31/10/2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần 46

Sự bùng nổ và ảnh hưởng đáng kể về mặt xã hội của những phương tiện thông tin đại chúng ngày càng trở nên quan trọng để các linh mục có thể sử dụng chúng trong thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn.

 Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần 46

“Linh mục và mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện thông tin đại chúng mới phục vụ Lời Chúa” – Chúa Nhật VII PS Lễ Chúa thăng thiên, 16/5/2010

Anh chị em thân mến,

Chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông xã hội sắp tới – “Linh mục và mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện thông tin đại chúng mới phục vụ Lời Chúa” –, may mắn thay lại nằm trong thời gian diễn ra Năm linh mục. Chủ đề giúp chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng và tế nhị của lĩnh vực mục vụ truyền thông kỹ thuật số, mà qua đó, linh mục có thể khám phá ra những khả năng mới để thi hành thừa tác vụ của mình nhằm phục vụ Lời Chúa. Các cộng đoàn Giáo Hội từ lâu vẫn sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để cổ vũ việc liên lạc và hợp tác với xã hội, và ngày càng khuyến khích cuộc đối thoại trên bình diện rộng lớn hơn, nhưng trong thời gian gần đây, sự bùng nổ và ảnh hưởng đáng kể về mặt xã hội của những phương tiện thông tin đại chúng ngày càng trở nên quan trọng để các linh mục có thể sử dụng chúng trong thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn.

Bổn phận chính yếu của linh mục là loan truyền Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa hoá thân làm người, và thông truyền ơn cứu độ của Chúa qua các Bí tích. Được Lời Chúa quy tụ, Giáo Hội nhìn nhận mình là dấu chỉ và khí cụ hiệp thông mà Thiên Chúa thiết lập với các dân tộc, và mỗi linh mục được Chúa mời gọi xây dựng mối hiệp thông này trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Đây là phẩm giá cao cả nhất và là vẻ đẹp của sứ mệnh linh mục đáp ứng một cách đặc biệt cho thách đố mà Thánh Tông đồ Phaolô đã nêu lên: “Vì chưng, Kinh Thánh nói:… không ai tin vào Người sẽ phải thất vọng… Thực thế, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu Chúa, nếu trước tiên họ không tin Người? Làm sao họ tin, nếu không được nghe nói về Người? Làm sao nghe nói về Người, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,11,13-15).

Để có thể giải đáp một cách thích đáng cho thách đố giữa những thay đổi lớn lao xét về mặt văn hoá mà thế giới người trẻ đặc biệt nhạy bén, thì dĩ nhiên ta phải sử dụng những công nghệ truyền thông mới. Thực thế, thế giới kỹ thuật số, với khả năng diễn đạt hầu như vô tận của nó, đã làm cho chúng ta ngày càng hiểu được câu thốt lên sau đây của Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Do đó, các phương tiện ngày càng được phổ biến này không những đòi hỏi chúng ta phải gia tăng trách nhiệm loan báo, mà ngày càng thôi thúc chúng ta phải có một sự cam kết có chủ đích và hữu hiệu hơn. Về vấn đề này, linh mục như thể đang đứng trước một “lịch sử mới” đang khởi đầu, bởi vì công nghệ hiện đại ngày càng tạo nên những mối tương giao chặt chẽ, và thế giới kỹ thuật số ngày càng mở rộng biên cương, nên linh mục ngày càng được kêu gọi sử dụng công nghệ này trong mục vụ của mình, và ngày càng phải dấn thân hơn để phục vụ Lời Chúa qua những phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, sự phổ biến của truyền thông đa phương tiện, và “nhiều chức năng phong phú” của nó có lẽ sẽ làm cho chúng ta nghĩ rằng đơn thuần ta chỉ cần có mặt trên trang Web, hay xem nó là một khoảng không gian mà ta cần phải hiện diện là đủ. Trái lại, linh mục cần phải có khả năng hiện diện trong thế giới kỹ thuật số mà vẫn luôn trung thành với sứ điệp Tin Mừng, để đóng vai trò riêng biệt của mình làm người hướng dẫn các cộng đoàn từ nay sẽ ngày càng thường xuyên diễn đạt tư tuởng của mình giữa những “tiếng nói” khác đến từ thế giới kỹ thuật số. Như thế cái thách đố của linh mục là loan báo Tin Mừng, ngoài những phương tiện truyền thống ra, còn phải sử dụng nguồn lực thính thị thuộc thế hệ mới nhất bao gồm những hình ảnh, video, hoạt hình, blog, trang web. Những phương tiện này có thể mở ra những viễn cảnh mới chưa hề có để đối thoại, để loan báo Tin Mừng và huấn giáo.

Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, linh mục có thể làm cho mọi người biết được đời sống của Giáo Hội, và giúp cho con người ngày hôm nay khám phá ra gương mặt của Đức Kitô. Linh mục sẽ đạt được mục tiêu này một cách tốt đẹp nhất, nếu ngay từ thời gian đào tạo, họ học cách sử dụng thế nào cho tinh thông và thích đáng những công nghệ này, song song với sự thấu hiểu sâu sắc và vững chắc về mặt thần học, và phản ánh một nền tu đức vững mạnh về đời sống linh mục, được trau dồi nhờ một cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa. Trong thế giới thông tin kỹ thuật số, sự am hiểu về phương tiện truyền thông đại chúng của linh mục có thể không nổi trội bằng quả tim linh mục của mình, bằng sự khắng khít của mình đối với Đức Kitô. Điều này không những mang lại giá trị cho hoạt động mục vụ của họ, mà còn mang lại “hồn sống” cho cả dòng truyền thông vô tận của “mạng lưới” tạo nên trang web.

Trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn quan tâm đến mọi người trong Đức Kitô, không phải là một cái gì của quá khứ, lại càng không phải là một lý thuyết mà ta đã học được, nhưng là một thực tại cụ thể mang tính thời sự. Vì chưng, mục vụ trong thế giới kỹ thuật số phải có khả năng chứng tỏ cho con người thời đại chúng ta, và cho cả nhân loại lầm lạc ngày hôm nay thấy rằng “Thiên Chúa gần gũi, rằng trong Đức Kitô, tất cả chúng ta đều thuộc về nhau” (BÊNÊDICTÔ XVI, Diễn văn đọc tại Giáo triều Rôma nhân dịp chúc mừng lễ Giáng Sinh: L’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 21/12/2009, tr.8).

Ai có thể làm tốt hơn linh mục, người của Thiên Chúa, nhờ khả năng trong ngành công nghệ kỹ thuật số hiện nay, có thể triển khai và đem ra ứng dụng một nền mục vụ có khả năng làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách cụ thể trong thế giới ngày nay, và giới thiệu sự khôn ngoan tôn giáo trong quá khứ như một kho tàng có thể gợi cảm hứng giúp chúng ta trong nỗ lực sống ngày hôm nay một cách xứng đáng, và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiệm vụ của người làm việc trong các phương tiện truyền thông đại chúng, với tư cách là một người sống đời tận hiến, là mở ra con đường cho những cuộc gặp gỡ mới, luôn bảo đảm chất lượng cho những cuộc tiếp xúc giữa con người với nhau, và để tâm đến con người, cũng như những nhu cầu thiêng liêng thực sự của họ, mang lại cho con người đang sống trong thời đại “kỹ thuật số” của chúng ta những dấu hiệu cần thiết để nhận ra Chúa; mang lại cơ hội để lớn lên trong mong chờ và hy vọng, và hiểu được Lời Chúa là lời cứu thoát và tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. Như thế, Lời Chúa có thể băng qua rất nhiều ngã tư đường được tạo nên do hệ thống “xa lộ” chằng chịt cấu tạo nên “cyberspace”, và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có chỗ đứng hợp pháp trong mỗi thời đại, kể cả thời đại chúng ta. Nhờ vào những phương tiện truyền thông đại chúng mới, Thiên Chúa có thể đi dọc theo những con đường trong các thành phố chúng ta ở, và Người có thể dừng lại trước ngưỡng cửa nhà chúng ta và tâm hồn chúng ta, và Người lại có thể nói: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Hễ ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và Ta sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).

Trong Sứ điệp năm ngoái, tôi đã khuyến khích các nhà điều hành các xí nghiệp truyền thông cổ vũ một nền văn hoá biết tôn trọng phẩm giá và giá trị của con người. Đó là một trong những con đường Giáo Hội được mời gọi để thể hiện một “nền văn hoá phục vụ” trên “lục địa kỹ thuật số” ngày hôm nay. Với Tin Mừng trên đôi tay và trong tâm hồn, ta cần tái khẳng định rằng đã đến lúc ta phải tiếp tục chuẩn bị những con đường dẫn ta đến với Lời Chúa, nhưng đồng thời, cũng phải luôn chú tâm đến những ai đang tìm kiếm; thực thế, chúng ta phải khuyến khích nỗ lực tìm kiếm của họ, và ý thức rằng đây là bước đầu loan báo Tin Mừng. Thực thế, mục vụ trong thế giới truyền thông kỹ thuật số cho phép chúng ta tiếp xúc với những tín đồ của những tôn giáo khác, tiếp xúc với những người không có tín ngưỡng và những người thuộc về những nền văn hoá khác, đòi hỏi ta phải nhạy cảm đối với những người không có niềm tin, những người chán chường, những người nuôi trong lòng ước muốn sâu xa không diễn đạt thành lời về chân lý trường cửu và tuyệt đối. Cũng như Tiên tri Isaia nhìn thấy một ngôi nhà cầu nguyện được dành cho hết mọi dân tộc (x. Is 56.7), chúng ta cũng có thể giả thiết rằng – như “tiền đường dân ngoại” trong Đền thờ Giêrusalem – trang web cũng có thể mở ra một khoảng không gian cho những ai chưa hề biết Thiên Chúa.

Sự phát triển những công nghệ mới, và thế giới kỹ thuật số nói chung được xem là một tài nguyên quý giá cho toàn thể nhân loại cũng như cho mỗi cá nhân, và nó có thể hoạt động như một tác nhân cổ vũ sự gặp gỡ và đối thoại. Nhưng sự phát triển này cũng là một thời cơ lớn cho những tín hữu. Thực thế, không một con đường nào có thể hay phải đóng lại với những ai nhân danh Đức Kitô Phục Sinh dấn thân để luôn sống gần gũi tha nhân. Đặc biệt đối với các linh mục, những phương tiện truyền thông đại chúng mới mang lại cho họ những khả năng mục vụ mới mẻ và bao la, khuyến khích họ làm nổi bật chiều kích phổ quát của sứ mạng Giáo Hội, xây dựng một mối hiệp thông rộng lớn và cụ thể, làm chứng cho thế giới ngày hôm nay sự sống bắt nguồn từ việc lắng nghe Tin Mừng của Đức Kitô, là Chúa Con vĩnh cửu đã đến để cứu thoát chúng ta. Đồng thời, linh mục phải luôn nhớ rằng sự phong phú của thừa tác vụ linh mục tiên vàn xuất phát từ chính Đức Kitô, mà ta có thể gặp gỡ và lắng nghe trong kinh nguyện, loan báo trong thừa tác vụ rao giảng và trong chứng tá đời sống, hiểu biết, yêu mến và cử hành trong các Bí tích, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể Cực Thánh và trong Bí tích Giao hoà.

Cùng với các anh em Linh mục thân mến, tôi muốn nhắc lại lời mời gọi anh em hãy khôn ngoan nắm lấy những cơ hội đặc biệt mà phương tiện truyền thông xã hội hiện đại đã mang đến cho chúng ta. Xin Chúa làm cho anh em trở nên những truyền lịnh sư hăng say của Tin Mừng trên “quảng trường” mới được tạo nên bởi những phương tiện truyền thông hiện nay.

Với tâm tình trên, tôi khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa và Thánh Quản xứ Ars phù hộ anh chị em, và với tâm tình quý mến, tôi rộng lòng ban Phép Lành Toà Thánh cho mỗi người.

Làm tại Vatican, ngày 24/1/2010, nhân ngày lễ Thánh Phanxicô de Sales.

BÊNÊDICTÔ XVI GIÁO HOÀNG