15/11/2024

Thánh Tâm Chúa Giêsu là tình yêu tình tuyền và lòng thương xót thứ tha

Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người. Nó là suối nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới. Chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với gần 80.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 9-6-2013.

Thánh Tâm Chúa Giêsu là tình yêu tình tuyền và lòng thương xót thứ tha

 

 
Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người. Nó là suối nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới. Chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với gần 80.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 9-6-2013.
 
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã nói về tháng 6 là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là kiểu loài người diễn tả tột đỉnh tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài nói thật thế, thứ sáu vừa qua, chúng ta đã cử hành lễ trọng Thánh Tâm Chúa Kitô, và ngày lễ này trao ban cung điệu cho toàn tháng 6. 
 
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa biểu tượng Thánh Tâm Chúa: Lòng đạo đức bình dân đánh giá rất cao các biểu tượng, và Trái Tim Chúa Giêsu là biểu tượng tuyệt diệu lòng thương xót của Thiên Chúa: nhưng nó không là một biểu tượng tưởng tượng, nó là biểu tượng thực sự, diễn tả trung tâm, diễn tả suối nguồn, từ đó vọt ra ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. 
 
Trong các Phúc Âm, chúng ta tìm thấy các quy chiếu khác nhau về Trái Tim Chúa Giêsu, chẳng hạn trong văn bản trong đó Chúa Kitô nói: “Hỡi tất cả những kẻ mệt nhọc và bị áp bức, hãy đến cùng Thầy, và Thầy sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Thầy và học nơi Thầy, là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,28-29). Thế rồi nền tảng là trình thuật cái chết của Chúa Kitô theo Tin Mừng Thánh Gioan. Thật thế, Thánh sử làm chứng điều thánh nhân đã trông thấy trên núi Sọ, nghĩa là sự kiện khi Chúa Giêsu đã chết, một người lính lấy đòng đậm cạnh sườn Người và từ vết thương đó máu và nước chảy ra (x. Ga 19,33-34). Thánh Gioan nhận ra trong dấu chỉ ấy, xem ra là tình cờ, việc thành toàn các lời tiên tri: từ tim của Chúa Giêsu, là Chiên Con bị sát tế trên thập giá, nảy sinh ra ơn tha tội và sự sống cho tất cả mọi người.
 
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu không chỉ là một tâm tình, còn hơn thế nữa, nó là một sức mạnh trao ban sự sống, làm cho con người sống lại! Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về điều này, trong giai thoại bà goá làng Naim (x. Lc 7,11-17). Với các môn đệ, Chúa Giêsu đang đến Naim, một làng trong vùng Galilea, chính trong lúc diễn ra một đám tang: người ta đem chôn một thanh niên, con trai duy nhất của một bà goá. Cái nhìn của Chúa Giêsu lập tức dán chặt trên bà mẹ đang khóc. Thánh sự Luca nói: “Khi trông thấy bà, Chúa cảm thấy một sự xót thương lớn đối với bà.” (c. 13). Sự xót thương này là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, là sự thương xót, nghĩa là thái độ của Thiên Chúa tiếp xúc với sự khốn cùng của con người, với sự nghèo nàn của chúng ta, với khổ đau và sự âu lo của chúng ta. Từ xót thương trong Thánh Kinh gợi lại lòng dạ của bà mẹ: thật vậy, người mẹ cảm nhận một phản ứng hoàn toàn là của bà trước nỗi khổ đau của con cái. Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế.
 
Và đâu là hoa trái của tình yêu thương, của lòng thương xót của Thiên Chúa? Đó là sự sống! Chúa Giêsu nói với bà goá thành Naim: “Đừng khóc!”, rồi Người gọi thanh niên đã chết, và đánh thức anh ta dậy như từ một giấc ngủ (x. cc. 13-15).
 
Đức Thánh Cha chú thích cử chỉ này của Chúa Giêsu: Chúng ta hãy nghĩ tới điều này, thật là đẹp: lòng thương xót của Thiên Chúa trao ban sự sống cho con người, cho nó sống lại từ cái chết. Chúa luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, chúng ta đừng quên điều này, Người luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Chúng ta đừng sợ đến gần Người! Người có một con tim thương xót! Nếu chúng ta cho Người thấy các vết thương nội tâm của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là lòng thương xót tinh tuyền. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu!
 
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Chúng ta hướng lên Đức Trinh Nữ Maria: con tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, con tim bà mẹ, đã chia sẻ tột đỉnh lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt trong giờ của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết khiêm nhường và thương xót với các anh chị em khác.
 
Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 
Sau Kinh Truyền Tin, chào các tín hữu, Đức Thánh Cha nói hôm nay tại Cracovia có 2 nữ tu Ba Lan được tôn phong Chân phước: đó là chị Sofia Czeska Maciejowska, là người hồi tiền bán thế kỷ XVII đã thành lập Dòng các Trinh nữ dâng Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, và chị Margherita Lucia Szewczyk, là người hồi thế kỷ XIX đã thành lập Dòng các Nữ tử Trinh Nữ Maria Sầu Bi Diễm Phúc. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa với Giáo Hội tại Cracovia.
 
Tôi xin thân ái chào tất cả các khách hành hương hiện diện hôm nay: các nhóm giáo xứ, các gia đình, các học sinh, các hội đoàn, các phong trào. Tôi xin chào tất cả mọi người. Tôi cũng xin chào một đoàn hành hương đến từ Mombay của Ấn Độ. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã chào các nhóm đến từ nhiều nơi trong nước Italia. Cuối cùng, ngài nhắc lại: Hôm nay, chúng ta đừng quên tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Giêsu: Người luôn nhìn chúng ta, yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta. Người là tất cả con tim và lòng thương xót. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu với lòng tin tưởng, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta.