23/01/2025

Thánh lễ khai mạc Mật nghị bầu Giáo hoàng

Lúc 10 giờ sáng thứ ba 12-3-2013, Đức Hồng y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự Thánh lễ trong Đền thờ Thánh Phêrô cầu cho cuộc bầu Đức tân Giáo hoàng và cũng để khai mạc Mật nghị bầu Giáo hoàng.

Thánh lễ khai mạc Mật nghị bầu Giáo hoàng

 

Lúc 10 giờ sáng thứ ba 12-3-2013, Đức Hồng y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự Thánh lễ trong Đền thờ Thánh Phêrô cầu cho cuộc bầu Đức tân Giáo hoàng và cũng để khai mạc Mật nghị bầu Giáo hoàng.

Cùng đồng tế Thánh lễ đã có hầu như gần hết 170 hồng y hiện diện ở Roma, trong đó có 115 hồng y cử tri. Tham dự Thánh lễ có vài hồng y cao niên, hàng chục tổng giám mục, giám mục, hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ, 10.000 giáo dân và du khách hành hương.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Hồng y Angelo Sodano nói: “Con sẽ ca tụng lòng thương xót Chúa cho đến muôn đời” là tiếng ca một lần nữa lại vang lên bên cạnh Mộ của Tông Đồ Phêrô trong giờ phút quan trọng này của lịch sử Giáo Hội. Đó là các lời của Thánh vịnh 88 tươi nở trên môi chúng ta để thờ lạy, cám tạ và khẩn nài Thiên Chúa Cha trên trời. Lời ca đẹp này đã dẫn chúng ta vào trong sự chiêm ngắm Đấng luôn luôn canh thức trên Giáo Hội với tình yêu thương, bằng cách đỡ nâng Giáo Hội trên con đường của nó qua các thế kỷ và làm cho nó sinh động với Thánh Thần của Người.

Cả chúng ta nữa hôm nay với thái độ nội tâm này chúng ta cũng muốn dâng mình cùng với Chúa Kitô cho Thiên Chúa Cha ở trên Trời để cám ơn Người vì sự trợ giúp yêu thương Người luôn luôn dành cho Hội Thánh Người và đặc biệt cho Triều đại sáng láng Người ban cho chúng ta qua cuộc sống và các công trình của người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô, là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI kính yêu của chúng ta, mà trong lúc này đây chúng ta lặp lại tất cả lòng biết ơn của chúng ta đối với người”. Đề cập tới mục đích Thánh lễ, Đức Hồng y Sodano nói:

Đồng thời hôm nay chúng ta muốn khẩn nài Chúa, qua sự ân cần mục tử của các hồng y, mau khấng ban một mục tử tốt lành khác cho Hội Thánh Người. Chắc chắn niềm tin nơi lời hứa của Chúa Kitô liên quan tới sự bất diệt của Giáo Hội Người nâng đỡ chúng ta trong giờ này. Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Con là Đá và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và các cửa hoả ngục sẽ không thắng nổi nó” (x. Mt 16,18).

Tiếp tục bài giảng, Đức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn quảng diễn ý nghĩa các bài đọc của Thánh lễ cầu cho việc bầu tân Giáo hoàng. Bài đọc thứ nhất trích từ “Sách ủi an” (cc. 40-66) của Ngôn sứ Isaia là một lời tiên tri được hướng tới dân Israel đang sống kiếp lưu đầy bên Babylon. Thiên Chúa báo cho biết Người sẽ gửi tới cho họ một Đấng Messia tràn đầy thương xót, một Đấng Cứu Thế sẽ có thể nói: “Thần Khí của Chúa là Thiên Chúa ở trên tôi… Người đã sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo hèn, băng bó những con tim tan nát, công bố tự do cho các nô lệ, phóng thích các tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-3).

Việc thành toàn lời tiên tri ấy đã được hiện thực tràn đầy nơi Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian để làm cho tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với loài người được hiện diện. Đó là một tình yêu đặc biệt được nhận ra trong việc tiếp cận với khổ đau, bất công, nghèo túng, với tất cả sự giòn mỏng thể lý cũng như luân lý của con người. Thông điệp “Dives misericordia” (Thiên Chúa giàu lòng thương xót) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nổi tiếng liên quan tới điều này. Và người viết thêm: “Kiểu biểu lộ tình yêu này trong ngôn ngữ kinh thánh được gọi là “lòng xót thương” (Ibidem, số 3).

Thế rồi sứ mệnh thương xót này được Chúa Kitô tín thác cho các Chủ Chăn của Giáo Hội Người. Đó là sứ mệnh khiến dấn thân mọi linh mục và giám mục, nhưng còn dấn thân hơn nữa Giám mục Roma, là Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Simon, con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?… Hãy chăn các chiên con của Thầy” (Ga 21,15). Chú giải các lời này Thánh Augustinô nói: “Vì thế, chăn đắt đoàn chiên của Chúa là nhiệm vụ của tình yêu” (In Iohannis Evangelium, 123, 5: PL 35, 1967).

Thật ra, chính tình yêu này thúc đẩy các Chủ Chăn của Giáo Hội chu toàn sứ mệnh phục vụ con người của mọi thời, từ việc phục vụ bác ái tức khắc nhất cho tới việc phục vụ cao cả hơn, là cống hiến cho con người ánh sáng của Tin Mừng và sức mạnh của ơn thánh.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ cho thấy điều đó trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay (x. số 3). Thật vậy, chúng ta đọc thấy sứ điệp đó: “Đôi khi người ta có khuynh hướng hạn hẹp từ “bác ái” vào tình liên đới hay vào sự trợ giúp nhân đạo đơn thuần. Trái lại, thật là quan trọng nhắc nhớ rằng việc loan báo Tin Mừng hay “phục vụ Lời” là công trình bác ái cao cả nhất. Không có hành động thi ân nào, và như thế là bác ái, đối với tha nhân bằng việc bẻ bánh Lời Chúa, khiến cho họ tham dự vào Tin Mừng của Phúc Âm, dẫn đưa họ vào trong tương quan với Thiên Chúa: loan báo Tin Mừng là việc thăng tiến bản vị con người cao cả và toàn vẹn nhất. Như vị tôi tớ Chúa Giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong Thông điệp “Tiến bộ các Dân tộc”: Loan báo Chúa Kitô là yếu tố đầu tiên và chính yếu của sự phát triển” (x. số 16)

Bài đọc thứ hai trích từ thứ gửi tín hữu Ephêsô, được Tông Đồ Phaolô viết trong chính thành phố Roma này, trong lần bị tù đầu tiên giữa các năm 62-63 sau công nguyên.

Đó là một lá thư tuyệt vời, trong đó Phaolô giới thiệu mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội, phần đầu là giáo thuyết (ch. 1-3), phần hai trong đó có bài đọc chúng ta vừa nghe, có giọng mục vụ hơn (ch 4-6). Trong phần này, Thánh Phaolô giảng dạy các hiệu quả thực hành của phần giáo thuyết đã trình bày trước đó, và bắt đầu với một lời kêu gọi hiệp nhất Giáo Hội: “Vậy tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhu anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiếm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4,1-3).

Thế rồi Thánh Phaolô giải thích rằng trong sự hiệp nhất của Giáo Hội có các đặc sủng khác biệt, theo ân sủng đa dạng của Chúa Kitô, nhưng sự khác biệt này là để xây dựng thân mình duy nhất của Chúa Kitô: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô” (Ep 4,11-12).

Chính vì sự hiệp nhất của Thân Mình Mầu Nhiệm mà Chúa Kitô đã gửi Thánh Thần của Người và đồng thời đã thiết lập các Tông đồ, trong đó đứng đầu là Phêrô như là nền tảng hữu hình sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Trong văn bản, Thánh Phaolô cũng dạy tất cả chúng ta rằng chúng ta phải cộng tác và xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội, bởi vì để thực hiện sự hiệp nhất thì cần “sự cộng tác của mỗi khớp, theo năng lực của mỗi chi thể” (Ep 4,16). Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi cộng tác với người kế vị Thánh Phêrô, nền tảng hữu hình sự hiệp nhất ấy của Giáo Hội.

Trong phần cuối của bài giảng, Đức Hồng y Sodano đề cập tới sứ mệnh của Giáo hoàng. Ngài nói: “Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta trở về Bữa Tiệc Ly, khi Chúa nói với các Tông đồ: “Đây là điều răn của Thầy: đó là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Như thế, văn bản cũng nối liền với bài đọc thứ nhất của Ngôn sứ Isaia liên quan tới hoạt động của Đấng Cứu Thế, để nhắc nhớ chúng ta rằng tình yêu là thái độ nền tảng của các Chủ Chăn của Giáo Hội. Và chính tình yêu đó thôi thúc chúng ta hiến mạng sống mình vì anh em. Thật thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “không có tình yêu nào lớn lao hơn là tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,12).

Như thế, thái độ nền tảng của mỗi Chủ Chăn là hiến mạng sống cho các chiên của mình (x. Ga 10,15). Điều này có giá trị nhất là đối với người kế vị Thánh Phêrô, Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Bởi vì chức vụ mục tử càng cao và càng phổ quát bao nhiêu, thì tình bác ái của mục tử càng phải lớn lao bấy nhiêu. Bởi thế, trong con tim của mỗi người kế vị Thánh Phêrô luôn luôn vang lên các lời mà một ngày kia Vị Thầy và là Chúa đã nói với người thuyền chài khiêm hạ vùng Galilê: “Con có yêu Thầy hơn những người này không? Hãy chăn các chiên con của Thầy… Hãy chăn các chiên của Thầy” (x. Ga 21,15-17).

Theo gót công việc phục vụ tình yêu này đối với Giáo Hội và toàn nhân loại các vị Giáo hoàng cuối cùng đã là những tác nhân của biết bao sáng kiến tốt lành đối với các dân tộc và cộng đoàn quốc tế, bằng cách không ngừng thăng tiến công lý và hoà bình. Chúng ta hãy cầu nguyện để vị Giáo hoàng tương lai có thể tiếp nối công trình không ngừng này trên bình diện quốc tế.

Ngoài ra, việc phục vụ bác ái này là phần của bản chất sâu xa của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc nhớ điều đó khi nói rằng “cả việc phục vụ bác ái cũng là một chiều kích làm thành sứ mệnh của Giáo Hội và là kiểu diễn tả bản chất không thể khước từ được của nó” (Tông thư Tự sắc Intima Ecclesiae natura, 11-11 2012; Thông điệp Deus Caritas est, số 15).

Đó là một sứ mệnh bác ái của riêng Giáo Hội, và một cách đặc biệt là của riêng Giáo hội Roma, mà theo kiểu nói hay đẹp của Thánh Ignaxio thành Antiokia, là Giáo Hội “chủ toạ tình bác ái” (Ad Romanos, Dẫn nhập; LG 13).

Thưa các anh em, chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa ban cho chúng ta một Giáo hoàng chu toàn sứ mệnh đó với con tim quảng đại. Chúng ta xin Chúa điều đó qua sự bầu cử của Mẹ Maria Chí Thánh, Nữ Vương các Tông đồ, và lời bầu cử của tất cả các vị Tử đạo và các Thánh là những người dọc dài các thế kỷ đã khiến cho Giáo hội Roma này được vinh quang. Amen.”

Vì các bài Sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha, nên các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng tiếng Pháp, Swahili, Bồ Đào Nha, Malayalam và Đức, cầu cho Giáo Hội; cho các hồng y, xin cho các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần, được các ơn thông minh, cố vấn, khôn ngoan và phân định. Tiếp đến là cầu cho mọi dân tộc trên thế giới, cho các nhu cầu của cuộc sống con người, và cho gia đình dân Chúa hiện diện trong Thánh lễ.

Đức Hồng y Sodano đã cho một số tín hữu rước lễ trong khi mấy chục linh mục phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu khác.