23/01/2025

Chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan

Năm 2013, ở ngành y dược, cả nước có hơn 15.000 chỉ tiêu ĐH, hơn 24.000 chỉ tiêu CĐ. Báo cáo về công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế năm 2011 của Bộ Y tế cho biết trong những năm gần đây, số sinh viên học ĐH y dược tăng hằng năm và tăng theo cấp số nhân.

Báo động đào tạo ngành y: Chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan

Cơ hội trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ ĐH chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay.

Phòng thực hành y khoa của Trường ĐH Trà Vinh – Ảnh: Trần Huỳnh 

Trong khi điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa năm nay ở các trường ĐH công lập chuyên ngành y, dược đều khá cao và tăng so với năm trước, từ 23-27,5 điểm…, thì Trường ĐH Trà Vinh cũng là trường công lập năm đầu tiên tuyển sinh ngành y đa khoa (khối B) với điểm chuẩn là 17,5. Ngoài ra, năm nay trường còn bắt đầu tuyển ngành y tế công cộng (khối A/B) với điểm chuẩn 13/14 điểm. Hai ngành nhà trường tuyển khóa thứ hai là xét nghiệm y học (khối A/B) 14/14,5 điểm và điều dưỡng (khối A/B) 13,5/14,5 điểm.

Điểm dưới sàn cũng trúng tuyển

Bên cạnh đó, hàng loạt trường ĐH ngoài công lập đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe có điểm chuẩn trúng tuyển thấp đến không ngờ. Cụ thể, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) năm thứ hai tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa (khối B) với điểm chuẩn là 17. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) tuyển ngành dược sĩ ĐH (khối A/B) với điểm chuẩn 16/17 điểm. Trường ĐH Hồng Bàng đào tạo ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học (xét nghiệm y khoa) bậc ĐH có điểm chuẩn bằng sàn khối B 14 điểm.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bậc ĐH ngành dược sĩ (khối A/B) điểm chuẩn là 16, điều dưỡng (khối B) bằng sàn. Trường ĐH Nam Cần Thơ vừa được thành lập, tuyển sinh năm đầu tiên với điểm chuẩn ngành dược (khối A/B) cũng bằng điểm sàn. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) tuyển ngành dược sĩ ĐH (khối A/B) và ngành điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn NV1 bằng sàn. Nhưng điều bất ngờ nhất là năm nay những thí sinh dưới điểm sàn cũng có thể trúng tuyển vào ngành dược sĩ và điều dưỡng của trường này. Theo đó, các thí sinh có hộ khẩu thường trú ba năm trở lên (tính đến thời điểm nộp hồ sơ) tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc, Tây nguyên trường xác định mức điểm trúng tuyển các ngành ĐH, CĐ thấp hơn mức điểm trúng tuyển không quá 1 điểm (khối A 12 điểm, khối B 13 điểm).

TS Phan Văn Thơm, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho biết: “Trường tư nếu không có sinh viên sẽ phải đóng cửa. Năm trước, trường lấy bằng điểm sàn nhưng chỉ tuyển được hơn 40%. Việc tuyển sinh đầu vào với điểm thấp chỉ là giải pháp tình thế. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo nhà trường sẽ sàng lọc rất mạnh”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, do đặc thù trường địa phương, nguồn tuyển chủ yếu là thí sinh trong tỉnh, năng lực của thí sinh hạn chế hơn các vùng khác, gắn với nhiệm vụ chính trị đối với tỉnh nhà, nên trường này có chính sách ưu tiên cho NV1 của thí sinh và số lượng tuyển cũng hạn chế. “Mức điểm tuyển này có thấp so với trường tốp trên nhưng trường phải chọn mức này mới có được một vài thí sinh là người dân tộc Khmer trúng tuyển” – ông Dũng giải thích.

Không thể tuyển tràn lan

Chính việc các trường tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học sức khỏe với mức điểm thấp như vậy đã khiến nhiều người lo ngại. TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho rằng trên thực tế, yêu cầu đầu vào người học nhóm ngành khoa học sức khỏe phải là người rất giỏi. Không phải vô cớ mà các trường y dược luôn có điểm chuẩn rất cao. Đây không chỉ là vấn đề chỉ tiêu mà còn là sự đòi hỏi người học phải đạt mức độ tư duy tốt để có thể tiếp thu được khối kiến thức rất sâu của ngành học. “Tôi cho rằng học sinh khá giỏi mới có khả năng học tốt ngành y dược. Đặc biệt ngành bác sĩ đa khoa gắn với công tác khám chữa bệnh, đòi hỏi người học có kiến thức rất chắc và kỹ năng thực hành giỏi. Cần xác định rõ ràng đào tạo y khoa phải là đào tạo tinh hoa, không thể chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan” – ông Nghĩa nói.

TS Trần Ái Cầm – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cũng thừa nhận: “Với chất lượng đầu vào thấp, không chỉ sinh viên mà nhà trường cũng vất vả. Giảng viên dạy phải nói đi nói lại nhiều lần, các trang thiết bị thực hành cũng tiêu hao nhiều hơn”. Năm ngoái, một số sinh viên lớp CĐ điều dưỡng của trường đã viết đơn “kêu” trường dạy khó quá, đề nghị trường… nới tay. Lớp CĐ kỹ thuật y học khóa đầu tiên của trường này chỉ có 2/29 sinh viên tốt nghiệp.

Một cán bộ Trường ĐH Y dược TP.HCM cho rằng chất lượng đầu vào của thí sinh ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo. Với đầu vào ngành bác sĩ, dược sĩ là thí sinh có sức học trung bình sẽ rất khó đào tạo. Những ngành học khác như kỹ thuật y học, điều dưỡng… yêu cầu chuyên môn gắn với kỹ năng thực hành, chăm sóc bệnh nhân nhưng nếu sinh viên có học lực trung bình sẽ rất vất vả trong quá trình học.

TRẦN HUỲNH

 

 

Đầu tư cho ĐH Y dược Cần Thơ

Ông Dương Quốc Xuân – phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ – cho rằng việc thẩm định để cho ra đời một khoa hay một trường y dược cần tiến hành một cách chặt chẽ là trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan như Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ phối hợp và đề xuất với Chính phủ bố trí ngân sách hằng năm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất Trường ĐH Y dược Cần Thơ vào năm 2015, nắm tình hình thực tế và nhu cầu đầu tư xây dựng của Trường ĐH Trà Vinh (khoa y, dược) cũng như đề xuất với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch – đầu tư trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng và mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho công tác dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của những trường trên.

CHÍ QUỐC

 

 

 

Nơi chặt chẽ, chỗ rộng tay

Năm 2013, ở ngành y dược, cả nước có hơn 15.000 chỉ tiêu ĐH, hơn 24.000 chỉ tiêu CĐ. Báo cáo về công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế năm 2011 của Bộ Y tế cho biết trong những năm gần đây, số sinh viên học ĐH y dược tăng hằng năm và tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, năm 2011 tăng gấp bốn lần năm 2003, gấp hai lần so với năm 2007. Trong văn bản Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu Quốc hội về các giải pháp khắc phục vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH mà Bộ GD-ĐT công bố ngày 18-9 cũng nêu rõ hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành khoa học sức khỏe năm 2013 tăng thêm đến 1,7%.

Thống kê từ chính Bộ GD-ĐT cho thấy hiện tại số trường công lập chuyên về đào tạo y, dược là 49 trường ĐH, CĐ. Còn lại, trong số 17 trường ĐH đa ngành có đào tạo ngành y, dược có đến 14 trường ĐH ngoài công lập và trường ĐH địa phương. Các trường có truyền thống, các trường công có đầu tư thì khiêm tốn trong đăng ký chỉ tiêu như Trường ĐH Dược Hà Nội có truyền thống đào tạo hơn 50 năm cũng chỉ tuyển mới 400 chỉ tiêu ĐH, 100 chỉ tiêu CĐ/năm; Trường ĐH Y Hà Nội duy trì đều đặn 1.000 chỉ tiêu/năm (trong đó chỉ có 550 chỉ tiêu ĐH y đa khoa); ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 44 chỉ tiêu y đa khoa, 44 chỉ tiêu dược học; ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển 100 chỉ tiêu y đa khoa. Còn các trường ngoài công lập thì ngay khi mở ngành đã đăng ký hàng trăm chỉ tiêu là chuyện rất bình thường. Kết quả, cùng ngành đào tạo y đa khoa, mức điểm chênh lệch giữa các trường có thể lên đến… 10 điểm.

NGỌC HÀ

 

 

 

GS.TS Trương Việt Dũng (trưởng Khoa y ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo, Bộ Y tế):

Đào tạo y dược là đặc thù

Chất lượng đào tạo y dược ở các trường ngoài công lập thì hội nghị của Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược tháng 8 vừa qua đã phản ứng nhiều. Các hiệu trưởng đều phản ứng hiện trạng đầu tư ít, lấy điểm thấp, tuyển sinh nhiều. Đào tạo sinh viên y khoa rất khác so với các ngành học khác. Một giảng viên trường khác có thể dạy 4-5 môn, nhưng trường y thì chỉ dạy tối đa hai môn. Mắt và tai mũi họng là hai chuyên khoa khác nhau, riêng chữa bệnh trên gương mặt cũng phải 4-5 chuyên khoa. Đào tạo y khoa là đào tạo đặc biệt, số lượng giảng viên yêu cầu 10 sinh viên/giảng viên, trong khi các trường khác có thể 20 sinh viên/giảng viên.

Khoa y ĐH Quốc gia thành lập năm 2010, nhưng năm 2012 mới tuyển sinh năm đầu tiên. Đầu tư cho dự án khoa y cỡ trên 100 tỉ đồng nhưng vẫn còn chưa đủ, vì cần phòng thí nghiệm và cơ sở khác để thực hành, trong khi các trường khác chỉ cần cái nhà với phấn bảng, giảng viên là đào tạo được rồi. Đào tạo y khoa là gắn với cơ sở thực hành, gắn với nghề. Nhưng như tôi biết thì có trường ngoài công lập tuyển sinh tới 600 em/năm, trong khi đầu tư ít, giảng viên không đạt chuẩn. Chúng tôi thì chỉ đào tạo 100 em/năm là đã vất vả lắm rồi.

Ông Nguyễn Đức Hinh (hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội):

Lo ngại chất lượng đào tạo cơ sở ngoài công lập

Theo số liệu Bộ Y tế công bố gần đây thì hiện số lượng bác sĩ hằng năm ra trường là tạm đủ nhu cầu, còn thừa trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược, y sĩ. Tôi cũng rất lo lắng với hiện trạng đào tạo ở các cơ sở đào tạo y dược ngoài công lập, vì số lượng sinh viên – học viên được cấp phép lên tới hàng ngàn em/năm/trường, rồi ra trường xin việc ở đâu?

ĐH Y Hà Nội mỗi năm có 550-600 bác sĩ ra trường, trước đây chúng tôi chỉ có 350 bác sĩ ra trường/năm. Trong khi ở nhiều cơ sở đào tạo y khoa không có đủ giảng viên, cách làm thường thấy là ký hợp đồng với các giảng viên hoặc thầy thuốc đang làm việc tại cơ sở công lập, hoặc các giảng viên đã nghỉ hưu. Khi đoàn thẩm định đến thì căn cứ trên hợp đồng đã ký, lượng giảng viên có thể đủ, nhưng thực tế vì đây là việc “tay trái”, có khi giảng viên bận làm việc ở cơ sở chính, không đủ thời gian đi giảng theo hợp đồng tại các trường.

LAN ANH ghi