Giúp trẻ tự tin khi đến trường
Trẻ mẫu giáo và lớp 1 chuẩn bị cho thời gian bước vào làm quen với môi trường học tập mới. Trẻ đến trường mạnh dạn, tự tin hay nhút nhát, sợ sệt phụ thuộc vào người thân trong gia đình và giáo viên.
Trẻ mẫu giáo và lớp 1 chuẩn bị cho thời gian bước vào làm quen với môi trường học tập mới. Trẻ đến trường mạnh dạn, tự tin hay nhút nhát, sợ sệt phụ thuộc vào người thân trong gia đình và giáo viên.
Theo nhiều giáo viên mầm non, trẻ la khóc trong những ngày đầu đến trường là điều không thể tránh khỏi. Một bảo mẫu của Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) chia sẻ: “Có trẻ la khóc, giãy giụa, có trẻ cứ ngồi một góc khóc thút thít. Đến giờ ăn lại càng khóc nhiều hơn, to hơn. Nhiều bữa, các cô dỗ dành ăn được một chút rồi lại khóc bị ói hết trơn. Tháng đầu tiên là thời điểm khó khăn với cả cô và trò”.
|
Thế nhưng theo cô Trần Tú Quyên, Trường mầm non Vàng Anh, cha mẹ đừng sốt ruột. Cô Tú Quyên phân tích: “Cha mẹ chuẩn bị tinh thần, trẻ có thể sẽ sụt cân, dễ bị những bệnh về đường hô hấp, ngủ không yên giấc, hay mớ khóc… Tuy nhiên không nên hoảng sợ mà phải bình tĩnh cùng con vượt qua những khủng hoảng ban đầu”. Các cô khuyên, những ngày này cha mẹ nên sắp xếp thời gian để đón bé đúng giờ, thường xuyên trò chuyện, hỏi thăm về cô giáo, bạn bè để bé mạnh dạn kể lại những hoạt động ở lớp. Như vậy dần dần bé sẽ thấy quen thuộc, gắn bó với lớp học của mình.
Ngoài ra, giáo viên Trần Thị Thu Hà (Q.5) khuyến khích: “Hãy mạnh dạn và dứt khoát khi đưa con vào lớp. Đã có rất nhiều phụ huynh “thập thò” trước cổng trường. Việc làm này ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý bởi con nhìn thấy mẹ mà không được đến gần, cứ đứng trong lớp gào khóc. Do đó bé sẽ nghĩ rằng bị bỏ rơi, đi học là một điều ghê gớm và như vậy càng kéo dài thời gian làm quen với trường”.
Hết tuổi mẫu giáo, bước vào lớp 1 cũng là một lần trẻ phải thay đổi môi trường sinh hoạt và học tập. Đang từ chỗ có thể vui chơi, chạy nhảy trong lớp thì tất cả học sinh phải ngồi vào bàn học theo tiết học nhất định. Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), khuyên: “Phụ huynh nên kịp thời trao đổi với giáo viên chủ nhiệm những thay đổi của trẻ hoặc những thông tin trẻ đưa ra mà phụ huynh còn thắc mắc hoặc nghi ngờ do nhận thức của trẻ đôi khi còn phiến diện”. Còn bà Lưu Thị Thanh Xuân, khối trưởng khối lớp 1 Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Khi biết con mình học trường nào, cha mẹ nên dẫn bé đến làm quen, gặp gỡ giáo viên, tạo không khí vui vẻ để trẻ không sợ sệt. Sau khi có thông báo của nhà trường, phụ huynh dẫn trẻ đi chọn đồ dùng học tập, trẻ sẽ thích thú và có ý thức giữ gìn”.
Để việc bắt nhịp diễn ra suôn sẻ, bà Võ Thị Thùy Linh, khối trưởng khối lớp 1 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM) khẳng định: “Trong 2 tháng đầu trẻ đến trường, khi về nhà, cha mẹ nên dành khoảng 30 phút trò chuyện về việc học, kịp thời giải đáp những thắc mắc khó khăn, sau đó buông dần để tạo cho trẻ tính tự học…”.
Bích Thanh