23/01/2025

Gian nan chống gian lận thi cử ở các nước

Ở những quốc gia nặng về thi cử như Trung Quốc, Hàn Quốc… áp lực vào đại học khiến nhiều sĩ tử chọn cách gian lận.

 

Gian nan chống gian lận thi cử ở các nước

Ở những quốc gia nặng về thi cử như Trung Quốc, Hàn Quốc… áp lực vào đại học khiến nhiều sĩ tử chọn cách gian lận.

Kiểm tra các thiết bị điện tử đối với thí sinh tại kỳ thi đại học ở TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hôm 7-6 – Ảnh: Reuters

Để đối phó các “chiêu” gian lận ngày càng tinh vi, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp từ thi ngoài trời đến tăng hình phạt.

 

Tại Trung Quốc, mùa hè hằng năm luôn là khoảng thời gian ác mộng cho các học sinh bước vào kỳ thi đại học. Tờ New York Times cho biết một học sinh ở Côn Minh thừa nhận phải học 13 giờ mỗi ngày trong cả năm và cha mẹ cậu đã thuê sẵn nhà ở gần trường để cậu không phí thời gian đi lại. Nhiều học sinh khác cũng thừa nhận chịu nhiều áp lực từ gia đình, thầy cô và thời gian giải trí là một điều xa xỉ.

Ngày càng tinh vi

Theo Reuters, trong kỳ thi vào đại học hai ngày 7 và 8-6-2013 có 9,12 triệu thí sinh Trung Quốc ganh đua nhau vào cổng giảng đường. Chỉ tiêu tuyển sinh ít, thí sinh đông nên không ít người chọn giải pháp gian lận bất chấp hình phạt rất nặng. Báo chí Trung Quốc cho biết vẫn xảy ra các trường hợp bắt quả tang gian lận: 20 vụ ở tỉnh Giang Tây, 69 vụ ở tỉnh Thiểm Tây, 24 vụ ở tỉnh Quảng Tây, 8 vụ ở Quảng Đông…

Mánh phổ biến nhờ người thi hộ nay đã giảm hẳn sau khi các điểm thi lắp máy quét vân tay. Còn việc đút lót giáo viên, mua đề có thể áp dụng được quanh năm. Một phụ huynh thậm chí thuê chín giáo viên giúp giải đề trực tiếp cho con trai trong phòng thi.

Chuyện dùng thiết bị điện tử tinh vi thì xảy ra liên tục khi các thiết bị ngày càng nhỏ hơn, đa năng hơn. Trong vụ bê bối năm 2012, hàng chục thí sinh bị phát hiện mang một thiết bị siêu nhỏ, có giá đến 2.500 USD/cái, ngụy trang thành cục gôm nhưng có màn hình hiển thị văn bản.

Năm 2008, ba nữ sinh bị phát hiện mang máy quét mini trong áo ngực để gửi câu hỏi ra bên ngoài nhờ người giải hộ. Trong năm này, tám phụ huynh và giáo viên vào tù vì sử dụng thiết bị công nghệ để hỗ trợ các sĩ tử, theo báo Guardian. Tháng 6-2011, Bắc Kinh bắt 62 người bán thiết bị không dây, radio hai chiều… trên toàn quốc.

Để đối phó với tai nghe không dây, đồng hồ và bút gắn máy quét, chính quyền Bắc Kinh từ năm 2009 đã cho lắp máy quay giám sát, máy dò kim loại và thiết bị gây nhiễu sóng tại điểm thi, cử nhân viên an ninh tuần tra và bắt thí sinh ký cam kết trung thực. Một số tỉnh của Trung Quốc thậm chí đóng cửa các quán cà phê Internet trong thời gian thi.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã sửa đổi quy định phòng thi để ngăn chặn gian lận. Trên trang web, bộ này đã thêm 15 khoản mới trong quy định và cho biết việc sửa đổi lần đầu tiên này nhằm đối phó “các tình huống, vấn đề mới, nạn gian lận tràn lan và sử dụng công nghệ cao”. Quy định mở rộng với cả thi đầu vào các ngành như nghệ thuật hay giáo dục thể chất. Cụ thể, các thiết bị bị cấm mang vào phòng thi không chỉ gồm điện thoại mà là tất cả những gì “có thể gửi và nhận tín hiệu”, theo Tân Hoa xã. Không đăng ký thông tin hay gây rối khi thi sẽ bị phạt nặng. Bị bắt quả tang gian lận sẽ bị cấm thi 1-3 năm. Hình phạt cũng tăng đối với các giáo viên, công chức tiếp tay cho gian lận.

Mua bán đề thi

Tại Hàn Quốc, trong vụ bê bối thi cử mới nhất, College Board – công ty chuyên tổ chức thi vào các trường đại học Mỹ cho học sinh Hàn Quốc – đã hủy thi hai tháng liên tiếp do lộ đề. Đây là lần đầu tiên cuộc thi Scholastic Aptitude Test (SAT) bị hủy bỏ trên toàn Hàn Quốc. Vụ việc buộc Bộ Giáo dục nước này phải vào cuộc điều tra hôm 27-5.

Điều ấy cũng phản ánh sức ép thi cử tại Hàn Quốc, nơi các sinh viên phải ôn luyện ngày đêm để mong vào được những trường đại học danh giá nhất. Vào được đại học ở nước ngoài đồng nghĩa với cơ hội có được việc làm tốt và thậm chí cơ hội kết hôn.

Lãnh đạo một lò luyện thi ở Hàn Quốc cho biết nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng chục ngàn USD để mua đề SAT. Theo CNN, gian lận cũng xảy ra trong các kỳ thi SAT ở nhiều quốc gia châu Á, chẳng hạn tại Thái Lan nhiều “cò” thi cử luôn có thể mua được đề trước.

Tại Nhật Bản, thí sinh cũng sẵn sàng liều để giành một suất vào những đại học danh tiếng, con đường dẫn tới những công việc tốt trong các tập đoàn hay chính phủ. Năm 2011, cảnh sát Nhật vào cuộc điều tra việc đề thi vào Đại học Tokyo bị đăng lên mạng trong khi cuộc thi đang diễn ra. Một sinh viên 19 tuổi bị bắt và đối mặt với hình phạt tù dù Nhật chưa có quy định về những trường hợp này. Trả lời thẩm vấn, thí sinh này phân trần lý do phải vào Đại học Tokyo bằng mọi giá để không muốn tạo áp lực tài chính cho cha mẹ vì trường này thu học phí rất thấp.

Vụ việc gây rúng động toàn quốc và Bộ Giáo dục Nhật tuyên bố sẽ cấm các thiết bị truyền thông tin trong phòng thi dù nước láng giếng Hàn Quốc đã áp dụng biện pháp này từ năm 2004. Quy định thi cử của Nhật chỉ yêu cầu thí sinh tắt điện thoại và bỏ vào giỏ trước khi thi. Thí sinh sử dụng điện thoại sẽ bị coi là gian lận và bị cấm thi trong các năm sau. Ngay sau vụ gian lận ở Đại học Tokyo, nhiều trường yêu cầu thí sinh tắt và đặt điện thoại trên bàn trong thời gian thi.

Nhiều trường đại học thậm chí cử thanh tra đi cùng thí sinh vào nhà vệ sinh nhưng một sĩ tử khẳng định vẫn có thể qua mặt được các thanh tra bằng cách giật nước để che âm thanh điện thoại hoặc giấu điện thoại sẵn trong nhà vệ sinh.

TRẦN PHƯƠNG