01/11/2024

Kinh nghiệm chống bão

Được đánh giá là cơn bão có sức tàn phá mạnh còn hơn cả bão Xangsane từng đổ bộ vào Đà Nẵng cách đây 6 năm, chưa có thống kê chi tiết về thiệt hại, tuy nhiên với những gì mà ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được đó là mức độ thiệt hại của cơn siêu bão này đã được khống chế đáng kể.

 

Kinh nghiệm chống bão

Được đánh giá là cơn bão có sức tàn phá mạnh còn hơn cả bão Xangsane từng đổ bộ vào Đà Nẵng cách đây 6 năm, chưa có thống kê chi tiết về thiệt hại, tuy nhiên với những gì mà ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được đó là mức độ thiệt hại của cơn siêu bão này đã được khống chế đáng kể.

Những chi tiết chúng tôi muốn kể sau đây từ Đà Nẵng trước, trong và sau bão có lẽ rất đáng để nhiều địa phương khác tham khảo.

Trước bão: Những thông tin mới nhất về cơn bão được kênh truyền hình Đà Nẵng phát đi với tần suất ngày càng tăng từ cách hàng giờ cho đến 15 phút/lần với những thông số đã được đại chúng hóa theo kiểu bây giờ bão đang ở đâu, sức gió thế nào, dự kiến lúc nào thì sẽ vào, nó đơn giản đến mức để… bà con ai cũng có thể hiểu được nên nó dễ nhớ. (Thay vì những phát thanh viên điệu đà xuất hiện với một cái bản đồ cùng một rừng chữ nghĩa mang tính chuyên môn kiểu kinh độ mấy, vĩ độ mấy, trong 24 rồi 48 rồi 72 giờ tiếp theo… mà người ta vẫn thường thấy trên truyền hình và thường nhiều khi nghe xong các thông tin cần nhớ thì lại không thể nhớ nổi).

Cùng với dự báo là công điện của lãnh đạo thành phố với những quy định hết sức chi tiết rõ ràng, gắn với trách nhiệm từng cá nhân. Ví dụ công tác sơ tán dân cụ thể ở từng nơi, do ai đảm nhiệm. Các trường học nghỉ học từ lúc nào, chậm nhất đến mấy giờ thì hoàn tất. Các công trình xây dựng lên phương án chằng chống, kinh phí ai đảm nhận… Đặc biệt, khi vị bộ trưởng xuất hiện để chia sẻ một kinh nghiệm rất đơn giản mà hiệu quả mà ông tổng kết được như nên lấy các bao tải cát để chằng lên mái tôn, lãnh đạo các ngành chức năng cam kết sẽ bảo vệ tài sản cho người dân khi họ rời thuyền đến nơi sơ tán… đã làm cho người dân cảm thấy rất an lòng. Chính vì dễ hiểu, cụ thể nên không chỉ các cơ quan chức năng phát huy được hết trách nhiệm cá nhân mà người dân cùng tự giác đồng lòng thực hiện rất khẩn trương công tác chuẩn bị đối phó trước khi bão đến.

Khi những cơn gió bắt đầu mạnh dần lên, những tình huống cụ thể cũng đã được khẩn trương triển khai, cập nhật: Ví dụ tại một số tuyến đường thường có gió cuộn mạnh dễ gây tai nạn cho người đi xe máy như Hàm Nghi, Quang Trung… lực lượng công an và ngành giao thông đã ngay lập tức lập các chốt để hướng dẫn cho người dân đi tránh qua hướng khác. Những khuyến cáo này còn liên tiếp được cập nhật trên hệ thống phát thanh, truyền hình giúp những người dân chủ động được hướng đi cho mình, chủ động tránh được tai nạn.

Khi cơn bão bắt đầu càn đến, người dân lại tiếp tục nhận được các khuyến cáo mang tính chuyên môn nhưng đại chúng hóa kiểu: Khi bão vào, hiện tượng thường gặp là sau những đợt gió mạnh sẽ có một khoảng lặng từ 20 đến 40 phút, rồi tiếp tục có những đợt gió mạnh tiếp theo theo hướng ngược lại để người dân biết chủ động không ra khỏi nhà…

Ai cũng biết trước những cơn bão mạnh như bão số 10 hay 11 vừa qua thì thiệt hại là không thể tránh khỏi. Miền Trung là khu vực thường xuyên phải hứng chịu sự đe dọa của bão, lũ. Tuy nhiên, để những thiệt hại được hạn chế ở mức thấp nhất thì rõ ràng công tác đối phó cũng phải trở nên ngày càng chuyên nghiệp hơn. Những phương châm như 4 tại chỗ, chủ động, kịp thời, chính xác… thì ở đâu cũng nói, tuy nhiên sau mỗi đợt bão lũ thì vẫn có rất nhiều sự cố ngoài ý muốn xảy ra.

Việc Đà Nẵng hạn chế được tối đa các thiệt hại như đã từng thấy không chỉ bắt nguồn từ chỉ đạo chi tiết, cụ thể, rõ ràng, rốt ráo mà sâu xa hơn nó đã phát huy được sức mạnh của sự đồng lòng. Khi mà mỗi người dân trong thiên tai luôn có cảm giác mình vẫn luôn có một chỗ dựa, mình đang thực sự được quan tâm, không một ai dù là nhỏ bé nhất bị lãng quên.

Trần Thị Cúc Phương