17/09/2024

Chúa Nhật III PS – C: Đấng Phục Sinh là Chúa đất trời

Nếu không tin Đấng Phục Sinh luôn có mặt từng giây phút trong đời sống, lo lắng cho ta từng miếng ăn, giấc ngủ, có lẽ nhiều lần ta mất niềm vui vì phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy vui luôn vì Đấng làm chủ trời đất muôn vật luôn hiện diện bên ta.

 

Đấng Phục Sinh là Chúa đất trời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta ‎ý thức sự hiện diện của Đấng Phục Sinh là Chúa của đất trời trong đời sống thường ngày của mình để giữ mãi niềm vui như Lời nguyện Nhập lễ đã nhắc nhở: “Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, xin cho chúng con luôn giữ mãi niềm vui Chúa ban”.

Nếu không tin Đấng Phục Sinh luôn có mặt từng giây phút trong đời sống, lo lắng cho ta từng miếng ăn, giấc ngủ, có lẽ nhiều lần ta mất niềm vui vì phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy vui luôn vì Đấng làm chủ trời đất muôn vật luôn hiện diện bên ta. Các bài Kinh Thánh, nhất là bài Tin Mừng, muốn ta xác tín về điều đó.

1. Đấng Phục Sinh là Chúa đất trời mang lại ơn cứu độ cho vạn vật

Trong bài sách Khải Huyền (x. Kh 5,11-14) thánh Gioan kể cho chúng ta rằng: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó tất cả đều tung hô: xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời”. Nếu nối kết lời kể này với sự việc xảy ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ thấy Đấng Phục Sinh chính là Con Chiên bị giết đã sống lại. Trời đã tối sầm lại vào giữa trưa hôm đó để đồng cảm với Người, trái đất rúng động khi Người tắt thở thì nay lại vui mừng vì được cứu thoát nhờ cuộc sống lại của Người. Vì thế, Đức Giêsu là Chúa của đất trời.

Bài tin Mừng (x. Ga 21,1-14) xác định rõ rệt điều quả quyết này. Các môn đệ sau một đêm vất vả không bắt được cá. Chúa Giêsu bảo họ thả lưới bên phải mạn thuyền, họ làm theo và kéo lên được một mẻ lưới lạ lùng, có đến 153 con cá lớn, vậy mà lưới không bị rách (x. Ga 21,11). Cá thường chỉ bắt được ban đêm, còn khi trời sáng, thấy bóng người là chúng trốn mất. Hơn nữa, thuyền chỉ cách bờ khoảng 100 thước thì làm sao có cá lớn bơi vào. Nếu cá lớn quẫy mạnh, lưới sẽ bị rách. Chúa Giêsu làm phép lạ này cho chúng ta hiểu rằng Đấng Phục Sinh làm chủ vạn vật, làm chủ thiên nhiên sau khi chiến thắng cái chết.

Phép lạ này của Chúa Giêsu còn lạ lùng và lớn lao hơn phép lạ Chúa đã từng làm cho các môn đệ khi gọi họ trở thành những người chinh phục lòng người (x. Lc 5,1-11) trước khi Người sống lại từ cõi chết. Khi đó họ cũng vất vả suốt đêm không bắt được gì, họ đã phải chèo thuyền ra chỗ nước sâu, số cá bắt được tuy nhiều nhưng không phải tất cả là cá lớn và hầu như rách cả lưới (x. Lc 5,4). Còn lần này là cá to, ở chỗ nước nông và lưới không bị rách. Các chi tiết đó muốn diễn tả sự mới mẻ trong cách làm chủ đất trời, vạn vật của Đấng Phục Sinh.

Hơn nữa, chúng ta đừng quên rằng khi Đấng Phục Sinh đứng trên bờ biển gọi các môn đệ, Người chỉ là một khách bộ hành hỏi thăm chứ không mang theo gì hết. Nhưng khi các môn đệ vào bờ “họ lại thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa” (Ga 21,9). Điều này muốn diễn tả Đấng Phục Sinh là Chúa vạn vật, chỉ cần phán một lời là tất cả đều có sẵn, không cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá của con người như phép lạ trước khi Người chịu chết (Ga 6,1-15). Đó cũng là những chi tiết thêm vào cho ta xác tín quyền làm chủ của Người.

Đấng Phục Sinh làm chủ vạn vật, là Chúa đất trời bởi vì qua cái chết giao hoà vũ trụ vạn vật với Thiên Chúa Tạo Hoá là Cha của Người, Người đã tái tạo thế giới vạn vật để giải thoát chúng khỏi sự hư nát mà con người, qua tội lỗi của Adam-Eva, đã buộc chúng phải chịu đựng: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,19-21). Vì thế, các chi tiết trong lần hiện ra này của Đấng Phục Sinh muốn diễn tả Chúa Giêsu đã giải thoát vạn vật trong vũ trụ nên vạn vật phục quyền Người.

2. Đấng Phục Sinh uy quyền hiện diện trong đời sống thường ngày của con người

Một điểm có lẽ ít được quan tâm, đó là Đấng Phục Sinh bây giờ đang hiện diện bên cạnh con người, lo lắng cho con người từng giây từng phút để họ cảm nghiệm được sự sống mới mẻ, kỳ diệu của Người. Sau những biến cố ở Giêrusalem và bận rộn với các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, các môn đệ đã trở về Galilê. Vì là những ngư phủ nên họ trở về với đời sống thường ngày: ông Phêrô và các bạn rủ nhau đi đánh cá. Họ đã quen sống với cái lưới cái thuyền, với con sóng ngọn gió, với ngày nắng đêm lạnh, với niềm vui khi đánh được cá và nỗi buồn khi thuyền trở về không.

Họ đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì hết. Họ đang đói và lạnh, buồn và mệt. Vì thế, Đấng Phục Sinh cho họ thấy sự có mặt của Người, dù chỉ thấy mờ mờ trên bãi biển. Họ cần nghe được tiếng Người dù vọng từ xa. Họ cần làm theo sự chỉ dẫn của Người thì mới thành công và an vui. Dù có vẻ xa cách trên bờ, Chúa vẫn dõi mắt theo họ. Nhưng hình như họ quên mất sự hiện diện của Người trong đời thường. Lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra này chỉ muốn chứng tỏ Người luôn hiện diện trong đời thường của họ, giúp họ cảm nhận tình yêu của Đấng Phục Sinh khi Người cho họ đánh được mẻ cá lớn lạ lùng, khi Người chuẩn bị có sẵn lửa hồng để sưởi ấm, có cá nướng và bánh nóng để no lòng sau một đêm họ vất vả, đói, lạnh.

Rất nhiều khi chúng ta cũng giống như các môn đệ ấy: chỉ cảm nghiệm được Chúa Giêsu trong những gì phi thường, bất thường mà không cảm nghiệm được Người trong đời sống bình thường của mình. Chúng ta không dám nghĩ rằng Chúa Giêsu đang lo lắng cho chúng ta từng cái ăn, giấc ngủ, từng phút đau đớn, bệnh tật, thử thách… Có những lúc chúng ta cảm thấy bất lực, thất bại, không làm được gì cho ra hồn…. Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta hãy xác tín rằng: Người luôn ở bên ta.Với tình yêu của người môn đệ ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Người như môn đệ Gioan để nói lên được câu “Chúa đó!” (x. Ga 21,7). Nhiều lúc ta nghĩ rằng: mối lợi này, chiếc xe này, căn nhà này có được là do tài năng và may mắn của mình, do sự bất ngờ ngẫu nhiên nào đó chứ không phải do Chúa.

Chúng ta đang được mời gọi nhìn vào Đấng Phục Sinh trong cuộc sống thường ngày để giữ được niềm vui, bình an, sức mạnh giúp ta vượt qua những cơn thử thách và để cảm tạ Chúa vì những may mắn có được trong đời. Nhiều người tín hữu Việt Nam có lẽ quên mất Đấng Phục Sinh trong đời sống thường ngày. Đến nhà thờ nào ta cũng chỉ thấy Đàng Thánh Giá với cái chết đau thương của Người. Mấy trăm năm rồi hình như người tín hữu chỉ nghĩ đến việc loan truyền cái chết,  đau khổ, thử thách, thất bại chứ không nói đến sự sống, hạnh phúc, niềm vui, chiến thắng của Chúa trong đời mình để diễn tả thành một đời sống quân bình, ổn định.

Thánh Ingtiô Loyola, sáng lập dòng Tên, năm 1544, trong cuốn Những Bài Linh Thao của ngài, đã viết lên 14 chặng Đường Ánh Sáng với 14 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Nhiều dân tộc đã có Đàng Ánh Sáng bên cạnh Đàng Thánh Giá để cho cuộc sống người tín hữu được quân bình. Nếu muốn thành công trong việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu, có lẽ người tín hữu phải đi thêm Đàng Ánh Sáng. Mấy ngày nay trên màn ảnh Truyền hình, nhiều người chúng ta xem lại bộ phim Hoàn Châu Cách Cách Phần 2 gồm 48 tập. Phim vui và rất ăn khách vì cô Tiểu Yến Tử trong vai Hoàn Châu Cách Cách gặp chuyện đau khổ đến mấy cũng cười, cũng vui, nên tạo cho phim sức hấp dẫn. Đời sống của người tín hữu Công giáo cũng vậy, làm sao ta phải tràn đầy niềm vui trong sáng và sự sống phi thường của Đấng Phục Sinh, ta mới thu hút được người khác tin theo Đức Kitô.

Lời kết

Hôm nay chúng ta hãy tuyên xưng Đấng Phục Sinh là chủ của đất trời, của vạn vật. Người hiện diện trong đời sống thường ngày của ta để luôn can thiệp, nâng đỡ cũng như mời gọi ta làm chứng cho Người. Từ đó ta sẽ thay đổi thái độ đối với vạn vật, thay vì xem chúng là những phương tiện vô hồn, để thoả mãn nhu cầu, ta cần yêu thương chúng như những người em nhỏ trong đại gia đình Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Có thế chúng ta mới có thể ra lệnh để gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều như Người.