11/01/2025

Cần biết về bệnh viêm đa khớp dạng thấp

Viêm đa khớp dạng thấp gây nhiều biến chứng cho bệnh nhân, thường gặp ở nữ giới. Đây là bệnh tự miễn gây viêm màng bao khớp, sau đó phá hủy mặt sụn khớp, gây tàn phế cho bệnh nhân rất nhanh.

Cần biết về bệnh viêm đa khớp dạng thấp

 

Viêm đa khớp dạng thấp gây nhiều biến chứng cho bệnh nhân, thường gặp ở nữ giới. Đây là bệnh tự miễn gây viêm màng bao khớp, sau đó phá hủy mặt sụn khớp, gây tàn phế cho bệnh nhân rất nhanh.
 
Một ca viêm đa khớp dạng thấp cổ tay – Ảnh: T.H.N.A

 

Bản thân các phương pháp điều trị bệnh này tiềm ẩn nhiều biến chứng do chính thuốc điều trị gây ra như viêm loét dạ dày, tổn thương gan và thận, hội chứng cushing do dùng thuốc corticoide (bệnh nhân bị teo cơ, tụ mỡ ở mặt và lưng, mỏng da, loãng xương, lệ thuộc vào thuốc corticoide, suy tuyến thượng thận…). Sau đây là các câu hỏi người bệnh thường đặt ra cho chúng tôi khi đi khám bệnh.
* Tôi hiện nay bị đau nhiều khớp, mỗi khi sáng dậy hay bị cứng các khớp, nhất là ngón tay. Không biết tôi có bị viêm đa khớp dạng thấp hay không?
– Đặc trưng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp là tình trạng viêm màng bao khớp, do đó các khớp bị viêm phải sưng lên, có thể gặp ở bất kỳ khớp nào nhưng các khớp bàn ngón tay, cổ tay, gối hay bị tổn thương, thường là đối xứng hai bên. Tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài hơn so với tình trạng thoái hóa khớp. Khi bị đau nhiều khớp không nhất thiết phải là viêm đa khớp dạng thấp mà có thể bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên nếu chỉ bị viêm một khớp cũng không thể loại trừ viêm đa khớp dạng thấp.
* Nếu bác sĩ chẩn đoán bị viêm đa khớp dạng thấp, tôi có cần làm xét nghiệm máu hay không?
– Để chẩn đoán viêm đa khớp dạng thấp, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm hai nhóm xét nghiệm. Nhóm thứ nhất để chứng minh bệnh nhân có tình trạng viêm bao gồm tốc độ máu lắng và CRP. Thông thường ở bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp các chỉ số này sẽ tăng rất cao. Nhóm xét nghiệm thứ hai để chẩn đoán bệnh, bao gồm yếu tố thấp RF và anti-CCP. Xét nghiệm dương tính cộng thêm với tình trạng lâm sàng sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm đa khớp dạng thấp.
* Tôi được chẩn đoán bị viêm đa khớp dạng thấp và được cho uống thuốc nhưng bệnh cứ tái đi tái lại. Xin hỏi có phương thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh này không?
– Cho đến nay việc điều trị dứt điểm bệnh này là không thể. Để giúp bệnh nhân bớt đau, giảm triệu chứng sưng đau của khớp, bác sĩ có thể kê dùng các thuốc kháng viêm giảm đau có hay không có chất corticoide. Tuy nhiên các thuốc này không thể làm giảm tiến triển của bệnh. Tình trạng sưng màng bao khớp nhiều lần sẽ gây phá hủy sụn khớp và làm hư khớp. Những thuốc điều trị cổ điển có thể làm chậm diễn tiến bệnh bao gồm nhiều chất nhưng phổ biến nhất là methotrexate. Thuốc này phải dùng lâu dài song lại có nguy cơ gây hư gan, thận, cũng như làm viêm dạ dày và nhiều khi không có tác dụng. Đây là vấn đề lớn của bệnh này.
Gần đây có nhiều thuốc điều trị sinh học ra đời giúp điều trị bệnh này và có nhiều kết quả tốt nhưng giá thành rất cao, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán nên rất ít bệnh nhân có thể tiếp cận được loại thuốc này. Các loại thuốc này tấn công trực tiếp vào các yếu tố viêm như interleukine 1, interleukine 6, hoặc trực tiếp vào tế bào B nhằm làm giảm tiến trình viêm. Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm truyền hay chích dưới da và cần bảo đảm loại trừ nguy cơ mắc bệnh lao tiềm ẩn trước khi dùng thuốc.
* Tôi bị viêm đa khớp dạng thấp và các khớp của tôi bị đau khi cử động, mặc dù uống thuốc điều trị nhưng vẫn không bớt. Xin hỏi ngoài cách dùng thuốc có cách nào để giảm bớt đau khớp và giúp sử dụng lại khớp được không?
– Một khi khớp đã bị hư hại và biến dạng thì việc dùng thuốc không có tác dụng. Phẫu thuật tái tạo khớp giúp bệnh nhân có thể sử dụng khớp của mình không đau đớn. Đối với khớp gối và khớp háng, có thể dùng biện pháp thay khớp nhân tạo. Với các khớp khác như cổ tay, cổ chân, có thể hàn cứng khớp giúp bệnh nhân giảm đau đớn, đi lại hay làm nặng được. Các phẫu thuật này được bảo hiểm y tế chi trả. Nội soi cắt màng bao khớp khi mặt sụn khớp còn tốt hoặc ở một số khớp không chịu lực như khuỷu, vai, cổ tay cũng giúp giảm đau và cải thiện tầm vận động của khớp. Tùy diễn tiến bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi cần thiết.

BS TĂNG HÀ NAM ANH