13/01/2025

‘Mỏ vàng’ của thể thao

Đó là câu chuyện về một gia đình. Ở đó, có 29 chị em nhưng đến 22 người là vận động viên đội tuyển thể thao người khuyết tật TP.HCM và quốc gia.

 

‘Mỏ vàng’ của thể thao

Đó là câu chuyện về một gia đình. Ở đó, có 29 chị em nhưng đến 22 người là vận động viên đội tuyển thể thao người khuyết tật TP.HCM và quốc gia.

Ở đó, có một ông già, mười mấy năm nay vẫn âm thầm chăm sóc, dạy dỗ cả trăm chị em khuyết tật để “biến” họ trở thành “mỏ vàng” của thể thao với hơn 500 huy chương (HC)… Tất cả cùng chung sống dưới một mái nhà với tên gọi: Gia đình Mùa Xuân.

Lo chuyện… bao đồng

5 giờ sáng, ông Trần Hoàng Minh (người sáng lập Gia đình Mùa Xuân) lại lụi cụi thức dậy, dọn dẹp chỗ ngủ của mình. Ông dẫn cả chục chiếc xe ra ngoài, kiểm tra xăng nhớt, bơm bánh xe cho từng chiếc xong cũng là lúc chị em khuyết tật trong nhà lục tục đi làm. Bằng những động tác thuần thục, ông già lần lượt bế từng người lên xe, xếp gọn lại đôi nạng gỗ. Rồi ông chở bọn trẻ đi xin việc, đi làm, tập bơi… Buổi tối, các phòng ngủ được nhường hết cho chúng. Còn ông nằm ngay dưới sàn nhà chung với mấy chiếc xe nồng nặc mùi xăng, nhớt. Cứ đều đặn như thế, từ mười mấy năm nay…

 
Bác Minh đang dạy Phạm Mỹ Quyên (người giành 1 HCV, 1 HCB) viết chữ – Ảnh: Nguyễn Tập

Ngoài tìm kế mưu sinh, ông còn hướng bọn trẻ tập thể thao để nâng cao sức khỏe và sự tự tin để hòa nhập cuộc sống. Năm 1999, thấy cô bé khuyết tật Nguyễn Thị Minh Lý (quê ở Cai Lậy – Tiền Giang) khao khát lên Sài Gòn vừa học vừa làm, nhưng gia đình khó khăn quá, ông Minh nhận đưa về nhà chăm sóc. Ngày ngày ông chở cô đi học vẽ, tập bơi để rồi đến năm 2003, Lý giành được 3 HCV tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) tổ chức ở Việt Nam, và được 2 HCV tại ASEAN Para Games 2005 tổ chức ở Thái Lan. Đến nay, Lý đã có đến 31 HCV và một gia đình êm ấm cùng hai con và chồng (cũng là HLV bơi lội). Dù đã rời Gia đình Mùa Xuân 9 năm rồi, nói về ông Minh, cô vẫn kính trọng: “Nếu không có sự đùm bọc, chăm sóc tận tình của bác Minh thì tôi không có được ngày hôm nay”.

“Lò” cung ứng vận động viên

Gọi Gia đình Mùa Xuân là “lò” cũng đúng vì nó… nóng quá. Khuất sâu trong con hẻm nhỏ (39/42 Bờ bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú), chỗ ở của hàng chục vận động viên thể thao người khuyết tật của TP.HCM và Việt Nam chỉ tròm trèm… 57 m2 (gồm cả chỗ để xe, bếp, vệ sinh…).

Tôi đến Gia đình Mùa Xuân vào buổi chiều, nhưng cái nóng vẫn hầm hập hắt từ mái nhà xuống làm mồ hôi ướt đẫm áo. Huỳnh Thị Ngọc (người vừa giành được 4 HCV và 1 HCB môn bơi lội vẫn đang ngồi cặm cụi làm hoa đất sét. Cạnh đó, Phạm Mỹ Quyền (người góp cho bơi lội TP.HCM 1 HCV và 2 HCB) cũng đang tập trung vào những mũi thêu của mình… 29 thành viên của gia đình này vẫn đang vật lộn với mưu sinh hằng ngày.

 

 
Căn phòng 5,4 m2 lót ván ép này là phòng ngủ của 6 người

 

Trong nhà, người đi làm lương cao nhất tầm 2,5 triệu đồng/tháng, số khác do sức khỏe yếu, ở nhà kết cườm, đan thêu thu nhập mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn đồng. Dù có quy định mỗi người góp 250.000 đồng/tháng để chi tiêu trong gia đình nhưng người nào làm nhiều đóng nhiều, không có khả năng làm việc thì khỏi phải đóng. “Tuy đến từ nhiều vùng miền của đất nước, không ruột rà, máu mủ, nhưng chị em chúng yêu thương nhau lắm, không có chuyện so bì ai đóng tiền nhiều, ai không đóng đâu…”, ông Minh nói.

Quỹ tiền chợ trong nhà là 150.000 đồng/ngày cho 30 người (khoảng 2.500 đồng/người/bữa). “15.000 đồng mồng tơi, rau dền là có nồi canh rồi. Còn 50.000 đồng mua thịt. Cứ xắt nhỏ, kho mặn một tí là bao nhiêu người ăn chẳng được”, một thành viên trong gia đình cho biết. Tôi ái ngại nhìn căn phòng bé 5,4 m2 lót những tấm ván ọp ẹp dưới nền đất. Đây là phòng ngủ của sáu cô gái. Ngọc giải thích: “Căn phòng này nằm sát ống thoát nước, mỗi khi mưa to, nước tràn ra lênh láng cả phòng nên phải lót ván để khỏi bị ướt. Mà lót vậy thôi, mưa to thì chị em vẫn phải bò lổm ngổm dọn dẹp đồ để tị nạn”.

“Làm sao 6 người có thể nằm trong căn phòng rộng chỉ 1 mét rưỡi thế này?”, tôi hỏi. “Tụi em nằm theo chiều ngang phòng. Chân ngắn có một khúc, đỡ tốn chỗ, 1 mét rưỡi cũng đủ rồi”, cô gái 15 tuổi Phạm Mỹ Quyền chỉ vào đôi chân của mình, nhẹ nhàng trả lời. Nhìn vào đôi chân “còng queo, ngắn củn” của em và các bạn cùng phòng, lòng chợt hối hận. Tôi biết mình đã lỡ lời…

Sài Gòn chuyển mưa to. Nước thỉnh thoảng lại rơi lộp độp xuống sàn. Chị em lại bò lổm ngổm cùng ông già chuyển đồ để khỏi bị ướt. Ông Minh trầm ngâm: “14 tuổi, cũng gần ngần ấy lần chuyển nhà. Mệt lắm. Phải chi, có một căn nhà đủ lớn, không dột, không ngập để bọn nhỏ đỡ khổ hơn”. Nói rồi ông buông tiếng thở dài…

 

Đến nay, Gia đình Mùa Xuân đã giành được hơn 500 HC tại các cuộc thi toàn quốc và Đông Nam Á. Trong đó, Nguyễn Thị Sa Ri giành được 25 HC, là VĐV xuất sắc nhất Đông Nam Á tại ASEAN Para Games (2009), được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba; Dư Thị Lan (đã ra riêng) là một trong 4 người khuyết tật Việt Nam đạt chuẩn A để đến London (Anh) thi bơi tại Thế vận hội Paralympic 2012…

Tại Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc tháng 7.2013, Gia đình Mùa Xuân giành hơn 30 HCV, riêng Vi Thị Hằng giành đến 5 HCV và phá sâu hai kỷ lục Para Games.

 

Nguyễn Tập