22/12/2024

Những chuyện rắc rối trên trời: “Đây là chuyến bay không hút thuốc…”

Hơn 10 năm qua, trên những chuyến bay nội địa của các hãng hàng không VN và nhiều hãng hàng không quốc tế khác tuyệt đối không cho phép hành khách hút thuốc lá.Hành vi này nếu bị phát hiện, lập biên bản trong lãnh thổ VN, hành khách sẽ phải đóng phạt 500.000-1,5 triệu đồng.

 Những chuyện rắc rối trên trời:

“Đây là chuyến bay không hút thuốc…”

 
 

Hơn 10 năm qua, trên những chuyến bay nội địa của các hãng hàng không VN và nhiều hãng hàng không quốc tế khác tuyệt đối không cho phép hành khách hút thuốc lá.

Hành vi này nếu bị phát hiện, lập biên bản trong lãnh thổ VN, hành khách sẽ phải đóng phạt 500.000-1,5 triệu đồng. Tuy nhiên việc lén lút hút thuốc lá trên máy bay vẫn thường xảy ra.

 

Tưởng không có ai biết

“Đây là chuyến bay không hút thuốc, quý khách không được hút thuốc trong suốt thời gian bay…”, trong khi tiếp viên trưởng đang thông báo trên loa máy bay, Huyền – tiếp viên trên chuyến bay của Hãng JPA – theo thói quen bắt đầu liếc qua toàn bộ hành khách khu vực mình đang phụ trách. Linh cảm của một tiếp viên có nhiều năm bay cùng hành khách trên các chuyến bay giá rẻ cho cô cảm giác ông khách ngồi ghế 23E có điều gì đó không ổn.

Bay được một lát, ông khách nọ lục đục đứng lên tiến nhanh về phía nhà vệ sinh ở cuối máy bay rồi đóng sầm cửa lại. Nhận được tín hiệu từ tiếp viên trưởng, Huyền và một nam đồng nghiệp đập cửa nhà vệ sinh yêu cầu hành khách bên trong mở cửa…

Ông khách mở cửa, nét mặt có chút thảng thốt. Trong buồng vệ sinh mùi khói thuốc vẫn còn. Huyền nhắc lại thông báo ban đầu của tiếp viên trưởng và hỏi lại ông khách: “Anh vừa hút thuốc trong buồng vệ sinh phải không?”. “Không, tôi không hút”. “Anh không hút sao có khói thuốc?”. “Người đi trước hút, không phải tôi”. “Trước khi anh vào không có ai vào buồng vệ sinh này, tôi trực ở đây từ nãy đến giờ – anh đồng nghiệp của Huyền xác nhận – Tiếp viên trưởng đã thông báo cho chúng tôi, bảng điện tử trong buồng lái phát hiện có khói thuốc trong buồng vệ sinh này. Anh đã vi phạm quy định cấm hút thuốc trên máy bay, mời anh cung cấp thông tin để chúng tôi lập biên bản”.

Huyền bảo trong buồng vệ sinh trên máy bay luôn có hai cảm biến: một cảm biến khói, một cảm biến nhiệt rất nhạy, chỉ cần một hơi thuốc thôi tín hiệu trên bảng điện trong buồng lái sẽ phát ngay.

 

Lời cảnh báo trong buồng vệ sinh - Ảnh: L.N.

 

Tiếp viên Nguyễn Thị Nguyệt của Hãng hàng không VietJet Air (VJA) kể cô đã nhiều lần lấy nước dập ngay điếu thuốc đang cháy dở bên trong thùng rác vì khách trong lúc luống cuống đã bỏ luôn vào đấy để phi tang.

Theo các tiếp viên trưởng, phần lớn biên bản được lập trên chuyến bay đều là biên bản vi phạm của hành khách về hành vi hút thuốc trong buồng vệ sinh khi máy bay đang bay.

Các tiếp viên kể nhiều khách nghiện hút thuốc đi lại thường xuyên trên máy bay nên rất tinh vi, khi nghiện quá mang theo thuốc lá vào phòng vệ sinh rít thật nhanh một hơi, phun khói vào bồn cầu rồi bấm xả để hi vọng khói thuốc bị hút theo. Có người phả khói thẳng vào thùng rác, có người thả vào túi nôn rồi gói lại vứt vào thùng rác…

Khi lập biên bản chỉ vài khách không than phiền gì mà tự động điền thông tin vào biên bản và nhanh chóng đồng ý nộp phạt, còn phần lớn to tiếng cãi vã rằng họ không nghe tiếp viên thông báo.

Tuy nhiên, khi tiếp viên chỉ cho bảng thông báo bằng tiếng Việt màu đỏ rực “có thiết bị báo khói trong buồng vệ sinh” gắn ngay tầm nhìn, gần chốt khóa cửa trong buồng vệ sinh thì chẳng khách nào còn chống chế.

Văn phòng Trung tâm An ninh sân bay quốc tế Nội Bài cho biết trong đa số các biên bản vi phạm trong lĩnh vực hàng không, các trường hợp hút thuốc trên máy bay bị lập biên bản nhiều nhất. Trung bình các hành vi này đều bị phạt 750.000 đồng.

“Nhiều khách ngạc nhiên vì không biết bị theo dõi, có khách cứ nghĩ mình lừa được tiếp viên nhưng phần lớn họ đều biết sẽ bị phạt nên mới trốn vào nhà vệ sinh chứ” – một chuyên viên văn phòng tổng hợp các trường hợp phạt vi phạm hút thuốc cho biết.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Phương, giáo viên có thâm niên hơn hai năm làm tiếp viên và 15 năm phụ trách đào tạo các khóa huấn luyện an toàn bay tại Trung tâm Huấn luyện bay VNA, cho biết ở độ cao bay bằng (trên 9km) không khí rất khô, bay lâu trong khoảng không này mọi vật dụng và con người dễ dàng tích điện và vô cùng dễ cháy. “Vì vậy hút thuốc bị cấm hoàn toàn trên các chuyến bay quốc tế và nội địa” – cô Phương nói.

 

Do công việc, nhiều hành khách vẫn sử dụng điện thoại trên máy bay – Ảnh: Gia Tiến

 

“Người ta gọi lên cho em”

“Bạn đã từng thử để điện thoại di động gần màn hình máy tính và gọi vào điện thoại đó chưa? – cô Nguyễn Thị Mỹ Phương hỏi – Khi đó màn hình sẽ nhập nhoạng, chớp tắt… vì ảnh hưởng của sóng điện thoại. Khi máy bay chuẩn bị cất/hạ cánh hay lăn bánh trên đường vào chỗ đậu trong sân bay, phi công phải liên tục liên lạc với đài kiểm soát không lưu, các bộ phận dưới mặt đất để nhận hướng dẫn đưa máy bay hạ/cất cánh hay đến nơi đậu chính xác, an toàn…

Vì vậy khi cùng lúc nhiều sóng điện thoại di động phát ra sẽ có thể làm nhiễu các cuộc liên lạc quan trọng này, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của chuyến bay, đến tính mạng của hàng trăm hành khách”.

Nhưng dường như khách chẳng ai để ý đến quy định cấm dùng điện thoại khi còn trong máy bay của các tiếp viên. Thủy, tiếp viên trên chuyến bay VJ 8679 hành trình Hà Nội – TP.HCM ngày 19-4-2013 của VJA, kể máy bay đang hạ độ cao, hành khách tên L.V.H. mở điện thoại ra nói oang oang, Thủy đến nhắc cho khách này biết chỉ được dùng điện thoại khi đã vào trong nhà ga. “Tôi có việc” – ông khách sinh năm 1982 này hạ điện thoại xuống nói với Thủy.

Một nam đồng nghiệp của Thủy cũng đến nhắc khách, mặc kệ, ông này vẫn thao thao bất tuyệt trước cái nhìn của bao hành khách xung quanh và tiếp viên.

Thủy báo cáo với tiếp viên trưởng, cơ trưởng Paolo Romano về hành vi bất chấp quy định của L.V.H.. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, an ninh sân bay đã đưa hành khách này về văn phòng trung tâm an ninh hàng không lập biên bản với mức phạt 1 triệu đồng.

Bà Thu Nga, phó đoàn tiếp viên VJA, kể có khách lại dùng điện thoại để “nổ” lấy le với người đẹp trên chuyến bay. Biên bản của Thu Hằng, tiếp viên trên chuyến bay của hãng từ TP.HCM ra Hà Nội, cho biết khi máy bay đã bay bằng (thường cao hơn 9km – NV), một vị khách nữ xinh đẹp nhấn nút gọi tiếp viên dồn dập.

Khi Hằng đến nơi, nữ hành khách này lên tiếng yêu cầu Hằng nhắc ông khách ngồi gần đó không được gọi điện thoại di động. Hằng chỉ cười và nói lớn cho cả ông khách kia nghe: “Trên này làm gì còn sóng điện thoại mà gọi chị ơi”. Ông khách nọ lẳng lặng cúp điện thoại rồi đeo kính râm vào ngủ.

Thống kê trong các biên bản báo cáo sau chuyến bay của tiếp viên, hầu hết hành khách lớn tuổi không biết tắt điện thoại nên tiếp viên gần như yêu cầu hành khách “giao nộp” điện thoại rồi tắt cho khách.

Tiếp viên Nguyễn Thị Nguyệt kể có lần máy bay vừa hạ cánh đã nghe tiếng chuông điện thoại và giọng nói ồn ào của một ông khách. Cô đến yêu cầu tắt điện thoại thì bị mắng như tát nước: “Cô này rách việc, máy bay hạ cánh rồi, tôi cũng không được điện thoại là sao?”. Nguyệt ôn tồn giải thích rằng phi công đang phải liên lạc với mặt đất, nhưng ông khách lại tiếp tục sửng cồ: “Nó làm việc tôi cũng làm việc”.

Bà Lê Nguyễn Hiền Trinh, trưởng đoàn tiếp viên Hãng hàng không giá rẻ JPA, kể có lần máy bay đang hạ độ cao xuống sân bay Vinh, tiếp viên nghe tiếng một nữ hành khách ngồi gần đó thao thao bất tuyệt: “Nhìn thấy nhà rồi, rõ lắm, mày đến chưa, có mang mũ bảo hiểm cho tao không?….”. Khi tiếp viên đến tận nơi yêu cầu tắt điện thoại, nữ hành khách ngơ ngác phân trần: “Người ta gọi cho em mà, em đâu có gọi”.

LÊ NAM

Luôn có thông báo nhắc nhở hành khách không được hút thuốc lá trên máy bay – Ảnh: L.N.