Hết văcxin cúm và thuỷ đậu
Hàng loạt phòng khám và bệnh viện trên địa bàn TP.HCM hết hai loại văcxin ngừa thuỷ đậu và cúm. Cho đến nay, những nơi này cũng không biết khi nào mới có trở lại.
Hết văcxin cúm và thuỷ đậu
Bệnh viện Từ Dũ thông báo đã hết hai loại văcxin ngừa cúm và thủy đậu (ảnh chụp sáng 28-8) - Ảnh: NGỌC NGA
Theo ghi nhận, những ngày cuối tháng 8 có rất nhiều người đưa con tới bệnh viện chích văcxin ngừa thủy đậu và cúm nhưng đều phải thất vọng ra về vì hết văcxin.
Chỗ nào cũng thông báo hết văcxin
Chị Nguyễn Thái Xuân Loan (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết con gái chị đã chích một mũi ngừa cúm cách đây một năm. Năm nay chị đưa con đi chích tiếp thì được thông báo không còn văcxin cúm.
Tương tự, anh Nguyễn Huy Phương (Q.2) đưa con gái 1 tuổi đi chích ngừa thủy đậu mũi đầu tiên nhưng cũng được thông báo hết văcxin.
Anh Phương lo lắng nói: “Trong nhà tôi vừa có người mắc thủy đậu. Tôi đưa con đến một phòng khám tư nhân nhưng họ nói đã hết văcxin này. Hôm nay đến bệnh viện nhà nước cũng hết luôn. Bác sĩ không nói khi nào có lại nên tôi lo quá”.
Tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ có dán thông báo: “Phòng khám trẻ dịch vụ thông báo hết thuốc: ngừa cúm (lớn, nhỏ), ngừa thủy đậu (Okavax và Varilrix)…”.
Sáng 28-8, nhiều phụ huynh đưa con đến đây chích hai loại văcxin này đều đành bế con ra về. Ghi nhận tại phòng khám nhi khoa Nancy (Q.5) cho thấy ở đây thông báo hết hai loại văcxin này. Đại diện phòng khám cho biết văcxin ngừa thủy đậu hết cách đây hai tháng, còn văcxin ngừa cúm hết từ tháng 7.
Hiện phòng khám đã gửi thông báo đến từng bệnh nhân có lịch chích cho biết tạm thời đã hết thuốc. “Chúng tôi phải gọi điện thoại đến từng khách hàng để hủy lịch hẹn chích ngừa và chưa biết phải hẹn khách hàng trở lại lúc nào” – đại diện phòng khám Nancy nói.
Sáng 27-8, tại khu khám và chích ngừa Viện Pasteur TP.HCM có dán thông báo: “Hiện Viện Pasteur hết các văcxin ngừa thủy đậu, ngừa cúm. Chúng tôi không rõ thời điểm nào có thuốc trở lại…”. Nhiều phụ huynh đưa con đến chích ngừa thấy thông báo như vậy đành phải đưa con về nhà. Bà Nguyễn Thị Diệp (Q.8) cùng con trai đưa cháu nội hơn chín tháng tuổi đến Viện Pasteur chích ngừa cúm nhưng đến nơi mới biết hết văcxin.
Cùng cảnh ngộ chạy khắp nơi tìm văcxin chích ngừa, anh Trần Thế Vinh (Q.Tân Bình) đưa con gái sáu tháng tuổi đi chích ngừa cúm tại Bệnh viện phụ sản Mê Kông và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nhưng nơi nào cũng trả lời hết văcxin. Anh Vinh tiếp tục gọi điện thoại đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì cả hai bệnh viện đều trả lời hết văcxin cúm. Các cơ sở này nói khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 mới có trở lại.
Hết từ lâu
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, hai công ty sản xuất văcxin thủy đậu cho trung tâm là Công ty GlaxoSmithKline (GSK) và Công ty Sanofi Pasteur gửi thông báo hết thuốc từ nhiều tháng nay. Còn đơn vị phân phối cho trung tâm là Công ty Zuellig Pharma thì hết văcxin cúm, nên Trung tâm Dinh dưỡng TP không còn văcxin cúm khoảng một tháng nay.
Bác sĩ Lê Văn Hiền, phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện phụ sản Mê Kông, nói không chỉ Bệnh viện Mê Kông mà nhiều cơ sở y tế khác trên toàn quốc đều hết hai loại văcxin này.
Theo bác sĩ Hiền, Bệnh viện Mê Kông mới hết văcxin thủy đậu vài ngày nay. Khi gần hết những loại văcxin này, bệnh viện không nhận chích ngừa những ca mới mà để dành văcxin cho những ca có hẹn đến tiêm nhắc lại (mũi thứ hai).
Riêng văcxin cúm hết khoảng một tháng trước. Trả lời thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc tiêm ngừa thủy đậu bị gián đoạn do hết văcxin có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, bác sĩ Hiền nói quy định hiện nay là mũi tiêm đầu cách mũi tiêm thứ hai ít nhất một tháng chứ không quy định thời gian tối đa để tiêm mũi thứ hai nên không bị ảnh hưởng gì.
Trong khi đó, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, phó khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết từ các điểm giám sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia dự báo chủng cúm nào có nguy cơ gây bệnh cho mùa cúm sau, rồi sẽ chọn chủng những virút đó để báo cáo cho WHO.
Sau đó, WHO gửi các chủng cúm đó cho các nhà sản xuất. Quá trình này diễn ra từ tháng 9 đến tháng 3 hằng năm. Đây cũng là thời gian mà các nhà sản xuất sẽ sản xuất văcxin và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cho văcxin.
Do vậy, thường là trong tháng 9 văcxin cúm mới được cấp phép lưu hành trên thị trường. Theo bác sĩ Anh Tuấn, văcxin cúm có hạn sử dụng một năm từ ngày sản xuất.
Do đó đến tháng 7 hằng năm là văcxin hết hạn dùng. Như vậy, khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm sẽ rơi vào chu kỳ không có văcxin cúm.
Đối với văcxin ngừa thủy đậu, Viện Pasteur TP.HCM sử dụng văcxin Okavax do Sanofi Pasteur sản xuất và Varilrix do Công ty GSK sản xuất. Do cả hai nhà sản xuất này đều không có hàng cung cấp nên Viện Pasteur không rõ thời gian nào có văcxin này.
Khó khăn trong sản xuất
Trả lời về việc khi nào có trở lại hai loại văcxin cúm và ngừa thủy đậu, bà Nguyễn Thị Tường Vy – đại diện văn phòng đại diện Công ty GSK tại VN – cho biết văcxin cúm mùa do GSK sản xuất nhằm bảo vệ người dân VN tránh khỏi các chủng virút cúm Bắc bán cầu.
Mỗi năm người dân có thể chích ngừa chủng cúm này từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Như mọi năm, khoảng cuối tháng 10 văcxin ngừa cúm Bắc bán cầu năm 2013 sẽ có mặt tại VN.
Đối với văcxin thủy đậu, hiện nay do một số hạn chế về năng lực sản xuất, GSK đang gặp khó khăn trong việc cung ứng văcxin này cho một số quốc gia trên thế giới, trong đó có VN. Công ty đang nỗ lực để cải thiện tình hình, nhằm đảm bảo việc quản lý, cung ứng văcxin cho người dân.
Tương tự, đại diện Công ty Sanofi Pasteur cho biết trước đây công ty này có hợp tác phân phối văcxin thủy đậu tại VN nhưng hợp đồng này đã chấm dứt từ đầu năm 2013.
Vì vậy, nguồn văcxin thủy đậu này Sanofi Pasteur sẽ không nhập về VN nữa. Về văcxin cúm, đây là loại văcxin sản xuất theo mùa (mùa Nam bán cầu và mùa Bắc bán cầu) và sẽ có hàng vào giữa tháng 9-2013.
Theo đại diện Công ty Sanofi Pasteur, văcxin là sản phẩm sinh học, thường các nhà nhập khẩu phải đặt hàng trước ít nhất sáu tháng để công ty lên kế hoạch sản xuất. Khi nhu cầu thị trường biến động, việc cung cầu bị lệch là vẫn thường xảy ra cho tất cả các nhà sản xuất văcxin.
L.T.HÀ – TH.DƯƠNG – NG.NGA