23/01/2025

Khi mẹ dùng roi…

Tôi băn khoăn: không đánh con thì phải dùng biện pháp gì để dạy con hiệu quả, nhất là với những trẻ bướng bỉnh như con tôi?

Khi mẹ dùng roi…

Sự việc trôi qua đã hai ngày nay nhưng đến bây giờ mẹ vẫn thấy ám ảnh về việc mình đã làm với con. Mẹ rất hối hận!

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần 

Thẳng thắn mà nhận xét: con là một đứa trẻ cá tính và… rất bướng. Dù mới 4 tuổi nhưng con luôn nghĩ ra đủ mọi lý lẽ để phản bác, để chống lại và làm trái với những lời răn dạy của bố mẹ. Khi không hài lòng chuyện gì, con thường thẳng tay đạp đồ chơi hoặc xô ngã, đập phá… bất cứ đồ vật gì gần mình. Mẹ đã rất nhẹ nhàng giải thích rằng đó là tật xấu, phải bỏ đi, nếu lần sau tái phạm mẹ sẽ đánh đòn. Một lần, hai lần rồi ba lần, đến lần thứ tư mẹ rút cây roi ra quất cho con một cái thật đau. Cứ nghĩ như vậy chắc con sợ lắm. Nhưng không, ngay buổi tối hôm sau, khi con nằng nặc đòi chơi trò nặn hình bằng đất sét trong khi mẹ nói con phải lấy đồ và đi tắm, thế là chiếc ôtô con đang cầm trong tay bay vèo ra hiên nhà vừa đúng lúc mẹ từ ngoài đi vào. Khoảnh khắc đó nếu mẹ không tránh kịp, chắc cái mặt đã hứng nguyên chiếc ôtô rồi. Sau này nghĩ lại, mẹ biết con không cố ý ném ôtô vào mặt mẹ nhưng lúc đó mẹ lên cơn giận dữ, rút cây roi trên nóc tủ xuống, bắt con nằm ngay ra giữa nhà và quất liên hồi cho hả cơn tức giận. Trong đầu mẹ lúc đó chỉ nghĩ một điều duy nhất: “Tại sao con lại dám làm như thế?”.

… Con nằm co giữa nhà, miệng rên liên tục: “Đau quá! Đau quá”. Còn mẹ vừa mệt, vừa thương con, dù sao con vẫn chỉ là một đứa trẻ 4 tuổi. Nhìn con, mẹ muốn khóc, cảm giác hối hận trào dâng…

Tối hôm đó, trước khi đi ngủ mẹ hỏi: “Hồi nãy mẹ đánh con có đau không?”, con hồn nhiên: “Lúc đó thì đau nhưng bây giờ hết rồi!”. “Thế lần sau con có quăng đồ đạc như thế nữa không?”. Lặng im! Mẹ hỏi đến câu thứ hai rồi thứ ba con vẫn không trả lời.

Lên Facebook gõ vài dòng về chuyện đánh con. Cứ ngỡ sẽ bị “ném đá” vì ngược đãi trẻ em, vi phạm quyền trẻ em… Nhưng không, bạn bè comment trái chiều nhau. Anh bạn thân an ủi: “Roi cũng là một quan điểm mà”. Anh bạn đồng nghiệp còn đồng tình: “Anh không đánh nhiều, mỗi lần chỉ 1-2 roi nhưng phải quất cho thật đau thì con mới nhớ để bỏ tật xấu”… Và mẹ cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi nhiều bạn bè thú nhận: cũng từng lâm vào tâm trạng như mẹ, cũng từng đánh con vì cả ngày đi làm mệt mỏi, áp lực. Về nhà thấy con làm trái lời, dễ nổi quạu, dễ nổi điên, hậu quả là trút cơn giận lên con bằng trận đòn kinh hãi. Đây có lẽ là tâm trạng chung của các ông bố bà mẹ thời hiện đại (?).

Thế nhưng tại sao vẫn có những ông bố, bà mẹ kiềm chế được? Anh bạn học chung thời đại học “bật mí”: “Chưa bao giờ cầm cây roi khi dạy con chứ đừng nói đến chuyện đánh con. Năm nay một bé đã 9 tuổi, một bé 7 tuổi, rất ngoan”. Và anh kết luận: “Không nên đánh con!”.

Thật bối rối khi anh bạn cùng cơ quan kể con trai anh mới 3 tuổi đã biết phản biện: “Ba chơi với con thì ít mà đánh và la con thì nhiều”. Nghe thấy thương quá! Rồi tôi lại băn khoăn: không đánh con thì phải dùng biện pháp gì để dạy con hiệu quả, nhất là với những trẻ bướng bỉnh như con tôi?

 

 

ThS Nguyễn Thị Thanh Thủy  (nguyên giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM):

Chúng ta ít chơi với con

Hành vi của một em bé không “bỗng dưng” xuất hiện mà hình thành trong một thời gian nhất định, đồng thời phản ánh các mối quan hệ xung quanh, phản ánh cách mọi người xung quanh ứng xử với bé. Những hành vi được cho là bướng bỉnh, “có vấn đề” thường nảy sinh từ những bất ổn hoặc căng thẳng nào đó trong gia đình (nhịp sống quá tất bật, luôn phải chạy đua cho kịp đi làm, đi học, kịp làm bài tập, kịp đi ngủ khiến trẻ căng thẳng chứ không nhất thiết là những bất ổn trong quan hệ gia đình). Sở dĩ chúng ta không nhận ra “từng bước, từng bước thầm” của nó là vì, đúng như cậu bé 3 tuổi đã nói, chúng ta “chơi với con thì ít”. Vì chúng ta ít chơi với con, tức là ít thời gian quan sát con nên chúng ta không nhận thấy con thay đổi từng ngày, lớn lên từng ngày, có những phát hiện mới, có những suy luận mới (có thể rất ngây ngô) nên muốn làm theo ý mình (để thử khẳng định mình).

Một hành vi “có vấn đề”/khó ưa/không chịu nổi không tự nhiên rơi từ trên trời xuống vào một ngày xấu trời mà nảy sinh do nhiều ức chế… Do đó chúng cũng không thể được “chữa trị” hoàn toàn bằng cách này hay cách khác trong một thời gian ngắn, ngay cả khi chính bản thân bé nhận ra được hành vi của chúng gây ra những điều bất lợi. Để đạt được kết quả mong muốn, cha mẹ phải thay đổi cách ứng xử và hành vi của chính mình, áp dụng cách này trong một thời gian dài và duy trì thường xuyên.

Một điều đặc biệt quan trọng nữa là tâm trạng của cha mẹ. Sự căng thẳng của người lớn do áp lực công việc, áp lực cuộc sống không thể không ảnh hưởng đến bầu không khí gia đình. Trước tiên, người lớn phải được nghỉ ngơi, phải lưu ý chăm sóc bản thân để có được cảm giác thoải mái dành thời gian chơi với con. Đừng bao giờ biện hộ bằng lý do “không có thời gian”. Nếu bạn là mẹ, là người gần gũi con mình nhất, yêu thương con mình nhất mà không có thời gian cho con thì ai có thể dành thời gian cho con bạn, ai giải quyết được những vấn đề của con bạn?

 

HOÀNG HƯƠNG