27/12/2024

Hôn nhân đồng phái

Xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Giáo sư Xavier Lacroix, Triết gia kiêm Thần học gia chuyên nghiên cứu về đề tài gia đình, về Luật Hôn nhân Đồng phái mới được Quốc hội Pháp thông qua ngày 23-4-2013. Ông hiện là một trong các nhà chuyên môn nổi tiếng của Âu châu về các liên hệ sâu xa giữa cuộc sống vợ chồng và con cái. Giáo sư đã từng là Giám đốc Học viện Khoa học Gia đình tại Lyon, miền nam nước Pháp, trong nhiều năm.

 

Hôn nhân đồng phái
 
Phỏng vấn Triết gia kiêm Thần học gia Xavier Lacroix 
về Luật Hôn nhân đồng phái mới được quốc hội Pháp thông qua ngày 23-4-2013


Ngày 23-4-2013, với 331 phiếu thuận, 225 phiếu chống và 10 phiếu trắng, Quốc hội Pháp đã thông qua Dự luật Hôn nhân Đồng phái, do Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira đưa ra ngày 3-10-2012. Văn bản dự luật đã được Thượng viện chấp nhận ngày 12-4-2013.

Với việc bỏ phiếu nói trên nước Pháp trở thành quốc gia thứ 14 chấp nhận hôn nhân đồng phái và quyền nhận con nuôi.

Vào chiều muộn cùng ngày 23-4-2013 đã xảy ra các vụ đụng độ giữa các đoàn người biểu tình và lực lượng cảnh sát tại trung tâm thủ đô Paris, khiến cho 12 người bị bắt giữ. Các người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ bảo vệ gia đình truyền thống, chống hôn nhân đồng phái. Có biểu ngữ lớn viết: “Hôn nhân: chiến thắng cay đắng”. Cả trong phòng họp Quốc hội cũng đã xảy ra cảnh “đánh võ mồm” giữa các dân biểu phò và chống Luật Hôn nhân Đồng phái vừa được thông qua. Tình hình căng thẳng đến độ ông Claude Bartolone, Chủ tịch Quốc hội, đã đe doạ phạt tiền 3 dân biểu thuộc Đảng “Hiệp nhất cho một phong trào nhân dân” UMP là Yves Albarello, Daniel Fasquelle và Marc Le Fur. Nhưng lời đe doạ này đã được thu hồi sau đó. Sau vài giờ, ông Claude đã chống chế rằng đó đã chỉ là một cố gắng kêu gọi các dân biểu trật tự.

Hôm trước ngày bỏ phiếu, nhóm “Liên hoạt động của các lực lượng trật tự” đã gửi một lá thư có thuốc nổ cho ông Claude Bartolone, viết rằng: “Các phương pháp của chúng tôi nhanh chóng hơn các cuộc biểu tình. Quý vị đã muốn chiến tranh, và quý vị sẽ có chiến tranh. Hôn nhân cho tất cả mọi người ngang hàng với việc huỷ bỏ gia đình. Sau tối hậu thư này, gia đình của quý vị sẽ khổ đau trên bình diện vật lý.” Nhóm này cũng đã gửi thư đe doạ các thẩm phán và các nhà báo phò hôn nhân đồng phái.

Bà Frigide Barjot, người tổ chức tất cả các cuộc biểu tình lớn của Phong trào “Biểu tình cho tất cả mọi người”, cho biết sẽ có một cuộc biểu tình vĩ đại ngày 26-5 tới đây. Và phong trào sẽ liên tục biểu tình cho tới khi nào Tổng thống Hollande tổ chức trưng cầu dân ý Luật Hôn nhân Đồng phái.

Trong tình hình chia rẽ nóng bỏng hiện nay, xem ra là một mâu thuẫn trầm trọng lời Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi toàn dân: “Chúng ta hãy đoàn kết liên quan tới điều chính yếu, nghĩa là chú ý tới công ăn việc làm, tái lành mạnh hoá xã hội và tin tưởng lẫn nhau”, là các vấn đề rất cấp thiết nhưng đã bị chính quyền hoàn toàn quên lãng trong các tháng qua. Chính Tổng thống và Đảng Xã hội cầm quyền của ông đã gây ra cảnh chia rẽ này trong nước vì đã tránh né không muốn đối thoại và lắng nghe các ý kiến đối nghịch của đa số dân trong nước, mà chỉ vội vã nhất quyết thông qua Luật Hôn nhân Đồng phái.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Giáo sư Xavier Lacroix, Triết gia kiêm Thần học gia chuyên nghiên cứu về đề tài gia đình, về Luật Hôn nhân Đồng phái mới được Quốc hội Pháp thông qua ngày 23-4-2013. Ông hiện là một trong các nhà chuyên môn nổi tiếng của Âu châu về các liên hệ sâu xa giữa cuộc sống vợ chồng và con cái. Giáo sư đã từng là Giám đốc Học viện Khoa học Gia đình tại Lyon, miền nam nước Pháp, trong nhiều năm.

Hỏi: Thưa Giáo sư Lacroix, Giáo sư có phản ứng nào trước những người cho rằng Luật Hôn nhân Đồng phái này tương đương với một sự “thay đổi nền văn minh”?

Đáp: Những gì đang xảy ra, ít nhất tại Pháp này, cho thấy rằng có một cung cách hành xử ngày càng có ảnh hưởng thống trị trong giới quyền bính. Nó hướng tới chỗ nói rằng thân xác không quan trọng lắm, chỉ có ý muốn và văn hoá là đáng kể thôi. Một lập trường như thế đúng thật là dẫn đưa người ta đi từ một loại thay đổi nền văn minh hướng tới chỗ tách rời thân xác và lời nói.

Hỏi: Giáo sư có bị ấn tượng bởi số người đông đảo biểu tình chống lại Dự luật Hôn nhân Đồng phái do chính quyền đảng xã hội đề ra hay không?

Đáp: Có chứ. Phản ứng này của dân chúng Pháp đã đánh động tôi rất nhiều. Họ diễn tả các điều họ tin một cách đúng đắn. Họ chống lại một quyền bính muốn áp đặt một diễn văn kỹ thuât và duy kỹ thuật trên việc truyền sinh và sự sinh nở, nhằm biện minh cho các cung cách hành xử chủ quan, nhất là nhằm biện minh cho các định hướng tính dục. Có một âm mưu cố gắng biện minh cho những gì là chủ quan với kỹ thuật. Như thế, tôi thấy các phản ứng của dân chúng là điều hợp pháp thôi.

Hỏi: Quốc hội đã lắng nghe tất cả các ý kiến liên quan tới đề tài này chưa, thưa Giáo sư?

Đáp: Xem ra là không. Các thành viên của đa số hiện nay ý thức được là họ rất mạnh. Chúng ta đang ở trong lĩnh vực chính trị, trong đó chỉ có luật của kẻ mạnh hơn là có giá trị thôi. Đa số vừa mới thắng, nhưng các lý lẽ luân lý đạo đức và nhân chủng học đã bị sử dụng để phục vụ sức mạnh này của họ.

Hỏi: Có người đã nói tới một hình thức lệch lạc của chủ nghĩa lý tưởng từ phía chính quyền, Giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Có chủ nghĩa lý tưởng trong mức độ diễn văn thống trị hướng tới chỗ nói rằng chỉ có ý muốn, nền văn hoá và luật lệ là có giá trị mà thôi. Như thế là người ta muốn tách rời luật lệ và ý muốn khỏi thân xác và khỏi thực tại. Nhưng tôi nghĩ rằng đa số dân chúng duy trì một cách trực giác ý thức ngược lại, theo lương tri con người.

Hỏi: Người ta cũng nói tới một loại “dự án nhân chủng học mới”, Giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Loại dự án này liên quan tới vài môi trường trí thức. Điều này tương đương với tư tưởng duy nhất, như tôi thích gọi nó như vậy, nhưng cũng tương đương với “cái đúng đắn một cách chính trị”. Trong lĩnh vực chính trị và quyền bính, diễn văn này ngày nay rất quan trọng. Nhưng đồng thời tôi cũng lại không tin là nó có thể ảnh hưởng nhiều trên bình diện cung cách hành xử thực sự của cá nhân.

Hỏi: Đâu là các hậu quả của kiểu suy tư hành xử và của luật mới này, cần phải sợ hãi sẽ xảy ra trong thời gian gần và trong thời gian xa, thưa Giáo sư?

Đáp: Luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trên các phong tục tập quán. Ngày nay có nhiều người thiếu các điểm tham chiếu vững chãi, nên sẽ có những người chiếu theo luật lệ một cách đơn sơ. Người ta đã chứng kiến điều này với việc phá thai. Có vài người cho rằng cuộc thảo luận đã bị khép lại một cách đơn sơ, bởi vì có một luật rồi. Tôi cho rằng số các cặp đồng phái và các cặp đồng phái nhận nuôi con ngày càng gia tăng. Nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ luôn luôn là thiểu số.

Hỏi: Trước thái độ ít chú ý tới trẻ em trong các cuộc thảo luận. Có thể nói tới một làn sóng luân lý đạo đức duy tương đối hay không, thưa Giáo sư?

Đáp: Tôi thuộc số những người đòi hỏi rằng một trẻ em và thiện ích của trẻ em phải được chú ý nhiều hơn nữa. Thật thế, xem ra đó là một thiện ích sơ đẳng của trẻ em sự kiện nó được hưởng sự khác biệt tính dục của một người cha và một người mẹ, cũng như sự tiếp nối giữa sự phong phú và mối dây con thảo. Thật vậy, các trẻ em mà đã không biết tới kinh nghiệm này gặp khổ đau lớn hơn các trẻ em khác. Nhưng trong dự luật này người ta đã muốn ưu tiên cho một loại bình đẳng giả tạo. Liên quan tới các trẻ em người ta đã không muốn thấy rằng đây là một luật kỳ thị, bởi vi nó thiết định rằng các trẻ em không được hưởng các thiện ích sơ đẳng: đó là được yêu thương và giáo dục bởi một người cha và môt người mẹ, chứ không phải bởi một cặp đồng tính.

Hỏi: Thưa Giáo sư, nói chung, Luật Hôn nhân Đồng phái này có nguy cơ đe doạ các cơ cấu hôn nhân và gia đình hay không?

Đáp: Ông Philippe Malaurie, một luật gia lớn đã nói rằng để hoàn thành việc đánh mất uy tín của gia đình cần phải rộng mở cho hôn nhân đồng phái. Và tôi sợ rằng đó là điều đang xảy ra. Hôn nhân đã bị trống rỗng ý nghĩa của nó và đang biến thành một giao kèo giữa hai cá nhân. Khi người ta chỉ nhìn vào chiều kích cá nhân, thì hôn nhân thực sự trở thành một giao kèo đơn sơ, và mất đi bản chất sâu xa của nó là cơ chế gắn liền cuộc sống chồng vợ với cuộc sống của cha mẹ.

(Avvenire 25-4-2013)