24/01/2025

Đức Thánh Cha giải thích ”Giáo Hội tông truyền”

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung 80.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư, 16-10-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích ý nghĩa “Giáo Hội tông truyền” và nhắn nhủ các tín hữu cầu nguyện và loan báo Tin Mừng. Như thường lệ, ĐTC đã đi ra Quảng trường Thánh Phêrô hơn nửa giờ trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến, để chào thăm các tín hữu dọc theo các lối đi. Cạnh lễ đài có 2 hồng y và 20 giám mục tham dự buổi tiếp kiến.

 Đức Thánh Cha giải thích ”Giáo Hội tông truyền”

 
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung 80.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư, 16-10-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích ý nghĩa “Giáo Hội tông truyền” và nhắn nhủ các tín hữu cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.

Như thường lệ, ĐTC đã đi ra Quảng trường Thánh Phêrô hơn nửa giờ trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến, để chào thăm các tín hữu dọc theo các lối đi. Cạnh lễ đài có 2 hồng y và 20 giám mục tham dự buổi tiếp kiến.

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

“Khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính, chúng ta nói: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Tôi không biết có bao giờ anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa của thành ngữ “Giáo Hội là tông truyền” hay không. Có lẽ vài lần, khi đến Roma, anh chị em đã nghĩ đến tầm quan trọng của Thánh Phêrô và Phaolô là những người đã hiến mạng sống để mang đến và làm chứng cho Tin Mừng.

Tuyên xưng rằng Giáo Hội là tông truyền có nghĩa là nhấn mạnh mối liên hệ cấu thành của Giáo Hội với các Tông đồ, với nhóm nhỏ 12 người mà một hôm Chúa Giêsu đã kêu gọi, ngài gọi đích danh, để họ ở lại với Ngài và để sai họ đi rao giảng (x. Mc 3,13-19). Thật vậy, “tông đồ” là một từ Hy Lạp có nghĩa là “được sai đi”, “được phái đi”.

Tông đồ là một người được sai đi, được gửi đi để làm cái gì đó. Đó là một lời mạnh mẽ và các Tông đồ đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, được kêu gọi và sai đi, để tiếp tục công việc của Chúa, nghĩa là: cầu nguyện, đó là công việc đầu tiên của một tông đồ. Thứ hai là loan báo Tin Mừng. Đây là điều quan trọng, vì khi nghĩ đến các Tông đồ, chúng ta nghĩ các vị chỉ đi loan báo Tin Mừng, làm bao nhiêu công việc… Nhưng trong thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, đã có một vấn đề, vì các Tông đồ làm bao nhiêu là việc, không xuể. Vì thế, các vị đã chọn các phó tế để có thể có giờ cầu nguyện và loan báo Lời Chúa. Và khi chúng ta nghĩ đến những người kế vị các Tông đồ là các giám mục, cả giáo hoàng cũng là giám mục, chúng ta phải tự hỏi xem người kế vị Tông đồ này có cầu nguyện hay không, rồi loan báo Tin Mừng. Vì thế, Giáo Hội là tông truyền. Và tất cả chúng ta nếu muốn là tông đồ, thì chúng ta cũng phải tự hỏi: tôi có cầu nguyện cho sự cứu độ thế giới và loan báo Tin Mừng hay không? Đó là Giáo Hội tông truyền. Đó là một liên hệ cấu thành mà chúng ta đang có với các tông đồ.


Đi từ điều đó, tôi muốn nhấn mạnh vắn tắt 3 ý nghĩa của từ “tông truyền” được áp dụng cho Giáo Hội.

1. Giáo Hội là tông truyền vì được xây dựng trên lời rao giảng và kinh nguyện của các Tông đồ, trên quyền bính được chính Chúa Kitô ban cho các vị. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Kitô thành Ephêsô: “Anh chị em là đồng bào của các thánh và người thân thích của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và ngôn sứ, có đá góc là chính Chúa Giêsu Kitô.” (2,19-20); nghĩa là thánh nhân ví các tín hữu Kitô với những viên đá sống động họp thành toà nhà là Giáo Hội, và toà này được xây dựng trên các Tông đồ – như những cây cột – và viên đá nâng đỡ tất cả chính là Chúa Giêsu. Nếu không có Chúa Giêsu thì không thể có Giáo Hội. Chúa Giêsu chính là nền tảng của Giáo Hội. Các Tông đồ đã sống với Chúa Giêsu, đã lắng nghe lời Ngài, đã chia sẻ cuộc sống, nhất là các vị là chứng nhân về cái chết và sự sống lại của Chúa. Đức tin của chúng ta, Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn, không dựa trên một ý tưởng, một triết lý, nhưng trên chính Chúa Kitô. Và Giáo Hội giống như một cây, qua các thế kỷ lớn lên, phát triển và mang lại nhiều hoa trái, nhưng các rễ của cây được ăn sâu trong Chúa và kinh nghiệm cơ bản về Chúa Kitô mà các Tông đồ được chọn và sai đi có được, được truyền đến tận chúng ta: từ chiếc cây bé nhỏ cho đến ngày nay. Đó là Giáo Hội cho toàn thế giới.

2. Nhưng chúng ta tự hỏi: Làm sao chúng ta có thể liên kết với chứng tá ấy, làm sao chứng từ của các tông đồ, những gì các vị đã sống với Chúa Giêsu, những gì các vị đã nghe được từ Chúa, có thể được truyền đến chúng ta? Đây chính là ý nghĩa thứ của từ “đặc tính tông đồ”. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo quả quyết rằng Giáo Hội là tông truyền vì Giáo Hội “gìn giữ và thông truyền” nhờ sự trợ giúp của Thánh Linh ở trong Giáo Hội, giáo huấn, kho tàng tốt đẹp, những lời lành mạnh đã được các Tông đồ nghe” (n. 857). Giáo Hội bảo tồn qua các thế kỷ kho tàng quý giá là Kinh Thánh, đạo lý, các bí tích, sứ vụ của các mục tử, nhờ đó chúng ta có thể trung thành với Chúa Kitô và tham gia vào chính đời sống của Chúa. Giống như một giòng sông chảy qua lịch sử, phát triển, tưới gội, nhưng nước chảy trong sông vẫn luôn là nước xuất phát từ nguồn mạch, từ chính Chúa Kitô: Ngài là Đấng Phục Sinh, là Đấng Hằng Sống, và những lời của Ngài không qua đi vì chính Chúa không qua đi, Ngài hằng sống, Ngài ở giữa chúng ta ở đây. Ngài nghe chúng ta khi chúng ta nói với Ngài, Ngài ở trong tâm hồn chúng ta: Chúa Giêsu đang ở với chúng ta! Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội: Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng hồng ân mà Chúa Kitô ban cho chúng ta quan trọng dường nào, hồng ân Giáo Hội? Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng làm sao mà Giáo Hội, trong hành trình dài qua các thế kỷ, mặc dù có những khó khăn, những vấn đề và yếu đuối, tội lỗi, vẫn thông truyền cho chúng ta sứ điệp đích thực của Chúa Kitô? Chúng ta có an tâm về sự kiện này là điều mà chúng ta tin thực sự điều mà Chúa Kitô đã thông truyền cho chúng ta hay không?

3. Tư tưởng sau cùng: Giáo Hội là tông truyền vì được sai đi để mang Tin Mừng cho toàn thế giới. Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội tiếp tục sứ mạng mà Chúa Giêsu đã uỷ thác cho các Tông đồ: “Vậy các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con. Và này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20). Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta làm. Tôi nhấn mạnh khía cạnh về đặc tính truyền giáo này, vì Chúa Kitô sai tất cả mọi người hãy đi gặp gỡ tha nhân, Ngài gửi chúng ta đi, yêu cầu chúng ta hãy chuyển động để mang niềm vui Phúc Âm! Một lần nữa chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có phải là truyền giáo bằng lời nói và nhất là bằng đời sống Kitô của chúng ta hay không? Hay chúng ta khép mình trong tâm hồn và trong nhà thờ và chúng ta là Kitô hữu phòng thánh? Kitô hữu hữu danh nhưng sống như dân ngoại? Đây không phải là lời trách cứ, cả tôi cũng tự nhủ mình như vậy: Tôi là Kitô như thế nào? Có phải bằng chứng tá hay không?

Giáo Hội có căn cội nơi giáo huấn của các Tông đồ, là những chứng nhân chân thực của Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội nhìn về tương lai, ý thức mạnh mẽ mình được sai đi, là thừa sai. Một Giáo Hội khép kín vào trong mình và trong quá khứ, hoặc một Giáo Hội chỉ tuân giữ những quy luật nhỏ bé vì thói quen, thì phản bội chính căn tính của mình. Như thế, chúng ta tái khám phá vẻ đẹp và trách nhiệm là một Giáo Hội tông truyền! Anh chị em có nhớ không: Giáo Hội là tông truyền vì chúng ta cầu nguyện, như một nghĩa vụ thứ nhất, và vì chúng ta loan báo Tin Mừng chằng cuộc sống cũng như bằng lời nói.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức tại Toà Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ đảo La Reunion xa xăm, tận miền cực nam của Phi châu, và Ca đoàn “Son qui” từ Bỉ và đông đảo người trẻ.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ngài nhắc đến những người đến từ các nước như Anh, Ecosse, Đan Mạch, Na Uy, Israel, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Canada. Ngài đặc biệt chào thăm phái đoàn của Học viện Quốc phòng của Khối Nato.

Với các nhóm tín hữu nói tiếng Ảrập, ĐTC nhắc đến các tín hữu đến từ Irak và Giordani. Ngài mời gọi họ càu nguyện để Giáo Hội là ngọn lửa cháy nồng dẫn đưa mọi người đến cùng Chúa Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ĐTC nói: “Hôm nay, tại thành phố Katowice có một biến cố quan trọng về văn hoá và tôn giáo: một cuộc trình diễn thánh về đời sống và linh đạo của Thánh Phanxicô, với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ và hàng ngàn khán giả. Tôi cầu chúc cho ban tổ chức và các tham dự viên để cuộc gặp gỡ nghệ thuật này với vị Thánh nghèo thành Assisi khơi lên trong tâm hồn mọi người lòng yêu mến Thiên Chúa Tạo Hoá, lòng tôn trọng thiên nhiên và có lòng bác ái hữu hiệu đối với những người đang cần trợ giúp về tinh thần và vật chất.

“Tôi phó thác tất cả anh chị em hiện diện nơi đây và những người thân yêu của anh chị em cho sự chuyển cầu nơi thiên quốc của Chân phước Gioan Phaolô II nhân kỷ niệm 35 năm ngài được bầu lên ngai toà Thánh Phêrô, và tôi chân thành chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nồng nhiệt chào thăm các nhân viên của nhiều đại sứ quán cạnh Toà Thánh và cám ơn vì công việc quý giá mà họ thực hiện. Tiếp đến là các đại biểu của Phong trào Quốc tế Thế giới thứ tư, nhân dịp áp Ngày Khước từ Lầm than, và trong Ngày Thế giới Lương thực do LHQ đề xướng.

ĐTC cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các cặp tân hôn. Ngài nói: “Hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Các bạn trẻ thân mến, ước gì lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu dạy các bạn, đặc biệt các bạn trẻ thuộc Học viện Salesien Borgo di Roma và Học viện Thánh ở Salermo, hãy yêu mến như Chúa; làm cho anh chị em bệnh nhân quý mến trở nên mạnh mẽ can đảm trong khi vác thánh giá đau khổ với lòng kiên nhẫn, và sau cùng ước gì lòng sùng kính Thánh Tâm là trợ lực cho các đôi tân hôn quý mến trong việc xây dựng gia đình của các con trong sự trung thành và tận tuỵ.