16/01/2025

Can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có thể đi học

Tại hội thảo do Hội Cha mẹ trẻ tự kỷ, Đại sứ quán Mỹ tại VN, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 12 và 13-3 ở Hà Nội, nhiều người xúc động khi chị Nguyễn Thị Thanh T. kể câu chuyện của mình.

Can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có thể đi học

Tại hội thảo do Hội Cha mẹ trẻ tự kỷ, Đại sứ quán Mỹ tại VN, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 12 và 13-3 ở Hà Nội, nhiều người xúc động khi chị Nguyễn Thị Thanh T. kể câu chuyện của mình.
  • Chuyên viên tâm lý khám cho một trường hợp trẻ bị tự kỷ – Ảnh: T.T.D.

 

Chị T. cho hay gia đình phát hiện bé khác lạ so với bạn cùng trang lứa khi bé 2 tuổi, nên đã cho bé đi khám ở Bệnh viện Nhi T.Ư và được chẩn đoán “theo dõi tự kỷ”.

Lần mò và bế tắc

 

Trẻ ở nông thôn cũng có thể bị tự kỷ

PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng cho biết tại VN có ý kiến cho rằng bệnh tự kỷ chỉ có ở các thành phố, là bệnh của người giàu, nhưng thực tế ở các địa phương chưa có trung tâm trị liệu cho trẻ tự kỷ, việc phát hiện trẻ mắc bệnh cũng muộn hơn và việc trị liệu kém hiệu quả.

 

Gia đình tuyệt vọng rồi tự động viên phải cố gắng, đã nhờ cô giáo, nhưng cũng là mò mẫm nên hiệu quả rất thấp, đến nay bé vẫn chưa nói được chủ động, không được đi học mẫu giáo bình thường. “Tôi vô cùng hoang mang khi tiếp xúc với kiến thức nuôi dạy con và các trung tâm ở Hà Nội, bởi có nhiều thông tin trái chiều, nhiều kiến thức khác nhau, chúng tôi không biết cho con mình can thiệp, chữa trị theo hướng nào. Cũng có lúc tôi bế tắc vì con tôi vẫn không tiến bộ gì” – chị T. tâm sự.

Tình cảnh của chị T. là điển hình của nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ. Chị Nguyễn Hồng N. ở Hai Bà Trưng, Hà Nội có con gái 6 tuổi hiếu động quá mức. Bé không thể ngồi – đứng yên trong 5-10 phút mà luôn hò hét ầm nhà, nghịch ngợm luôn tay. Khi bé được 3 tuổi, chị N. cho bé đi khám và được kết luận theo dõi chứng tăng động, một hình thức rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên chị N. và gia đình không chấp nhận thực tế này, không cho bé đi điều trị cũng như can thiệp và luôn cho rằng con mình bình thường. Vì vậy đến nay bé đã 6 tuổi nhưng không thể đi học vì hiếu động quá mức, bé đã để tuột mất giai đoạn điều trị quan trọng nhất là 4-5 tuổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, hiện phần lớn bác sĩ nhi khoa ở VN chưa hiểu rõ về bệnh tự kỷ, chưa có kỹ năng chẩn đoán sớm, tỉ lệ đến viện muộn lên đến 43%, qua giai đoạn “vàng” để can thiệp.

Trẻ vẫn có cơ hội hòa nhập cộng đồng

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bùi Thành (Trung tâm Phát triển chương trình hỗ trợ trẻ em) mang đến một trường hợp: bé Nguyễn Hoàng Q., 42 tháng tuổi. Bé Q. là con lớn trong nhà, có bố kỹ sư và mẹ kế toán, theo lời mẹ kể do có em sớm nên Q. thường ở với bà, cháu xem tivi nhiều, bố mẹ ít dành thời gian cho con. Trong khi đó, bé vốn là một đứa trẻ có trí nhớ, nhớ và đọc chữ tốt, nhớ tên của các bạn và cô giáo, nhớ biển số xe máy của 27 giáo viên trong trường mầm non. Tuy nhiên, bé có những biểu hiện của tự kỷ như không chơi với các bạn, không chủ động trong các trò chơi, khả năng giao tiếp thụ động, hay nói một mình và nói không phù hợp tình huống …

Một trường hợp khác, bé Trần Gia H., sinh tháng 1-2009, khám lần đầu lúc 27 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo thạc sĩ Nguyễn Thu Hà (khoa tâm bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư), H. vào viện với lý do chậm nói, nhưng thăm khám thấy bé có những biểu hiện của trẻ tự kỷ như đi nhón gót, gọi ít đáp lại, không nói được, không giao tiếp bằng mắt… Xem tiền sử gia đình, khi H. dưới 2 tuổi gia đình chưa cho đi học, H. ở nhà cùng mẹ và bà hay xem tivi, nhất là chương trình quảng cáo, bé bắt chước rất ít, nét mặt thờ ơ, ít bộc lộ cảm xúc, hay tự nhìn tay mình, cuộn lưỡi, uốn lưỡi trong khi gia đình ít chú ý đến trẻ.

ThS Hà nhận định bé H. là trường hợp tự kỷ điển hình, có 4/4 biểu hiện khiếm khuyết trong tương tác xã hội (không tiếp xúc mắt, không thiết lập được mối quan hệ với bạn cùng lứa tuổi, thiếu chia sẻ, thiếu trao đổi) và 3/4 biểu hiện khiếm khuyết trong giao tiếp (chậm nói hoặc không nói, ít khả năng khởi xướng, duy trì hội thoại…) và có hành vi lặp lại, rập khuôn như hay ngắm nhìn tay, uốn lưỡi… Nếu phụ huynh phát hiện trẻ có những biểu hiện như thế nên đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để thăm khám kịp thời.

Trường hợp của bé H. và bé Q. kể trên đều được can thiệp khá thành công, khi bé H. đi học mẫu giáo được bình thường, bé Q. đang theo học trường mầm non tư thục gần nhà.

Theo GS Helen Tager- Flusberg, chuyên gia tâm lý của Đại học Boston, tại Mỹ, sau khi hoàn thành bậc học phổ thông (18 tuổi), trẻ tự kỷ sẽ được học thêm ba năm về kỹ năng. Tất nhiên không phải tất cả bệnh nhân tự kỷ ở Mỹ đều có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, nhưng đã có một tỉ lệ đáng kể bệnh nhân có việc làm sau giai đoạn học kỹ năng này. Bà Helen cho rằng giai đoạn quan trọng nhất để can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước khi các bé đến trường tức là giai đoạn 3-5 tuổi.