22/12/2024

Quyền “phản đối vì lý do lương tâm”

Xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn bà Paola Ricci Sindoni, Chủ tịch Tổ chức “Khoa học và Sự sống” về quyền phản đối vì lý do lương tâm.

 Quyền “phản đối vì lý do lương tâm”

 
Phỏng vấn bà Paola Ricci Sindoni, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Sự sống


Trong 2 ngày 24 và 25-5-2013, Đại hội Toàn quốc Italia lần thứ 9 của tổ chức “Khoa học và Sự dống” đã diễn ra tại Roma với đề tài “Phản bác của lương tâm giữa sự tự do và tinh thần trách nhiệm”. Đây là một vấn đề rất thời sự, đặc biệt vì trong các năm qua nhiều chính quyền Âu châu đã ban hành các luật lệ đặc biệt trong lĩnh vực y khoa và sinh học chẳng hạn như luật cho phép phá thai, bán thuốc phá thai, giết người êm dịu hay trợ tử…

Các luật lệ này đặt các bác sĩ, dược sĩ và y tá vào trong tình trạng và vị thế khó xử. Lý do vì chúng đi ngược lại với đức tin Kitô, và lương tâm không cho phép họ tuân hành những luật lệ như thế. Nhưng nếu không tuân hành luật lệ của nhà nước, họ có thể bị mất công việc làm và bị truy tố ra toà. Thế là vì niềm tin tôn giáo và lý do lương tâm họ bị kỳ thị một cách bất công, và trở thành nạn nhân của các luật lệ chống lại luân lý tự nhiên.

Thật vậy, tự do lương tâm là một trong các quyền tối thượng của con người, đáng được bảo vệ và thăng tiến. Tuy nhiên, đứng trước các thứ luật lệ đi ngược lại luân lý, nó có nguy cơ và trên thực tế nó đã bị các chính quyền chà đạp một cách quá dễ dàng.

Tại Italia, hồi thập niên 1970-80, đã có nhiều thanh niên Kitô gặp khó khăn vì đã từ chối đi quân dịch vì lý do lương tâm. Họ sẵn sàng làm bất cứ công việc gì trong các lĩnh vực bác ái, thăng tiến nhân bản, giáo dục, xã hội và an sinh, nhưng không muốn nhập ngũ, đi lính tập bắn giết và tham dự vào chiến tranh, mà họ coi là những điều gian ác và không xứng đáng với đức tin Kitô và nhân phẩm. Hội đồng Giám mục và tổ chức Caritas Italia đã phải liên tục mạnh mẽ can thiệp để cho các thanh niên ấy khỏi bị tù và hoạt động trong các lĩnh vực kể trên thay cho thời gian đi quân dịch.

Như vậy, trường hợp phản đối vì lý do lương tâm có hai chiều hướng tiêu cực và tích cực. Nó tiêu cực, vì từ chối tuân hành một luật lệ của trật tự pháp lý, bị coi là bất công, vì trái nghịch và không thể hòa giải với một luật lệ nền tảng khác của cuộc sống con người, như được nhận thức bởi lương tâm cấm không được có thái độ mà luật nhà nước đòi buộc. Nhưng nó cũng tích cực, vì sự gắn bó của đương sự với một giá trị hay một hệ thống giá trị luân lý đạo đức, ý thức hệ hay tôn giáo. Nó dựa trên việc bảo vệ ưu tiên bản vị con người trước Nhà nước và trên việc tôn trong sự tự do lương tâm là quyền bất khả nhượng của mọi người, như khẳng định trong các khoản 2, 19 và 21 của Hiến pháp Italia và khoản 18 của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền.

Trật tự pháp lý Italia đưa ra 3 trường hợp liên quan tới quyền khước từ tuân hành luật lệ vì lý do lương tâm: thứ nhất là việc thi hành nghĩa vụ quân dịch, thứ hai là trong lĩnh vực y tế, và thứ ba là việc dùng thú vật cho các cuộc thử nghiệm.

Từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm là một hình thức bất bạo động khước từ phục vụ quân sự của chiến tranh. Người phản đối không chống lại nhiện vụ bảo vệ quốc gia do Hiến pháp thiết định, nhưng chọn lựa một cách thay thế nó là việc phục vụ dân sự theo luật số 772, ban hành năm 1972. Luật này thăng tiến việc bảo vệ bất bạo động và sự liên đới thay vì việc bảo vệ quân sự vũ trang.

Trường hợp thứ hai là việc một bác sĩ hay y tá khước từ tham dự vào việc phá thai, hay giết người êm dịu hoặc trợ tử, thụ thai nhân tạo, lèo lái truyền sinh, thử nghiệm trên các bào thai và chẩn đoán thai nhi trước khi sinh với mục đích loại bỏ các bào thai tàn tật. Ngoài ra, còn có trường hợp tế nhị mà các bác sĩ và dược sĩ phải đương đầu: đó là phải ra toa thuốc hay cho uống thuốc phá thai.

Thứ ba là trường hợp của những người chống lại bạo lực trên các sinh vật trong việc dùng súc vật để thí nghiệm, dựa trên luật số 413, ban hành năm 1993. Luật này không chỉ liên quan tới các bác sĩ, các nhà nghiên cứu, mà còn liên quan tới tất cả các nhân viên y tế, kể cả các sinh viên trong các đại học. Nó cho phép họ từ chối tham dự vào các cuộc thử nghiệm trên súc vật.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn bà Paola Ricci Sindoni, Chủ tịch Tổ chức “Khoa học và Sự sống” về quyền phản đối vì lý do lương tâm.

Hỏi: Thưa bà Paola, mới đây giới truyền thông đã phát động chiến dịch bài bác những vụ phản đối vì lý do lương tâm, và định nghĩa thái độ của một bác sĩ từ chối không phá thai là một thái độ đi ngược lại quy chế hành nghề (deontologia) và các quyền khác, như quyền phá thai của phụ nữ. Tuy nhiên, Uỷ ban Sinh học Quốc gia đã định nghĩa việc phản đối vì lý do lương tâm là một quyền hợp hiến, và mời gọi thực thi quyền đó một cách hữu lý. Riêng bà thì bà nghĩ sao?

Đáp: Chúng ta không thể để cho việc phản đối vì lý do lương tâm bị lẻ loi, mà phải theo dõi và hướng dẫn nó, để cho các lựa chọn các giá trị được tôn trọng, cũng như quyền phá thai của phự nữ được tôn trọng. Vì thế, thật là điều không thể hiểu được, tại sao giờ đây trong dư luận công cộng việc phản đối vì lý do lương tâm, thí dụ như đối với các thử nghiệm trên súc vật thì được chấp nhận, nhưng khi đó là trường hợp của con người, thì người ta lại không chấp nhận, lại phản ứng một cách khó chịu như thế, và lại luôn luôn nghĩ rằng việc phản đối vì lý do lương tâm là một kiểu để làm việc ít hơn hay làm ít hơn.

Hỏi: Có biết bao nhiêu bác sĩ phản đối vì lý do lương tâm đã bị kỳ thị vì sự lựa chọn của họ. Và vì thế, các khả năng tương lai nghề nghiệp của họ bị khước từ. Có lẽ quyền tự do lương tâm này của họ xung khắc với các lợi lộc của một loại quyền lợi khác hay sao, thưa bà?

Đáp: Chắn chắn rồi. Dĩ nhiên là các cơ cấu y tế công cộng muốn làm cho hệ thống hoạt động tốt: đòi buộc phải đương đầu với nhu cầu của các phụ nữ muốn phá thai, phải luôn luôn được che đậy làm sao để cả các tiêu chuẩn của sự đáng tin cậy của nhà thương là cơ quan công cộng được tưởng thưởng. Dù sao đi nữa, thì cũng cần phải tái nêu bật rằng sự phản đối vì lý do lương tâm trong thực hành y khoa và trong thực hành dược khoa không phải là một dở chứng hay là một sự tự do, còn hơn thế nữa, vì trong luật 194 triệt 9 có dự kiến quyền phản đối vì lý do lương tâm. Từ đó cũng cần phải sửa lại một chút việc tấn công của các thành kiến duy đời cực đoan, tiếp tục cho rằng các khó khăn của cấu trúc làm việc trên luật số 194 hoàn toàn tuỳ thuộc người phản đối vì lý do lương tâm.

Hỏi: Vậy có danh sách nào cho biết có bao nhiêu bác sĩ phản đối phá thai vì lý do lương tâm không, thưa bà?

Đáp: Có chứ. Có một danh sách, nhưng cần phải thanh tẩy nó khỏi vài tiêu chuẩn đọc hiểu mang tính cách ý thức hệ. Người ta nói tới vài cơ cấu, trong đó có tới 70% các bác sĩ phản đối vì lý do lương tâm, không thi hành yêu cầu của các phụ nữ muốn phá thai. Nhưng đây chính là con ngựa chiến của giới truyền thông duy đời, bởi vì nó cho thấy rằng 30% số bác sĩ còn lại không thể thoả mãn nhu cầu, và do đó các phụ nữ muốn phá thai bị bắt buộc phải quay qua các phía khác. Trái lại, có các thống kê khác thì chứng minh cho thấy rằng không có số phần trăm qúa cao như vậy. Vì thế, thật khó mà có thể thiết định được con số các bác sĩ từ chối phá thai vì lý do lương tâm. Ngay cả khi nếu có phải khẳng định là có 50% các bác sĩ phản đối vi lý do lương tâm, thì điều này có nghĩa là luật dự kiến quyền tự do đó, và nó phải được ủng hộ một cách thực sự, được hiểu trong các gốc rễ sâu xa của nó, và vì vậy cũng phải được tiếp nhận bên trong một xã hội đa nguyên, trong đó niềm tin duy đời, trong một cách thế nào đó, không được lấn lướt niềm tin liên quan tới các giá trị luân lý đạo đức, hay niềm tin tôn giáo mà mỗi người có nơi chính mình. Chính vì điều này mà tôi tin rằng giá trị đời của tính cách không thể sờ mó được của lương tâm, phải được tất cả mọi người chấp nhận. Vị bác sĩ không chỉ có thể quy chiếu quy chế hành nghề mà thôi, bởi vì việc phản đối vì lý do lương tâm là một cái gì đi xa hơn nữa: nó cao hơn quy chế luật lệ của nghề nghiệp.

Hỏi: Thưa bà Paola Sindoni, như vậy có là điều đúng đắn không, khi đóng khung quyền phản đối vì lý do lương tâm không phải vào trong một lĩnh vực nghề nghiệp, mà như là một lựa chọn tự do, một quyền dân sự?


Đáp: Tuyệt đối đúng như thế. Bởi vì nếu một vài bác sĩ nói rằng họ vâng lời sự tự do lương tâm, mà trong một cách thức nào đó, nó được chìm ngập trong các giá trị Kitô, thì trái lại một cách đời và có lý trí vài bác sĩ khác lại nghĩ rằng chính khoa học đặt bạn trên con đường chỉ cho thấy rằng bào thai chứa đựng tất cả cấu trúc của bản vị con người.

Hỏi: Đây là sự kiện khoa học, một cách chắc chắn đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ. Trong mấy tháng đầu triều đại của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy ngài bênh vực sự sống từ khi thụ thai cho tới khi chết tự nhiên, có phải thế không, thưa bà?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Và Đức Thánh Cha đã làm điều này với một thứ ngôn ngữ rất rõ ràng. Đức Thánh Cha đã không bao giờ diễn tả điều này một cách nặng nề với một luật lệ kiểu tín lý, nhưng ngài luôn luôn tìm cách ở bên trong các nhu cầu và các ước mong của con người, để giúp hiểu rằng có một giới hạn không thể vượt qua được: đó là nguồn gốc, lúc khởi đầu của sự sống nảy sinh, và sự kết thúc tự nhiên của chính sự sống ấy.

(RG 25-5-2013)