23/01/2025

Paris “nhái” vắng như chùa bà đanh

Xây dựng các thành phố “nhái” kiến trúc phương Tây đang trở thành một trào lưu rầm rộ tại Trung Quốc. Tại một vùng ngoại ô tỉnh Chiết Giang, người ta có thể tham quan cả Paris và Venice chỉ trong một buổi trưa! Dưới con mắt của nhiều chuyên gia, đây là biểu hiện rõ nhất sự tự ti của người Trung Quốc dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây.

 

Paris “nhái” vắng như chùa bà đanh

Xây dựng các thành phố “nhái” kiến trúc phương Tây đang trở thành một trào lưu rầm rộ tại Trung Quốc. Tại một vùng ngoại ô tỉnh Chiết Giang, người ta có thể tham quan cả Paris và Venice chỉ trong một buổi trưa!

 

 

 

Dưới con mắt của nhiều chuyên gia, đây là biểu hiện rõ nhất sự tự ti của người Trung Quốc dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây.

Thành phố “nhái”

Sky City hay còn gọi là Paris “nhái” được xây dựng vào năm 2006. Nơi này từng được kỳ vọng trở thành khu dân cư nhộn nhịp vào bậc nhất tỉnh Chiết Giang. Thế nhưng bảy năm trôi qua, giấc mộng chưa bao giờ thành sự thật.

Sky City quy tụ hầu hết các công trình đẹp mắt nhất tại Paris như tháp Eiffel, đại lộ Champs-Elysées… Chỉ khác một điều: tầng trệt của các tòa nhà có kiến trúc kiểu Tây này trống huơ trống hoác. Sự im lặng đáng sợ của thành phố này khiến những người dân sống quanh đây bất chợt có cảm giác rùng mình.

Từ một kế hoạch hết sức hoàn hảo: xây dựng công trình mang kiến trúc phương Tây tại khu vực cách trung tâm thành phố 40 phút lái xe, khu vực rất “Tây” này được kỳ vọng sẽ là nơi quy tụ những người giàu có nhất. Khi mọi người đổ về đây, một khu thương mại sầm uất sẽ hình thành. Một tương lai xán lạn vẽ ra trước mắt các nhà đầu tư.

Tuy nhiên sự thật lại không như mong đợi. Từ văn phòng, ông chủ họ Nghiêm hướng cặp mắt xa xăm ra tháp Eiffel “nhái”: “Nhà đầu tư nghĩ rằng một tuyến tàu điện ngầm chạy thẳng về khu phức hợp này sẽ có mặt trong nay mai, nhưng tất cả tan như bong bóng xà phòng”.

Chuyến tàu điện ngầm mất hút, những người giàu có cũng không xuất hiện. Các biệt thự kiểu Tây với giá lên đến 800.000 USD vẫn chưa có chủ nào ghé mắt tới. Thành phố Paris “nhái” vắng tanh như một thành phố ma.

Cách “Paris” một giờ lái xe là thành phố kênh đào “Venice” với những bancông và bức tường màu đất nung mang đậm chất Ý. Venice “nhái” may mắn hơn “Paris” do có tuyến tàu điện ngầm vắt ngang. Tuy vậy, nơi đây cũng không thể phất lên như mong đợi.

Bianca Bosker, tác giả cuốn sách Original copies: Architectural mimicry in contemporary China nói về việc sao chép của Trung Quốc, cho rằng các công trình trên là một cách để thể hiện sự giàu có và khiếu thẩm mỹ của họ. “Người ta không chỉ bán những căn nhà kiểu Tây, mà họ còn bán giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Chỉ có điều giấc mơ này quá đắt đỏ!

Có lẽ kém may mắn nhất vẫn là công trình “Khu vui chơi lớn nhất châu Á” tại ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Trong hơn một thập kỷ, các tòa nhà cổ tích xây dở dang phơi mình ra trong gió mưa. Với tham vọng biến một vùng ngoại ô thành một khu trung tâm giải trí với các khách sạn sang trọng, trung tâm mua sắm và các dãy phố ẩm thực hoành tráng, Wonder Land Bắc Kinh giờ trở thành một thành phố ma kể từ khi bị bỏ phế năm 1998, sau đợt khủng hoảng kinh tế tại châu Á năm 1997.

 

Từng được kỳ vọng là khu sang trọng nhưng “Paris thu nhỏ” ở Chiết Giang giờ vắng tanh và xung quanh vẫn còn những người nông dân nghèo (ảnh nhỏ) – Ảnh: Reuters

 

“Nhái” vì tự ti

Hôm 23-9, bài viết “Nhái kiến trúc bắt nguồn từ sự tự ti trong văn hóa kiến trúc” của phó giáo sư Lưu Hải Minh, ĐH Kỹ thuật Tây Nam đăng trên Nhật Báo Quảng Châu, đã khơi dậy nhiều tranh luận trong dư luận Trung Quốc.

Theo ông Lưu, sự nghiêm trọng của tình trạng bắt chước toàn tập này đang dần biến Trung Quốc thành một đất nước ỷ lại, lười biếng và thiêu rụi tính sáng tạo trong những người trẻ tuổi. “Không có sáng kiến, không có gu thẩm mỹ, thiếu sáng tạo, cuối cùng chúng ta chọn cách bò theo đuôi người khác. Các công trình nhái tuy tạo ra những cảnh quan đẹp mắt nhưng chẳng bao giờ đưa chúng ta lên vị trí nổi bật”.

Theo phó giáo sư Lưu, trên đời này không có gì dễ bằng việc sao chép người khác. Nhiều “đại sư” hàng nhái liên tục xuất hiện ở Trung Quốc. Đáng tiếc là việc “ăn cắp” trắng trợn này đem đến nhiều danh dự hão huyền. Tận sâu thẳm trong văn hóa kiến trúc ấy là ba chữ: không tự tin.

Thói quen mù quáng chạy theo thời thượng không chỉ thể hiện ở kiến trúc. Sự tự ti còn thể hiện ở nhiều mốt thời thượng mà cộng đồng mặc nhiên thừa nhận. Không ít bậc phụ huynh tại Trung Quốc đặt tên Tây cho con cái mình. Việc có hơi hướm “tây” khiến nhiều người tỏ ra hết sức tự hào.

Theo ông Lưu, sự tự ti thật sự không chỉ thể hiện bằng vẻ ngoài đáng thương, mà còn biểu hiện thông qua việc bắt chước. Nhiều người cho rằng “chỉ cần có hơi hướm phương Tây, họ sẽ cảm thấy mãn nguyện, cảm thấy đáng sống, cảm thấy mình cao hơn người đời một bậc”. Đó là biểu hiện rõ nhất của sự tự ti.

Giáo sư Đồng Minh, ĐH Đồng Tế (Thượng Hải), chua chát nhận định: “Đối với nghề kiến trúc, việc sao chép công trình của người khác là một điều đáng xấu hổ”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người Trung Quốc lại tự hào rằng mình bắt chước được cả thế giới.

ĐÔNG PHƯƠNG

Ảnh: Reuters