28/01/2025

CHÚA NHẬT XIII TN – C: Đi theo Đức Giêsu

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ theo Người để gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng từng hành động, lời nói, cảm nghĩ của chúng ta đều mang một ý nghĩa mới và có uy lực vô song vì chúng ta đã quy hướng tất cả vào Chúa Giêsu.

 

Đi theo Đức Giêsu


Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Tuần vừa qua, khi suy nghĩ về từ “Kitô” (người được xức dầu), chúng ta đã thấy địa vị cao quý mà Chúa muốn chia sẻ cho chúng ta khi theo Đức Giêsu Kitô. Đó là chúng ta được trở thành vương đế để xây dựng Nước Trời, thành ngôn sứ để rao giảng Lời Chúa, thành tư tế để dâng hiến cho Thiên Chúa lễ vật đời mình. Nhất là được trở thành con Thiên Chúa giống như Đức Giêsu để có thể cứu độ người khác, vật khác qua ân sủng và quyền năng được Chúa ban cho.

Hôm nay, các bài Kinh Thánh tập trung vào đề tài “Phải theo Đức Giêsu như thế nào?”qua thái độ của những người đi theo Đức Giêsu.

1. “Theo” nghĩa là gì?

Từ “theo” có nhiều nghĩa: theo là đi liền ở phía sau, không rời xa hoặc là đi cùng như “theo cha mẹ đi nghỉ mát”, hoặc làm đúng như người nào đó trong câu: “theo gương các tiền nhân” hoặc còn có nghĩa tin vào, sống theo như ”theo đạo”, “theo Cách Mạng”. Trong văn chương bình dân Nam Bộ, chúng ta có câu ca dao diễn tả từ “theo” rất hay:

“Chàng ơi cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

Ví dầu tình có dở dang

Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về”

“Theo” ở đây diễn tả tình ý sâu sắc của người con gái theo người con trai, muốn chia sẻ mọi buồn vui của cuộc sống mà không đòi hỏi gì hết. Nếu tình có dở dang thì mình sẽ gọi đò ngang về thôi chứ không yêu cầu đền bù gì cả. Theo như vậy thật là rộng rãi, quảng đại vì người con trai kia chắc phải có gì đặc biệt mới thu hút người con gái như vậy. Nhưng Chúa Giêsu còn có sức hút mãnh liệt và cao quý hơn nhiều. Chúng ta không bao giờ phải gọi đò ngang bỏ về và Chúa Giêsu không bao giờ để cuộc tình của chúng ta dang dở vì “Người đã yêu chúng ta đến cùng” và đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. Người muốn chúng ta trở thành một với Người qua bí tích Mình và Máu Thánh Người để chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Người.

2. Cùng theo Đức Giêsu lên Giêrusalem

Hôm nay Đức Giêsu lên Giêrusalem. Dù Người biết lên đó sẽ nhận cái chết nhục nhã, nhưng Người vẫn cương quyết đi vì muốn cứu độ nhân loại chúng ta và thế giới. Các môn đệ đang được mời gọi để cùng theo Người lên Giêrusalem, cùng chung sức cho công trình cứu độ và cùng chia sẻ vinh quang phục sinh. Dĩ nhiên, trên đường cứu độ này có những người không đi theo Chúa Giêsu, không tiếp nhận Chúa Giêsu giống như dân làng Samaria. Vào thời Chúa Giêsu, người dân Samaria không bằng lòng với dân Giuđêa ở miền Nam và dân Galilê ở miền Bắc. Họ có đền thờ riêng ở Samaria chứ không lên thờ Chúa tại Giêrusalem. Khi biết Chúa Giêsu lên Giêrusalem, dân Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu. Thấy vậy Giacôbê và Gioan tức giận nói: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu đốt dân này không?” Chúa Giêsu bảo không biết là thần trí nào thôi thúc họ làm như vậy. Theo Đức Giêsu là để cứu độ thế giới, thế mà họ lại muốn huỷ diệt. Người muốn dạy các tông đồ phải hiền từ, khiêm tốn và tôn trọng sự chọn lựa của người khác.

Trong thực tế, chung quanh chúng ta có nhiều người không đi cùng con đường với chúng ta, họ theo những tôn giáo khác, chúng ta cần tôn trọng họ vì chúng ta đi theo Đức Giêsu để cứu độ họ. Quả thật, nhiều người không theo Chúa Giêsu một cách rõ ràng, minh nhiên nhưng qua tiếng lương tâm, họ vẫn theo Chúa Giêsu một cách âm thầm, mặc nhiên vì tất cả mọi loài mọi vật được dựng nên nhờ Người và cho Người. Hơn nữa, vì Người là con đường dẫn đến sự thật và sự sống nên bất cứ ai nói thật và làm thật, tôn trọng và yêu quý sự sống đó là họ đang đi theo Chúa Giêsu.

3. Những thái độ khác nhau khi theo Chúa Giêsu

Chúng ta đang được mời gọi đi theo Chúa Giêsu và cùng cứu độ với Người. Tuy nhiên, khi bước theo Chúa Giêsu, người ta có thể có nhiều thái độ khác nhau. Đâu là thái độ mà Chúa Giêsu mong muốn?

Qua từ ngữ vừa tìm hiểu: đi theo một người, với nghĩa trọn vẹn nhất, là chúng ta bước theo người đó, yêu thương, gắn bó với người đó bằng tất cả tâm hồn và thể xác, xem người đó như lý tưởng, mục đích của đời mình. Vì thế, thái độ đầu tiên Đức Giêsu không muốn là đừng ai đi theo Người để cầu lợi, cầu danh, để kiếm chác một điều gì đó chứ không coi Người là tất cả. Chúa Giêsu nói rõ ngay: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, con người không có chỗ gối đầu”.

Theo Chúa Giêsu có thể chúng ta sẽ gặp sỉ nhục, thất bại, bị đóng đinh và giết chết nên Người còn nói rõ hơn: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Khi chúng ta dám từ bỏ tất cả, bỏ chính mình để nhìn vào Đức Giêsu đang đi trước mặt là “đối tượng duy nhất” của đời mình thì việc “không có gì” lại trở thành “có tất cả” chỉ vì Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, mọi danh dự, quyền năng, vinh quang đều thuộc về Người (x. Kh 7,12).

Thái độ thứ hai của loại người theo Chúa Giêsu là họ không nhìn thẳng vào Người đang ở ngay trước mắt nhưng lại nhìn ngang nhìn ngửa. Nhìn ngang người ta sẽ thấy có nhiều việc phải làm, nhiều người phải lo nên có vài môn đệ đến nói với Chúa Giêsu:“Thưa Thầy, tôi sẵn sàng theo Thầy nhưng xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Chuyện chôn cất người chết, báo hiếu cha mẹ, ông bà là quan trọng. Nhưng Chúa Giêsu trả lời cho người đó rằng: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu không phải loại trừ tình cảm gia đình, họ hàng thân yêu hay dẹp bỏ chuyện làm ăn buôn bán, báo hiếu ông bà cha mẹ. Người không bảo ta bỏ gì hết. Nhưng Người mời gọi chúng ta hãy nhìn thẳng vào Người để tập trung mọi hoạt động theo hướng rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Nước Trời là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình” (x. Tiền tụng lễ Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ). Tất cả những hành động hằng ngày của ta: dù học hành hay buôn bán, dù làm nội trợ ở nhà hay công tác ở bất cứ đâu, nếu ta nhắm đến việc xây dựng nội dung của Nước Trời như trên là ta đang đi theo Chúa Giêsu.

Thái độ thứ ba là thái độ của những người nhìn về phía sau. Họ đi theo sát Chúa Giêsu nhưng họ nhìn về đằng sau để thấy cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu… với biết bao nỗi lo toan, những tình cảm đang có, những việc cần làm. Họ hiểu được quyền ưu tiên của Chúa Giêsu nhưng họ cũng bị giằng co để lo cho con người. Họ giống người môn đệ đến xin với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ giã gia đình trước đã”. Chúa Giêsu nói: “Ai đã cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Thật sự khi theo Đức Giêsu, chúng ta không loại trừ hay đánh mất ai cả bởi vì khi quy hướng về Người chúng ta sẽ thấy tình gia đình, tình bằng hữu, tình vợ chồng và mọi mối quan hệ đều được thăng hoa. Hễ “ngoái lại đằng sau” là chúng ta đánh mất tầm nhìn vào Chúa Giêsu và để tình cảm riêng tư lấn lướt. Chúng ta có thể gắn bó với con người nhưng không cứu độ được con người. Chúng ta có thể lo ăn, lo mặc, thoả mãn tình cảm nào đó cho con người nhưng không phát triển được con người toàn diện.

Kết luận

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ theo Người để gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng từng hành động, lời nói, cảm nghĩ của chúng ta đều mang một ý nghĩa mới và có uy lực vô song vì chúng ta đã quy hướng tất cả vào Chúa Giêsu. Người cũng sẽ gắn bó với chúng ta để ban cho chúng ta muôn vàn ân sủng của Thánh Thần và biến chúng ta trở thành người mang lại hạnh phúc, tình yêu, niềm vui, bình an cho mọi người.