23/01/2025

“Trẻ” không chịu lớn

Giới trẻ ngày càng năng động và giỏi giang. Nhiều bạn đã sớm gặt hái thành công ngay khi còn ngồi ghế giảng đường, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ ngày nay.

 

“Trẻ” không chịu lớn

Giới trẻ ngày càng năng động và giỏi giang. Nhiều bạn đã sớm gặt hái thành công ngay khi còn ngồi ghế giảng đường, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ ngày nay.

“Trẻ” không chịu lớn
Sự nuông chiều của cha mẹ là nguyên nhân khiến trẻ ỷ lại - Ảnh: Shutterstock

Nhưng ngược lại, có không ít bạn trẻ khi ra trường vẫn “không chịu lớn”. Những bạn trẻ này cứ “bám” lấy ba mẹ, không chịu đi làm hay đi làm nhưng mọi vấn đề đều phải do ba mẹ quyết định…

Bảo Châu nổi tiếng trong trường như một “hotgirl” bởi vẻ ngoài xinh xắn và vốn ngoại ngữ tương đối trôi chảy. Với những lợi thế này, chắc chắn Châu sẽ có nhiều thuận lợi khi tìm việc làm. Thế nhưng sau khi ra trường, trong khi các bạn vất vả tìm việc thì Châu vẫn chỉ ở nhà, suốt ngày lướt web, đọc sách, xem phim và làm đẹp với lý do “Ba sẽ kiếm việc cho mình, khi nào có thì mình đi làm thôi, không cần phải lo lắng”. Mỗi lần nhắc tới, mẹ Châu chỉ thở dài: “Có lẽ vì là con một nên từ nhỏ nó đã được cưng chiều, cái gì ba mẹ cũng làm cho hết. Giờ hơn 22 tuổi rồi, nó vẫn chưa biết gấp chăn màn, giặt quần áo hay nấu cơm… chứ chưa nói gì đến việc bươn chải với đời để kiếm tiền”.

Con cái “không chịu lớn” xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau, nhưng không thể phủ nhận lỗi trước tiên xuất phát từ phía người lớn. Sự nuông chiều quá mức hay không rèn luyện cho con tính tự lập ngay từ nhỏ khiến trẻ dù lớn lên về tuổi đời nhưng vẫn rất phụ thuộc, ỷ lại ba mẹ, thiếu trách nhiệm hoặc không biết cố gắng, phấn đấu cho tương lai. Cũng có một số trường hợp gia đình có kinh tế khá giả, cha mẹ vì không muốn con bon chen, lận đận nên khuyên con đừng đi làm nếu thấy không hài lòng, lương thấp hay công việc vất vả… Chính sự yêu thương của người lớn theo cách này đã vô tình hạn chế khả năng phát triển và trưởng thành của con trẻ.

Để trẻ có thể “lớn”, phụ huynh cần giúp trẻ hình thành tính tự lập ngay khi còn nhỏ. Hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt nhất như để trẻ tự xúc ăn, đánh răng, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân, tự dọn dẹp phòng, tự xếp chăn màn… đến các việc lớn hơn như chăm em, làm vệ sinh nhà cửa, phụ mẹ nấu cơm, phụ ba sửa chữa các vật dụng trong nhà… Hãy trao cho trẻ cơ hội tự giải quyết các vấn đề của mình trong khả năng, không nên việc gì cũng giúp đỡ và làm thay trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ 5 tuổi chưa biết làm gì kể cả những việc đơn giản như tự đánh răng, mặc quần áo… nên luôn làm giúp trẻ một cách rất “nhiệt tình” mà không biết rằng trẻ có thể tự mình làm được rất nhiều thứ.

Khi các phương tiện truyền thông đưa tin về hoàn cảnh của bé Trường (Tây Ninh) chỉ mới 5 tuổi đã phải tự tắm rửa, nấu cơm, rửa bát và thậm chí còn chăm sóc người mẹ mắc bệnh ung thư, nhiều người đã rất cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của em đồng thời cũng rất ngạc nhiên với những việc mà trẻ tuổi này có thể làm được. Mỗi gia đình mỗi cảnh, không nhất thiết các bậc cha mẹ phải dạy trẻ cách tự nấu ăn hay làm những việc quá khó so với độ tuổi của mình, nhưng qua điều này, cha mẹ có thể thấy rằng con trẻ có thể làm được nhiều thứ nếu như chúng ta biết cách giáo dục, hướng dẫn và tin tưởng trẻ.

Để trẻ “lớn”, hãy cho trẻ cơ hội và hướng dẫn trẻ “biết lớn”. Trong cuộc sống hiện đại, không ít cha mẹ đã quá lo lắng và cố gắng để tránh cho con va chạm với những khó khăn của cuộc sống mà quên rằng chúng ta không thể sống mãi để bao bọc cho trẻ suốt đời. Cuộc sống có trải nghiệm, có thất bại, có những thăng trầm thì cá nhân mới biết trân trọng hạnh phúc, mới sống hoàn thiện hơn và thành công hơn. Dạy con trưởng thành chính là cách để con có một tương lai hạnh phúc.

PGS.TS Huỳnh văn Sơn