Làm chủ cuộc sống
Tình trạng nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ vì một chút khó khăn trong cuộc sống mà đã buông xuôi, thậm chí tự hủy hoại bản thân, khiến gia đình và xã hội rất hoang mang vì không thể nào lý giải nổi.
Làm chủ cuộc sống
Tình trạng nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ vì một chút khó khăn trong cuộc sống mà đã buông xuôi, thậm chí tự hủy hoại bản thân, khiến gia đình và xã hội rất hoang mang vì không thể nào lý giải nổi.
|
Phải chăng các bạn trẻ này đã không được trang bị các kỹ năng cần thiết, mà cơ bản là các kỹ năng làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của chính mình?
Vấn đề đặt ra là trẻ chưa trưởng thành thì làm chủ cuộc sống như thế nào? Làm chủ cuộc sống ở trẻ cần hiểu đó là khả năng trẻ có thể giải quyết và đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để trẻ có thể làm chủ cuộc sống?
Biết quý trọng bản thân
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu biết yêu quý bản thân thì trẻ sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Yêu quý bản thân là trẻ tự tin về chính mình, biết được những mặt ưu khuyết điểm của bản thân, không tự ti, mặc cảm khi so sánh mình với người khác cũng như khi đón nhận những lời nhận xét tiêu cực về bản thân mình. Để trẻ biết quý trọng bản thân, cha mẹ trước hết phải thường xuyên thể hiện những cử chỉ và lời nói yêu thương, trân trọng đối với trẻ để trẻ thấy rằng mình có ý nghĩa rất lớn đối với cha mẹ. Hãy tích cực khen ngợi và cổ vũ cho trẻ, tâm sự để trẻ hiểu và giúp trẻ gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hướng trẻ đến những hoạt động vui tươi lành mạnh, định hướng và giúp trẻ phát huy những tố chất và năng khiếu nổi trội…
Tự lập
Để hình thành cho trẻ kỹ năng làm chủ cuộc sống thì cha mẹ cần dạy cho trẻ tính tự lập ngay từ nhỏ. Biết cách làm mọi thứ cho bản thân từ sớm là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển và sự trưởng thành ở trẻ. Nếu người lớn quá kiểm soát trẻ hay để trẻ phụ thuộc quá lâu thì trẻ sẽ có xu hướng bám riết lấy người lớn, trở nên lười biếng và cảm thấy khó khăn trước mọi việc. Do đó, cha mẹ cần tin tưởng, động viên và khuyến khích trẻ làm những công việc trong khả năng và lứa tuổi của mình, vừa giúp trẻ dần làm chủ những hoạt động hằng ngày của bản thân vừa là cơ hội để trẻ thể hiện bản thân mình. Nếu được cha mẹ tập luyện, hướng dẫn và cùng trẻ “chiến đấu” thì trẻ 2 tuổi đã có thể tự cầm muỗng múc ăn hay trẻ 4 tuổi đã có thể tự mặc các loại quần áo đơn giản…
Đối diện sớm với các mối “nguy hiểm”
Rất nhiều cha mẹ thương con theo kiểu “nâng trứng hứng hoa”, sợ con đau, con buồn, con gặp khó khăn. Chính điều này làm cho trẻ trở nên nhút nhát, ỷ lại và không trưởng thành. Với trẻ em Việt Nam, cha mẹ thường cho rằng 4 tuổi là quá sớm và quá nguy hiểm để sử dụng những vật dụng như: dao, kéo hoặc những đồ vật sắc nhọn…
Trong khi đó, trẻ em Nhật lại được học cách sử dụng những vật “nguy hiểm” này từ rất sớm và thực tế cho thấy trẻ em Nhật rất giỏi phản ứng trước các tình huống nguy hiểm. Để dạy trẻ cách kiểm soát “nguy hiểm” một cách an toàn và đúng phương pháp, cha mẹ phải luôn theo sát để giải thích, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời cho trẻ. Cha mẹ cũng cần lưu ý là chỉ nên hướng dẫn, làm mẫu và trông chừng chứ không làm giúp trẻ. Đối mặt với khó khăn, thách thức là cơ hội để trẻ phát triển, vì vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện tối đa cho trẻ phát huy tính tự lập và học cách làm chủ cuộc sống. Điều này rất cần thiết, vì sớm muộn gì trẻ cũng sẽ phải đối diện với nhiều mối “nguy hiểm” trong cuộc sống sau này.
Trẻ chỉ có thể làm chủ cuộc sống của mình khi được rèn luyện, hướng dẫn ngay từ nhỏ. Điều quan trọng là phải cho trẻ cơ hội để làm chủ, phụ huynh không nên áp đặt hay giải quyết mọi vấn đề giúp trẻ. Hãy là người cố vấn, là người bạn lớn để đồng hành cùng trẻ.