‘Đá bóng, tụi bay ơi !’
Đó là bóng đá không khán đài, không trọng tài, không đường biên, không cầu môn và sân bóng không một ngọn cỏ.
Đó là bóng đá không khán đài, không trọng tài, không đường biên, không cầu môn và sân bóng không một ngọn cỏ.
Sân bóng đặc biệt này chiều nào cũng “dậy sóng” trên bãi biển Sa Huỳnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Khoảng 16 giờ, khi nắng bắt đầu dịu là lúc của những người trẻ gọi nhau ơi ới: “Đá bóng, tụi bay ơi”. Trên những lối mòn dẫn xuống bãi dương, họ nói cười râm ran, vừa đi vừa tung hứng những quả bóng khá điệu nghệ. Chỉ vài phút sau, hàng trăm trai tráng tụ lại nơi con đường gặp biển. Và sau đó là người già, em bé, thiếu nữ mười tám, đôi mươi… cũng lục tục xuống bãi hóng mát và ủng hộ cho đội bóng xóm mình. Dường như phần lớn sinh khí của làng thời điểm này đều chảy về phía biển – nơi được gọi là sân chơi lồng lộng gió khơi và mát rượi bóng dương xanh.
|
Gặp nhau là… bùng nổ
Các đội bóng nhanh chóng tập trung trên “lãnh địa” đã xí phần từ đầu mùa hè. Sân bóng là bãi cát phẳng lì còn in đậm những ngấn sóng. Khung thành của mỗi đội có khi là hai vỏ dừa khô, có khi là hai chùm rong biển nhặt đâu đó trên bãi, cũng có khi chỉ là hai cái áo thun đặt cách nhau vài mét. Hai đường biên dọc, một đường là mé biển viền sóng trắng lăn tăn. Đường biên còn lại là một hàng gồm năm bảy chục đứa con gái con trai xen lẫn với nhau ngồi xem trận đấu.
Bóng đá bãi biển thoáng như… biển. Số lượng mỗi đội không nhất thiết là 11 mà 14, 15 gì cũng được miễn là mập ốm phải đều nhau. Đội này lấn hơn đội kia một anh mập thì lập tức có “kiện cáo” ngay. Bên này mặc áo thì bên kia ở trần. Sau khi hai đội trưởng “oánh” tù tì để chọn sân, cầu thủ hai đội hô to “bùng nổ” là trận đấu mở màn. Những cặp giò săn chắc chạy vun vút. Nhiều động tác đảo chân, tranh bóng, đi bóng, vuốt bóng, ngã người vô lê… đều được thi triển đẹp mắt như cầu thủ “trung ương”. Những pha không chiến với bốn năm cái đầu xô vào nhau như một “vũ điệu” gân guốc. Nhưng đẹp nhất những cái nắm tay thân thiện, dìu đỡ bạn đứng lên khi có té ngã do tranh bóng quá rắn.
Gái khôn tìm chồng giữa trận đá banh
Diễm My, sinh viên Sài Gòn theo bạn về chơi hè, lần đầu coi bóng đá bờ biển cứ le lưỡi rụt cổ. My nói mấy ảnh đá dữ quá, y chang những con cá dữ đang lao vào nhau. Đá kiểu “đại dương” thế này, đừng nói tuyển quốc gia, cỡ… Arsenal cũng phải “thua non” sau vài chục phút. Nhưng My rất thích mỗi lần bóng bay ra đường biên mép sóng. Theo luật thì phải ném biên, nhưng bốn năm cầu thủ cứ xông vào nhau mà “thủy chiến”. Trái bóng trơn ướt như đùa với những cặp giò. Bóng các cầu thủ chờn vờn trong màn nước tung tóe. Những hình ảnh này đã lọt vào điện thoại của My. Cô mở máy ra ngắm say sưa, nói với bạn: “Tao… chấm anh này. Gái khôn tìm chồng giữa trận đá banh mà. Hi hi”.
Hỏi không trọng tài ai bắt việt vị, “cầu thủ” tên San cười rồi kể rằng mới đầu anh em góp tiền thuê trọng tài trên huyện. Tay trọng tài yếu như sứa, lại lơ ngơ không biết chạy chỗ nên cứ vướng vào cầu thủ, té lăn cù. Ổng lóp ngóp bò dậy, mò kiếm cái còi thì bị anh em ham bóng giẫm phải. Hoảng quá, bỏ cả tiền thù lao, ổng lên xe về thẳng. Sau tụi em nghĩ mình đá kiểu dọc ngang biển dã chơi thôi, trọng tài chi cho tốn kém mà có khi mang họa. Thiệt đó, vô tình làm mấy chả “rối xương” thì hết đường ra khơi.
Huỳnh, 19 tuổi, nói: “Liệt vị liệt véo gì đâu, tụi em đá “tổng lực Hà Lan” mà. Tiến thì kéo hết lên. Bị phản công thì chạy về, có mấy giây là tới sân nhà, thủ vô tư. Còn cứ đứng đó mà “hậu vệ” thì buồn chết, bóng đâu mà đá”.
Giữ sạch lưới cầu thủ sẽ được đá suốt buổi Bòn, 20 tuổi, một ngư dân rất… thơ, nói nãy giờ em thèm bóng quá mà chưa vô sân được. Hỏi lý do, Bòn cười, nói: “Em không đá không phải vì em không được đá. Đi biển mới vô hết chỗ đá rồi”. Ra vậy, tới sân trễ phải ngồi chờ ai đó mệt thì ngoắc vào thay. Mà cầu thủ làng chài ai cũng khỏe như cá voi nên mệt giữa chừng là rất hiếm. Phải đợi khi nào một bên bị ghi bàn, cả đội bước ra theo “luật” thì đội dự bị mới nhảy cẫng lên, chạy ào vào sân đá tưng bừng. Điều đó có nghĩa là đội nào giữ sạch lưới sẽ được đá suốt buổi, gọi là đá “toàn tập”. Bóng đá làng chài tuy “5 không” nhưng “3 có”. Ngày mai đi biển, đôi chân các anh bám khoang tàu vững vàng hơn, bàn tay kéo lưới nhanh nhẹn hơn, tính đồng đội gắn kết hơn. Một cầu thủ – ngư dân bộc bạch: “Vui lắm anh. Tụi em bủa lưới xong là nói về bóng đá. Kéo lưới xong là bàn về bóng đá. Trên đường về bến cũng “luận” về bóng đá. Và dĩ nhiên, tàu vừa châm vào bãi là nháy nhau đến sân ngay”.
|
Trần Cao Duyên