15/01/2025

Chấm dứt thời “có xin mới cấp”

Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa gửi công văn đề nghị các sở VH-TT&DL TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác thu thập các bài hát được sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và các bài hát do các nhạc sĩ VN tại hải ngoại sáng tác để tiến hành xét duyệt và công bố rộng rãi.

Chấm dứt thời “có xin mới cấp”

Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa gửi công văn đề nghị các sở VH-TT&DL TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác thu thập các bài hát được sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và các bài hát do các nhạc sĩ VN tại hải ngoại sáng tác để tiến hành xét duyệt và công bố rộng rãi.
  • Ca sĩ Đức Tuấn hát ca khúc Mùa thu chết của nhạc sĩ Phạm Duy trong chương trình Nghìn trùng xa cách tối 2-3 tại TP.HCM. Ca khúc này vừa được cấp phép biểu diễn từ tháng 4-2012 – Ảnh: T.T.D.

 Theo Cục NTBD, các sở địa phương sẽ cùng phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NTBD để cùng thực hiện. Đây được coi là động thái tích cực sau rất nhiều năm việc cấp phép phổ biến cho các ca khúc trước năm 1975 gây phiền hà cho nghệ sĩ và nhà sản xuất.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương (cục trưởng Cục NTBD) về chủ trương này:

* Thưa ông, sau nhiều năm thực hiện chế độ phải xin thì mới cấp, tại sao đến thời điểm hiện nay Cục NTBD lại chủ động việc cấp phép phổ biến cho những ca khúc này?

– Mục đích đầu tiên của chúng tôi là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về hòa hợp dân tộc đối với cộng đồng người VN đang sống ở nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhạc sĩ từng sống trong chế độ cũ. Bên cạnh đó, việc thẩm định chất lượng nghệ thuật của các bài hát trước năm 1975 cũng góp phần vào việc nâng cao nhu cầu thưởng thức của khán giả. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu hay khát vọng của con người có chất lượng nghệ thuật thì phải cho phép phổ biến.

Hơn nữa, việc cấp phép này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NTBD chủ động nắm được bài hát nào được phép phổ biến để thuận tiện hơn trong việc làm hồ sơ xin cấp phép biểu diễn hoặc sản xuất băng đĩa. Nếu cục không thu thập, công bố công khai trên báo chí, website thì doanh nghiệp sẽ lúng túng, không biết bài nào được cấp, bài nào chưa. Hiện nay khối lượng các bài hát chưa được phép phổ biến rất lớn. Giai đoạn hơn 30 năm khi đất nước bị chia cắt, bản thân các nhạc sĩ người VN ở phía Nam vĩ tuyến 17 sáng tác rất nhiều. Chúng tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết.

Không riêng gì các sở, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp, cá nhân nếu có trong tay các ca khúc được sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hay ca khúc vừa sáng tác của các nhạc sĩ VN tại hải ngoại thì gửi về Cục NTBD. Khi tập hợp được một khối lượng ca khúc tương đối tốt, hội đồng nghệ thuật sẽ thẩm định và cục sẽ cấp phép dựa trên kết quả thẩm định này. Danh sách các bài hát được phép phổ biến sẽ được công bố công khai.

 

Bà Trương Thị Thu Dung – giám đốc Trung tâm băng đĩa nhạc Rạng Đông – cho hay nhu cầu xin phép phổ biến lại những ca khúc xưa và những ca khúc của các tác giả VN sống tại hải ngoại khá lớn do trào lưu nghe và hát nhạc xưa cũng như việc ngày càng có nhiều ca sĩ hải ngoại được cấp phép về biểu diễn tại VN. Còn một danh sách rất nhiều tác phẩm hay, quen thuộc của những nhạc sĩ lừng danh của VN như: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lam Phương… đang chờ được cấp phép và phổ biến một cách chính thức, rộng rãi đến người nghe.

Q.N.

 

* Từ trước đến nay, việc cấp phép cho ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975 vẫn để lại những khúc mắc giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của khúc mắc này?

– Nguyên nhân là cơ quan nhà nước không công khai hóa các thủ tục hành chính và danh mục bài hát đã được phép phổ biến nên doanh nghiệp không nắm được. Cho nên dẫn đến tình trạng một loạt chương trình, danh mục bài hát được đưa ra mà không biết bài nào được cấp phép, bài nào chưa. Sau khi gửi hồ sơ, các sở mới rà soát rồi gửi văn bản đi văn bản lại thông báo những bài này chưa được phép phổ biến, bài kia được phép phổ biến… khiến doanh nghiệp bức xúc. Rất mất thời gian cho những người tổ chức chương trình biểu diễn lẫn ghi băng đĩa. Có thể nói đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và khi ta biết sai rồi thì phải có biện pháp khắc phục để giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc đó.

* Nhiều ý kiến phàn nàn danh mục các bài hát được phép phổ biến của Cục NTBD hơi khó truy cập vì mỗi lần đưa lên lại theo kiểu một bản tin, không thành một kho ngân hàng dữ liệu để tiện tra cứu?

– Đó là cách thức làm việc của tạp chí NTBD. Hiện nay, cục giao trách nhiệm cho tạp chí điều hành để ngoài thông tin quản lý nhà nước, tạp chí sẽ đưa toàn bộ thông tin hoạt động báo chí, ca múa nhạc… lên mạng. Tới đây cục sẽ có yêu cầu tạp chí phải có cách làm khoa học nhất để mọi người dễ dàng truy cập. Ví dụ chỉ cần gõ tên bài hát có thể tìm được ngay trong hàng nghìn hàng vạn bài được phép phổ biến. Còn bây giờ đưa lên nhưng chưa có sắp xếp khoa học.

Từ xưa đến nay việc chúng ta thẩm định và cho phép phổ biến là không thường xuyên. Chính vì vậy gây ra sự hiểu lầm là cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật có cái nhìn sai hoặc khắt khe. Theo tôi, điều quan trọng vẫn là cách làm thế nào để bản thân nghệ sĩ, nhạc sĩ, khán giả hiểu một cách chuẩn xác việc làm của cơ quan quản lý nhà nước. Đổi mới 26 năm rồi, bản thân con người cũng phải đổi mới nhận thức tư duy. Nhưng vẫn phải có quá trình chứ không phải đổi ngay, mới ngay được.

 

 

Các nhà sản xuất tiết kiệm được thời gian và công sức

Cho đến hôm qua (11-3), các đơn vị sản xuất, kinh doanh băng đĩa nhạc quen thuộc tại TP.HCM như: Bến Thành audio – video, Saigon Vafaco, Phương Nam, Tiếng Hát Việt, Rạng Đông… đều cho biết chưa nhận được công văn đề nghị thu thập các bài hát được sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và các bài hát do các nhạc sĩ VN tại hải ngoại sáng tác để tiến hành xét duyệt và công bố rộng rãi từ Cục NTBD hay Sở VH-TT&DL TP.HCM.

Tuy nhiên, đại diện các đơn vị này đều cho biết sẽ ủng hộ nhiệt tình cho công văn này. Bà Lương Minh Hồng – giám đốc Công ty Tiếng Hát Việt – chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ ý định này vì trước hết sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức cho nhà sản xuất. Nhà sản xuất cũng chủ động hơn ở khâu biên tập và thời gian dự kiến phát hành đĩa. Bởi từ trước đến nay, khi biên tập để chuẩn bị ra một sản phẩm mới, chúng tôi đều mất một khoảng thời gian để tìm hiểu xem ca khúc A hay B có được cấp phép hay chưa (nếu đó là những sáng tác cũ hay sáng tác của các nhạc sĩ đang sinh sống tại hải ngoại). Nếu là ca khúc chưa được cấp phép thì dĩ nhiên chúng tôi sẽ làm đơn xin cấp phép. Có khi đơn được duyệt, có khi không. Có khi quá trình xét duyệt nhanh nhưng cũng có khi chậm. Và cũng có trường hợp ca khúc A đã được một đơn vị/ca sĩ A xin phép và được duyệt rồi nhưng chúng tôi không biết, lại làm đơn xin cấp phép lại, khá mất công”.

Chị Hải Yến – đại diện Saigon Vafaco tiếp lời: “Cũng có một số trường hợp ca khúc A đã được cấp phép cho đơn vị A nhưng đơn vị B không biết và làm đơn xin phép lại bị từ chối. Một số ca khúc cục đã cấp phép rồi nhưng vì lý do gì đó lại rút giấy phép mà các đơn vị sản xuất không được cập nhật. Như vậy cũng rất “kẹt” cho nhà sản xuất. Nếu như có được danh sách những ca khúc đã được cấp phép và danh sách này thường xuyên cập nhật, điều chỉnh trên trang web thì tốt quá”.

Q.N.