Đức Giêsu là Thượng Tế
Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã thể hiện trước Hy tế của Người, một Hy tế không mang tính lễ nghi, nhưng cá thể. Khi chiêm ngưỡng và thờ lạy Bí tích Cực Thánh, toàn thể Giáo Hội đã nhận ra trong Bí tích này sự hiện diện thực sự và thường xuyên của Đức Giêsu Tư tế Thượng phẩm đến muôn đời.
Đức Giêsu là Thượng Tế
Cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latran – Thứ Năm, 3/6/2010
Anh chị em thân mến!
Chức linh mục của Tân Ước gắn liền cách mật thiết với Bí tích Thánh Thể. Chính vì thế, ngày hôm nay, trong ngày lễ trọng kính Corpus Domini – Thân mình Đức Kitô -, hầu như vào cuối Năm linh mục, chúng ta được mời gọi suy niệm về mối tương quan giữa Thánh Thể và chức Tư tế của Đức Kitô. Chính theo chiều hướng này mà bài đọc một và Thánh vịnh đáp ca biểu thị gương mặt của Menkixêđê đã mang lại cho chúng ta một hướng đi. Trích đoạn ngắn trong Sách Sáng thế (x. 14,18-20) khẳng định rằng ông Menkixêđê, vua Salem, là “tư tế của Thiên Chúa Tối Cao”, và do đó, “đã mang bánh và rượu nho đến” và ông “đã chúc lành cho Abraham” vừa mới thắng trận trở về; chính Abraham đã dâng một phần mười chiến lợi phẩm cho ông. Và bài Thánh vịnh, trong khổ thơ cuối, cũng chứa đựng một thành ngữ trang trọng, một lời thề của Thiên Chúa, Đấng đã tuyên bố với vị Vua Thiên Sai: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê” (Tv 110,4); như thế, Đấng Thiên Sai không những được tung hô là Vua, mà còn là Tư tế nữa. Tác giả Thư Hy Bá đã rút cảm hứng cho diễn từ dài và có cấu âm của mình từ trích đoạn này. Và chúng ta nhắc lại bài diễn từ này qua bài đáp ca: “Lạy Chúa Kitô, Ngài là tư tế đến muôn đời”: như một lời tuyên tín có một ý nghĩa đặc biệt trong ngày lễ hôm nay. Đó là niềm vui của cộng đoàn, niềm vui của toàn thể Giáo Hội, khi chiêm ngưỡng và thờ lạy Bí tích Cực Thánh, đã nhận ra trong Bí tích này sự hiện diện thực sự và thường xuyên của Đức Giêsu Tư tế Thượng phẩm đến muôn đời.
Còn trái lại, bài đọc II và bài Tin Mừng lại đặt trọng tâm trên mầu nhiệm Thánh Thể. Qua trích đoạn cơ bản từ Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (x. 11,23-26), Thánh Phaolô nhắc lại cho cộng đoàn ý nghĩa và giá trị của “bữa Tiệc Ly của Chúa” được Thánh Tông đồ truyền lại và dạy dỗ, nhưng cũng có nguy cơ bị quên lãng. Còn trái lại, bài Tin Mừng là trình thuật về phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều được Thánh Luca tường thuật: một dấu chỉ được tất cả các Thánh sử xác nhận và tiên báo về hy tế của Đức Kitô để mang lại sự sống đời đời cho nhân loại. Cả hai bản văn này đều làm nổi bật lời kinh của Đức Kitô, đang khi Người bẻ bánh. Dĩ nhiên là có một sự khác biệt rõ ràng giữa hai cảnh: khi Đức Giêsu phân phát bánh và cá cho đám đông, Người tạ ơn Chúa Cha trên trời đã quan phòng lo lắng, Người tin chắc rằng Cha trên trời sẽ không để cho họ phải thiếu thốn lương thực. Còn trái lại, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người, để cho các môn đệ có thể nuôi sống mình bằng chính Đức Giêsu, và sống hiệp thông thân tình và thực sự với Người.
Điều đầu tiên mà ta phải ghi nhớ, đó là Đức Giêsu không phải là một tư tế theo truyền thống Do Thái. Gia đình của Người không phải là gia đình tư tế, Người không thuộc dòng giống Aaron, nhưng thuộc dòng giống Giuđa, và như thế, xét về mặt pháp lý, thì chức vụ tư tế không thuộc về Người. Thân thế và hoạt động của Đức Giêsu thành
Như thế, Đức Giêsu là linh mục theo nghĩa nào? Bí tích Thánh Thể sẽ nói cho chúng ta biết. Chúng ta lại có thể khởi đi từ những lời đơn giản, những lời mô tả ông Menkixêđê: ông “mang bánh và rượu đến” (St 14,18). Đó là điều Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly: Người đã dâng bánh và rượu, và qua cử chỉ này, Người đã gồm tóm cả con người và sứ mệnh của mình. Qua hành động này, trong lời kinh đi trước đó, và trong những lời nói đi kèm theo sau, ta thấy được toàn bộ ý nghĩa của mầu nhiệm Đức Kitô, như Thư gửi tín hữu Do Thái trong một trích đoạn có tính quyết định đã diễn tả điều đó và ta cần tường thuật lại nơi đây: “Khi còn sống kiếp phàm nhân – tác giả viết khi quy chiếu về Đức Giêsu –, Người đã lớn tiếng kêu van khóc lóc dâng lời khẩn nguyện nài xin Thiên Chúa, Đấng có thể cứu Người khỏi chết; và bởi vì Người đã tùng phục trong hết mọi sự, nên đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người vẫn học cho biết vâng lời qua những đau khổ trong cuộc Khổ nạn: và như thế, một khi đã đạt đến mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh viễn cho tất cả những ai tùng phục Người. Vì Thiên Chúa đã tôn xưng Người làm Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê” (5,8-10). Bản văn này quy chiếu rõ ràng về cuộc hấp hối thiêng liêng của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, và trình bày cuộc Khổ nạn của Người như một lời kinh và một hy lễ. Đức Giêsu đang đương đầu với “giờ” của Người, giờ đưa Người đến cái chết trên cây Thập tự, và Người đang tha thiết cầu nguyện, một lời cầu nguyện hệ tại việc kết hợp ý riêng của Người với Thánh ý Chúa Cha. Ý muốn song đôi nhưng lại duy nhất này là một ý muốn của tình yêu. Qua lời kinh, thử thách thê lương mà Đức Giêsu đang đương đầu đã được biến thành hiến lễ, thành hy tế sống động.
Thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng Đức Giêsu “đã được nhận lời”. Ta phải hiểu theo nghĩa nào? Theo nghĩa Chúa Cha đã giải thoát Người khỏi chết và cho Người sống lại. Người đã được nhận lời, vì Người đã hoàn toàn phó thác cho Thánh ý Chúa Cha: chương trình tình yêu của Thiên Chúa đã có thể được thực hiện một cách tuyệt hảo trong Đức Giêsu Đấng đã vâng lời cho đến tận cùng là chết trên cây Thập tự, chính vì thế, Người đã trở nên “nguồn ơn cứu độ” cho tất cả những ai vâng phục Người. Nghĩa là Người đã trở nên vị Thượng tế, vì chính Người đã gánh trên đôi vai mình mọi tội lỗi của thế gian, như “Con Chiên Thiên Chúa”. Chính Chúa Cha đã phong cho Người chức tư tế ngay khi Người vượt qua cái chết để sống lại. Đây không phải là chức tư tế dựa theo luật Môse đã ấn định (x. Lv 8-9), nhưng dựa theo phẩm hàm Menkixêđê, dựa theo một phẩm hàm Tiên tri, và phẩm hàm này chỉ lệ thuộc vào tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa.
Chúng ta hãy quay về câu nói trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người vẫn học cho biết vâng lời qua những đau khổ trong cuộc Khổ nạn”. Chức tư tế của Đức Kitô bao gồm sự đau khổ. Đức Giêsu đã thực sự đau khổ, và Người đã đau khổ vì chúng ta. Người là Con và do đó, Người không cần học cho biết vâng lời, nhưng chúng ta, thì đúng như thế, chúng ta cần như thế, và luôn cần như thế. Do đó, Chúa Con đã mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta, và đã để cho mình được “giáo dục” trong lò đau khổ vì chúng ta, Người đã để cho đau khổ biến đổi mình, như thể hạt lúa mì, phải mục nát đi trong lòng đất để sinh bông kết hạt. Qua tiến trình này, Đức Giêsu “đã được trở nên thập toàn”, trong từ Hy Lạp là teleiotheis. Chúng ta dừng lại trên từ này, bởi vì nó rất có ý nghĩa. Từ này ám chỉ đến việc đi trọn một con đường, nghĩa là con đường giáo dục và biến đổi của Con Thiên Chúa xuyên qua đau khổ, xuyên qua cuộc khổ nạn đớn đau. Chính nhờ sự biến đổi này mà Đức Giêsu Kitô đã trở nên “Thượng tế”, và có thể cứu thoát tất cả những ai tín thác vào Người. Từ teleiotheis, được dịch đúng nghĩa là “đã được trở nên thập toàn”, thuộc về cùng một thân từ của động từ, mà trong bản dịch Hy Lạp của sách Ngũ Thư, nghĩa là năm quyển sách đầu tiên của bộ Sách Thánh, vẫn luôn được sử dụng để thánh hiến các tư tế ngày xưa. Việc khám phá này rất quan trọng, bởi vì nó cho chúng ta biết rằng cuộc Khổ nạn đối với Đức Giêsu là một cuộc thánh hiến linh mục. Người không phải là tư tế theo Lề luật, nhưng Người trở nên tư tế một cách hiện sinh khi vượt qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh. Người tế hiến thân mình làm giá cứu chuộc, và Chúa Cha, một khi tuyên dương Người lên trên tất cả mọi loài thụ tạo, đã đặt Người làm Đấng Trung gian phổ quát ban ơn cứu độ.
Trong bài suy niệm này, chúng ta hãy quay về với Bí tích Thánh Thể, mà lát nữa đây sẽ trở nên tâm điểm cho cộng đoàn phụng vụ của chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã thể hiện trước Hy tế của Người, một Hy tế không mang tính lễ nghi, nhưng cá thể. Trong bữa Tiệc ly, Người đã hành động dưới sức tác động của “tinh thần vĩnh cửu” này và sau đó, Người đã tế hiến thân mình trên cây Thánh giá (x. Thư gửi tín hữu Do Thái 9,14). Sau khi tạ ơn và dâng lời chúc tụng, Đức Giêsu đã biến bánh và rượu nho. Chính tình yêu thần linh của Người đã biến bánh và rượu: với tình yêu Đức Giêsu đã chấp nhận trước để hoàn toàn trao ban cho chúng ta. Tình yêu này không gì khác ngoài Thánh Thần, Thần Khí của Cha và của Con, Đấng thánh hiến bánh và rượu nho và biến bản chất của chúng thành Mình và Máu Chúa Giêsu, làm cho Hy lễ đổ máu sẽ được thực hiện sau đó trên Thánh giá cũng hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Như thế, chúng ta có thể kết luận rằng Đức Kitô là một linh mục thực sự và hữu hiệu, bởi vì Người được tràn đầy sức mạnh của Thánh Thần, Người có dư tràn tình yêu sung mãn của Thiên Chúa, và Người đã được như thế ngay vào “đêm Người bị phản bội”, ngay vào “giờ của tối tăm” (x. Lc 22,53). Chính sức mạnh thần linh này, cũng chính sức mạnh ấy đã thực hiện biến cố Ngôi Lời Nhập thể, đã biến đổi vũ lực cùng cực và bất công cùng cực thành hành động tột cùng của tình yêu và công lý. Đó chính là điều mà Đức Kitô đã làm với tư cách là tư tế, và Giáo Hội đã thừa kế và kéo dài trong lịch sử, dưới hai loại hình chức linh mục chung của những người đã chịu Phép Rửa tội và chức linh mục thừa tác của các thừa tác viên, để biến đổi thế giới với tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, linh mục và giáo dân, chúng ta nuôi dưỡng mình bằng cùng một Thánh Thể, tất cả chúng ta cùng phủ phục thờ lạy Bí tích Thánh Thể, bởi vì trong Bí tích Thánh Thể, Thầy và Chúa chúng ta đang hiện diện, Thân Mình thực sự của Đức Giêsu, là Hiến Vật và Tư Tế, là ơn cứu độ của thế giới đang hiện diện. Anh chị em hãy đến, chúng ta hãy hớn hở mừng vui với những bài ca vui mừng Chúa! Anh chị em hãy đến, chúng ta hãy thờ lạy Chúa! Amen.