15/11/2024

Thánh Tâm là nền tảng bền vững và tiêu chuẩn có giá trị cho thừa tác vụ linh mục

Chức linh mục của Đức Giêsu được cắm rễ sâu trong tận chiều sâu con tim của Người; trong lễ Trái tim Chúa, phụng vụ chỉ cho chúng ta thấy nền tảng bền vững, cũng như tiêu chuẩn có giá trị của bất cứ thừa tác vụ linh mục nào, một thừa tác vụ phải được cắm rễ sâu trong Thánh Tâm Chúa Giêsu và phải được sống nhờ Người.

 Thánh Tâm là nền tảng bền vững và tiêu chuẩn có giá trị cho thừa tác vụ linh mục

Lễ kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu – Kết thúc Năm thánh Linh mục – Quảng trường Thánh Phêrô – Thứ Sáu, 11/62010

Anh em thân mến trong thừa tác vụ linh mục, Anh chị em thân mến,

Năm linh mục mà chúng ta đã cử hành, 150 năm sau ngày Cha Thánh Quản xứ Ars qua đời, là mẫu gương cho thừa tác vụ linh mục trong thế giới chúng ta, đã đến hồi kết thúc. Chúng ta đã để cho Cha sở Ars hướng dẫn, để một lần nữa hiểu được sự cao cả và vẻ đẹp của thừa tác vụ linh mục. Linh mục không chỉ là một người nắm giữ một chức vụ, như những chức vụ mà xã hội đang cần đến, để cho một số nhiệm vụ có thể được chu toàn trong lòng xã hội. Mà trái lại, linh mục làm một cái gì đó mà không một hữu thể nhân văn nào có thể tự mình làm được: linh mục đọc lời xá tội cho chúng ta nhân danh Đức Kitô, và như thế, từ Thiên Chúa, linh mục biến đổi tình trạng sống của chúng ta. Linh mục đọc trên bánh và rượu nho lời chúc tụng của Đức Kitô là lời hoá thể – lời làm cho Đức Kitô Phục Sinh, Mình và Máu Người hiện diện, và như thế, biến đổi những yếu tố của trần gian: lời giúp thế giới mở rộng lòng đón nhận Thiên Chúa và liên kết thế giới với Thiên Chúa. Như thế, chức linh mục không chỉ là một “chức vụ”, mà còn là một bí tích: Thiên Chúa dùng một con người tầm thường, để qua họ, hiện diện và hành động cho con người. Thiên Chúa tỏ ra rất táo bạo khi tin tưởng vào những hữu thể nhân văn, khi biết rõ những yếu đuối của chúng ta, xem con người có khả năng hành động và hiện diện thay thế cho Người – sự táo bạo của Thiên Chúa là một thực tại thực sự vĩ đại đang được giấu ẩn trong từ “linh mục”. Sự kiện Thiên Chúa xem chúng ta có khả năng làm điều đó, sự kiện Thiên Chúa gọi con người để làm việc cho Người, và sự kiện Thiên Chúa liên kết với con người từ nội tâm: đó là điều mà trong năm nay chúng ta lại muốn suy nghĩ và hiểu rõ thêm một lần nữa. Chúng ta muốn đánh thức niềm vui được biết Thiên Chúa ở rất gần chúng ta, niềm biết ơn vì Thiên Chúa tin vào nỗi yếu hèn của chúng ta: thức tỉnh niềm vui biết rằng Thiên Chúa dẫn đưa và nâng đỡ chúng ta ngày này qua tháng nọ.

Như thế, một lần nữa, chúng ta cũng muốn chỉ cho các bạn trẻ thấy ơn gọi, sự hiệp thông phục vụ cho Thiên Chúa và với Thiên Chúa vẫn có đó – và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa đang chờ đợi tiếng “xin vâng” của chúng ta. Cùng với Giáo Hội, một lần nữa, chúng ta muốn cho mọi người biết là chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho ơn gọi này. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhiều thợ gặt, chúng ta cầu xin Chúa là người đã đến gõ cửa lòng những bạn trẻ nghĩ rằng mình có khả năng thể hiện điều Thiên Chúa xem họ có khả năng. Ta có thể cho rằng qua câu nói trên chúng ta làm nổi bật chức vụ linh mục sẽ làm phật ý “kẻ thù”; có lẽ họ muốn thấy chức linh mục biến mất, để rồi Thiên Chúa sẽ bị loại trừ khỏi thế giới. Và điều đó đã xảy ra ngay trong năm vui mừng dành cho Bí tích truyền chức thánh, khi những tội của linh mục phạm bị phơi bày ra ánh sáng  -  đặc biệt là tội lạm dụng tình dục trẻ em, mà qua vụ việc này, chức linh mục đối với con người lại có tác dụng ngược lại.

Chúng ta cũng thế, chúng ta khẩn khoản nài xin Chúa và những người bị liên lụy tha thứ cho chúng ta trong khi chúng ta hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để cho những lạm dụng như thế sẽ không bao giờ còn có thể xảy ra nữa; liên quan đến việc chấp nhận cho lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, cũng như chấp nhận để được đào tạo trong suốt quãng đường chuẩn bị lãnh nhận chức linh mục, chúng ta hứa sẽ làm tất cả những gì có thể xem xét một cách cẩn thận tính xác thực của ơn gọi, và hơn thế nữa, chúng ta cũng muốn đồng hành với các linh mục trên con đường của họ, và gìn giữ họ trong những tình hình khó khăn và khi phải đối diện với những nguy hiểm trong đời. Nếu Năm linh mục phải là dịp để mọi người ca ngợi công đức của chúng ta, thì có lẽ biến cố này đã làm biến thể năm linh mục. Nhưng đối với chúng ta, chắc chắn điều ngược lại mới là đúng: chúng ta phải biết ơn hồng ân Chúa ban, một hồng ân được ẩn giấu “trong những chiếc bình bằng đất nung” và một hồng ân, qua những yếu đuối của con người, ngày càng phải làm cho tình yêu Chúa trở nên cụ thể hơn trên thế giới này. Như thế, chúng ta cho rằng điều đã xảy ra phải là một bổn phận thanh luyện, một bổn phận đưa chúng ta hướng về tương lai, và hơn nữa, một bổn phận giúp chúng ta nhận ra và yêu mến đại hồng ân Chúa ban. Hiểu như thế, hồng ân Chúa ban sẽ giúp chúng ta cam kết đáp lại sự can đảm và khiêm nhường của Thiên Chúa bằng sự can đảm và khiêm nhường của chúng ta. Lời Đức Kitô mà chúng ta vừa hát qua bài ca nhập lễ, vào giờ phút này, có thể gợi lên cho chúng ta ý nghĩa của việc trở nên linh mục và là linh mục: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Chúng ta cử hành lễ Trái tim Chúa, và cùng với phụng vụ, chúng ta đưa mắt nhìn trái tim Chúa Giêsu, nếu chúng ta có thể nói được như thế, trái tim đã bị lưỡi đòng của tên lính Rôma mở ra khi Đức Giêsu sinh thì. Vâng, trái tim của Người đã được mở ra cho chúng ta, và mở ra trước mắt chúng ta – và như thế, trái tim của chính Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta. Phụng vụ cắt nghĩa ngôn ngữ của trái tim Đức Giêsu cho chúng ta, một ngôn ngữ chủ yếu nói về Thiên Chúa là mục tử chăn dắt con người, và như thế, trình bày cho chúng ta chức linh mục của Đức Giêsu được cắm rễ sâu trong tận chiều sâu con tim của Người; như thế, phụng vụ chỉ cho chúng ta thấy nền tảng bền vững, cũng như tiêu chuẩn có giá trị của bất cứ thừa tác vụ linh mục nào, một thừa tác vụ phải được cắm rễ sâu trong Thánh tâm Chúa Giêsu và phải được sống nhờ Người.

Ngày hôm nay, tôi muốn đặc biệt suy niệm về những bản văn mà Giáo Hội dùng để cầu nguyện và để đáp lại Lời Chúa được ban cho chúng ta qua các bài đọc. Trong những bài thánh ca này, lời và câu đáp thâm nhập vào nhau. Một mặt, những bài ca này được rút ra từ Lời Chúa, nhưng mặt khác, đồng thời chúng cũng là lời đáp trả của con người đối với Lời Chúa, một lời đáp trả, mà qua đó, Lời Chúa liên lạc với chúng ta và đi vào trong cuộc đời chúng ta. Bản văn quan trọng nhất trong những bản văn phụng vụ hôm nay là Thánh vịnh 23 (22) – “Chúa là mục tử chăn dắt tôi”  - , qua Thánh vịnh này, Israel, trong khi cầu nguyện, đã được Thiên Chúa mạc khải là mục tử, và nhờ mạc khải này, Israel đã định hướng cho cuộc đời của mình. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi: tôi không còn thiếu gì”: trong vế thơ thứ nhất, Thiên Chúa hiện diện và chăm sóc chúng ta mang lại cho chúng ta niềm vui và lòng biết ơn.

Bài đọc trích từ Sách Êdêkien được bắt đầu bằng chủ đề này: “Chính Ta sẽ đi tìm các con chiên của Ta, và Ta trông coi chúng” (Ed 34,11). Thiên Chúa tự mình chăm sóc tôi, chăm sóc chúng ta, chăm sóc nhân loại. Thiên Chúa không hề để tôi cô đơn một mình, bỏ tôi heo hút trong vũ trụ, và trong một xã hội mà ta càng ngày càng mất hướng không biết đi về đâu. Người chăm sóc tôi. Người không phải là một vì Thiên Chúa nghìn trùng xa cách, một vì Thiên Chúa mà đời tôi không được nương tựa.

Những tôn giáo trên thế giới, theo như ta thấy, vẫn luôn biết rằng, cuối cùng rồi vẫn có một Thiên Chúa. Nhưng một Thiên Chúa vời vợi xa cách. Vị Thiên Chúa này có vẻ bỏ mặc thế giới cho những quyền lực và những sức mạnh khác, cho những vị thần khác. Và như thế, ta phải quen dần với vị Thiên Chúa này. Người là Chúa độc nhất và tốt lành, thế nhưng, lại ở rất xa chúng ta. Người chẳng gây cho chúng ta một nguy hiểm nào, nhưng cũng chẳng hề giúp đỡ chúng ta. Như thế, ta chẳng cần phải bận tâm về Người. Người không hề thống trị. Và lạ lùng thay, ý tưởng này lại tái hiện cùng với thế kỷ Ánh sáng. Vào thời đó, người ta còn hiểu được rằng thế giới này giả thiết một Đấng Tạo Hoá. Thế nhưng, vị Thiên Chúa này, sau khi tạo dựng vũ trụ liền rút lui. Giờ đây, thế giới đã có đủ bộ luật để phát triển, và Thiên Chúa cũng chẳng cần can thiệp, cũng như chẳng có thể can thiệp. Thiên Chúa chỉ là một nguồn gốc xa xôi. Nhiều người có lẽ cũng chẳng muốn cho vị Thiên Chúa này chăm sóc họ. Họ không muốn bị vì Thiên Chúa này quấy rầy mình. Nhưng nơi đâu mà sự âu yếm và tình yêu Thiên Chúa bị con người xem là một phiền hà, thì nơi đó hữu thể nhân văn bị bóp méo.

Thật tốt đẹp và hết sức an ủi khi biết rằng có một ai đó yêu tôi và chăm sóc tôi. Nhưng còn quan trọng hơn thế nữa khi có một vị Thiên Chúa biết tôi, yêu tôi và lo lắng cho tôi. “Tôi biết các chiên tôi, và các chiên tôi biết tôi” (Ga 10,14), Giáo Hội dùng những Lời của Chúa để nói trước bài Tin Mừng (ngày hôm nay). Thiên Chúa biết tôi, Người chăm sóc tôi. Tư tưởng này phải làm cho chúng ta hết sức vui mừng. Chúng ta hãy để cho tư tưởng này thâm nhập sâu xa vào tâm hồn chúng ta. Và lúc đó, chúng ta cũng sẽ hiểu được nó muốn nói gì: Thiên Chúa muốn rằng chúng ta, với tư cách là linh mục, trong một điểm bé nhỏ của lịch sử, chúng ta chia sẻ những mối bận tâm của Chúa đối với con người. Với tư cách là linh mục, chúng ta muốn mình là những con người hiệp thông với tình âu yếm của Chúa đối với con người, chúng ta chăm sóc họ, chúng ta cho phép họ cảm nghiệm được một cách cụ thể hơn tình âu yếm của Thiên Chúa. Bất cứ lĩnh vực hoạt động nào được giao phó cho linh mục, cùng với Chúa, linh mục phải có thể nói: Tôi biết các chiên tôi, và các chiên tôi biết tôi”. “Biết”, theo nghĩa Kinh Thánh, không bao giờ có nghĩa là một cái biết ngoại tại, như thể ta biết số điện thoại của một ai đó. “Biết” có nghĩa là ở gần con người đó một cách thiêng liêng. “Biết” có nghĩa là yêu mến người đó. Chúng ta phải cố gắng “biết” mọi người như Chúa đã “biết” và vì Chúa; chúng ta phải cố gắng đi với họ trên con đường tình bạn của Thiên Chúa.

Giờ đây, ta hãy quay lại Thánh vịnh của chúng ta. Ta đọc thấy: “Người dẫn tôi đi trên con đường đoan chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, nếu con bước qua thung lũng âm u, con chẳng sợ hãi gì, vì Chúa ở cùng con: cây gậy Ngài hướng dẫn con vững dạ an tâm” (23 (22), 3-4). Vị mục tử chỉ đường ngay nẻo chính cho những ai được giao phó cho Người. Người đi trước hướng dẫn họ. Chúng ta diễn tả cách khác: Chúa mạc khải cho chúng ta thấy hữu thể nhân văn được kiện toàn như thế nào một cách đúng đắn. Người dạy chúng ta nghệ thuật làm người. Tôi phải làm gì để không phải vội vã, để không lãng phí cuộc đời trong phi nghĩa? Đó là câu hỏi mà bất cứ ai cũng đặt ra cho mình, và câu hỏi ấy đều có giá trị cho bất cứ lứa tuổi nào trong đời. Và ở vào thời đại chúng ta thì đâu là bóng tối! Bao giờ cũng thế, lời nói của Đức Giêsu lại đến trong tâm trí ta. Người luôn thương cảm mọi người, bởi vì họ như những con chiên không người chăn. Lạy Chúa, xin cũng hãy thương xót chúng con! Xin hãy chỉ cho chúng con đường đi! Nhờ Tin Mừng, chúng ta biết Đức Kitô là đường. Sống với Đức Kitô, đi theo Người –có nghĩa là khám phá ra con đường ngay thẳng, để cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, và để cho chúng ta có thể nói được rằng: “Phải, sống là một điều tốt đẹp”. Dân Do Thái đã và đang biết ơn Thiên Chúa, bởi vì qua các Giới răn, Người đã chỉ cho họ thấy con đường sự sống. Đại Thánh vịnh 119 (118) biểu lộ niềm vui về sự kiện sau đây: chúng ta không dò dẫm bước đi trong bóng tối. Thiên Chúa chỉ cho chúng ta thấy đâu là đường đi, làm thế nào để có thể bước đi một cách đúng đắn. Điều mà các Giới răn nói tới đã được tổng hợp trong cuộc đời của Đức Giêsu và đã trở nên một mẫu mực sống động. Như thế, chúng ta hiểu rằng những chỉ dẫn của Thiên Chúa không phải là những sợi xích, nhưng là con đường Người chỉ cho chúng ta. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc về điều đó, và vui mừng vì qua Đức Kitô những chỉ thị này đang ở trước mắt chúng ta như một thực tại đã được cảm nghiệm. Chính Người làm cho chúng ta được hạnh phúc. Khi cùng bước đi với Đức Kitô, chúng ta trải nghiệm được niềm vui của sự Mạc khải, và với tư cách là linh mục, chúng ta phải truyền đạt cho mọi người niềm vui gắn liền với sự kiện là Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống.

Kế tiếp là lời nói liên quan đến “thung lũng âm u” mà Người dẫn con người đi qua. Con đường mỗi người chúng ta bước đi một ngày nào đó sẽ dẫn chúng ta đến thung lũng âm u, nơi đây không một ai có thể đồng hành với chúng ta. Và Đức Kitô sẽ ở đó. Chính Đức Kitô đã bước vào màn đêm tăm tối của cái chết. Trong thung lũng này, Người không bỏ rơi chúng ta. Trong thung lũng này, Người hướng dẫn chúng ta. Nếu “con bước xuống âm ty: Chúa vẫn ở đó”, Thánh vịnh 139 (138) đã nói như thế. Phải, lạy Chúa, Chúa cũng đang hiện diện trong sự vất vả cuối cùng của con người, và như thế, Thánh vịnh đáp ca của chúng ta có thể nói lên sự kiện sau đây: ở đó cũng thế, trong thung lũng âm u, con chẳng sợ hãi gì. Tuy nhiên, khi nói về thung lũng âm u, chúng ta cũng có thể nghĩ đến những thung lũng tối tăm của những cơn cám dỗ, của thất vọng nản lòng, của thử thách, mà bất cứ hữu thể nhân văn nào cũng phải vượt qua. Trong những thung lũng này, Chúa cũng đang ở đó. Vâng lạy Chúa, trong những cảnh tối tăm của cơn cám dỗ; trong những giờ phút tăm tối, giờ mà tất cả mọi ánh sáng dường như tắt cả, thì xin hãy cho con thấy Ngài đang ở đó. Xin hãy giúp chúng con là những linh mục có thể ở bên cạnh những người được giao phó cho chúng con, những người đang ở trong những đêm trường tăm tối này. Để chúng con có thể chỉ cho họ thấy ánh sáng của Ngài.

“Cây gậy Ngài hướng dẫn con vững dạ an tâm”: người chăn chiên cần gậy để chống lại thú hoang muốn tấn công đoàn chiên; chống lại những tên trộm muốn tìm bắt chiên. Ngoài cây gậy chăn ra, còn có một cây gậy móc giúp ta tì vào đó mà bước đi qua những chỗ khó khăn. Cả hai thực tại này cũng thuộc về thừa tác vụ của Giáo Hội, thừa tác vụ của linh mục. Giáo Hội cũng phải sử dụng gậy mục tử và dùng gậy này để bảo vệ đức tin chống lại những người giả mạo, chống lại những định hướng mà trong thực tế lại là những cái làm cho ta mất hướng. Ngay cả việc sử dụng gậy cũng có thể là một việc phục vụ tình yêu. Ngày hôm nay chúng ta thấy khi dung thứ cho những cách xử sự bất xứng với đời sống linh mục, thì đó không phải là tình yêu. Cũng như không phải là tình yêu khi chúng ta để cho bè rối, sự biến thể và huỷ hoại đức tin phát triển nhanh chóng, như thể chúng ta tự mình sáng tạo đức tin. Như thể đức tin không còn là hồng ân của Thiên Chúa, là viên ngọc quý giá mà chúng ta không thể để cho người ta lấy đi. Tuy nhiên, gậy mục tử đồng thời cũng phải là cây gậy móc của mục tử – cây gậy móc giúp ta có thể bước đi trên những lối đi khó khăn và giúp ta bước đi theo Chúa.

Cuối Thánh vịnh, ta thấy gợi lại bữa tiệc đã được dọn sẵn, dầu thơm xức trên đầu, chén rượu đầy tràn chan chứa, khả năng được ở với Chúa. Trong Thánh vịnh, những điều trên trước tiên diễn tả viễn tượng niềm vui của bữa tiệc cùng với sự kiện được sống với Chúa trong Đền thờ, được Người đón tiếp và phục vụ, được ở bên Người. Đối với chúng ta là những người đang dùng Thánh vịnh này để cầu nguyện cùng với Đức Kitô và cùng với Thân mình của Người là Giáo Hội, thì viễn tượng hy vọng này còn có một tầm rộng và một chiều sâu lớn lao hơn nữa. Có thể nói được rằng, qua những lời nói này, mầu nhiệm Thánh Thể đã được thể hiện trước một cách tiên tri, mà qua đó, chính Thiên Chúa đang đón tiếp chúng ta khi Người tự trao ban cho chúng ta làm của ăn – tấm bánh và chén rượu tuyệt diệu này mới có thể mang lại câu trả lời tối hậu cho cái đói và cơn khát thâm sâu của con người. Làm sao chúng ta lại không cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày chúng ta đều có thể là những thực khách ngồi vào bàn ăn của Chúa và ở bên cạnh Người? Làm sao chúng ta lại không cảm thấy hạnh phúc khi Người để lại cho chúng ta giới răn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”? Hạnh phúc bởi vì Người cho chúng ta được dọn bàn tiệc của Chúa cho con người, bởi vì Người cho phép chúng ta được trao ban Mình và Máu Người cho con người, được ban tặng cho họ hồng ân vô giá là sự hiện diện của Người. Vâng, với hết cả tâm hồn, chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện với những lời của Thánh vịnh : “Ân sủng và hạnh phúc theo tôi hết mọi ngày trong đời sống” (23 (22), 6).

Để kết luận, chúng hãy nhìn qua hai bài ca hiệp lễ được Giáo Hội đề nghị cho chúng ta qua phụng vụ ngày hôm nay. Trước tiên là lời Thánh Gioan dùng để kết luận trình thuật về cảnh đóng đinh Đức Giêsu: “Một trong những người lính dùng lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn Người; và lập tức máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34). Quả tim Đức Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu. Quả tim mở ra, và trở nên nguồn suối; máu và nước từ nguồn suối này chảy ra quy về hai Bí tích cơ bản là nguồn sống của Giáo Hội: Bí tích Thánh tẩy và Thánh Thể. Từ cạnh sườn bị đâm thâu, từ con tim mở ra đã trào lên dòng suối sự sống và dòng suối này chảy qua biết bao thế kỷ và đã khai sinh Giáo Hội. Quả tim mở ra là nguồn suối phát sinh một dòng sông sự sống mới; trong mạch văn này, chắc chắn Thánh Gioan cũng đã nghĩ đến lời sấm của Tiên tri Êdêkien, đích thân người đã thấy vọt lên từ đền thờ mới một con sông mang đến sự phì nhiêu và sự sống (Ed 47): chính Đức Giêsu là đền thờ mới, và quả tim của Người bị đâm thâu là nguồn suối phát sinh một dòng sông sự sống mới, và dòng sông này được thông truyền cho chúng ta qua Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể.

Thế nhưng, phụng vụ ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng còn có một bài ca khác được trích từ một câu nói gần với câu nói của Tiên tri Êdêkien trong Phúc Âm theo Thánh Gioan: Ai khát, hãy đến với tôi. Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh có nói: “Từ lòng Người sẽ vọt lên những dòng sông sự sống” (x. Ga 7, 37ss). Chúng ta có thể nói được là trong đức tin, chúng ta uống nước hằng sống từ Lời Chúa. Như thế, người tín hữu trở nên một nguồn suối, và mang lại cho quả đất héo khô của lịch sử nước sự sống. Chúng ta thấy được điều này nơi các Thánh. Chúng ta thấy được điều này nơi Đức Maria, là người phụ nữ vĩ đại trong đức tin và trong lòng mến, dọc suốt dòng thời gian, đã trở nên nguồn suối đức tin, tình yêu và sự sống. Mỗi Kitô hữu và mỗi linh mục, phát xuất từ Đức Kitô, phải trở nên một nguồn suối thông truyền sự sống cho người khác. Chúng ta phải ban tặng nước sự sống cho một thế giới đau khổ vì cơn khát. Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa, bởi vì Chúa đã mở con tim Chúa ra cho chúng con; bởi vì qua cái chết và sự phục sinh của Chúa, Chúa đã trở nên nguồn suối sự sống. Xin hãy làm cho chúng con thành những con người sống động, sống động nhờ nguồn suối của Chúa, và làm cho chúng con trở nên những dòng suối có khả năng mang lại cho thời đại chúng con nước sự sống. Chúng con cám ơn Chúa vì ơn thừa tác vụ linh mục này. Lạy Chúa, xin chúc lành cho chúng con, và chúc lành cho tất cả mọi người thời đại hôm nay là những con người đang khát và đang đi tìm nước hằng sống. Amen.

Các linh mục nói tiếng Pháp thân mến, anh em gần gũi một cách đặc biệt với Thánh Gioan Maria Vianney. Tôi cầu mong cho sự gần gũi này trở nên một sự hoà hợp thực sự về mặt thiêng liêng. Ước gì gương sáng vững chắc của Thánh nhân gợi cảm hứng cho anh em, để cuộc đời tận hiến cho Chúa của anh em mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp! Tôi xin nói lại là tôi luôn tin tưởng vào anh em, và tôi khuyến khích anh em tiến xa trên con đường thánh thiện. Xin Chúa gìn giữ tất cả anh em trong Thánh Tâm rất đáng mến của Người!

Và giờ đây tôi xin chào tất cả các linh mục nói tiếng Anh đang hiện diện trong buổi cử hành hôm nay! Anh em thân mến, khi cám ơn anh em đã dành tình yêu cho Đức Kitô và cho hôn thê của Người là Giáo Hội, một lần nữa, tôi công khai xin anh em hãy sống trung thành với lời đoan hứa. Hãy phục vụ Thiên Chúa và dân tộc của anh em một cách thánh thiện và can đảm, và luôn khuôn đúc đời mình theo mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu. Xin Chúa ban dồi dào phúc lành cho những lao nhọc tông đồ của anh em!