15/01/2025

Trường “phục thiện” cho học sinh cá biệt

Gần 200 học sinh cá biệt đang “phục thiện” một cách lạ kỳ ở một ngôi trường độc nhất vô nhị tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) – Trường phổ thông nội trú, Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và thể thao (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) – nơi chuyên tiếp nhận đào tạo các học sinh cá biệt trên khắp cả nước gửi về.

Trường “phục thiện” cho học sinh cá biệt

Gần 200 học sinh cá biệt đang “phục thiện” một cách lạ kỳ ở một ngôi trường độc nhất vô nhị tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) – Trường phổ thông nội trú, Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và thể thao (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) – nơi chuyên tiếp nhận đào tạo các học sinh cá biệt trên khắp cả nước gửi về.
  • Các em học sinh của trường trong tiết thực hành gói bánh chưng – Ảnh do trường cung cấp

 

Được thành lập từ năm 2009, ngôi trường nhỏ này nằm trọn trong khuôn viên Trường ĐH Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) với khu liên hợp khép kín gồm giảng đường, sân tập, ký túc xá, nhà ăn, công viên… Trường có 30 giảng viên vừa đứng lớp dạy văn hóa vừa đảm trách các hoạt động văn thể mỹ.

Ký ức trò hư

 

Cá biệt thành tài

Theo thống kê của trường, trong những niên khóa vừa qua 100% các em học sinh lớp 12 đều tốt nghiệp THPT, nhiều em trong số đó thi đỗ các trường ĐH, CĐ trên cả nước, trong đó có các trường danh tiếng như Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Đại học Tài nguyên môi trường… Ngoài ra, nhiều em còn đoạt huy chương vàng, bạc tại các giải đấu Vovinam, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, của TP Hà Nội…

 

“Cứ học sinh nào trường khác không nhận hay đuổi học chúng tôi nhận hết” – thạc sĩ Phạm Quang Long, viện phó phụ trách trường, dí dỏm. Theo thầy Long, tính từ năm 2009 đến nay trường đã tiếp nhận hơn 200 học sinh vào học, hầu hết trong số này là học sinh cá biệt, nghiện game, vướng bạo lực học đường, bị nhà trường đuổi học… “Vì là học sinh cá biệt nên việc tiếp nhận, cảm hóa và đào tạo các em là cả quá trình dài với những phương pháp đặc thù….” – thầy Long chia sẻ.

Đ.T.Đ., một học sinh lớp 7 ở thị xã Phủ Lý (Hà Nam), là con út trong gia đình khá giả, bố kinh doanh ở Sài Gòn, còn mẹ làm ăn tận bên Nga. Ở nhà bà ngoại già yếu không thể trông nổi đứa cháu hiếu động, Đ. hết trốn học chơi game đến tụ tập đám bạn hư gây lộn. Thậm chí thú vui của Đ. hồi đó – như Đ. kể – là “mang gạch đá đi ném vỡ kính nhà người ta rồi thích thú bỏ chạy”.Nhắc tới Đ., thầy Đặng Văn Nguyên – giáo viên phụ trách Đ. – tại trường vẫn còn cảm thấy rùng mình khi nhớ lại thời điểm cậu bé nhập trường.

Thầy kể: “Khi vừa đặt chân vào phòng giám hiệu, Đ. gào thét, đập phá đồ đạc trong phòng, rồi vùng chạy leo tường băng qua cánh đồng làng chui tọt vào một nhà dân trốn mất tăm. Khi cả trường tá hỏa đi tìm, đưa được Đ. quay lại thì Đ. ngổ ngáo tuyên bố với bố mẹ mình: Ông bà đưa tôi đến đây là để cho tôi đi tù chứ gì, tôi sẽ tự tử cho ông bà coi”.

L.T.K., một học sinh cá biệt khác, vốn là con trai cưng trong gia đình bố mẹ đều là cán bộ ngành tài chính của TP Thái Nguyên. Cậu học sinh từng đứng đầu lớp của trường chuyên tỉnh mê game online đến quên ăn quên ngủ. Thường xuyên bỏ học, nướng mình vào các trò chơi điện tử nên sức học của K. sa sút nghiêm trọng. Từ cậu học sinh ngoan hiền K. thường xuyên cãi lại bố mẹ. Đỉnh điểm trong một lần bị bố đánh mắng, K. đã phản kháng lại. Thương con nhưng vì bất lực, bố mẹ K. gửi em tới trường.

Trong khi đó, N.Đ.H.N. có mẹ bán hàng ở chợ tối ngày, ba là tài xế chở hàng thường xuyên vắng nhà, không ai trông nom dạy dỗ. Chỉ mới học lớp 10 nhưng nhiều năm liền N. là một quái xế có số má ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Một lần chỉ vì thầy mắng, N. đã đánh bị thương thầy giáo của mình ngay trên lớp, sau đó N. bị trường đuổi học.

Thương tâm nhất phải kể tới N.H.A. ở Gia Lâm (Hà Nội). Bố A. chết vì nghiện ma túy từ hồi em còn nhỏ, mẹ A. cũng là con nghiện đã nhiều lần định mang con bán qua Trung Quốc để đổi tiền hút chích nhưng bất thành. Sau khi được cứu thoát, cô bé A. trở nên lì lợm, bất cần được đưa về ở với chị của bà ngoại. Cô Phạm Ngọc Oanh – giáo viên phụ trách ở trường – nhắc lại câu chuyện khiến cô từng “chết khiếp”. Đó là lần cả lớp đang chuẩn bị nấu nướng, khi được thầy cô phụ trách đề nghị tham gia cùng, A. đã cãi lại rất hỗn. Khi thầy dạy võ lên tiếng dọa sẽ nghiêm trị, A. lạnh lùng hất ngược hàm, đoạn một tay cầm dao nhọn, tay còn lại chỉ vào dưới cổ thách thức: “Thầy đâm đây này, chỗ này nhiều máu lắm, đâm cho nhanh chết”.

Phương pháp đặc biệt

Thầy Long cho hay hầu hết các em khi mới vào trường đều tỏ ra bất hợp tác, có em quậy phá, em thì thu mình, thậm chí có em còn tuyệt thực hay đòi tự tử. “Với những học sinh cá biệt, suy cho cùng là những tâm hồn bị khiếm khuyết ở một điểm nào đó, mình phải tìm ra chỗ đó để bù đắp” – thầy Long phân tích.

Theo thầy Long, mỗi học sinh cá biệt đều mang trong mình những tố chất riêng, học sinh thích bạo lực, hay đánh nhau nếu uốn nắn đúng dễ trở thành vận động viên giỏi; trò nghiện game, mê Internet nếu đào tạo bài bản có khả năng thành những lập trình viên; hay học sinh thích đàn đúm hát hò, đầu tóc, quần áo kỳ dị… ẩn chứa những tiềm năng của các môn nghệ thuật.

Bởi vậy, khi tìm ra những tố chất đúng và áp dụng phương pháp phù hợp chắc chắn sẽ giúp những tài năng thăng hoa. Điều này lý giải cho việc khá nhiều học sinh của trường thi đỗ các trường ĐH có tiếng hay đoạt các giải cao về võ thuật, hội khỏe.

Khi các em thật sự lấy lại được cân bằng, trường mới đưa vào áp dụng các giờ học văn hóa, truyền đạt kiến thức… Thầy Long cho chúng tôi xem thời khóa biểu của trường, trong đó có những tiết học khá lạ lẫm. Ngoài những môn chủ đạo như toán, lý, hóa, ngoại ngữ…, có thêm những giờ học đàn, giờ ngoại khóa, giờ kỹ năng mềm, giờ xem phim, giờ đọc báo, viết thư hay nấu nướng…

“Chúng tôi cho các em xem phim về tình mẫu tử để các em sống có hiếu hơn, dạy các em tự nấu nướng, tự viết thư cho cha mẹ, viết đơn xin việc. Rồi cho các em tự tổ chức cắm trại, làm tiệc, dựng một chương trình văn nghệ, tổ chức phân công nhau trực nhật, nấu ăn để các em rèn luyện kỹ năng, tính tự lập cho mình” – thầy Long kể về phương pháp đặc thù của trường.

Thầy Long cho hay dù có rất nhiều chương trình vui tươi, sôi động là vậy nhưng trường cũng áp dụng kỷ luật thép để uốn nắn các em. Đó là việc lấy kỷ luật của võ thuật như đứng tấn, chạy bộ, hít đất… hay đơn giản là xách nước, nhặt rau, gọt củ quả cho phòng bếp… để xử phạt các lỗi vi phạm. Thậm chí ở trường còn có một gian phòng gọi là phòng “cấm túc”. Những học sinh vi phạm lỗi nặng sẽ được đưa vào đây cách ly mọi hoạt động, giao tiếp với bạn bè trong ba ngày để suy ngẫm. Hết thời gian kỷ luật, các em còn phải viết một bản tự kiểm điểm bằng… tiếng Anh.

“Phục thiện”

Khi chúng tôi nhắc tới chuyện ngày xưa, Đ.T.Đ. đỏ mặt ấp úng không nói nên câu. Đ. nói rằng ở trường vui nên giờ chẳng muốn về nhà, vì “về lại sợ gặp các bạn hư rồi quậy phá như ngày xưa là không tốt”.

Vô tình bắt gặp N.Đ.H.N. đang ngồi chơi đàn một mình dưới tán cây trong khu ký túc xá, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chẳng ai ngờ cậu học sinh ngỗ nghịch từng hành hung thầy giáo giờ đây là cậu trò ngoan hiền với mái tóc lãng tử đang mê mẩn với những nốt nhạc. Cô Phạm Ngọc Oanh cho hay mới đây N. đã giành huy chương bạc môn võ Vovinam tại hội diễn Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Hỏi lại chuyện ngày xưa, N. vừa kể vừa gãi đầu cười thẹn thùng: “Không hiểu sao hồi đó con lại hư vậy, giờ nghĩ lại thấy kỳ lắm”.

Còn L.T.K., đợt tết vừa rồi cậu con trai bất trị là nỗi lo toan thường trực của bố mẹ ngày nào khiến cả gia đình, họ hàng ngỡ ngàng khi vào bếp phụ mẹ nấu nướng, thời gian rảnh thì đọc sách, mỗi tối ôm đàn ghita chơi nhạc, hát cho cả nhà nghe. Trong khi đó, từ một đứa trẻ bất cần, N.H.A. giờ đây đã trở thành một nữ sinh lớp 7 đầy cá tính, chơi piano giỏi và biết nấu rất nhiều món ngon.

 

 

Mô hình tốt cần nhân rộng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngũ Duy Anh – vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục – đào tạo) – cho biết Trường phổ thông nội trú, Viện Nghiên cứu và phát triển võ Việt Nam nằm trong chuỗi hệ thống trường Olympic của Trường ĐH Thể dục thể thao Từ Sơn (thuộc Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch). “Bộ đã ghi nhận các trường hợp học sinh cá biệt khi được gia đình gửi đào tạo tại trường đã trở thành những học sinh tốt, thi đỗ các trường ĐH, CĐ. Theo tôi, đây là mô hình đào tạo đầu tiên trên cả nước có những mặt tốt cần được nhân rộng” – ông Anh cho biết.