24/01/2025

Chống “sốc” cho trẻ vào lớp 1

Sự chuyển tiếp từ việc được thoải mái chạy nhảy, nói chuyện trong một lớp học nhiều đồ chơi sang trạng thái phải ngồi im, tập trung trong 45 phút có thể khiến những đứa trẻ bị “sốc học đường” nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

 Chống “sốc” cho trẻ vào lớp 1

Sự chuyển tiếp từ việc được thoải mái chạy nhảy, nói chuyện trong một lớp học nhiều đồ chơi sang trạng thái phải ngồi im, tập trung trong 45 phút có thể khiến những đứa trẻ bị “sốc học đường” nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

 

 

Chuẩn bị cho một đứa trẻ vào lớp 1 thực tế không đơn giản.

Nên học trước?
Với nhiều ông bố, bà mẹ, sự chuẩn bị chính là cho trẻ học viết, học đọc, học làm toán trước khi vào lớp 1. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), phụ huynh có con sinh năm 2009, cho biết con chị được rèn nề nếp 19g ngồi vào bàn học để tập tô, vẽ và đã phân biệt mặt số từ 1 đến 100.  Cùng tâm trạng lo lắng vì có con chuẩn bị vào lớp 1, vợ chồng anh Lê Trường, ngụ Q.3, TP.HCM, cũng băn khoăn: “Tôi chỉ lo trẻ bỡ ngỡ, không viết nhanh viết đẹp như các bạn, bị cô giáo la mắng sẽ mất tự tin, tủi thân và ghét đi học”. Tuy nhiên, theo TS tâm lý Trần Lan Hương, thành viên nhóm biên soạn Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của Bộ GD-ĐT, một trong những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi chuẩn bị cho con vào lớp 1 là: “Phần lớn phụ huynh cho rằng trẻ sẽ thành công ở lớp 1 nếu được học trước. Điều này khiến cha mẹ ép con phải đọc thông viết thạo dù trẻ chưa sẵn sàng”.
TS Lan Hương cho rằng những sai lầm của phụ huynh ở thời điểm “nhạy cảm” này là tâm lý chạy đua, so sánh con với trẻ khác, khiến trẻ phải biết đọc biết viết quá sớm. TS Hương nhấn mạnh nhiều phụ huynh mua sách vở tập tô, tập vẽ đang bán tràn lan trên thị trường mà không lựa chọn kỹ, trong khi nhiều cuốn sách hướng dẫn không đúng chuẩn. Ít phụ huynh quan tâm đến tư thế ngồi, cách cầm bút… khi cho con học trước ở nhà. TS Lan Hương nói thêm việc biết chữ trước có thể khiến trẻ chủ quan, mất tập trung, nếu học ở nhà không đúng phương pháp sau này sửa rất khó.

Sinh bệnh do đến trường

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định so với nhiều nước khác thì sự chuyển tiếp cho trẻ từ giai đoạn mầm non sang giai đoạn học phổ thông, từ chỗ chơi là chủ yếu sang học hoàn toàn tại Việt Nam diễn ra khá đột ngột, thiếu sự chuẩn bị. Do vậy trẻ dễ bị “sốc học đường”, dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Không hiếm trường hợp trẻ sợ hãi, bỏ ăn, lo lắng và e ngại khi phải đến trường hoặc chán ghét việc học.

TS tâm lý Ngô Xuân Điệp (bộ môn tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) từng có thời gian công tác tại các bệnh viện, đã gặp nhiều trẻ sợ đến trường trong những ngày đầu tiên đi học lớp 1. Ông nói: “Thậm chí có phụ huynh phải cho con nghỉ học một năm để trị liệu tâm lý, bởi trẻ bị khủng hoảng đến nỗi cứ đến giờ đi học là bị nôn, ói, đau bụng”. Ông Điệp cũng cho rằng: “Trẻ ở độ tuổi này còn hạn chế trong những vận động tinh như viết chữ nhỏ và tỉ mỉ nét thanh nét đậm bởi cơ tay chưa hoạt động tinh xảo, tập trung chưa cao. Việc bắt trẻ ngồi yên một chỗ quá lâu khiến trẻ thụ động. Trong khi ở nước ngoài, người ta rất mềm dẻo với trẻ trong giai đoạn đầu đi học”.

“Nhiều đứa trẻ không viết được vì cơ tay yếu, để trẻ tập viết tốt, cần tập luyện cơ tay nhỏ cho bé bằng các bài tập nặn đất sét, cắt giấy, xâu hạt cườm, dán và đính… trước khi tập viết” – TS Hương tư vấn. Với một đứa trẻ mới bước sang tuổi thứ 6, việc ngồi một chỗ và hoàn toàn tập trung trong 45 phút là bất khả thi. Vì vậy, trước khi vào lớp 1, cha mẹ cần tổ chức các hoạt động giúp trẻ tập trung trong thời gian nhất định và tăng dần khoảng thời gian đó. Mặt khác, những chuẩn bị cho bé về quan hệ xã hội: biết giải quyết mâu thuẫn với bạn, biết xếp hàng chờ đến lượt… cũng là những hành trang cần thiết để trẻ bước vào cánh cổng trường tiểu học một cách tự tin.

Theo LƯU TRANG (TTO)