Khi bảng phấn bị ra rìa
Vài năm trở lại đây, phụ huynh rất nhiều trường tại TP.HCM được vận động mua máy chiếu, màn hình LCD, máy tính, bảng tương tác… trang bị cho lớp học của con mình. Nhưng hiệu quả tới đâu?
Khi bảng phấn bị ra rìa
Vào lớp, cô giáo loay hoay khởi động máy tính, mở tivi, cắm USB, tải dữ liệu. Gặp trục trặc, cô phải gọi điện thoại nhờ người rành công nghệ tới hỗ trợ. Học sinh ngồi chờ. 15 phút sau, bài giảng mới thật sự bắt đầu.
“Chuyện thường ngày” ở một lớp học sử dụng “con chuột” và màn hình tivi thay cho bảng phấn.
Ba năm trở lại đây, phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lên cao. Nhiều quận tại TP.HCM đã phát động dạy học bằng máy tính kết nối màn hình tivi. Không ít trường đã trang bị 100% phòng học có gắn các thiết bị này, đồng thời đặt chỉ tiêu phấn đấu giảng dạy hoàn toàn bằng các thiết bị điện tử.
Loay hoay với máy móc
Tại Gò Vấp, khá nhiều trường tiểu học đều đã hoàn thành trang bị 100% phòng học có màn hình LCD. Chúng tôi có dịp dự giờ tiết học toán tại một trường tiểu học, giáo viên sử dụng phần mềm học toán với hình ảnh những ngôi sao, bông hoa ở phía cuối các phép tính.
Sau khi học sinh làm bài xong, giáo viên giải bài bằng cách mở các bông hoa và ngôi sao. Bài học khá thú vị, trừ chuyện giáo viên quá mất thời gian để sử dụng các thiết bị máy tính.
Để sử dụng con chuột, giáo viên không thể rời khỏi bàn của mình. Giáo viên ngồi quay mặt về phía học sinh nhưng phải liên tục ngoái lại phần bảng để theo dõi màn hình. Nhiều học sinh ngồi cuối lớp rướn cổ, căng mắt mới xem được những chi tiết trên màn hình LCD 32 inch được đặt phía trên cùng của bảng.
Những học sinh ngồi gần cửa sổ càng khó khăn hơn khi phải nghiêng người vào phía trong mới nhìn được. Thế nhưng học tiếng Việt mới thật sự mệt cho cả cô lẫn trò vì màn hình LCD không thể chiếu hết khổ thơ, cô giáo phải liên tục rê chuột lên xuống. Chữ nhiều và nhỏ nên những học sinh ngồi cuối lớp chọn cách nhìn vào sách thay vì nhìn lên bảng.
Tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh ở quận 7, 45 phòng học của trường đều được trang bị màn hình LCD 52 inch, kết nối với máy tính bàn hoặc laptop của giáo viên. Trong giờ học, giáo viên kết hợp sử dụng các phần mềm học toán, tiếng Việt hoặc chiếu các clip, hình ảnh hỗ trợ bài giảng.
Dàn thiết bị này được kết nối Internet để giáo viên tìm kiếm thông tin khi cần, đồng thời cập nhật thông tin lớp học lên trang web của trường để phụ huynh theo dõi. Mỗi màn hình LCD đều được cố định trong một khung sắt, khi cần giáo viên đẩy ra phía giữa bảng, không dùng nữa thì đẩy vào phía trong tường.
Tuy nhiên, những trường trang bị màn hình tivi loại lớn và có thiết bị hỗ trợ dạng này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, vì kinh phí đầu tư cho mỗi phòng học như vậy lên đến hơn chục triệu đồng. Vì vậy, tại TP.HCM loại màn hình được sử dụng phổ biến hơn cả vẫn là loại 32 inch được đặt ở “nóc” bảng hoặc góc trên tường phía trong.
“Trùm mền” hàng loạt
Khi phong trào đang lên cao thì đua nhau mua máy móc, thiết bị để hoàn thành chỉ tiêu “trăm phần trăm” phòng học hiện đại. Nhưng việc sử dụng có hiệu quả hay không còn tùy thuộc đối tượng sử dụng là giáo viên.
Cô S.T., giáo viên một trường tiểu học tại Gò Vấp, cho biết: “Cả năm nay hầu như các màn hình LCD chỉ để ngắm là chính. Hồi mới lắp đặt thì giáo viên cũng nhiệt tình dạy học bằng giáo án điện tử hoặc chiếu hình ảnh tư liệu, về sau thấy mất thời gian và nguồn tư liệu cũng cạn dần.
Giáo án điện tử phải là của mình tự làm mới sử dụng được, mà làm thì rất công phu và mất thời gian. Sao chép của đồng nghiệp thì đủ bài nhưng khó dạy. Nếu máy bị trục trặc gì phải “trùm mền” luôn vì đây là công trình của phụ huynh, trường không có kinh phí sửa chữa.
Nhiều giáo viên lớn tuổi không thích dạy bằng máy nên phụ huynh sắm màn hình LCD rồi… để đó”. Mới đây, một số trường tiểu học ở quận 1, 5 đã tháo dỡ những màn hình tivi 24 inch, 32 inch vì kích cỡ quá nhỏ, không sử dụng được ở những phòng học trên dưới 40 học sinh.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 băn khoăn: “Không phải giáo viên nào cũng rành máy móc và thao tác tốt trên các thiết bị dạy học hiện đại. Khi sử dụng máy móc, giáo viên thường loay hoay với cái máy, vừa mất thời gian vừa thiếu sự gần gũi, giao lưu với học trò.
Như vậy hiệu quả giảng dạy sẽ không đạt được”. Đây là một trong số ít trường không trang bị màn hình LCD ở phòng học, chỉ lắp đặt tivi và đầu máy để chiếu phim tư liệu khi cần. Máy chiếu, LCD chỉ được trang bị tại các phòng chức năng.
Tại quận 7, hiệu trưởng một trường tiểu học nêu ý kiến: “Trang bị màn hình, máy tính để hỗ trợ giáo viên giảng dạy. Nhưng muốn đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả phải tập huấn cho thầy cô kỹ năng sử dụng, thao tác trên máy thật thuần thục, đồng thời chuẩn bị kho dữ liệu, giáo án phong phú. Vấn đề là cái gì giúp học sinh hứng thú thì mình làm chứ không nhất thiết sử dụng LCD suốt ngày. Bởi cái máy không thể thay thế được giáo viên và kết nối với học sinh”. (còn tiếp)
LƯU TRANG
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Doãn Thành (Q.trưởng khoa sức khỏe trường học Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM): Nhìn lâu sẽ gây mệt mỏi cho mắt Các loại công nghệ đặt trong lớp học như máy vi tính, tivi, máy chiếu…, tùy quy cách bố trí sẽ có ảnh hưởng lên học sinh về các mặt như bức xạ và sức khỏe của thị lực. Nếu học sinh phải nhìn lên máy tính, tivi, màn hình chiếu… quá lâu, trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của các em. Đặc biệt, trên màn hình các loại công nghệ đó lại hoặc không đủ độ sáng, hoặc chữ quá nhỏ, hoặc quá nhiều màu sắc thì khả năng mắt phải điều tiết rất cao. Với việc cơ điều tiết của mắt phải gắng sức trong điều kiện nhìn lâu, kéo dài sẽ tạo ra sự mệt mỏi cho mắt, lâu dần có thể dẫn đến những tật khúc xạ hoặc nhìn mờ, mỏi. Ngoài ra, ánh sáng phản xạ từ màn hình quá nhiều hoặc có cường độ cao, kể cả vị trí đặt màn hình không phù hợp với góc nhìn của học sinh cũng có thể gây những tác hại cho mắt. Vì thế nếu máy tính, màn hình chiếu, tivi… có cấu trúc như một bảng học với cỡ chữ to (như chữ trên bảng), tầm nhìn vừa (không ngồi quá gần, quá xa), không bắt “mắt phải nhìn cho bằng được” và biết cho mắt nghỉ ngơi sẽ ít ảnh hưởng lên thị lực. M.DUNG ghi |