Sờ đâu cũng thấy lãng phí, thất thoát
“Sờ đâu cũng thấy lãng phí, sờ đâu cũng thấy thất thoát, đầu tư công, doanh nghiệp đều có chuyện. Nếu đầu tư không hiệu quả thì làm gì có nguồn thu ngân sách?”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Sờ đâu cũng thấy lãng phí, thất thoát
“Sờ đâu cũng thấy lãng phí, sờ đâu cũng thấy thất thoát, đầu tư công, doanh nghiệp đều có chuyện. Nếu đầu tư không hiệu quả thì làm gì có nguồn thu ngân sách?” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu thảo luận về các Báo cáo Kinh tế của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (11/10).
Theo Chủ tịch Quốc hội, với bức tranh như vậy thì “không thể tô hồng mà phải đánh giá thật rõ thực trạng của nền kinh tế”.
Cứ tăng giá là phản ứng
Trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 3 năm 2011 – 2013, kế hoạch 2014, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm như GDP, bội chi ngân sách, tỷ trọng đầu tư trên GDP có thể không đạt kế hoạch.
Đáng lưu ý, kinh tế vĩ mô chưa thật bền vững, tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP, dư nợ tín dụng tăng thấp, xử lý nợ xấu còn chậm. “Có thể nói đến nay vẫn chưa giải quyết được nợ xấu. Việc chuyển nợ cho các Cty mua bán nợ chỉ có tác dụng làm trong sạch ngân hàng thôi, bản chất nợ xấu của doanh nghiệp đến nay chưa ai xử lý được” – ông Vinh cho biết.
Bất cập của nền kinh tế được ông Vinh chỉ rõ là “còn nặng tính bao cấp”. Trong khi đó, cứ tăng giá là bị phản đối. Ví dụ đường sá phải thu phí cao lên, nhưng ta chỉ thu dăm mười nghìn thì không thể đáp ứng được. “Đề án đổi mới giáo dục vừa được Trung ương thông qua rất hay, nhưng giải pháp về nguồn lực để thực hiện là không có. Giáo dục mầm non trước đây tư thục rất nhiều, đùng cái lại quay lại bao cấp gần như toàn bộ, cái đó chưa phải là đúng, đây là cái còn ngập ngừng. Cứ tăng giá là phản ứng thì đất nước không phát triển được” – ông Vinh nêu rõ.
Thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng ước đạt 5,14%, dự báo cả năm tăng 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 (5,25%) và là mức tăng hợp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Các DN tiếp tục chịu tổn thất, đổ vỡ nhiều hơn vì DN chỉ có 25-30% vốn, còn lại 70% phải trông vào ngân hàng. Nội quý 2 năm nay, 2/3 DN không kê khai thuế thu nhập DN vì làm ăn không có lãi”.
Không thể tô hồng
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan, bộ ngành trong chức trách của mình, không nên ngồi chờ hết vào Chính phủ. “Báo cáo nêu khó khăn về nguồn thu nhưng lại có những đề xuất dễ dẫn đến lạm phát, đặc biệt là nợ công của Chính phủ. Ta nêu vấn đề rất đúng nhưng đề xuất giải pháp có vẻ ngại đụng chạm, không thống nhất được” – ông Phước phân tích.
Nhìn vào thực trạng nền kinh tế, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chất lượng nền kinh tế chưa cao, tái cơ cấu còn chậm. Vừa rồi nói cắt giảm đầu tư công mới chỉ là cắt trên sổ sách mà thôi. Nền kinh tế đang mất cân đối rất lớn về tài chính, đến mức bán cả đất cũng chỉ để ăn. “Không nên tô hồng mà phải đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế đang ở đâu. Sờ đâu cũng thấy lãng phí, sờ đâu cũng thấy thất thoát, đầu tư công, doanh nghiệp đều có chuyện cả. Nếu hoạt động, đầu tư không hiệu quả thì làm gì có nguồn thu ngân sách?”.
Chủ tịch QH yêu cầu tái cơ cấu phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và phải triển khai quyết liệt trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp…
Nguyễn Tuấn