24/11/2024

20 năm tập đi gian khó

Người khuyết tật ở Việt Nam mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một khó khăn, nhưng có điểm chung là họ phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường để sống, để tồn tại, để có ích.

 

20 năm tập đi gian khó

Người khuyết tật ở Việt Nam mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một khó khăn, nhưng có điểm chung là họ phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường để sống, để tồn tại, để có ích.

Khát khao vượt lên số phận

Đến bây giờ, nhìn lại quãng đời tưởng như mới bắt đầu nhưng rất dài của mình, Nguyễn Thị Thanh Hoa (21 tuổi, quê Nghệ An) vẫn cảm thấy như một giấc mơ. Hoa bị liệt đôi chân từ khi mới 2 tuổi do căn bệnh viêm não Nhật Bản quái ác. Hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, từ Nghệ An đến Hà Nội, số lần chuyển viện của Hoa nhiều hơn số tuổi của em. Sau những lần chữa trị không có kết quả, Hoa đành cùng bố về quê với đôi chân mềm nhũn và không thể cựa quậy được.

Thanh Hoa (bên trái) tham dự sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam - d

Thanh Hoa (bên trái) tham dự sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam
– Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Những ngày đầu chống chọi với sự đau đớn của cơ thể, Hoa đã tuyệt vọng khôn cùng. Nhìn bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, không ít lần Hoa bật khóc và nghĩ đến điều tồi tệ. Sự cả nghĩ đó nhanh chóng tan biến vì em biết mình có một người mẹ hết lòng thương con, một người cha hy sinh tận cùng vì con và còn đó những người đã nỗ lực cứu sống mình. Em đã tự nhủ rằng mình sẽ thoát khỏi tuyệt vọng để sống tiếp một cuộc sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Bố khuyến khích đi học, ông nói rằng sẽ đưa Hoa đi, Hoa đồng ý ngay. Thế là ngày ngày Hoa đến trường trên tấm lưng gầy của bố. Mọi người đều thán phục trước nỗ lực từng ngày của cô bé luôn khát khao vượt lên số phận.

Bước ngoặt cuộc đời đã đến với Hoa khi em may mắn được phẫu thuật chân theo một chương trình từ thiện của Mỹ. Phẫu thuật thành công nhưng có đi lại được hay không thì chưa thể nói trước được. Vậy là Hoa bắt đầu cố gắng tập đi, nhích từng bước chân. Bị liệt từ lúc đi còn chưa vững nên bây giờ Hoa tập đi cũng giống như đứa trẻ tập đi, chỉ có điều khác là nó đau đớn và vô cùng gian nan, thử thách. Sau bao ngày cố gắng, Hoa đã đi được những bước đầu tiên. Bố mẹ Hoa khóc vì hạnh phúc và thương con…

Lạc quan trước nghịch cảnh

Hoa hiện là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và mỗi ngày em vẫn phải vật lộn với những cơn đau đớn thể xác. Gạt đi mọi lo lắng, Hoa vẫn lạc quan, quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. Để lo toan cho cuộc sống, em nghĩ cách kiếm tiền. “Người như mình thì kiếm việc ở đâu đây?”, Hoa nghĩ, nhưng rồi cô đã tìm ra ngay câu trả lời, đó là viết. Hoa viết văn, làm thơ và được đăng trên nhiều báo in, báo điện tử, được nhiều người yêu mến. Đêm nào Hoa cũng thức đến 2-3 giờ để viết, bất kể những cơn đau chân mỗi khi trái gió trở trời.

Hoa biết rằng chính bản thân mình – một người khuyết tật cần phải làm và làm rất nhiều để giúp đỡ những người khuyết tật khác hòa nhập cộng đồng, để họ sống vui vẻ hơn. Những hoạt động vì cộng đồng của Hoa được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, và Hoa luôn tự hào vì mình “đã sống được như những người khác và vì người khác”, được bạn bè yêu mến. Khi Nick Vujicic đến Việt Nam, bức tâm thư của Hoa về Nick đã được đăng lên báo Mực Tím và nhận được sự đồng cảm của cộng đồng người khuyết tật. Hoa không chỉ dành sự háo hức được gặp Nick cho bản thân: “Hy vọng rằng mình và cộng đồng người khuyết tật sẽ có thêm động lực từ Nick, từ những trải nghiệm của anh. Hy vọng rằng anh sẽ có thể thúc đẩy để có được những thay đổi tích cực nào đó tại Việt Nam, liên quan đặc biệt đến vấn đề khuyết tật…”.

Với tôi, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa là người nghị lực nhất, yêu đời nhất, khát vọng nhất, hồn nhiên nhất mà tôi từng biết.

 

BTC cuộc thi “Gương nghị lực phi thường” tiếp tục nhận bài dự thi đến 31.12.2013. Email nhận bài: [email protected],[email protected], hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem trênwww.thanhnien.com.vn.

 

An Kiên