị tân Thánh này đã thường nói như thế, với những phương tiện thực hạn chế, người đã thành công trong việc lôi kéo các Chị em khác đi theo Đức Giêsu, và hiến thân để giáo dục và cổ vũ cho phụ nữ. Và hội Dòng các Nữ tử Chúa Giêsu đã được khai sinh từ đấy, và ngày hôm nay, vẫn còn tìm thấy trong vị Sáng lập của mình một mẫu gương đời sống thực cao cả để học đòi bắt chước, và một sứ mạng tuyệt vời để đeo đuổi trong nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng tinh thần và ước muốn tông đồ nồng cháy của Mẹ Candida.

«Con hãy nhớ đến những ai đã dạy dỗ con – chính nhờ họ mà con đã có thể học được sự khôn ngoan dẫn con đến ơn cứu độ, nhờ đức tin vào Đức Kitô Giêsu». Trong nhiều năm qua, nhiều bạn trẻ trong toàn nước Úc đã được giáo dục bởi các nhà giáo theo gương can đảm, lòng nhiệt thành thánh thiện, sự bền tâm và cầu nguyện của Mẹ Mary MacKillop. Mẹ đã tận hiến cuộc đời thiếu phụ trẻ tuổi của mình để giáo dục những người nghèo trên vùng đất khó khăn và khắc nghiệt của một nước Úc đồng quê, và như thế, đã gợi cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác bước đi theo Mẹ trong cộng đoàn tu sĩ đầu tiên tại đất nước này. Mẹ chu cấp cho mỗi bạn trẻ được giao phó cho Mẹ những điều họ cần mà không phân biệt địa vị, giàu sang, luôn đào tạo họ về mặt trí thức cũng như tu đức. Dầu có nhiều thách đố, nhưng người vẫn luôn cầu nguyện với Thánh Giuse, và không ngừng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và tận hiến hội dòng mới được thành lập của Mẹ cho Trái Tim Chúa. Tất cả những điều đó đã mang lại cho vị Thánh nữ này những ơn cần thiết để sống trung thành với Chúa và Giáo Hội. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp của người, ước gì những môn đệ ngày nay tiếp tục phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội với niềm tin tưởng và khiêm nhường!

Vào nửa sau thế kỷ XIX, tại Campanie, miền Nam nước Ý, Chúa đã gọi một nữ giáo viên trẻ tuổi tên là Giulia Salzano, và biến Chị thành một nữ tông đồ giáo dục Kitô giáo, là vị Sáng lập Dòng Nữ tu dạy giáo lý Thánh Tâm Chúa Giêsu. Mẹ Giulia hiểu rõ tầm quan trọng của việc huấn giáo trong Giáo Hội, và khi kết hợp việc chuẩn bị sư phạm với nhiệt huyết thiêng liêng, Mẹ đã hiến dâng đời mình cho công tác này một cách quảng đại và thông minh, và như thế, góp phần vào việc đào tạo con người thuộc mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh xã hội. Mẹ thường nói với các nữ tu của mình rằng Mẹ ước ao dạy giáo lý cho đến giây phút cuối đời, Mẹ chứng minh bằng hết cả con người của mình rằng nếu «Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để biết Ngài, yêu mến Ngài và phụng sự Ngài trong cuộc sống này», thì ta không được đặt gì lên trước sứ mệnh này. Ước gì Thánh nữ Giulia Sarzano nâng đỡ Giáo Hội trong sứ mệnh ngàn đời của mình là loan báo Đức Kitô và đào tạo những lương tâm Kitô giáo đích thực.

Thánh nữ Battista Camilla Varano, là đan sĩ dòng Thánh Clara vào thế kỷ XV, đã làm chứng cho ý nghĩa sâu xa của Tin Mừng về cuộc đời, đặc biệt bằng cách bền bỉ trong kinh nguyện. Gia nhập Đan viện Urbin lúc hai mươi ba tuổi, người đích thân làm việc trong phong trào cải tổ rộng lớn về nền tu đức Phan Sinh dành cho nữ giới, và phong trào này muốn lấy lại đặc sủng của Thánh nữ Clara thành Assise. Người cổ vũ việc thành lập nhiều dòng tu tại Camerino, nơi người được nhiều lần bầu làm Đan viện mẫu tại Đan viện Fermo và San Severino. Cuộc đời của Thánh nữ Battista, hoàn toàn chìm đắm trong chiều sâu thăm thẳm của Thiên Chúa, là một cuộc hành trình không ngừng tiến lên con đường hoàn thiện, với một tình yêu anh hùng dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Cuộc đời của Thánh nữ được đánh dấu bằng những đau khổ và những an ủi thần bí. Thực thế, Thánh nữ đã quyết định, như chính người đã viết, «đi vào trong Trái Tim Cực Thánh của Đức Giêsu, và đắm chìm trong đại dương những đau khổ dằn vặt nhất của Người». Ở vào một giai đoạn mà Giáo Hội phải đau khổ vì thuần phong mỹ tục suy đồi, Thánh nữ đã quyết định đi trên con đường thống hối và kinh nguyện, với ước muốn mãnh liệt canh tân Nhiệm thể Đức Kitô. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân thánh thiện này, hồng ân đang toả chiếu trong Giáo Hội, và hôm nay đang sáng ngời trên gương mặt của những người anh chị em này. Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi người trong chúng ta đi theo Người để được sự Sống đời đời. Chúng ta hãy để cho những tấm gương sáng ngời này lôi cuốn, chúng ta hãy để cho cuộc đời dấn thân của các ngài hướng dẫn, để cho cuộc đời chúng ta trở nên một bài ca ngợi Thiên Chúa. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria và sáu vị tân Thánh mà chúng ta vui mừng tôn kính hôm nay cầu cùng Chúa cho ta nhận được ơn này. Amen.