Mô hình ‘chất lượng cao’ bóp méo trường công – Kỳ 2: Chỉ mới cao dịch vụ
Từ năm 2006, TP.HCM đã có trường công ‘chất lượng cao’. Sau gần 10 năm, mô hình này vẫn chưa chứng tỏ được những ưu thế về chất lượng ngoài việc đảm bảo cung ứng dịch vụ cao.
|
Từ năm 2006, TP.HCM đã có trường công ‘chất lượng cao‘. Sau gần 10 năm, mô hình này vẫn chưa chứng tỏ được những ưu thế về chất lượng ngoài việc đảm bảo cung ứng dịch vụ cao.
|
Chưa thực hiện đúng cam kết
Năm học 2006 – 2007, Sở GD-ĐT TP.HCM chọn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) thí điểm mô hình trường “chất lượng cao”. Đến năm học 2012 – 2013, Sở tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình này ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Nguyễn Hiền (Q.11). Các trường áp dụng mức học phí từ 850.000 – 900.000 đồng/học sinh (HS)/tháng. Trong khi học phí thời điểm đó cho bậc THPT tại TP.HCM là 30.000 đồng/HS/tháng (năm học này tăng lên 90.000 đồng/tháng).
|
Theo bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, trường vận hành theo 5 tiêu chí mà Sở đề ra bao gồm: không dạy thêm học thêm, không thu các khoản tiền nào khác ngoài học phí, đảm bảo tốt các chương trình của Bộ GD-ĐT, thực hiện tốt phương pháp dạy học tiên tiến, phát huy năng khiếu của từng HS.
Trên cơ sở này, các trường phải tự hoạch định nội dung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Với mức học phí đang áp dụng, theo bà Duyên, HS được học phụ đạo, bồi dưỡng và cả luyện thi ĐH tại trường mà không hề mất thêm bất kỳ lệ phí nào. Bà Duyên cũng cho rằng do được tăng thêm nguồn thu nhập, giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy.
Ngoài ra, ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT (tác giả của mô hình này), cho rằng sự khác biệt thể hiện ở chỗ sĩ số lớp chỉ 30 HS (các trường khác từ 45 – 50 HS), học ngày 2 buổi, trang thiết bị được ưu tiên loại tốt nhất. Mỗi phòng học có một máy vi tính nối mạng, một máy chiếu, một màn hình, một máy in, 2 máy lạnh…
Tuy nhiên với những gì diễn ra trong thực tế, các trường theo mô hình này chưa thực hiện được hết những cam kết của một trường “chất lượng cao” theo các tiêu chí đã đề ra.
Chẳng hạn với mức học phí cao gấp 30 lần các trường công lập khác (thời điểm trước năm học 2013 – 2014), những trường này đảm bảo không thu bất kỳ khoản tiền nào khác. Thế nhưng tại Trường THPT Lê Quý Đôn, vào đầu năm học 2007 – 2008, tức sau một năm triển khai mô hình này, ban đại diện cha mẹ HS đã đứng ra huy động phụ huynh đóng từ 80.000 – 120.000 đồng/HS để mua máy chấm thi trắc nghiệm giúp giáo viên không còn vất vả khi chấm bài. Khi đó, nhiều phụ huynh đã phản ứng vì cho rằng điều này đã đi ngược với cam kết lúc đầu của Sở.
Lãnh đạo các trường cho rằng đảm bảo HS theo học “chất lượng cao” sẽ không phải học thêm, luyện thi ĐH. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV Thanh Niên, rất đông HS ở các trường này vẫn đi học thêm bên ngoài sau giờ học. Khảo sát hơn 10 HS của Trường THPT Lê Quý Đôn thì tất cả đều cho biết các em có học thêm bên ngoài từ 1 – 3 môn. “Em học thêm bên ngoài vì chủ yếu muốn luyện thi vào ĐH”, một HS của trường này nói. Trả lời PV Thanh Niên, bà Đỗ Thị Bích Duyên nói: “Thật sự, trường trang bị rất tốt kiến thức cho HS nhưng cũng phải thừa nhận có nhiều em còn đi học thêm bên ngoài. Trường cũng đành chịu vì đó là chọn lựa riêng của phụ huynh và HS”!
“Nhiều trường khác làm tốt hơn thế”
Nếu cứ lấy các tiêu chí theo chuẩn Việt Nam để xét đến yếu tố chất lượng như chuẩn đầu vào, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, đậu ĐH… thì những trường đang thực hiện mô hình “chất lượng cao” cũng chưa xứng tầm so với nhiều trường công bình thường khác.
Năm thứ 2 áp dụng mô hình này nhưng theo lãnh đạo hai trường Nguyễn Hiền và Nguyễn Du, trường gặp không ít khó khăn về chất lượng đầu vào. Chẳng hạn tại Trường THPT Nguyễn Hiền, nếu 2 năm trước, điểm chuẩn đầu vào luôn khoảng 33 thì năm học này chỉ còn 27,5. “Điều này cũng dễ hiểu, từ khi trường được “mang tiếng” là “chất lượng cao”, những HS giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn không dám đăng ký dự thi vào trường, vì lỡ đậu các em không biết lấy tiền đâu đóng học phí”, một lãnh đạo trường “chất lượng cao” cho biết.
Theo báo cáo tổng kết thực hiện mô hình này của Trường THPT Lê Quý Đôn, từ năm học 2007 – 2008 đến nay, trường luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% và đậu ĐH-CĐ từ 70 – 98%. Tuy vậy, theo lãnh đạo một trường chuyên tại TP.HCM, so sánh với bảng xếp hạng các trường THPT toàn quốc có chất lượng của Bộ GD-ĐT (với tiêu chí điểm thi và quy mô dự thi ĐH-CĐ), có nhiều năm trường này không lọt vào bảng xếp hạng hoặc nếu có thì thứ hạng còn thua mấy trường khu vực ngoại thành học phí thấp hơn mấy chục lần.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 của lứa HS đầu tiên theo mô hình “chất lượng cao”, Trường THPT Lê Quý Đôn xếp hạng 123/200 trường, sau các trường như THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn). Đến năm 2010, trường xếp hạng 173 và tiếp tục đứng sau các trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn), Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), Mạc Đĩnh Chi (Q.6). Đến năm 2011, trường xếp hạng 120…
Trước thực tế này, ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), thốt lên: “Nếu chỉ tính đến tỷ lệ tốt nghiệp và đậu ĐH thì có lẽ không cần mô hình này với mức học phí cao như vậy, vì nhiều trường khác đã làm tốt hơn thế”.
Ý kiến
Bất công và bất hợp lý “Hiện nay các trường này mới chỉ thể hiện được ở tiêu chí sĩ số ít, giáo viên có điều kiện quan tâm đến HS, có đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị. Còn về chất lượng đào tạo thì trước và sau khi thực hiện không thấy gì khác biệt. Trong khi đó, trường vẫn hưởng ngân sách nhà nước đồng thời thu học phí cao. Điều này tạo sự bất công không chỉ với HS mà còn là sự bất hợp lý với những trường còn lại. Nói chung là mô hình này chưa đủ thuyết phục”. Ông Võ Anh Dũng Không thấy thuyết phục “Quy trình thực hiện quá vớ vẩn, bất công khó chấp nhận. Đã lấy trường công mà còn lấy ngôi trường đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, điểm chuẩn đầu vào luôn đứng tốp trên, có sẵn uy tín… mà làm mô hình này thì không thấy thuyết phục. Cũng chưa có nghiên cứu thống kê nào cho thấy HS của trường “chất lượng cao” hiện nay năng động hơn, năng khiếu hơn những HS trường khác”. Hiệu trưởng một trường THPT của H.Củ Chi Tạo áp lực sĩ số cho trường khác “Với sĩ số giảm gần 20 HS so với sĩ số các trường THPT khác và mức học phí cao, mô hình này đã tạo áp lực sĩ số cho các trường lân cận”. Ông Cao Huy Thảo Trường tư khó phát triển “Có thể để trường tư triển khai mô hình này, nhà nước quản lý chặt chẽ chứ cứ ôm đồm như vậy thì trường tư ngày càng khó phát triển”. Bà Hoàng Thị Hồng Hải
|
Bích Thanh – Minh Luân