11/01/2025

Tin vui cho người bị chấn thương cột sống

Kỹ thuật mới vừa được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mở ra cơ hội cho bệnh nhân liệt sau chấn thương cột sống do tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Tin vui cho người bị chấn thương cột sống

Kỹ thuật mới vừa được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mở ra cơ hội cho bệnh nhân liệt sau chấn thương cột sống do tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Ghép tế bào gốc đem lại cơ hội phục hồi cho những bệnh nhân chấn thương cột sống – Ảnh: Văn Kỳ

 Bác sĩ Nguyễn Văn Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết tính từ tháng 3-2013 đến nay có hơn 10 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật này.

Cơ hội phục hồi

 

“VN mới ứng dụng kỹ thuật này, nhưng ở nước ngoài thì sau điều trị bằng ghép tế bào gốc, tập phục hồi chức năng, bệnh nhân có thể đi lại bằng đôi chân của chính mình nhưng có gắn kèm kẹp đỡ bằng kim loại. Tôi cho rằng đây là một điều kỳ diệu”

Bác sĩ Dương Đình Toàn 

 

Bệnh nhân đầu tiên là nam giới 29 tuổi, bị tai nạn xe máy tháng 3-2013. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng mất vận động hai chi dưới, mất phản xạ cơ thắt, đại tiểu tiện không tự chủ. Kết quả chụp X-quang và cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị vỡ trật cột sống vùng ngực và dập, phù nề tủy.

“Chúng tôi đã phẫu thuật cố định cột sống vùng ngực và ghép tế bào gốc tách chiết từ mô mỡ tự thân của bệnh nhân ngày 19-3, liều ghép là 10ml tế bào gốc tách chiết từ khoảng 100ml mỡ ghép ở vùng trên tổn thương, giữa tổn thương và dưới tổn thương mỗi điểm 2ml, 4ml còn lại mở màng cứng bơm trực tiếp. Theo dõi ngày thứ ba sau ghép, bệnh nhân đã có cảm giác ở vùng ngang cột sống vùng ngực và sau đó được chuyển đi tập phục hồi chức năng”- bác sĩ Thạch nói.

Một trường hợp khác cũng được điều trị liệt bằng ghép mô mỡ tại Bệnh viện Việt Đức trong tháng 3-2013 là nam giới 31 tuổi, chấn thương cột sống vùng cổ, mất vận động tứ chi, mất phản xạ cơ thắt, đại tiểu tiện không tự chủ sau tai nạn xe máy. Theo bác sĩ Thạch, đây là trường hợp bị vỡ cột sống cổ C5-C6, đụng dập tủy. Bệnh nhân cũng được phẫu thuật cố định cột sống cổ và ghép tế bào gốc tách chiết từ mô mỡ tự thân. Kết quả ba ngày sau mổ, bệnh nhân bắt đầu có cảm giác ở vùng cột sống thắt lưng, có phản xạ tự động tủy, sau năm ngày ghép bệnh nhân được chuyển đi phục hồi chức năng.

Bác sĩ Thạch cho biết đây là một phần của đề án nghiên cứu ghép tế bào gốc từ mô mỡ để điều trị liệt cho 38 bệnh nhân, nghiên cứu sẽ kéo dài trong ba năm. Theo ông Thạch, qua theo dõi gần nửa năm ở những bệnh nhân đầu tiên được ghép, những tiến bộ cảm nhận được là bệnh nhân đã có những tiến bộ như tiêu, tiểu tự chủ, có cảm giác ở các vùng dưới tổn thương. “Chúng tôi chọn những bệnh nhân đảm bảo các yếu tố như liệt sau chấn thương và sẽ theo dõi kỹ sau ghép. Nếu hiệu quả điều trị như mong muốn, phương pháp này mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho bệnh nhân không may bị liệt sau chấn thương. Như ở Thái Lan có một bệnh nhân đi lại được với sự hỗ trợ của giá đỡ hai chân. Tuy Thái Lan chưa công bố thành công này, nhưng kết quả điều trị cho thấy hi vọng phục hồi cho bệnh nhân”- bác sĩ Thạch chia sẻ.

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Theo nhóm nghiên cứu thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Việt Đức, từ việc tiêm tế bào gốc vào vùng tổn thương, có tế bào gốc hiện diện sẽ tiết ra yếu tố tăng trưởng, đồng thời tiết ra tín hiệu huy động yếu tố tăng trưởng cần thiết trong cơ thể vật chủ, kích thích việc hình thành mạch máu và tế bào thần kinh mới. Điều này cũng giúp cơ thể vật chủ tự hồi phục. Nhóm nghiên cứu cho rằng ở VN chấn thương cột sống chủ yếu gặp ở người 35-40 tuổi, thuộc nhóm lao động chính trong gia đình, nếu liệt tủy hoàn toàn thì ngoài mất sức lao động còn gặp các biến chứng như loét vùng tỳ đè, nhiễm trùng tiết niệu, viêm tắc tĩnh mạch chi, gây sang chấn thần kinh cho cả bệnh nhân và gia đình. Trong khi nếu điều trị cải thiện được tình trạng liệt tủy, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường.

Bác sĩ Dương Đình Toàn (Bệnh viện Việt Đức) cũng cho rằng trước đây gần như 100% bệnh nhân do chấn thương cột sống phải ngồi xe lăn, những trường hợp liệt nặng thậm chí không thể lăn trở mình hay vận động chân tay. Tuy nhiên với kỹ thuật này, hi vọng cải thiện nhiều hơn về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân: bệnh nhân có thể tự ngồi dậy, vận động được chân tay, mặc dù phục hồi hoàn toàn các bó cơ và đi lại được như trước thì không thể.

LAN ANH