Giáo hoàng của người nghèo

Giáo hoàng Francis là một giáo hoàng tiên phong theo nhiều mặt. Ngài là tu sĩ người châu Mỹ đầu tiên trở thành người đứng đầu Vatican trong hơn 1.200 năm qua, là giáo hoàng đầu tiên chọn tên hiệu Francis – vị thánh bảo trợ cho người nghèo.

Giáo hoàng của người nghèo

Trên bancông thánh đường Thánh Peter sáng 14-3 (giờ Việt Nam), chiều ngày thứ hai của mật nghị hồng y, tân Giáo hoàng Francis ra mắt trong lễ phục trắng vẫy tay chào hàng ngàn giáo dân đang chờ dưới mưa. 

Ngài hài hước kêu gọi đám đông “hãy cầu nguyện cho Chúa để ngài có thể ban phước cho tôi”, trước khi phát biểu lần đầu tiên trên cương vị giáo hoàng. Giáo hoàng Francis là một giáo hoàng tiên phong theo nhiều mặt. Ngài là tu sĩ người châu Mỹ đầu tiên trở thành người đứng đầu Vatican trong hơn 1.200 năm qua, là giáo hoàng đầu tiên chọn tên hiệu Francis – vị thánh bảo trợ cho người nghèo.

 

 

 

Tiểu sử giáo hoàng

* Ngày 17-12-1936

Tên khai sinh Jorge Mario Bergoglio tại Buenos Aires

* 1957: Học trường dòng tại  Villa Devoto

* 1969: Tấn phong linh mục

* 1998 – 2013: Bổ nhiệm tổng giám mục Buenos Aires

* Ngày 21-2-2001: Được giáo hoàng John Paul II phong hồng y

* Ngày 13-3-2013: Đắc cử giáo hoàng thứ 266 ở tuổi 76, là giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong thời kỳ hiện đại

 

Khi đức hồng y trưởng ở đẳng phó tế – hồng y người Pháp Jean – Louis Tauran xướng tên tân giáo hoàng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên (có chuyên gia gọi đó là “tiếng sét nổ giữa trời”) khi đó không phải là một trong những cái tên được nhắc đến những ngày trước trong vị trí “ứng viên nặng ký” như các hồng y Angelo Scola (Ý), Marc Ouellet (Canada) hay Odilo Pedro Scherer (Brazil).

Một số ý kiến cho rằng sự từ chức của cựu giáo hoàng Benedict XVI có thể đã khiến các hồng y đưa ra một quyết định bất thường. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Giáo hoàng Francis từng giành số phiếu bầu cao thứ hai tại mật nghị 2005 bầu ra cựu giáo hoàng Benedict XVI, theo CNN.

Giáo hoàng 76 tuổi, người trước đó hầu như ít được biết đến, được mô tả như một người sống giản dị, nồng hậu, quan tâm đến công bằng xã hội và người nghèo. Theo Washington Post, kể cả khi làm hồng y giữ chức tổng giám mục giáo phận Buenos Aires ở Argentina, ngài thích đi lại bằng phương tiện công cộng như xe buýt, tự nấu ăn, sống trong căn hộ nhỏ thuộc khu nhà ở dành cho linh mục thay vì khu dinh thự của giáo hội. Đặc biệt hơn, trong hơn 50 năm qua ngài chỉ sống với một lá phổi do lá phổi kia bị cắt bỏ sau chứng viêm phổi lúc còn trẻ. Dù vậy, các bác sĩ tin rằng sức khỏe của ngài sẽ ổn nếu có các biện pháp bảo vệ như tiêm ngừa hằng năm.

Xuất thân trong một gia đình công nhân gốc Ý làm trong ngành xe lửa, giáo hoàng chọn học ngành hóa chất nhưng rồi đi dạy văn học, tâm lý, triết học, thần học. Ngài nói thành thạo tiếng Ý, Tây Ban Nha, Đức. Dù có tư tưởng bảo thủ, chỉ trích hôn nhân đồng tính, nhưng ngài có nhiều tư tưởng cải cách như ủng hộ việc sử dụng bao cao su để ngăn các bệnh lây lan qua đường tình dục.

 

Francis I hay Francis?

Thoạt đầu, giới truyền thông đưa tin giáo hoàng mới lấy tông hiệu là Francis I. Nhưng không lâu sau đó, thông báo chính thức của Vatican cho biết tông hiệu của giáo hoàng là Francis. Theo AFP, tuy không cần phải thêm con số I vào sau tên Francis thì hiển nhiên một ngày nào đó Giáo hoàng Francis cũng sẽ là Francis I nếu như người nối ngôi ông quyết định chọn tên này để tỏ lòng tôn kính.

Hà An

 

Việc chọn tên thánh của người nghèo Francis, tên hiệu chưa từng được chọn trong 2.000 năm qua, thể hiện rõ tư tưởng của tân giáo hoàng rằng “ông sẵn sàng phụng sự”. “Đó là động thái khôn ngoan. Không phải là người Ý, không phải người châu Âu, cũng không phải người của chính quyền Rome. Chọn tên Francis nghĩa là một sự khởi đầu hoàn toàn mới”, người viết tiểu sử giáo hoàng Marco Politi nhận định. Theo nhà phân tích John Allen, tên Francis là biểu tượng của “sự nghèo hèn, khiêm nhường, giản dị và sự tái thiết”. Câu chuyện thánh Francis từng được Thiên Chúa ba lần gọi sửa lại nhà thờ thường được các tín đồ xem như biểu tượng của sự tái thiết.

Trong ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ngày 14-3 tân giáo hoàng tham dự lễ khẩn cầu Đức Mẹ đồng trinh tại nhà nguyện Santa Maria Maggiore ở Rome trước khi làm lễ tạ ơn cùng 115 hồng y tại nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra mật nghị. Ngài sẽ có bài giảng đạo đầu tiên ngày 15-3 tại cung điện Apostolic của Vatican và ra mắt báo giới vào ngày tiếp đó tại khán phòng Paul VI, nơi từ nay ngài sẽ giảng đạo hằng tuần. Lễ tuyên thệ chính thức của ngài sẽ diễn ra ngày 19-3 tại quảng trường Thánh Peter.

 

 

* “Giáo hoàng mới chia sẻ những mục tiêu chung với Liên Hiệp Quốc. Chúng ta cùng chia sẻ niềm tin rằng chúng ta có thể giải quyết những thách thức của thế giới hôm nay thông qua đối thoại”

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

* “Ông là một nhà lãnh đạo vì người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cùng với hàng triệu người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người dân Mỹ chia sẻ niềm vui trong ngày lịch sử này”

Tổng thống Mỹ Barack Obama

* “Chúng ta cầu chúc cho ông hoàn thành tốt sứ mệnh phục vụ với những gánh nặng trách nhiệm trên vai để tìm kiếm sự công bằng, bình đẳng, tình huynh đệ và hòa bình giữa loài người”

Nữ Tổng thống Argentina Cristina Kirchner

* “Thay mặt tất cả người dân Ý, chính phủ và bản thân tôi, tôi mở rộng vòng tay chào đón đức giáo hoàng bằng sự ấm áp và tôn trọng nhất”

Thủ tướng Ý Mario Monti

ANH THƯ tổng hợp