06/10/2024

Tránh để cột sống cổ chấn thương

PGS.TS.BS Võ Văn Thành, chủ tịch Hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á – Thái Bình Dương, vừa trở về sau một hội nghị nghiên cứu cột sống cổ ở khu vực đã chia sẻ những điều đơn giản có thể làm để bảo vệ cột sống cổ khỏi những chấn thương gây tàn phế…

Tránh để cột sống cổ chấn thương

PGS.TS.BS Võ Văn Thành, chủ tịch Hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á – Thái Bình Dương, vừa trở về sau một hội nghị nghiên cứu cột sống cổ ở khu vực đã chia sẻ những điều đơn giản có thể làm để bảo vệ cột sống cổ khỏi những chấn thương gây tàn phế…

 

PGS Thành cho biết:

 

– Cột sống cổ tuy chiếm chỉ bảy đốt xương sống trên tổng số 33 đốt sống ở người, nhưng lại là đoạn cột sống quan trọng hàng đầu với các bệnh lý chấn thương hay bệnh lý chỉnh hình phức tạp. Bệnh lý chấn thương cột sống cổ do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường thấy nhất hiện nay là tai nạn xe gắn máy.

Cũng có người tập yoga trồng cây chuối mà tư thế xấu, thân thể quá nặng, gập người gây gãy cổ. Có người chơi nhảy cừu lên lưng người – té cắm đầu xuống cát, nhảy tắm sông (hay ao hồ) chúi đầu xuống mực nước cạn, té cao cắm đầu xuống nền cứng, trượt té đập mặt xuống đất ngửa cổ hay cổ đập vào tường nhà khiến đầu cổ – ngực gập lại quá mức…

Người gặp nạn có thể tử vong tức thì hay khi di chuyển sai tư thế trên đường đến bệnh viện. Liệt vận động tứ chi, bí tiểu có thể thấy ngay sau khi bị chấn thương cột sống cổ hoặc xuất hiện sau khi chuyển bệnh nhân sai tư thế. Bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, loét da, teo cơ và rất nhiều biến chứng khác cần theo dõi điều trị kịp thời.

* Xin hỏi ông cách phòng tránh và cần lưu ý gì khi cấp cứu nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ?

– Mục tiêu chính khi sơ cứu người bị chấn thương cột sống cổ là cho bệnh nhân nằm bất động để không làm tổn thương tủy sống cổ thêm. Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng hay ván cứng có lót mền hay nệm mỏng, hai bên đầu chêm hai túi cát. Cột hay dán: vùng trán, vùng ngực… xuống hai bên cáng khiêng hay ván cứng.

Không cho ngồi, không vác vai hay kéo lê bệnh nhân cổ gập, không chở ngồi trên xe gắn máy, không chở ngồi trên xe đạp, xích lô hay taxi… Hành động sơ cứu tuy giản dị nhưng cứu được khoảng 25% bệnh nhân chấn thương cột sống cổ khỏi tử vong trên đường đến bệnh viện.

 

Phòng tránh chấn thương cột sống cổ có thể thực hiện được trong đa số trường hợp: khi lái xe phải làm chủ tốc độ, tôn trọng Luật giao thông, không uống rượu bia say xỉn, không gọi điện thoại cầm tay khi đang lái xe. Đội mũ bảo hộ trong nhà kho, công trường, lâm trường. Phải quan sát kỹ trước khi nhảy tắm chúi đầu xuống hồ hơi hay sông nước… Ngoài ra, về mặt khách quan, cơ quan chức năng có trách nhiệm chú ý chất lượng và luôn bảo trì tốt đường sá giúp người dân tránh những tai nạn sụp ổ gà, ổ trâu…

 

* Nhiều người đau ở sau gáy không xoay cổ được, đi khám bác sĩ nói thoái hóa đốt sống cổ phải mổ. Người bệnh sợ mổ, đi châm cứu bấm huyệt, thấy giảm đau. Vậy khi nào phải mổ?

– Đây thuộc nhóm bệnh lý chỉnh hình cột sống cổ, bao gồm các bệnh như bệnh lý tủy sống cổ (thường gặp sau tuổi 40 do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và sau tuổi 50 do thoái hóa cột sống cổ).

Một số trường hợp tủy sống cổ bị chèn ép do cột hóa dây chằng dọc sau hay dây chằng vàng. Cần lưu ý không phải ai bị chẩn đoán thoái hóa đĩa đệm hay thoát vị đĩa đệm đều bị bệnh này, mà chỉ một tỉ lệ nhỏ mắc bệnh. Bệnh lý rễ thần kinh cổ (ít gặp hơn, cổ thường rất đau, nhất là khi xoay cổ và ngó ngoái cổ ra sau lên trời).

Lao cột sống cổ; viêm dính cột sống cổ; vẹo cột sống cổ do co rút cơ ức đòn chủm; còng cột sống cổ do bệnh lý đa u sợi thần kinh; vẹo cột sống cổ do dị tật bẩm sinh; đau cơ sợi vùng cổ – vai – quanh xương bả vai (đây là bệnh lý thường gặp có liên quan đến sự căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày, trầm cảm. Bệnh nhân có biểu hiện đau hai bên gốc cổ khi ấn vào nơi bám cơ cổ…

Giải quyết vấn đề căng thẳng, giảm áp lực, thư giãn, dùng thuốc chống trầm cảm hay các loại khác dưới sự hướng dẫn của bác sĩ giúp lấy lại thăng bằng trong cuộc sống sẽ giải quyết bệnh lý này); thấp ngoài khớp ảnh hưởng đau vùng cổ (đau khớp do viêm khớp dạng thấp, đau cổ vai, giới hạn cử động xoay, cúi hay ngửa cổ. Sáng ngủ dậy có thể bị đơ cổ và thường xuyên mỏi cổ…).

Việc chẩn đoán không còn khó khăn với kỹ thuật hình ảnh học hiện đại. Phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm luôn là mấu chốt của vấn đề bảo vệ sức khỏe.

Nhiều bệnh nhân tiền mất tật mang do bị “can thiệp quá trớn” bằng các quảng cáo: đốt sống cao tầng, đốt laser giảm áp, cắt đĩa sống nội soi, thậm chí mổ cắt đĩa thay đĩa đệm không đúng chỉ định, không cần thiết, nhưng lại sinh biến chứng liệt tứ chi hay hạ chi.

Bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng cẩn thận trước khi khảo sát hình ảnh học tỉ mỉ; sau đó kết hợp các dữ liệu để hình thành chẩn đoán chính xác, phù hợp cả lâm sàng và hình ảnh học. Chỉ định phẫu thuật lại càng phải thận trọng hơn nữa.

Day bấm huyệt là cách điều trị không quy ước, không phải lúc nào cũng chỉ định hợp lý mà tính cảm tính nhiều hơn.

* Bệnh nhân BHYT có được thừa hưởng các kỹ thuật cao?

– Trong điều trị phẫu thuật với dụng cụ tốn kém thường xảy ra hai trường hợp. Đơn cử bệnh lý tủy sống cổ do thoát vị đĩa đệm cổ:

1. Dụng cụ cần thiết nhưng mắc tiền: hàn xương với ghép mào chậu và nẹp tốn hơn mươi triệu đồng.

2. Dụng cụ không cần thiết mà mắc tiền: thay đĩa đệm cột sống cổ một tầng có khi chỉ định đã vô lý trong điều kiện nước ta (hiện ở bệnh viện tư thu ít nhất 70 triệu), hai tầng càng vô lý vì tai biến nhiều mà không cần (bệnh viện tư thu 130 triệu), có ca mổ thoái hóa đĩa đệm không chỉ định thay mà vẫn được thay, không hữu hiệu lại liệt vận động tứ chi (do chỉ định sai), thay đĩa đệm ba tầng thì càng… tệ hơn dù càng tốn tiền! Ngay khi chỉ định đúng, những nghiên cứu mới nhất trong điều trị thoát vị đĩa đệm cổ cho thấy không khác nhau trong việc hàn xương tốn hơn mươi triệu so với thay một tầng đĩa sống tốn hơn 70 triệu. Về mặt kinh tế y tế vĩ mô, việc lạm dụng không chỉ làm khổ dân mà tốn kém cho xã hội là con số khổng lồ.

Với bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được chi trả hết dưới ngưỡng chi nào đó tùy theo bệnh, nếu trên ngưỡng tiền hưởng kỹ thuật cao thì người bệnh phải tự trả.

KIM SƠN