Món quà trẻ mang theo đến suốt cuộc đời
Ai cũng biết chuyện trẻ con như tờ giấy trắng, viết nét mực nào lên thì nét mực ấy sẽ in hằn trên giấy, có tẩy xoá hay viết đè lên thì dấu vết cũ cũng khó mà biến mất hoàn toàn được. Vì sửa một thói quen đã được hình thành là điều thiên nan vạn nan, nếu không muốn nói là… chẳng bao giờ sửa được.
Món quà trẻ mang theo đến suốt cuộc đời
Ai cũng biết chuyện trẻ con như tờ giấy trắng, viết nét mực nào lên thì nét mực ấy sẽ in hằn trên giấy, có tẩy xoá hay viết đè lên thì dấu vết cũ cũng khó mà biến mất hoàn toàn được. Biết vậy, nhưng cũng có không biết bao nhiêu người tặc lưỡi nói với nhau – và chắc quan trọng nhất là trấn an chính mình – rằng “trẻ con ấy mà, giờ nó chưa biết gì, mai mốt lớn lên nó khắc sửa, đâu sẽ vào đấy cả thôi!” Không biết khi nói với mình câu nói ấy, các bậc phụ huynh có nhận ra rằng, sửa một thói quen đã được hình thành là điều thiên nan vạn nan, nếu không muốn nói là… chẳng bao giờ sửa được.
Các hành vi dinh dưỡng sai sẽ dẫn đến các thói quen dinh dưỡng sai, và đó là yếu tố có thể dẫn đến những nguy cơ cho sức khoẻ. Ví dụ đơn giản, một người ngày nào cũng ăn khuya, đương nhiên lâu ngày sẽ có thói quen ăn khuya, và lâu thêm ít nữa thì chắc chắn sẽ có nguy cơ béo phì cũng như các bệnh lý mạn tính không lây cao hơn so với người khác.
Chính vì vậy, việc xây dựng thói quen dinh dưỡng tốt cho trẻ cần được tiến hành càng sớm càng tốt trong cuộc đời, song song với sự phát triển thể chất và ý thức của trẻ, và có thể xem đây là món quà của mẹ cha mà trẻ có thể mang theo đến hết cuộc đời. Thay vì xây dựng một thói quen không đúng và sau đó ra sức sửa chữa để cho nó trở thành đúng, tại sao chúng ta không xây dựng một thói quen đúng ngay từ đầu bằng cách bắt đầu và luyện tập cho trẻ những hành vi dinh dưỡng đúng? Hãy cùng kiểm tra lại một vài hành vi đơn giản xem bạn đã bắt đầu xây dựng thói quen dinh dưỡng đúng cho con mình chưa nhé!
Giờ ăn là để ăn, giờ chơi là để chơi và giờ ngủ là để ngủ: điều hiển nhiên đơn giản này lại bị các mẹ xem nhẹ và bỏ qua thường xuyên! Giờ bé ngủ thì người lớn lợi dụng phản xạ bú vô thức để cho bé bú, giờ ăn đối với rất nhiều trẻ là giờ xem tivi hay đi dạo ngoài công viên… Cần nhớ rằng, sự tập trung tối đa suy nghĩ và ý thức của trẻ vào một vấn đề là chìa khoá cốt lõi để trẻ học được hành vi liên quan đến vấn đề đó. Vì vậy, cần bắt đầu tập luyện nhận thức và thói quen về bữa ăn bằng những điều cơ bản nhất: cho trẻ ngồi vào bàn ăn với các thức ăn trước mặt, tập trung vào bữa ăn, không cho trẻ xem tivi hoặc chơi bất kỳ trò chơi nào.
Thức ăn là “xăng” cho “cỗ máy cơ thể”, và người ta cần ăn mỗi ngày để cơ thể có đủ năng lượng sống, hoạt động và phát triển. Thức ăn không phải là phần thưởng khi trẻ ngoan, cũng không phải là hình phạt khi trẻ hư. Tránh nói với trẻ là “nếu con được điểm 10, con sẽ được đưa đi ăn món gà rán ưa thích”. Trẻ sẽ không nhận thức được rằng món ăn đó không tốt về dinh dưỡng, mà mặc nhiên sẽ cho rằng đó là một món ăn quý được dùng làm phần thưởng khi học giỏi, ngoan ngoãn… Cần thiết để trẻ biết rằng “món gà rán thì ngon thật, nhưng vì nhiều dầu quá, nên không tốt cho sức khoẻ của con, mỗi tháng chúng ta chỉ nên ăn hai lần thôi nhé”. Nhận thức đúng về món ăn sẽ làm trẻ dễ dàng chấp nhận việc thực hiện hành vi ăn uống mới hơn.
Không nên tập thói quen ăn quá mặn, quá ngọt hay ăn nhiều các thức ăn béo, chế biến bằng phương pháp chiên, quay, nướng… từ khi trẻ còn nhỏ. Theo khuyến cáo, phải đến 18 tháng tuổi mới bắt đầu nêm đường hay muối vào thức ăn cho trẻ. Tương tự như vậy, khi nhu cầu chất béo cao, dầu mỡ được nấu chung với bột chứ tránh dùng thực phẩm chiên giòn. Sử dụng thức ăn tươi, hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp cũng là một cách tập luyện cho thói quen ăn uống khoẻ mạnh, an toàn cho sức khoẻ.
Tập luyện thói quen ăn uống cho trẻ không thể làm trong vòng một vài ngày hay một vài tuần, mà phải mất hàng năm, thậm chí nhiều năm với sự kiên nhẫn và yêu thương của bố mẹ. Đầu tư cho thói quen mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng thành quả thu được với món quà “thói quen và chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng và khoẻ mạnh” mỗi ngày sẽ theo trẻ trong suốt quá trình phát triển toàn diện sau này.
Ngoài ra, chính mẹ cũng nên tập luyện thói quen “thiết kế chế độ dinh dưỡng” hợp lý mỗi ngày cho bé. Mẹ có thể sắp xếp một món ăn phụ hoặc một ly sữa cân đối dinh dưỡng cho trẻ sau 30 phút sau mỗi bữa ăn chính.
THS.BS ĐÀO THỊ YẾN PHI