23/01/2025

Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám mục Roma

VATICAN – 200.000 tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo hội Kitô và liên tôn đã tham dự Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô từ lúc 9:30 sáng ngày 19-3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám mục Roma

 

VATICAN – 200.000 tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo hội Kitô và liên tôn đã tham dự Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô từ lúc 9:30 sáng ngày 19-3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 8 giờ 45, ĐTC Phanxicô đã đi trên chiếc xe díp màu trắng, mui trần, không có kính chắn đạn, tiến ra Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, reo vui, vẫy cờ quốc gia của họ. Có một lúc ĐTC truyền dừng xe lại, ngài xuống xe ôm hôn một người khuyết tật, và những lúc khác, ngài ôm hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên cho ngài.

Trước Thánh lễ, lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã xuống hầm dưới Bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô và đến trước mộ của Thánh Tông Đồ trưởng. Tại đây, cùng với 10 thủ lãnh các Giáo hội Công giáo Nghi lễ Đông phương, trong đó có 4 vị Thượng phụ Giáo chủ, 4 vị Tổng Giám mục trưởng, trong số này 4 vị là Hồng y, ngài cầu nguyện và xông hương trên mộ Thánh Nhân. Từ mộ Thánh Phêrô, hai thầy phó tế đã lấy hai chiếc đĩa: một đựng dây Pallium và một đựng nhẫn Ngư phủ của ĐTC, để tháp tùng ngài trong đoàn rước tiến ra lễ đài trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Đi trước ĐTC trong đoàn rước là 180 vị đồng tế, hầu hết là các hồng y, trong phẩm phục màu trắng vàng, trong khi ca đoàn Sistina của Toà Thánh hát Kinh Cầu các Thánh xin các vị phù giúp Đức tân Giáo hoàng.

Trong đoàn đồng tế, đặc biệt cũng có 2 linh mục đó là Cha José Rodriguez Carballo, người Mexico, và Cha Aldolfo Nicolás Pachón, người Tây Ban Nha, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Hai vị được mời đồng tế trong tư cách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam.

Việc giúp lễ do 15 tu sĩ Phanxicô thuộc Đền thánh La Verna ở miền trung Italia, nơi thánh Phanxicô Assisi nhận 5 dấu thánh, đảm trách với sự phụ giúp của 4 thầy thuộc dòng Phanxicô Viện Tu ở Roma. Phần thánh ca trong buổi lễ do Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh gồm 65 ca viên do Nhạc trưởng là Đức ông Massimo Palombella điều khiển, cộng thêm với Ca đoàn tổng hợp gồm 80 ca viên.

Bên trái bàn thờ là 200 giám mục và 33 phái đoàn của các Giáo hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo hội Tin Lành, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô, và cả Thầy Alois Loeser, Tu viện trưởng Tu viện Đại kết Taizé, Pháp.

Cũng ở bên trái nhưng xuống phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do Thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Đạo Sikh, Jaina và Ấn giáo. Sau đó là 1.200 linh mục và chủng sinh.

Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, đứng đầu là Tổng thống Cộng hoà Italia, ông Giorgio Napolitano, Bà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân tổng thống, hoặc phó tổng thống, trong đó có Ông Joseph Biden của Hoa Kỳ.

Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực quảng trường Thánh Phêrô và đường Hoà Giải để dân chúng có thể tham dự Thánh lễ.

ĐTC tiến ra lễ đài trước sự vỗ tay vang dội của mọi người. Nhiều lá cờ quốc gia cũng được các tín hữu phất lên, dưới bầu trời đẹp.

Nghi thức nhận dây Pallium và Nhẫn Ngư phủ

Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô, theo quy định của ĐTC Bênêđictô XVI, nay được cử hành liền trước Thánh lễ, vì không phải là bí tích. Nghi thức này gồm phần trao dây Pallium Giáo hoàng và trao Nhẫn Ngư phủ.

Dây Pallium được trao cho ĐTC là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, khi được đeo vào cổ, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng. Đây là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám mục. Simeon thành Tessalonica viết: “Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hoá nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao.”

Vì thế, dây Pallium nhắc nhớ Vị Mục Tử Nhân Lành (x. Ga 10,11), vác trên vai con chiên lạc (x. Lc 15,4-7), và 3 câu trả lời yêu mến đáp lại 3 câu Chúa Giêsu Phục Sinh hỏi Thánh Phêrô, và Chúa dạy thánh nhân hãy chăn các con chiên con và chiên mẹ của Ngài (x. Ga 21,15-17).

3 vị Hồng y là Angelo Sodano, Niên trưởng HY đoàn, trưởng đẳng giám mục, ĐHY Godfried Danneels, nguyên TGM Bruxelles của Bỉ, trưởng đẳng hồng y linh mục, và ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng hồng y phó tế, lần lượt tiến lên trước mặt ĐTC. ĐHY Tauran cầu xin Thiên Chúa của hoà bình ban cho ĐGH dây Pallium đã lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô Tông Đồ, là Đấng mà Mục Tử Nhân Lành đã truyền chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài, và ngày hôm nay ĐTC kế vị thánh nhân. Xin Thánh Thần Chân Lý ban ơn soi sáng và phân định cho sứ vụ của ĐTC củng cố các anh em trong đức tin duy nhất.

Rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế tiến lên đeo dây Pallium vào cổ Đức tân Giáo hoàng, tiếp đến ĐHY trưởng đẳng linh mục Danneels kết thúc với lời nguyện: “Xin Thiên Chúa chúc lành và củng cố ơn Thánh Linh để sứ vụ của Đức tân Giáo hoàng tương ứng với sự cao cả của đoàn sủng mà Chúa đã ban cho Người.”

Sau đó là nghi thức trao nhẫn Ngư phủ. Ngay từ ngàn năm thứ I, nhẫn là biểu hiệu riêng của Giám mục. Chiếc nhẫn Ngư phủ được trao cho ĐTC Phanxiô bằng bạc có hình Thánh Phêrô đang cầm chìa khoá, có nghĩa đó là nhẫn chứng thực thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được uỷ thác cho Thánh Phêrô là củng cố các anh em mình (x. Lc 22,32). Nhẫn này được gọi là nhẫn Ngư phủ vì Thánh Phêrô là Tông Đồ Ngư Phủ (x. Mt 4,18-19). Sau khi tin vào lời Chúa Giêsu (x. Lc 5,5), thánh nhân đã thả lưới và kéo vào bờ mẻ cá lạ lùng (x. Ga 21,3-14).

ĐHY Angelo Sodano, trưởng đẳng giám mục, nói: “Kính thưa Đức Thánh Cha, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là Mục Tử và là Giám Mục của các linh hồn chúng ta, Đấng đã xây dựng Giáo Hội trên đá tảng, ban cho ĐTC Nhẫn này, ấn tín của Thánh Phêrô Ngư Phủ, Người đã sống niềm hy vọng trên biển Tiberiade và Chúa đã trao cho Người chìa khoá Nước Trời. Ngày hôm nay, ĐTC kế vị Thánh Phêrô trong Giám mục đoàn của Giáo Hội này, làm đầu trong tình hiệp thông hiệp nhất theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ. Xin Thánh Thần tình yêu được phú vào tâm hồn chúng ta làm cho ĐTC được tràn đầy sức mạnh và sự dịu dàng để giữ gìn các tín hữu Chúa Kitô, qua sứ vụ của ĐTC, trong sự hiệp thông duy nhất.”

Rồi ĐHY Sodano trao Nhẫn Ngư phủ cho ĐTC, giữa tiếng vỗ tay vang dội của cộng đoàn.

Tiếp đến là nghi thức tuân phục. Hồi ĐGH Bênêđictô XVI khai mạc sứ vụ, ngoài các hồng y còn có các đại diện linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tổng cộng là 12 người, nhưng lần này chỉ có 6 hồng y đại diện, mỗi đẳng giám mục, linh mục và phó tế 2 vị. Hai vị đứng đầu là ĐHY Giovanni Battista Re và ĐHY Bertone.

Trong nghi thức này không có đại diện linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân vì họ sẽ cử hành nghi thức tuân phục trong buổi lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành trong Mùa Phục Sinh khi đến nhận Nhà thờ Chính toà Giáo phận Roma của ngài là Đền thờ Thánh Gioan Laterano.

Thánh lễ kính Thánh Giuse với kinh nguyện và các bài đọc đi kèm bắt đầu sau Nghi thức nhận Pallium và Nhẫn Ngư phủ của ĐTC.

Bài Tin Mừng được hát bằng tiếng Hy Lạp kể lại sự tích Thánh Giuse sau khi thấy Đức Maria có thai, thì toan tính âm thầm bỏ rơi Người, nhưng đã được Sứ thần Chúa hiện ra trong giấc mộng và dạy hãy đón nhận Đức Maria về nhà mình.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh lễ này, khai mạc sứ vụ Phêrô trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria, và là Bổn Mạng của Giáo Hội: đây là một dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi: chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện, đầy lòng quý mến và biết ơn (vỗ tay).

Tôi thân ái chào các anh em hồng y và Giám mục, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo dân. Tôi cám ơn các đại diện của các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội khác hiện diện nơi đây cũng như các đại diện của cộng đồng Do Thái và các cộng đồng tôn giáo khác. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ, các phái đoàn chính thức của bao nhiêu nước trên thế giới và ngoại giao đoàn.

Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng rằng “Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền và đón nhận hiền thê của mình” (Mt 1,24). Trong những lời này có gồm tóm sứ mạng mà Thiên Chúa uỷ thác cho Giuse, sứ mạng làm người canh giữ. Nhưng canh giữ ai? Thưa là canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nhưng đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tuỵ giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế, Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Tông huấn Redemptoris Custos, 1).

Thánh Giuse thi hành công việc canh giữ ấy như thế nào? Thưa một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỉ và trung tín hoàn toàn, cả khi Ngài không hiểu. Từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Đền thờ Jerusalem, Ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria, Hiền Thê của Ngài, trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Đền thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazareth, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi gìn giữ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Thưa trong sự luôn quan tâm để ý tới Thiên Chúa, cởi mở đối với những dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng đối với dự phóng của Chúa, không phải tới điều riêng của mình, nhưng điều mà Thiên Chúa yêu cầu Vua Davít, như chúng ta đã nghe trong Bài đọc I; Thiên Chúa không mong ước một nhà do con người làm ra, nhưng Chúa muốn lòng trung thành với Lời Ngài, với kế hoạch của Ngài; và chính Thiên Chúa xây dựng căn nhà, nhưng bằng những viên đá sống động nhờ Thánh Thần của Ngài. Và Thánh Giuse là người “canh giữ”, vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân càng nhạy cảm hơn đối với những người được ủy thác cho Ngài, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì ở chung quanh và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Các bạn thân mến, chúng ta thấy Thánh Giuse đáp ứng ơn gọi của Chúa như thế nào, với thái độ sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm điểm ơn gọi Kitô, là chính Chúa Kitô! Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo.

Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người. Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như Thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống. Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta. Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.

Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những “Vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, huỷ hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.

Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: “Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta! Nhưng để “gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng huỷ hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng!

Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều này: chăm sóc, giữ gìn, đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, Thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở đối với tha nhân, yêu thương. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!

Ngày nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho Thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau 3 câu Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập giá; Giáo hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của Thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà Thánh Matthêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (x. Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói về Abraham, người “đã tin, kiêm vững trong niềm hy vọng bất chấp mọi nghịch cảnh” (Rm 4,18). Kiên vững trong niềm hy vọng, bất chấp mọi nghịch cảnh! Cả ngày nay, đứng trước bao nhiêu chân trời đen xám, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và chính chúng ta trao ban hy vọng. Giữ gìn công trình tạo dựng, mỗi người nam nữ, với cái nhìn dịu dàng và yêu thương, đó chính là mở rộng chân trời hy vọng, là mở ra một luồng sáng giữa bao nhiêu mây mù, là mang sức nóng hy vọng! Và đối với tín hữu, đối với các tín hữu Kitô chúng ta, như Abraham, như Thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang có chân trời của Thiên Chúa được mở rộng cho chúng ta trong Chúa Kitô, được xây dựng trên đá tảng là Thiên Chúa.

Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!

Tôi cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse, của Thánh Phêrô và Phaolô, Thánh Phanxicô, xin Chúa Thánh Linh tháp tùng sứ vụ của tôi, và tôi nói với tất cả anh chị em rằng: xin cầu nguyện cho tôi! Amen.”

Các ý nguyện

Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tiếng vỗ tay của các tín hữu, lần đầu khi ngài chúc mừng lễ Bổn mạng của vị tiền nhiệm và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho người.

Trong phần lời nguyện phổ quát, đã có 5 ý nguyện được xướng lên là tiếng Nga, Pháp, Ảrap, Swahili bên Phi châu và tiếng Hoa, lần lượt cầu cho Giáo Hội: Xin Thiên Chúa toàn năng nâng đỡ mọi người, các mục tử và tín hữu, sống tuân phục vô điều kiện đối với Tin Mừng; xin Chúa gìn giữ ĐGH Phanxicô trong việc thi hành sứ vụ của người kế nhiệm Thánh Phêrô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội; cầu cho các người cầm quyền: xin Chúa soi sáng tâm trí và hướng dẫn họ trong việc xây dựng nền văn minh tình thương; cầu cho những người nghèo khổ trên trái đất: xin Chúa bồi dưỡng, an ủi và ban cho họ niềm hy vọng nhờ lòng bác ái của các tín hữu Kitô; sau cùng là cầu cho gia đình của Thiên Chúa đang tụ họp trong Thánh lễ: xin Chúa biến đổi cuộc sống của tất cả các tín hữu nên giống Chúa Giêsu.

Để rút ngắn thời gian buổi lễ, không có phần tiến dâng lễ vật, và ĐTC cũng không đích thân cho rước lễ, nhưng một thầy phó tế đã làm thay. Trong khi đó có 500 linh mục mang Mình Thánh Chúa phân phát cho các tín hữu tại khu vực hành lễ. Sau Thánh lễ, ở bên trong Đền thờ Thánh Thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm các vị thủ lãnh của 132 phái đoàn chính thức do chính phủ các nước gửi đến dự lễ. Bắt đầu là bà Tổng thống Cristina Kirchner của Argentina và Tổng thống Giorgio Napolitano của Italia.

Lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và được nhiều tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình.