23/01/2025

Lịch sử và quy luật Mật nghị bầu Giáo hoàng

VATICAN – Thứ ba ngày 12-3-2013 là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Giáo Hội: khởi đầu Mật nghị bầu vị Giáo hoàng mới kế nhiệm Đức Bênêđictô XVI. Lúc 10 giờ sáng, các hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi, đồng tế Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô do ĐHY Niên trưởng Angelo Sodano chủ sự, để cầu cho việc bầu Giáo hoàng.

Lịch sử và quy luật Mật nghị bầu Giáo hoàng

 

VATICAN – Thứ ba ngày 12-3-2013 là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Giáo Hội: khởi đầu Mật nghị bầu vị Giáo hoàng mới kế nhiệm Đức Bênêđictô XVI.

Lúc 10 giờ sáng, các hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi, đồng tế Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô do ĐHY Niên trưởng Angelo Sodano chủ sự, để cầu cho việc bầu Giáo hoàng.

Tiếp đến, lúc 4 giờ 30 chiều cùng ngày, 115 hồng y cử tri bắt đầu đi rước từ Nhà nguyện Paolina ở lầu I trong Dinh Tông Toà tiến về Nhà nguyện Sistina ở cùng lầu. Cùng đi trong đoàn rước này còn có hơn 20 người khác, đứng đầu là ĐHY Prospero Grech, 88 tuổi, người Malta, là vị được giao phó nhiệm vụ trình bày bài suy niệm cho các hồng y cử tri, tiếp đến là Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký Hồng y đoàn, Đức cha Phó Nhiếp chính, Đức ông Trưởng Ban Nghi lễ Phụng vụ của Đức Giáo hoàng và các vị phụ tá, 2 đức ông công chứng viên, ca đoàn của Đức Giáo hoàng,…

Sau khi tiến vào Nhà nguyện Sistina, các hồng y cử tri cử hành nghi thức tuyên thệ rồi, Đức ông Trưởng nghi Guido Marini sẽ tuyên bố: “Extra omnes!” Tất cả những người không phải hồng y cử tri hãy ra ngoài! Sau bài suy niệm của ĐHY Grech, các hồng y sẽ bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo hoàng. Tiếp đến, các vị đọc kinh chiều và trở về Nhà trọ Thánh Marta để dùng bữa tối.

Lịch sử Mật nghị

Trong lịch sử Giáo Hội, đây là Mật nghị thứ 75 kể từ 772 năm nay, tức là kể từ năm 1241 là năm mà Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng có hình thức như hiện nay.

Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, gọi là “Conclave”, có nguyên ngữ từ tiếng Latinh “cum-clave” nghĩa đen là “với chìa khoá” chỉ nơi đặc biệt trong nhà được khoá kín. Trong Giáo Hội, từ này được dùng theo nghĩa chuyên biệt để chỉ “nơi diễn ra cuộc bầu Giáo hoàng, có các cửa được khoá kín”, hoặc chỉ toàn bộ các hồng y tiến hành việc bầu Giáo hoàng. Từ này được ĐGH Honorio III sử dụng lần đầu tiên năm 1216, trong hoàn cảnh ngài được bầu làm Giáo hoàng.

Thật vậy, trước đó, vào năm 1179, ĐHY Alessandro III quyết định chung kết dành việc bầu Giáo hoàng cho các hồng y mà thôi và loại trừ sự tham dự của giáo dân. Nhưng số hồng y bấy giờ tương đối ít ỏi, chỉ vào khoảng từ 10 tới 20 vị, và trong thế kỷ thứ 13 không bao giờ vượt quá con số 30 hồng y. Tình trạng này cũng góp kéo dài thời gian bầu Giáo hoàng và điều ấy có nghĩa là Toà Thánh trống vị quá lâu, gây thiệt hại cho Giáo Hội. Nhiều khi thời gian bầu Giáo hoàng kéo dài nhiều tháng và có khi nhiều năm trời. Dân Chúa là những người ý thức điều đó và 4 lần họ đã bó buộc các hồng y phải tiến hành mau lẹ việc bầu Giáo hoàng bằng cách khoá kín các hồng y lại.

Thật vậy, năm 1216, dân thành Perugia ở miền trung Italia đã khoá kín các hồng y trong dinh thự thành phố nơi các vị hội họp để buộc các vị sớm bầu được vị Giáo hoàng mới. Dân thành Roma cũng hành động tương tự sau khi ĐGH Gregorio IX qua đời năm 1241: họ khoá kín các hồng y trong một dinh thự trên sườn đồi Palatino. Rồi đến dân chúng ở Anagni cũng làm như thế vào năm 1243 để chấm dứt tình trạng Toà Thánh trống vị quá lâu sau khi ĐGH Celestino IV qua đời 2 năm trước đó (1241). Vụ cuối cùng nhưng cũng là vụ nổi tiếng nhất đó là dân thành Viterbo cách Roma 80 cây số ra tay hành động: sau khi ĐGH Clemente IV qua đời năm 1268, 18 hồng y tập họp trong Dinh thự Giáo hoàng ở Viterbo để bầu người kế vị, nhưng các vị không thoả thuận được với nhau. Vua nước Pháp cũng như các nhân vật khác can thiệp yêu cầu các hồng y cố gắng thoả thuận với nhau để bầu được vị Giáo hoàng mới, nhưng vẫn không có kết quả. Bấy giờ dân thành Viterbo, với sự khuyến khích của Thánh Bonaventura, Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô, liền khoá kín Dinh thự Giáo hoàng và xây gạch bín kín tất cả các cửa ra vào để buộc các hồng y sớm thoả thuận với nhau. Dầu vậy, các hồng y trong Dinh thự vẫn không đi tới mục tiêu. Không thể kiên nhẫn hơn, dân thành liền leo lên dinh thự, tháo gỡ mái che, và chỉ cho các hồng y ăn bánh với nước lã. Sau cùng, các hồng y tìm được một thoả thuận với nhau và bầu được ĐGH Gregorio X. Tổng cộng Toà Thánh bấy giờ bị trống vị trong 2 năm, 9 tháng và 2 ngày.

Say khi đắc cử Giáo hoàng, để tránh tái diễn tình trạng tai hại như vậy, trong Công đồng Chung Lyon thứ 2 năm 1274, ĐGH Gregorio X đã công bố Tông hiến “Ubi pericolo” chính thức thành lập Conclave (Mật nghị), phê chuẩn hành động của dân Chúa. Những quy định trong Tông hiến ấy rất tỉ mỉ và nghiêm ngặt, theo đó 10 ngày sau khi Đức Giáo hoàng qua đời, các hồng y phải nhóm họp trong cùng Dinh Tông Toà nơi Đức Giáo hoàng đã qua đời, hoặc tại một thành phố khác, tuỳ theo hoàn cảnh, trong một phòng duy nhất, không có tường cũng chẳng có màn phân chia. Các hồng y buộc phải sống chung, không thể ra ngoài, cũng không được tiếp xúc với bên ngoài, không được nói bí mật với hồng y nào khác. Những chìa khoá nơi Mật nghị phải được vị Hồng y Nhiếp chính giữ ở bên trong, và những chìa khoá bên ngoài do vị tư lệnh đội binh giữ. Thực phẩm được chuyển vào bên trong Mật nghị qua một cửa sổ quay được canh giữ và kiểm soát cẩn mật để không một sứ điệp nào được chuyển qua cửa này. Nếu sau 3 ngày mà các hồng y không bầu được Giáo hoàng mới, thì trong 5 ngày kế tiếp, các hồng y chỉ được 1 đĩa thực phẩm trong bữa ăn trưa và 1 đĩa trong bữa ăn tối; sau 5 ngày ấy, các hồng y chỉ được bánh, nước lã hoặc rượu mà thôi.

Quy luật của ĐGH Gregorio X khó thực hiện, nên 2 năm sau đó bị ĐGH Adriano V và Gioan XXI bãi bỏ, và thế là tệ nạn Toà Thánh trống toà quá lâu lại tái xuất hiện. Đó là một bằng chứng hùng hồn về giá trị và hiệu năng của Tông hiến do ĐGH Gregorio X ban hành.

Thánh Celestino V, trong 5 tháng làm Giáo hoàng cho đến khi từ nhiệm, đã liên tiếp ban hành 3 sắc chỉ (Quia in futurum, 28.9.1294; Pridem 27.10.1294; Constitutionem 10.12.1294) tái lập các quy luật về Mật nghị bầu Giáo hoàng. Nhờ đó, người kế vị là ĐGH Bonifaxio VIII đã được bầu lên chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, vào ngày 24-12-1294. Ngài đã long trọng tái khẳng định các quy luật ấy. Từ đó, đã 719 năm trôi qua, các quy luật về Mật nghị Giáo hoàng liên tục được tuân hành, tuy có một số thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh và do kinh nghiệm.

Tiến tới luật hiện hành

Nhiều vị Giáo hoàng đã góp phần sửa chữa luật bầu cử với những quy định ngày càng chính xác và tỉ mỉ hơn:

– Với Tông hiến “Vacante Sede Apostolica”, Tông toà trống vị, ngày 25-12-1904, Thánh Giáo hoàng Piô X đã gồm tóm tất cả các quy luật trước đó, trong một văn kiện duy nhất, và đồng thời nghiêm cấm bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền dân sự vào mật nghị bầu Giáo hoàng.

– Năm 1975, Đức Phaolô VI ban hành Tông hiến “Romano Pontifici eligendo” (Bầu Giáo hoàng). Văn kiện này được tu chính với Tông hiến “Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1996.

ĐTC Bênêđictô XVI đã ban hành 2 tự sắc vào năm 2007 và ngày 22-2-2-13 thay đổi vài điểm trong Tông hiến của vị tiền nhiệm.

Quy luật hiện nay

Như vậy theo quy luật hiện hành, cách thức duy nhất ngày nay để bầu Giáo hoàng là bầu bỏ phiếu kín và cần phải có 2/3 số phiếu của những người hiện diện để đắc cử. Số hồng y cử tri hiện nay là 115 vị, vì thế để đắc cử Giáo hoàng trong Mật nghị từ ngày 12-3-2013 thì cần được ít là 77 phiếu.

Tính chất cô lập và bí mật của Mật nghị vẫn phải hết sức tuân giữ, đứng trước những phương tiện truyền thông tối tân ngày nay.

Tuy Tông hiến không truyền phải niêm phong kín các cửa ra vào và các cửa sổ, chặn các hành lang và thang máy, như luật trước đây, nhưng tiếp tục đòi phải cô lập các hồng y cử tri.

Trong thời gian mật nghị bầu Giáo hoàng, các hồng y cử tri không được tiếp xúc với bên ngoài, đọc báo chí, nghe Radio, coi truyền hình, dùng điện thoại, viết thư hoặc các phương tiện khác để liên lạc với người bên ngoài Mật nghị (số 57). Mục đích là để các vị được hoàn toàn tự do, không chịu một áp lực nào của bất cử ai.

Tất cả những người phục vụ trong Mật nghị bầu Giáo hoàng mà tiết lộ bí mật sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc dành riêng quyền giải cho Toà Thánh. ĐTC quy định thêm:

“Tôi cũng ra lệnh cho các hồng y cử tri, với tất cả trách nhiệm nặng nề trong lương tâm, phải giữ mọi bí mật về cuộc bầu Giáo hoàng, kể cả sau khi đã bầu vị Giáo hoàng mới và không được vi phạm điều đó bằng bất cứ cách nào, trừ khi được phép đặc biệt và rõ ràng của chính Đức Giáo hoàng. Để các hồng y cử tri có thể tránh được sự tò mò của người khác và các bẫy họ giăng ra làm thương tổn phán đoán độc lập và tự do quyết định của các vị, tôi tuyệt đối cấm, không được du nhập với bất kỳ lý do gì những máy móc để thu hoặc phát lại âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết vào nơi diễn ra cuộc bầu cử, và nếu các máy đó hiện diện tại nơi ấy, thì không được sử dụng” (số 60-61).

Đức Hồng y Nhiếp chính có nhiệm vụ nhờ các chuyên viên kỹ thuật đáng tin cậy kiểm soát nơi họp của các hồng y cử tri và Nhà nguyện Sistina để phát hiện những Micro hoặc dụng cụ thu âm, thu hình bí mật người ta có thể gắn vào đó.

Luật nghiêm cấm mọi sự can thiệp từ bên ngoài đối với việc bầu Giáo hoàng. Hồng y nào, vì bất kỳ lý do nào, nhận sứ mạng của nhà cầm quyền dân sự, bất cứ cấp nào, để đề nghị việc phủ quyết, đối với việc bầu Giáo hoàng, sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc.

Các hồng y cử tri sẽ nhóm họp mỗi ngày hai lần sáng chiều tại Nhà nguyện Sistina để bầu Giáo hoàng mới. Mỗi buổi như thế có thể có 2 lần bỏ phiếu. Khi bỏ phiếu, vị hồng y phải giơ cao phiếu của mình và đọc lời tuyên thệ theo công thức: “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ xét xử tôi, làm chứng rằng tôi bỏ phiếu cho người mà, theo Chúa, tôi thấy là phải bầu” (số 66).

Các hồng y bị liệt giường tại Nhà trọ Thánh Martha mà không đến Nhà nguyện Sistina để bỏ phiếu được, thì 3 hồng y sẽ mang thùng phiếu đến tận phòng các vị ấy để nhận phiếu bầu (số 67).

Sau 3 ngày đầu tiên bỏ phiếu mà không có kết quả, cử tri đoàn sẽ ngưng bỏ phiếu trong vòng 1 ngày để cầu nguyện, trao đổi ý kiến, và nghe huấn dụ thiêng liêng của vị hồng y trưởng đẳng phó tế, rồi lại tiếp tục bầu. Sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà vẫn không có kết quả, thì lại tạm ngưng để cầu nguyện và trao đổi. Nếu sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà không có kết quả, thì lại tạm ngưng như vậy. Đến lần bỏ phiếu thứ 33 hoặc 34 mà không kết quả 2/3 số phiếu thì các hồng y được mời gọi phát biểu ý kiến về cách bầu cử và sau đó sẽ tiến hành việc bầu theo sự quyết định của đa số tuyệt đối các cử tri (không cần sự đồng ý của toàn thể các cử tri như luật cũ đòi hỏi. Có thể chỉ bầu trong số 2 người được nhiều phiếu nhất và vẫn buộc phải được 2/3 số phiếu thì mới được coi là đắc cử (quy luật do ĐGH Bênêđictô XVI quy định năm 2007). Hai ứng viên nhiều phiếu nhất như thế không được tham gia cuộc bỏ phiếu về hai vị như vậy.

Các hồng y sẽ tiến hành việc chúc mừng và bày tỏ sự tuân phục vị tân Giáo hoàng. Sau đó, vị hồng y trưởng đẳng phó tế loan báo cho dân chúng danh tánh của vị đắc cử. Đức tân Giáo hoàng sẽ ban phép lành cho Roma và toàn thế giới từ bann công của Đền thờ Thánh Phêrô (số 89).

Để ngăn ngừa sự thoái thác của người đắc cử, ĐTC Gioan Phaolô II quy định: “Tôi xin vị đắc cử đừng vì sợ gánh nặng của chức vụ mà tránh né trách vụ đã được kêu gọi lãnh nhận, trái lại hãy khiêm tốn tuân phục ý định của Chúa. Vì Thiên Chúa, Đấng trao trách vụ ấy, cũng sẽ nâng đỡ để người đắc cử có thể vác nổi gánh nặng đó” (số 86).