23/12/2024

Trẻ dậy thì sớm

Hiện nay, độ tuổi dậy thì của trẻ đang có xu hướng ngày càng sớm hơn so với trước đây. Nhiều bậc cha mẹ đã rất hốt hoảng khi thấy con gái mình mới 8 tuổi đã xuất hiện “đèn đỏ”.

Trẻ dậy thì sớm

Hiện nay, độ tuổi dậy thì của trẻ đang có xu hướng ngày càng sớm hơn so với trước đây. Nhiều bậc cha mẹ đã rất hốt hoảng khi thấy con gái mình mới 8 tuổi đã xuất hiện “đèn đỏ”.

Chính vì chưa bắt nhịp được với hiện tượng này, nhiều cha mẹ đã không kịp chuẩn bị tâm lý và hướng dẫn kỹ năng tự chăm sóc bản thân cần thiết cho trẻ.


Cha mẹ hãy luôn quan tâm đến sự thay đổi của con mỗi ngày - Ảnh: Shutterstock 

Trẻ dậy thì sớm, tại sao ?

Trước đây, bé gái thường bắt đầu dậy thì vào khoảng 12 – 13 tuổi, bé trai thì chậm hơn khoảng 14 – 15 tuổi. Nhưng ngày nay, dậy thì được xem là bình thường khi xuất hiện ở các bé gái trong độ tuổi từ 8 – 13, còn các bé trai là 10 – 15 tuổi. Các bé gái bắt đầu có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi hoặc các bé trai dậy thì trước 10 tuổi được xem là dậy thì sớm.

Nguyên nhân của dậy thì sớm bắt nguồn từ sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, sự bùng nổ công nghệ thông tin và sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng. Sự tiếp xúc của trẻ với thế giới bên ngoài vì thế nhiều hơn, trẻ có thể tiếp cận sớm với những thông tin và hình ảnh “nóng”, phim “người lớn”… Điều này khiến thần kinh của trẻ bị kích thích, đẩy nhanh quá trình chín ở hệ viền của não – vùng quyết định sự dậy thì. Bên cạnh đó, khi trẻ ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ chăn nuôi công nghiệp cũng sẽ có nguy cơ dậy thì sớm. Nguyên nhân là do việc sử dụng hoóc môn tăng trưởng trong chăn nuôi công nghiệp. Ngoài nguyên nhân từ môi trường sống thì một số bệnh lý cũng có khả năng khiến trẻ dậy thì sớm. Những bệnh lý như: u não gây tăng tiết hoóc môn tuyến sinh dục, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh… đều khiến trẻ dậy thì sớm. Do đó, nếu trẻ có hiện tượng dậy thì sớm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân.

Tâm lý của trẻ dậy thì sớm

Những thay đổi bên ngoài dễ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi vì sự khác biệt so với chúng bạn, trẻ dễ bị tự ti và cảm thấy cô đơn. Có khi, việc bị bạn bè trêu chọc làm trẻ trở nên chán ghét cơ thể của mình, tìm cách hành hạ những bộ phận trên cơ thể. Do đó, khi trẻ dậy thì sớm mà không kịp thời nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của người lớn thì trẻ rất dễ cáu gắt, thích thể hiện cái tôi, dễ mắc sai lầm và đua đòi theo những việc làm xấu. Thậm chí, trẻ có nguy cơ bị sốc, bị trầm cảm do chưa chuẩn bị tâm lý để đón nhận sự thay đổi ở cơ thể mình. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị kẻ xấu lợi dụng do chưa nhận thức đúng đắn về vấn đề tình dục. Đây cũng chính là lý do rất nhiều trẻ em chỉ mới 10 – 12 tuổi phải đến bệnh viện phá thai thời gian qua, sự việc này làm các bậc cha mẹ và thầy cô phải giật mình lo lắng, đồng thời rung hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng và xã hội.

Dạy trẻ kiến thức giới tính từ sớm

Việc dậy thì sớm ở trẻ hiện nay đôi khi khiến cha mẹ còn lo lắng và rối rắm hơn cả trẻ. Nhiều bậc cha mẹ thấy con mình mới tuổi bé tí đã “đèn đỏ”, thích làm đẹp… thì rất hốt hoảng, lo lắng trăm đường vì nhà đã có “bom nổ chậm”. Có rất nhiều người quan niệm rằng, dạy cho trẻ kiến thức giới tính sớm sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, chúng sẽ tò mò tìm hiểu những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát… khi ấy thì nguy to. Nhưng một quy luật rất tự nhiên, đó là cái nào bản thân không biết hoặc biết chút ít, chưa thỏa mãn nhu cầu hiểu biết thì bản thân sẽ càng háo hức tìm hiểu. Ngày nay, trẻ có quá nhiều điều kiện để có thể tự tìm hiểu thông tin qua sách báo, internet, thậm chí nếu không được định hướng đúng đắn, trẻ sẽ tò mò thử nghiệm, thực hành.

“Vẽ đường” cho trẻ không bao giờ là sớm cả, mà quan trọng là cha mẹ vẽ gì cho trẻ. Ví như trẻ 4 tuổi, nói chuyện giới tính với trẻ có sớm không? Câu trả lời là không sớm, vấn đề là cha mẹ cần nói gì với trẻ ở tuổi này? Cha mẹ có thể chỉ cho trẻ biết những nơi nào được gọi là “vùng cấm”, vùng không ai được đụng vào và chỉ cho trẻ cách giữ vệ sinh những nơi ấy… Khi thấy trẻ có sự phát triển những bộ phận sinh dục trên cơ thể, hãy chia sẻ cho trẻ hiểu sự phát triển của những bộ phận ấy trong thời gian tới ra sao, cách chăm sóc và bảo vệ chúng. Điều này giúp trẻ tự tin hơn với sự khác biệt của mình so với các bạn đồng trang lứa, vui vẻ đón nhận sự phát triển đến với mình.

Đồng hành cùng trẻ

Trong giai đoạn này, trẻ rất cần một người bạn đồng hành để san sẻ những bối rối của trẻ khi đối diện với những thay đổi về mặt sinh lý và tâm lý. Cha mẹ hãy chia sẻ, tâm sự với trẻ giống như một người bạn để hướng dẫn trẻ. Chỉ khi là bạn, trẻ mới tâm sự những “dấu hỏi lớn” trong lòng, lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ… Nếu bị cha mẹ áp đặt, trẻ sẽ cảm thấy mình bị bắt ép, không nhận được sự đồng cảm và sẽ phản ứng lại bằng những hành vi chống đối. Do đó, cha mẹ nên nhìn nhận và trò chuyện về các vấn đề tế nhị này một cách cởi mở và dí dỏm. Đây được xem như một thủ thuật để hướng trẻ dậy thì đi đúng quỹ đạo của cuộc trò chuyện về giới tính… Để làm được điều này, các bậc cha mẹ cần làm chủ kiến thức về giới tính, có quan điểm hiện đại và có kỹ năng tâm tình, chia sẻ một cách khoa học… Hãy là một người cha, người mẹ biết quan tâm và yêu thương con, phụ huynh sẽ cảm nhận được sự thay đổi của con mình từng ngày và biết phải “mở lời” thế nào để phù hợp với tâm lý và lứa tuổi của con.

Dậy thì sớm ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại. Phụ huynh cần chủ động quan sát, kịp thời nhận biết để có thể tư vấn và hỗ trợ trẻ nhằm hạn chế những tác động không tốt đến tâm lý và hành vi của trẻ. Phụ huynh cũng đừng hoảng hốt hoặc quá nghiêm khắc khi trẻ dậy thì sớm mà hãy đồng hành với trẻ, cùng trẻ bước qua giai đoạn không ít khó khăn này.